1. Thế giới có thêm 66 triệu dân cư
Trong năm vừa qua (2023), dân số thế giới tăng thêm 66 triệu người, và tính đến ngày 31 tháng Mười Hai năm 2023, có 8 tỷ 73 triệu người trên trái đất, theo viện Dân số Thế giới (DSW), có trụ sở tại thành phố Hannover, Bắc Đức.
Trong thông cáo công bố hôm 31 tháng Mười Hai năm 2023 vừa qua, Viện này cho biết con số trên đây dựa trên phúc trình của Liên Hiệp Quốc về dân số trái đất hồi tháng Bảy năm qua.
Hồi tháng Mười Một năm 2022, dân số thế giới vượt qua mức 8 tỷ người. Và Liên Hiệp Quốc ước lượng rằng vào năm 2050, sẽ có 9 tỷ 700 triệu người trên hoàn cầu, tiếp đến trong thập niên 2080, dân số trái đất sẽ tăng lên 10 tỷ 400 triệu, rồi vào năm 2.100 con số này hơn kém sẽ đứng yên. Tuy nhiên, có những nghiên cứu cho rằng sự gia tăng dân số thế giới sẽ chậm hơn mức vừa nói và theo đó, vào năm 2064, số người trên trái đất tối đa sẽ là 8 tỷ 800 triệu người.
Hồi năm 2020, lần đầu tiên từ năm 1950, tỷ lệ gia tăng dân số trái đất xuống dưới mức 1%. Hiện nay tỷ lệ này là 0,8%.
Theo một ước lượng, cách đây 2.000 năm, trên trái đất chỉ có khoảng 300 triệu người, và vào khoảng năm 1.800 lần đầu tiên con số này vượt quá một tỷ người. Năm 1927, lên tới hai tỷ và 33 năm sau đó, 1960, dân số thế giới là ba tỷ người.
59,4% dân số thế giới sống tại Á châu, và nguyên Trung Quốc với Ấn Độ, có hơn một phần ba dân số trái đất. Phần còn lại 17,8% tại Phi châu, 9,3% tại Âu châu, 8,2% tại Mỹ châu Latinh, 4,7% tại Bắc Mỹ và sau cùng là Úc châu với 0,6% dân số thế giới.
2. Ban lãnh đạo Hiệp sĩ Thánh Mộ hành hương liên đới tại Thánh địa
Đức Hồng Y Fernando Filoni, Thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ, cùng với vị Tổng quản là Đại sứ Leonardo Visconti di Modrone, đã đến hành hương tại Thánh địa, từ ngày 28 tháng Mười Hai năm 2023 đến ngày 03 tháng Giêng năm 2024, để bày tỏ tình liên đới với Giáo hội tại địa phương đang ở trong tình trạng khó khăn.
Cuộc hành hương cũng là một cử chỉ nâng đỡ cụ thể cho Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem, theo đúng ơn gọi của Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ.
Hôm mùng 01 tháng Giêng vừa qua, cũng là Ngày Hòa bình thế giới lần thứ 57, ban sáng Đức Hồng Y Filoni đã đồng tế thánh lễ với Đức Hồng Y Thượng phụ Pizzaballa tại Đồng nhà thờ chính tòa ở Giêrusalem. Trong dịp này, Đức Hồng Y Filoni, từng là Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, đã chia sẻ với các tín hữu về hòa bình như hồng ân của Thiên Chúa, một thiện ích căn bản chúng ta được kêu gọi tìm kiếm và bảo vệ, đồng thời ngài cũng bày tỏ sự gần gũi và tình liên đới của tất cả các Hiệp sĩ Thánh Mộ trên thế giới, nam cũng như nữ. Đức Hồng Y nói:
“Trong thời buổi khó khăn như hiện nay tại Thánh địa và toàn thể Giáo hội, có nhà Mẹ ở đây, tôi muốn bày tỏ với anh chị em lòng quý mến sâu đậm và mối quan tâm của tất cả các Hiệp sĩ Thánh Mộ. Họ đang theo dõi những biến cố bi thảm đang xảy ra cho nhân dân Israel và Palestine, toàn thể dân chúng đang phải chịu đau thương chưa từng có”.
