Cuộc chiến của Do Thái chống lại nhóm khủng bố Hamas bắt đầu vào ngày 7 tháng 10 vẫn tiếp tục từ đó cho đến nay. Đã có một cuộc ngưng bắn tạm thời kéo dài trong một tuần nhưng sau đó chiến tranh bùng phát còn kinh hoàng hơn nữa.
Theo phân tích của tờ New York Time qua hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng hơn một nửa các toà nhà tại phía bắc của dải Gaza đã bị hư hại hoặc tàn phá kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.
Hàng trăm năm nay, nhiều Kitô hữu trên toàn thế giới đã đến hành hương cầu nguyện tại những khu vực thánh ở Israel và Palestine. Nhiều người lo lắng những khu vực thánh này có bị tàn phá hay hư hại trong cuộc chiến hay không.
Theo thông tấn xã Reuters, quân khủng bố Hamas làm chủ nhiều hoả tiển có khả năng bắn xa khoảng 150 dặm. Mặc dầu những hoả tiễn này theo lý thuyết có thể bắn tới những khu vực thánh ở Giêrusalem và xa hơn nữa, nhưng với hệ thống bảo vệ phòng không của Israel đã chặn được hầu hết những hoả tiễn tấn công đến từ Gaza; và ở phía bắc từ Li Băng, bởi nhóm khủng bố Hezbollah được hậu thuẫn bởi Iran, đồng minh của Hamas.
Dòng Phanxicô từ 800 năm qua đã được Đức Giáo Hoàng Clementê VI giao trách nhiệm cai quản những nơi thánh cho Giáo Hội Công Giáo tai Thánh địa. Hiện nay các cha đang cai quản 65 khu vực thánh thiêng nhất tại Thánh địa, bao gồm Đền thờ Giáng Sinh, vườn Giếtsêmany, và nhà thờ Mộ Chúa, nơi mà Chúa chết và sống lại. Thêm vào đó cùng với nhiều khu vực thánh khác trải dài từ Isreal đến Palestine, Syria, Lebanon, Jordan và Ai Cập.
Cha David Grenier, dòng Phanxicô, đại diện thánh địa tại Hoa Kỳ, cho biết hiện nay không có khu vực nào dưới quyền cai quản của dòng bị đe doạ vì chiến tranh, như dội bom hoặc hoả tiển một cách trực tiếp. Chúng tôi rất may mắn bởi vì không có sự đe doạ trực tiếp từ chiến tranh. Chúng tôi phải nói rằng chúng tôi may mắn chúng tôi không có bất cứ đền thánh nào bị hư hại hoặc có nguy cơ bị hư hại.” Thay vào đó ngài nói, đe doạ đang dối diện các khu vực thánh tại đây là những điều không thể nhìn thấy được, một sự thiếu hụt tài chánh ủng hộ từ khách hành hương quốc tế.
Tại Bêlem, có khoảng 90% tín hữu sống ở đó làm việc trực tiếp với việc phục vụ các nhóm hành hương, làm việc tại nhà hàng, khách sạn, tiệm bán đồ lưu niệm, hướng dẫn viên hoặc tại các đền thánh.
Việc giới nghiêm và những hạn chế trong đại dịch Covid đã đánh mạnh vào các nhân viên này trong nhiều năm, và hiện tại những con đường ở Giêrusalem lại một lần nữa trống vắng. Cuộc chiến hiện tại đã buộc phải huỷ bỏ những cử hành Giáng Sinh tại thành phố nơi Chúa Giêsu sinh ra. Những cử hành này được chuẩn bị rất cẩn thận cho một lượng lớn kỷ lục khách hành hương, và với Giáng Sinh đang đến… người dân cảm thấy chán nản.
Nhiều Kitô hữu, đặc biệt những người trẻ nói rằng, “đâu là ly do để ở lại đây? Tốt hơn đi và sống ở một nơi khác.” Đó là một điều rất buồn bởi vì dầu sao đây vẫn là nơi mà Giáo hội được sinh ra. Và nếu để nơi đó không có một cộng đòan Kitô hữu địa phương sinh sống là một điều rất đáng buồn.”
