1. Số người hành hương Đền thánh Giacôbê đạt kỷ lục
Năm 2023 vừa qua, số tín hữu đến hành hương tại đền thánh Giacôbê ở Santiago de Compostela ở miền tây bắc Tây Ban Nha đạt tới con số kỷ lục, với gần nửa triệu người. Theo thống kê được công bố hôm mùng 03 tháng Giêng vừa qua, con số chính xác là 446,035 người, từ các nơi trên thế giới đến hành hương tại Đền thánh Giacôbê, qua con đường mang tên thánh nhân: đông nhất là người Tây Ban Nha, chiếm 44%.
Trong số những người từ nước ngoài, đứng đầu là người Mỹ, hơn 32.000 (32.063), tiếp đến là 29.000 người Ý (29.036) rồi 24.300 người Đức, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, Mêhicô, Nam Hàn và người Ái Nhĩ Lan.
Đặc biệt, có một người Lào và một người Miến Điện. Xét về phái tính, nữ giới đứng đầu. Các tín hữu hành hương đi bộ đều nhận được chứng chỉ xác nhận cuộc hành hương của họ, do Văn phòng Hành hương ở Santiago cấp phát, miễn là họ có những con dấu xác nhận họ đã đi bộ quãng đường chót 100 cây số đến Đền thánh, hoặc 200 cây số bằng xe đạp.
2. Số Kitô hữu tại Gaza bị giết là 27 người
Từ khi xảy ra chiến tranh tại Gaza, ngày 07 tháng Mười năm 2023 vừa qua, đã có ít nhất 27 tín hữu Kitô tại miền này bị thiệt mạng, theo tin của cha Gabriel Romanelli, cha sở giáo xứ Công Giáo duy nhất ở Gaza.
Cha Romanelli là người Á Căn Đình và thuộc Dòng Ngôi Lời nhập thể. Khi xảy ra chiến tranh, cha ở Bethlehem, nhưng từ đó đến nay cha vẫn chưa được phép của quân đội Israel cho trở lại nhiệm sở.
Hôm mùng 04 tháng Giêng vừa qua, cha nói với hãng tin Công Giáo Đức KNA rằng có khoảng một trăm Kitô hữu đã có thể rời khỏi Gaza, vì có hai quốc tịch. Cha mô tả tình trạng hiện nay ở thành phố Gaza thật là kinh khủng. Sau khi quân đội Israel tạm rút khỏi khu vực quanh giáo xứ Thánh Gia, các vụ dội bom tại vùng đó lại tái diễn và gia tăng mạnh. Những người tìm cách chạy vào khuôn viên nhà thờ để lánh nạn, họ cần một sự tạm ngưng tấn công, để tới các chợ búa lân cận để tìm kiếm lương thực.
Trong tháng Mười năm ngoái, có ít nhất 18 tín hữu Kitô bị thiệt mạng trong cuộc tấn công của máy bay Israel vào khu vực cạnh nhà thờ Porphyrio của Giáo hội Chính thống, một phần thánh đường bị hư hại. Trong tháng Mười Một sau đó, một bà cụ 80 tuổi, từng là người đánh đàn trong nhà thờ đã bị bắn và chết vì mất máu, khi bà đi ra khỏi nhà thờ để về nhà. Tháng Mười Hai tiếp đó, theo tin của Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, hai mẹ con giáo dân của giáo xứ Thánh Gia bị lính bắn tỉa của Israel bắn chết trong khu vực nhà thờ. Đức Thượng phụ gọi đó là một sự việc tình bắn vào hai phụ nữ. Một số tín hữu Kitô khác chết vì thiếu thuốc men, trong đó mới nhất là Shukri Al Souri, hồi đầu tháng Giêng năm nay. Ít nhất sáu thành viên của gia đình bị thiệt mạng trong cuộc tấn công gần nhà thờ Porphyrio của Chính thống giáo, trong đó có hai anh em.
Trước chiến tranh, tại Gaza có 1.017 tín hữu Kitô, đa số là tín hữu Chính thống, và trong số này có 135 tín hữu Công Giáo. Kitô hữu chiếm 2,6% trong số gần 23.000 người bị thiệt mạng do Israel tấn công. Số tín hữu Kitô ở Gaza giảm 12,5% vì xuất cư.
3. Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Thói hư và nhân đức. 3. Tham ăn
Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại thính Đường Phaolô VI, Thứ tư, 10 tháng 1 năm 2024, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý mới về các thói hư và nhân đức. Hôm nay, ngài trình bầy phần nói về thói thăm ăn.
Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Trong hành trình dạy giáo lý của chúng ta, trên con đường dạy giáo lý mà chúng ta đang thực hiện, về các thói hư và nhân đức, hôm nay chúng ta sẽ xem xét thói xấu tham ăn. Tham ăn.
Tin Mừng nói gì với chúng ta về điều đó? Chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu. Phép lạ đầu tiên của Người, tại tiệc cưới Cana, tỏ lộ sự cảm thông của Người đối với niềm vui của con người: Người lo cho bữa tiệc được kết thúc tốt đẹp và ban cho cô dâu chú rể một lượng lớn rượu ngon. Trong tất cả sứ vụ của Người, Chúa Giêsu xuất hiện như một vị tiên tri rất khác biệt với Gioan Tẩy Giả: trong khi Gioan được nhớ đến vì lối sống khổ hạnh – ngài đã ăn những gì ngài tìm thấy trong sa mạc – thì ngược lại, Chúa Giêsu là Đấng Mêxia mà chúng ta thường thấy ở bàn ăn. Hành vi của Người gây ra tai tiếng ở một số nơi, bởi vì Người không chỉ nhân từ với những người tội lỗi, mà Người còn ăn uống với họ; và cử chỉ này chứng tỏ Người sẵn sàng hiệp thông và gần gũi với mọi người.