Đức Hồng Y Filoni nói thêm rằng về phần mình, “Giáo hội muốn là một khí cụ hòa bình và cảm thông nhau, trong khi mời gọi tất cả, qua những lời kêu gọi khẩn thiết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các giám mục trên thế giới, hãy chống lại bạo lực, mong ước và tìm kiếm con đường sống chung trong sự tôn trọng nhau cho những người sống tại phần đất này, nơi có nguồn gốc mạc khải của Thiên Chúa cho người Do thái, Kitô và Hồi giáo. Oán ghét là điều không thuộc về Thiên Chúa”.
Về phần Đức Hồng Y Thượng phụ Pizzaballa, trong bài giảng, ngài khích lệ các tín hữu Kitô tại Thánh địa hãy tạo nên “sự khác biệt” và nói: “Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, càng ngày tôi càng xác tín rằng ơn gọi và sứ mạng chính yếu của cộng đoàn Kitô bé nhỏ tại đây là: nuôi dưỡng ước muốn gặp gỡ, vun trồng tự do trong tương quan với tất cả mọi người, vượt thắng những ranh giới về chủng tộc, tôn giáo, và căn tính. Đó là ước mơ của tôi và cũng là “sự điên rồ” mà tôi muốn chia sẻ với Giáo hội yêu quý nhỏ bé này tại Giêrusalem”.
Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem có từ thế kỷ XIV và hiện có mục đích là trợ giúp Giáo Hội Công Giáo tại Thánh địa.
3. Chế độ độc tài ở Nicaragua kết thúc năm 2023 với 2 giám mục và 15 linh mục bị giam giữ
Chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo, ở Nicaragua kết thúc năm 2023 với hai giám mục, 15 linh mục và hai chủng sinh bị giam giữ. Vụ bắt giữ gần đây nhất diễn ra vào ngày 31/12.
Luật sư và nhà nghiên cứu người Nicaragua Martha Patricia Molina, tác giả của báo cáo điều tra có tựa đề “Nicaragua: Một Giáo hội bị đàn áp”, đã theo dõi các cuộc tấn công của chế độ Ortega và Murillo nhằm vào Giáo Hội Công Giáo kể từ năm 2018.
Trong bản cập nhật ngày 31 tháng 12, Molina báo cáo rằng Cha Gustavo Sandino Ochoa, cha xứ của Giáo xứ Đức Mẹ Sầu Bi ở Santa María nằm ở vùng Pantasma thuộc Giáo phận Jinotega, “đã bị cảnh sát và lực lượng bán quân sự bắt cóc” cùng ngày hôm đó. Molina, một luật sư sống lưu vong ở Hoa Kỳ, lưu ý rằng vị linh mục “bị nhiều bệnh tật”.
Vụ bắt giữ Cha Sandino là vụ bắt giữ gần đây nhất trong làn sóng bắt cóc do chế độ độc tài Nicaragua thực hiện vào tháng 12, bao gồm vụ bắt giữ Đức Giám Mục Isidoro del Carmen Mora của Giáo phận Siuna.
Molina đưa tin Đức Cha Mora “đã bị cảnh sát và lực lượng bán quân sự bắt cóc” vào ngày 20 tháng 12. Vị Giám Mục “sẽ cử hành một số lễ thêm sức tại Giáo xứ Thánh Giá ở La Cruz del Río Grande. Một ngày trước khi bị bắt cóc, ngài đã cầu nguyện cho Đức Cha Rolando Álvarez. Cho đến nay không có lời buộc tội chính thức nào chống lại ngài và không có thông tin nào về nơi ở của ngài.”
Molina cho biết thêm, chỉ có hai trong số các linh mục bị bắt cóc – Đức ông Óscar Escoto và Cha Jader Guido, lần lượt bị bắt đi vào ngày 22 và 24 tháng 12 – sau đó được thả ra. Tuy nhiên, cô lưu ý rằng cả hai vẫn tiếp tục “bị cảnh sát và lực lượng bán quân sự giám sát”.