Hằng năm các cha Phanxicô nhận được tiền từ việc quyên góp vào Thứ Sáu Tuần Thánh trên toàn thế giới. Theo truyền thống, các cha Phanxicô cai quản Thánh địa nhận được 65% số tiền này và 35% còn lại được trao cho bộ các Giáo hội Đông Phương để trợ giúp các chủng sinh và linh mục cũng như các hoạt động giáo dục và văn hoá. Năm 2022 số tiền quyên góp được khoảng hơn 9 triệu đôla.
Hiện nay, các cha Phanxicô tại Thánh Địa đang xúc tiến một chiến dịch gây quỹ khẩn cấp để trợ giúp các Kitô hữu tại Thánh Địa và những khu vực thánh mà họ đang quản thủ.
Trong bối cảnh đáng buồn đó, Tối ngày 24 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa của Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, đã chủ sự thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại nơi cực thánh là hang Bêlem, nơi Con Thiên Chúa xuống thế làm người.
Đồng tế với Đức Thượng phụ có Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, ba Giám Mục Phụ Tá và các cha dòng Phanxicô quản thủ Thánh Mộ và nhiều linh mục thuộc giáo phận địa phương.
Trong bài giảng, Đức Hồng Y Thượng Phụ Công Giáo Latinh của Giêrusalem nói:
Anh Chị Em thân mến,
Xin Chúa ban Bình An cho anh chị em!
Bài Tin Mừng tối nay vang lên tiếng nói của một cảm xúc sâu sắc mà tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có chung: “không còn chỗ cho họ” (Lc 2:7). Như đã xảy ra với Đức Maria và Thánh Giuse, đối với chúng ta ngày nay, dường như không còn chỗ cho Lễ Giáng Sinh nữa. Đã quá nhiều ngày, tất cả chúng ta đều bị cuốn vào cảm giác buồn bã và đau đớn rằng năm nay không còn có chỗ cho niềm vui và bình an mà các thiên thần đã loan báo cho các mục đồng ở Bêlem trong Đêm Thánh này, không xa đây.
Vào lúc này, suy nghĩ của chúng ta không thể xa cách với những người đã mất tất cả trong cuộc chiến này, kể cả những người thân yêu nhất của họ, và những người hiện đang phải di tản, cô đơn và tê liệt vì nỗi đau buồn. Tâm trí của tôi không phân biệt, hướng tới tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này, ở Palestine và Israel cũng như toàn bộ khu vực. Tôi đặc biệt gần gũi với những người đang than khóc, chờ đợi một cử chỉ gần gũi và quan tâm cụ thể. Đêm nay, tôi nhớ những con tin bị bắt cóc khỏi gia đình họ, tôi cũng nhớ đến những người mòn mỏi trong tù mà không có quyền được xét xử.
Tâm trí của tôi hướng về Gaza và hai triệu cư dân ở đó. Thực sự những từ “không còn chỗ cho họ” mô tả hoàn cảnh của người dân Gaza mà giờ đây ai cũng biết. Nỗi đau khổ của họ không ngừng vang vọng khắp thế giới. Không có nơi nào hoặc ngôi nhà nào là an toàn cho bất cứ ai. Hàng ngàn người đã bị tước đoạt những nhu cầu cơ bản; họ đói, và họ càng phải đối mặt với bạo lực không thể hiểu nổi. Dường như không có chỗ cho họ, không chỉ về vật chất mà còn trong tâm trí của những người quyết định vận mệnh của các quốc gia. Đây là tình trạng mà người dân Palestine đã sống quá lâu. Dù sống trên mảnh đất của mình nhưng họ liên tục nghe thấy “không có chỗ cho họ”. Trong nhiều thập kỷ, họ đã chờ đợi cộng đồng quốc tế tìm ra giải pháp chấm dứt sự xâm lược mà họ buộc phải sống và những hậu quả của nó. Tuy nhiên, ngày nay đối với tôi, dường như mỗi người chúng ta đều bị mắc kẹt trong nỗi đau của chính mình. Hận thù, oán giận và tinh thần trả thù chiếm trọn không gian trong trái tim chúng ta và không còn chỗ cho sự hiện diện của người khác. Tuy nhiên, chúng ta cần những người khác. Lễ Giáng Sinh chính là nói về điều này: Thiên Chúa hiện diện theo cách thức con người và mở rộng tâm hồn chúng ta cho một thế giới quan mới.