Nhưng thậm chí còn nhiều hơn thế nữa. Mặc dù thái độ của Chúa Giêsu đối với giới luật Do Thái cho thấy Người hoàn toàn tuân theo Lề Luật, nhưng Người vẫn tỏ ra thông cảm với các môn đệ của Người: khi họ thấy thiếu thốn, vì họ bứt lúa vì đói, Người biện minh cho họ bằng cách nhắc lại rằng ngay cả Vua Đavít và những người bạn đồng hành của ông cũng đã lấy bánh thánh (x. Mc 2:23-26). Và Chúa Giêsu khẳng định một nguyên tắc mới: khách dự tiệc cưới không được ăn chay khi có chàng rể ở với họ. Chúa Giêsu muốn chúng ta vui mừng trong sự đồng hành của Người. – Người giống như chàng rể của Giáo hội; nhưng Người cũng muốn chúng ta tham gia vào những đau khổ của Người, đó cũng là những đau khổ của những người nhỏ bé và nghèo khổ. Chúa Giêsu có tính phổ quát.
Một khía cạnh quan trọng khác. Chúa Giêsu loại bỏ sự phân biệt giữa thực phẩm trong sạch và thực phẩm không trong sạch, vốn là sự phân biệt do luật Do Thái đưa ra. Đây là lý do tại sao Kitô giáo không coi thực phẩm là ô uế. Và về điều này, Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng điều làm cho một điều gì đó tốt hay xấu, thí dụ, điều xấu về thức ăn, không phải là chính thức ăn mà là mối quan hệ chúng ta có với nó. Và chúng ta thấy điều này khi một người có mối quan hệ không ổn định với thức ăn; chúng ta thấy cách họ ăn, họ ăn vội vã, như thể muốn no nhưng không bao giờ thấy no. Họ không có mối quan hệ tốt với thức ăn, họ là nô lệ của thức ăn. Và Chúa Giêsu coi trọng lương thực và việc ăn uống, ngay cả trong xã hội, nơi có nhiều sự mất cân bằng và nhiều bệnh lý hiển hiện. Một người ăn quá nhiều hoặc quá ít. Thường người ta ăn trong cô độc. Các rối loạn ăn uống – biếng ăn, háu ăn, béo phì – đang lan rộng. Và y học và tâm lý học đang cố gắng giải quyết mối quan hệ không tốt của chúng ta với thực phẩm. Một mối quan hệ không tốt với thực phẩm sẽ tạo ra tất cả những căn bệnh này, tất cả.
Đó là những căn bệnh, thường vô cùng đau đớn, chủ yếu liên quan đến những đau khổ về tinh thần và linh hồn. Có mối liên hệ giữa sự mất cân bằng tâm lý và cách tiêu thụ thực phẩm. Cách chúng ta ăn uống là biểu hiện của một điều gì đó ở bên trong: thiên hướng cân bằng hoặc không điều độ; khả năng tạ ơn hoặc cao ngạo về quyền tự chủ; sự tương cảm của những người chia sẻ miếng ăn cho người túng thiếu, hay sự ích kỷ của những người tích trữ mọi thứ cho riêng mình. Vấn đề này rất quan trọng. Hãy cho tôi biết anh chị em ăn uống như thế nào, tôi sẽ cho anh chị em biết anh chị em sở hữu loại tâm hồn nào. Trong cách ăn uống, chúng ta bộc lộ nội tâm, thói quen, thái độ tâm lý của mình.
Các Giáo phụ xưa đã đặt cho thói tham ăn cái tên là “gastrimargia” – gastromargy, một thuật ngữ có thể dịch là “sự điên rồ của cái bụng”. Sự tham ăn là “sự điên rồ của cái bụng”. Ngoài ra còn có câu tục ngữ ăn để sống chứ không phải sống để ăn – “sự điên rồ của cái bụng”. Đó là một thói hư bám vào một trong những nhu cầu thiết yếu của chúng ta, chẳng hạn như ăn uống. Chúng ta hãy cẩn thận về điều này.
Nếu chúng ta giải thích nó từ góc độ xã hội, thì thói tham ăn có lẽ là thói xấu nguy hiểm nhất đang giết chết hành tinh. Bởi vì tội lỗi của những người khuất phục trước một miếng bánh ngọt, xét về mọi mặt, không gây ra thiệt hại lớn, nhưng tính háu ăn mà với nó, chúng ta đã cướp bóc hàng hóa của hành tinh trong vài thế kỷ nay đang làm tổn hại đến tương lai của tất cả mọi người. Chúng ta đã giành lấy mọi thứ, để trở thành chủ nhân của vạn vật, trong khi mọi thứ đều được giao cho chúng ta quản lý chứ không phải để chúng ta khai thác. Thế thì đây là tội lớn, sự điên rồ của cái bụng là tội lớn: chúng ta đã từ bỏ danh hiệu con người, để nhận một danh xưng khác, “những người tiêu dùng”. Ngày nay chúng ta nói như vậy trong đời sống xã hội, những người tiêu dùng. Chúng ta thậm chí còn không hề lưu ý khi có người bắt đầu đặt cho chúng ta cái tên này. Chúng ta được tạo dựng để trở thành những người nam nữ “của Thánh Thể”, có khả năng tạ ơn, khôn khéo trong việc sử dụng đất đai, nhưng thay vào đó, mối nguy hiểm là chúng ta trở thành những kẻ săn mồi; và bây giờ chúng ta nhận ra rằng hình thức “ háu ăn” này đã gây ra rất nhiều tai hại cho thế giới. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta trên con đường sống điều độ, để nhiều hình thức tham ăn không chiếm lấy cuộc sống của chúng ta. Cảm ơn anh chị em.