Trường hợp tiêu biểu nhất về các vụ bắt cóc do chế độ độc tài Nicaragua thực hiện là vụ bắt cóc Đức Cha của Matagalpa, Rolando Álvarez. Bắt đầu từ ngày 4 tháng 8 năm 2022, cảnh sát đã bao vây nơi ở của ngài, không cho ngài rời đi. Sau đó, chế độ đã chuyển ngài vào nửa đêm ngày 19 tháng 8 đến Managua, nơi ngài bị quản thúc tại gia.
Cuối cùng, sau một phiên tòa đầy nghi vấn, Đức Cha Álvarez bị kết án hơn 26 năm 4 tháng tù vào tháng 2 năm 2023 với cáo buộc là “kẻ phản bội quê hương”.
Trong một thông điệp video được đăng trên YouTube vào ngày 30 tháng 12, Đức Giám Mục Silvio José Báez, Giám Mục Phụ Tá của Managua, người đã sống lưu vong ở Hoa Kỳ kể từ năm 2019 do các mối đe dọa từ chế độ độc tài, đã tố cáo “sự căm ghét không ngừng và dai dẳng của chế độ đối với Giáo hội: “Những kẻ bạo chúa nhận thức được rằng người dân Nicaragua yêu mến Giáo hội và các mục tử của họ và kinh hãi trước sự tồn tại của một dân tộc nhận thức và tập hợp xung quanh đức tin Kitô giáo, bởi vì họ là một dân tộc tự do, phê phán và là nhân vật chính trong cuộc đời của họ và lịch sử của chính mình.”
Đức Cha Báez cũng kêu gọi Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới: “Chúng tôi cầu xin các bạn, chúng tôi xin các bạn hãy hướng mắt về Nicaragua. Đừng bỏ rơi chúng tôi một mình; hãy dâng lời cầu nguyện cho những người bị áp bức của chúng ta và cất lên tiếng nói tiên tri của mình để ủng hộ Giáo hội đang bị đàn áp này”.
Ngài cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy hiệu quả hơn trong việc gây “áp lực chống lại chế độ độc tài Sandinista của Ortega và yêu cầu trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và khôi phục trật tự dân chủ trong nước”.
Đức Tổng Giám Mục Managua, Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, cũng đã đưa ra một thông điệp “ủng hộ, hy vọng”, được đọc vào cuối Thánh lễ ngài cử hành tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào sáng ngày 31 tháng 12.
“Đối với các gia đình và cộng đồng tại thời điểm này cảm thấy sự vắng mặt của các linh mục của họ hoặc đang trải qua những khó khăn khác, tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của mình”, Đức Hồng Y Nicaragua nói và nói thêm rằng “bây giờ là lúc để cùng nhau tìm kiếm trong lời cầu nguyện sự an ủi của Thiên Chúa và sức mạnh của chúng ta trong sự hiệp nhất Giáo Hội.”
“Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa nhân lành ban ơn khôn ngoan và lời nói cũng như hành động của chúng ta có thể làm chứng cho sự kiên nhẫn đạt được mọi sự và ánh sáng của Chúa Giêsu có thể giúp tất cả chúng ta tìm ra những con đường hòa hợp và huynh đệ. Cùng với Đức Maria, mẹ của chúng ta, dưới chân thập tự giá, xin Chúa an ủi chúng ta và tỏ cho chúng ta lòng thương xót của Người”, Đức Hồng Y cầu nguyện.
Ngài kết luận: “Hiệp nhất trong lời cầu nguyện, hãy để những lời của tông đồ Phêrô vang vọng trong mọi tâm hồn: ‘Chúc đức tin và niềm hy vọng của anh em ở nơi Thiên Chúa’”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với Nicaragua. Sau khi kết thúc kinh Truyền Tin vào ngày đầu năm mới, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc” của ngài về “những gì đang xảy ra ở Nicaragua, nơi các giám mục và linh mục đã bị tước đoạt tự do”.
Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với các linh mục và gia đình các ngài cũng như mong muốn rằng “con đường đối thoại luôn được tìm kiếm để vượt qua những khó khăn”.
“Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho Nicaragua,” Đức Thánh Cha kết luận.