Không phải thế giới luôn hiếu khách với Chúa Kitô: tin tức cho rằng đức tin Kitô và ý nghĩa Kitô giáo của lễ Giáng Sinh chỉ là một ký ức mờ nhạt trong nền văn hóa thế tục hóa và duy vật ngày nay không phải tin mới. Tuy nhiên, năm nay, ở đây và những nơi khác trên thế giới, tiếng ồn của vũ khí, tiếng khóc của trẻ em, nỗi đau khổ của người tị nạn, tiếng kêu than của người nghèo, nỗi đau buồn của rất nhiều gia đình đang than khóc, dường như làm cho các bài hát của chúng ta mất đi sự hài hòa. Thật khó để vui mừng và lời nói của chúng ta dường như sáo rỗng và trống rỗng.
Hãy nói rõ ràng: việc Chúa Kitô đến trong thế giới của chúng ta đã mở ra cho chúng ta và cho tất cả mọi người “con đường cứu độ đời đời”, con đường mà không có gì và không ai có thể đóng lại được. Đức tin, hy vọng và tình yêu dành cho Giáo Hội của Thiên Chúa không hề suy giảm và đặt vững chắc trên Lời Hứa thành tín của Chúa. Đức tin, hy vọng và tình yêu dành cho Giáo Hội của Thiên Chúa không phụ thuộc vào thời thế thay đổi và nghịch cảnh xung quanh.
Tuy nhiên, điều hiển nhiên là chúng ta đang đấu tranh, đặc biệt là ở đây, đặc biệt là ngày nay, để tìm một nơi cho lễ Giáng Sinh trên mảnh đất của chúng ta, trong cuộc sống và trong trái tim chúng ta. Chúng ta có nguy cơ đánh mất con đường mà Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta, trong mê cung của những con đường bị chiến tranh tàn phá, những đống đổ nát và những ngôi nhà bỏ hoang. Tâm hồn chúng ta, quá nặng trĩu, có thể không hòa hợp được với thông điệp Giáng Sinh. Quá nhiều đau đớn, quá nhiều thất vọng, quá nhiều lời hứa bị thất hứa, đánh tới tấp vào không gian nội tâm mà trong đó Tin Mừng Giáng Sinh có thể vang vọng và truyền cảm hứng cho những hành động và hành vi mang lại sự sống và bình an.
Vậy chúng ta hãy tự hỏi: Lễ Giáng Sinh năm nay ở đâu? Chúng ta có thể tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi ở đâu? Hài Nhi có thể được sinh ra ở đâu khi dường như không còn chỗ cho Ngài trong thế giới này của chúng ta?
Như chúng ta đã nghe, Đức Mẹ và Thánh Giuse đã tự hỏi mình câu hỏi này khi các ngài gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở đêm đó. Những người chăn cừu đã hỏi câu hỏi tương tự khi họ tìm kiếm Hài nhi, và các đạo sĩ cũng hỏi như vậy khi họ đuổi theo ánh sao. Đó là câu hỏi của Giáo hội mỗi khi lạc đường. Đó là câu hỏi của chúng ta tối nay: Lễ Giáng Sinh hôm nay ở đâu?
Các thiên thần cho chúng ta câu trả lời. Vào đêm đó và trong mọi đêm, Thiên Chúa luôn tìm được chỗ cho Lễ Giáng Sinh của Ngài. Ngay cả đối với chúng ta, ở đây, hôm nay, bất chấp tất cả, ngay cả trong những hoàn cảnh bi đát này, chúng ta cũng tin như vậy: Thiên Chúa có thể hạ sinh ngay cả trong những trái tim chai đá nhất.
Nơi diễn ra lễ Giáng Sinh trước hết là Thiên Chúa. Lễ Giáng Sinh, Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô, diễn ra ngay từ đầu, trong Trái Tim nhân hậu của Chúa Cha. Tình yêu vô hạn và vô tận của Ngài vĩnh viễn sinh ra Con và ban Ngài cho chúng ta trong Thời gian, ngay cả trong thời gian này. Sự cứu rỗi con người được quyết định theo ý muốn tốt lành và thánh thiện của Ngài. “Vì Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Con của Người thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Vì Thiên Chúa không sai Con Ngài đến thế gian để phán xét thế gian, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được cứu”. (Ga 3:16-17).
Trong hoàn cảnh hiện tại, nếu chúng ta muốn tìm thấy niềm vui đích thực của lễ Giáng Sinh và nếu chúng ta muốn gặp Đấng Cứu Thế, chúng ta, toàn thể Giáo hội, phải trở về với Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Chúng ta phải vượt ra ngoài những giải thích mang tính chính trị và xã hội về bạo lực và sự khuất phục người khác. Những hiện tượng này cuối cùng bắt nguồn từ việc quên mất Chúa, tạo ra một hình ảnh sai lệch về khuôn mặt của Ngài và sử dụng mối quan hệ tôn giáo giả tạo và vị lợi với Ngài. Điều này xảy ra quá thường xuyên ở Thánh Địa của chúng ta.
Nếu chúng ta không thể gọi anh em là đồng bào của mình thì chúng ta cũng không thể gọi Thiên Chúa là “Cha” của mình. Đúng hơn nữa là chúng ta không thể nhận ra mình là anh em trừ khi chúng ta trở về với Thiên Chúa thật bằng cách nhận ra Ngài là Người Cha yêu thương mọi người. Nếu chúng ta không tìm thấy Thiên Chúa một lần nữa trong cuộc đời mình, chắc chắn chúng ta sẽ lạc lối trên con đường dẫn đến Lễ Giáng Sinh, và chúng ta sẽ thấy mình lang thang một mình trong đêm không có đích đến và trở thành nạn nhân của những bản năng bạo lực và ích kỷ.
Lời “xin vâng” của Đức Maria và Thánh Giuse cũng là nơi diễn ra Lễ Giáng Sinh. Sự vâng phục và trung thành của các ngài là ngôi nhà mà Chúa Con đã đến ngự. Ý muốn của Thiên Chúa không phải là một quyền lực khuất phục và uốn cong, nhưng là Tình Yêu phát huy hết sức mạnh nếu được đón nhận bởi một sự tự do cá nhân trung thành và quảng đại. Tự do đích thực không chỉ là khả năng lựa chọn mà còn là khả năng lựa chọn với tinh thần trách nhiệm vì lợi ích của chúng ta và của người khác. Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sinh ra, đã bước vào quang phổ của thời gian qua cánh cửa tự do rộng mở của con người. Lễ Giáng Sinh, được tìm thấy ở khắp mọi nơi mà một người đàn ông và một người đàn bà thưa “xin vâng” với Thiên Chúa! Bất cứ nơi nào cuộc sống của một người phục vụ cho Hòa bình đến từ Thiên Chúa, thay vì phục vụ lợi ích riêng của họ, thì đó là nơi Chúa Con được sinh ra và nơi Ngài tiếp tục được sinh ra.
Nếu chúng ta muốn đó là Lễ Giáng Sinh, ngay cả trong thời chiến, tất cả chúng ta cần phải gia tăng các hành động nói lên tình huynh đệ, hòa bình, chấp nhận, tha thứ và hòa giải. Cho phép tôi nói thêm: tất cả chúng ta phải cam kết, bắt đầu với tôi và những người, giống như tôi, có trách nhiệm lãnh đạo và chỉ đạo các lĩnh vực xã hội, chính trị và tôn giáo, phát triển tư duy và các chiến lược dựa trên dựa trên tiếng “có” thay vì tiếng “không” Nói vâng với điều tốt, vâng với hòa bình, vâng với đối thoại, và vâng với người khác. Nó không phải là một bài diễn thuyết khoa trương mà là một cam kết có trách nhiệm. Nó phải nhường chỗ chứ không phải chiếm chỗ; tìm một chỗ cho người khác và không từ chối họ một chỗ. Lễ Giáng Sinh đã được thực hiện nhờ không gian mà Mẹ Maria và Thánh Giuse dâng lên Thiên Chúa và Hài Nhi đến từ Ngài. Điều đó cũng đúng đối với Công lý và Hòa bình. Sẽ không có công lý và hòa bình sẽ không đến trừ khi chúng ta dành chỗ cho những điều ấy bằng tiếng “xin vâng” cởi mở và quảng đại.
Sẽ không phải là Giáng Sinh nếu không có các Mục Đồng. Việc họ thức trắng đêm cũng là một phần của Tin Mừng. Họ là những người đầu tiên tìm thấy Hài Nhi. Thánh sử Luca không tập trung vào hoàn cảnh xã hội của họ mà tập trung vào tâm tính nội tâm của họ. Đêm hôm đó, các Mục Đồng nhận thấy mình luôn tỉnh táo và thực tế, sẵn sàng hành động và cởi mở. Họ không suy nghĩ quá nhiều hay tính toán quá mức và do đó đã sẵn sàng cho lễ Giáng Sinh. Trong một thời điểm không tránh khỏi bị đánh dấu bởi sự cam chịu, hận thù, giận dữ và chán nản, chúng ta cần các Kitô hữu nên giống như các Mục Tử để có chỗ cho Lễ Giáng Sinh!
Đối với giáo phận thân yêu của tôi, với các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân nam nữ dấn thân, và tất cả các cộng đồng giáo xứ cùng với các nhóm và hiệp hội của họ: Tôi cảm thấy rằng tôi phải nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chúng ta là những người thừa kế của các Mục Đồng đó. Tôi biết rõ khó khăn như thế nào để luôn cảnh giác, sẵn sàng đón nhận và tha thứ. Thật khó khăn biết bao khi luôn sẵn sàng bắt đầu lại, lên đường ngay cả khi trời vẫn còn tối. Đây là cách duy nhất để chúng ta tìm thấy Hài Nhi. Đây là chứng tá duy nhất bảo đảm rằng Lễ Giáng Sinh sẽ có chỗ trong thời đại này và trên mảnh đất này, để nó có thể soi sáng toàn thế giới. Chúng ta ở đây và chúng ta dự định tiếp tục là những Mục Đồng của Lễ Giáng Sinh, nghĩa là những người, trong hoàn cảnh nghèo khó và mong manh của mình, đã tìm thấy Hài Nhi và cảm nghiệm được ân sủng và sự an ủi của Người, và mong muốn loan báo cho mọi người rằng Lễ Giáng Sinh của ngày hôm qua và ngày hôm nay là đúng và chân thật.
Anh chị em thân mến, ước muốn của trái tim tôi chính là lời cầu nguyện của tôi: ước gì ý muốn làm điều tốt của chúng ta trở nên cụ thể qua tiếng “xin vâng” đầy trách nhiệm và quảng đại của chúng ta đối với cam kết yêu thương và phục vụ của chúng ta, ước gì đó là căn phòng mà Chúa Kitô tìm thấy để Ngài có thể luôn được tái sinh trong chúng ta! Tôi cầu xin điều này cho chính tôi, cho Giáo hội của tôi ở Thánh Địa và cho mọi Giáo hội. Ước gì Giáo hội trở thành ngôi nhà cho tất cả mọi người, và là không gian hòa giải và tha thứ cho những ai tìm kiếm niềm vui và hòa bình! Tôi xin tất cả các Giáo hội trên thế giới nhìn vào chúng ta trong thời gian này không chỉ để chiêm ngưỡng mầu nhiệm Bêlem, mà còn hỗ trợ chúng ta trong cuộc chiến bi thảm này: xin hãy truyền đạt cho người dân và chính phủ của họ lời thưa “xin vâng” với Thiên Chúa, mong muốn của anh chị em vì lợi ích của các dân tộc chúng ta, vì sự chấm dứt thù địch, để tất cả có thể thực sự tìm lại được một ngôi nhà và hòa bình.
Tôi cầu xin Chúa Kitô tái sinh trong tâm hồn những người cai trị và lãnh đạo các quốc gia, và xin Người gợi ý cho họ tiếng “Xin Vâng” của chính họ, để họ trở thành người bạn và người anh em của chúng ta và của tất cả mọi người. Mong những người cai trị cam kết nghiêm chỉnh chấm dứt cuộc chiến này. Trên hết, mong sao họ một lần nữa bắt đầu cuộc đối thoại để cuối cùng dẫn tới việc tìm ra các giải pháp công bằng và xứng đáng cho các dân tộc của chúng ta. Bi kịch của thời điểm hiện tại cho chúng ta biết rằng đã không còn thời gian cho những chiến thuật ngắn hạn hay những tham chiếu đến một tương lai lý thuyết. Đúng hơn, đã đến lúc phải tuyên bố, ở đây và bây giờ, một lời lẽ thật rõ ràng và dứt khoát có thể chữa lành tận gốc rễ của cuộc xung đột đang diễn ra này bằng cách loại bỏ những nguyên nhân sâu xa của nó và mở ra những chân trời mới về sự thanh thản và công lý cho tất cả mọi người, cho Thánh Địa và cho khu vực của chúng ta được đánh dấu bởi cuộc xung đột này.
Những từ như chiếm đóng và an ninh cũng như nhiều từ tương tự khác, vốn đã thống trị các câu chuyện tương ứng của chúng ta quá lâu, phải được củng cố bằng sự tin tưởng và tôn trọng. Đây là điều chúng tôi mong muốn cho tương lai của vùng đất này. Chỉ có điều này mới bảo đảm được sự ổn định và hòa bình thực sự.
Xin Chúa Kitô tái sinh trên mảnh đất này, của Ngài và của chúng ta, và xin cho con đường Tin Mừng hòa bình cho toàn thế giới bắt đầu lại từ đây! Xin Ngài tái sinh trong tâm hồn những ai tin vào Ngài, thúc đẩy họ làm chứng và truyền giáo mà không sợ đêm tối và cái chết! Cầu mong Ngài cũng được tái sinh như một khát vọng hòa bình và sự tốt lành, sự thật và công lý trong tâm hồn những người chưa tin!
Cầu mong Chúa Kitô cũng được sinh ra trong cộng đồng nhỏ bé Gaza của chúng ta. Anh chị em thân mến, tôi đã từng ở với anh chị em vài ngày trước lễ Giáng Sinh. Năm nay điều đó là không thể, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ rơi anh chị em. Anh chị em ở trong trái tim của chúng tôi, và toàn bộ cộng đồng Kitô giáo ở Thánh địa và trên toàn thế giới tập hợp xung quanh anh chị em. Mong anh chị em cảm nhận được sự ấm áp của sự gần gũi và tình cảm của chúng tôi nhiều nhất có thể.
Cuối cùng, xin Chúa Kitô tái sinh trong lòng mọi người, để đối với mọi người vẫn có lễ Giáng Sinh!
Giáng Sinh vui vẻ! (Wulida Al Masih – Alleluia)
Bêlem, ngày 24 tháng 12 năm 2023
+Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa
Thượng phụ Latinh của Giêrusalem
Source:Latin Patriarchate of Jerusalem