1. Đức Thánh Cha viếng cột đài Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội
Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa: “Giải thoát chúng con khỏi bạo lực, lau khô nước mắt của các phụ nữ và các bà mẹ, bảo vệ những người đang bị đè nén vì bất công, nghèo đói, chiến tranh”. Ngài đặc biệt cầu cho hòa bình tại Ukraine, Palestine và Israel đang ở trong vòng xoáy của bạo lực.
Đức Thánh Cha bày tỏ lời khẩn xin trên đây, trước tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Quảng trường Tây Ban Nha ở Roma, chiều ngày 08 tháng Mười Hai vừa qua, trong cuộc kính viếng theo truyền thống.
Khi đến đây lúc quá 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã được ông Thị trưởng Gualtieri của Roma, Đức Hồng Y giám quản Angelo de Donatis và đông đảo các tín hữu, đón tiếp.
Sau khi đặt vòng hoa hồng màu trắng trước bệ chân tượng đài, Đức Thánh Cha đọc lời nguyện:
“Lạy Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm! Chúng con đến cùng Mẹ với tâm hồn bị phân chia giữa hy vọng và lo âu. Chúng con cần đến Mẹ, là Mẹ chúng con! Nhưng trước hết chúng con muốn cảm tạ Mẹ, vì trong thinh lặng, như lối sống của Mẹ, Mẹ canh giữ trên thành phố này, hôm nay đang dâng Mẹ những đóa hoa để biểu lộ lòng kính mến Mẹ. Trong thinh lặng, ngày và đêm, Mẹ canh giữ cho chúng con: trên các gia đình, với những vui mừng và âu lo - Mẹ biết rõ -; trên những nơi học hành và làm việc; trên các tổ chức và công sở; trên các bệnh viện và nhà thương; trên các nhà tù; trên những người sống trên đường phố, trên các giáo xứ và mọi cộng đoàn của Giáo hội tại Roma.
“Cảm tạ Mẹ vì sự hiện diện kín đáo và liên lỷ, mang lại cho chúng con an ủi và hy vọng.
“Lạy Mẹ, Mẹ biết chúng con cần đến Mẹ, vì Mẹ là Mẹ Vô Nhiễm. Bản thân Mẹ, chính sự hiện hữu của Me nhắc nhở chúng con rằng sự ác không có tiếng nói đầu tiên và cuối cùng; định mệnh của chúng con không phải là sự chết nhưng là sự sống, không phải là oán thù nhưng là tình huynh đệ, không phải là xung đột nhưng là hòa hợp, không phải là chiến tranh nhưng là hòa bình.
“Khi nhìn Mẹ, chúng con cảm thấy được củng cố trong niềm tin nhiều khi bị những bị thử thách cam go vì các biến cố. Và Mẹ, hướng mắt từ bi nhìn tất cả các dân tộc đang bị đè nén vì bất công và nghèo đói, bị thử thách vì chiến tranh, dân tộc Ukraine và dân tộc Palestine, bị hút trở lại trong vòng xoáy của bạo lực.
“Ngày hôm nay, lạy Mẹ thánh, chúng con mang đến đây, dưới cái nhìn của Mẹ, bao nhiêu bà mẹ đang đau khổ, như đã xảy ra cho Mẹ. Những bà mẹ khóc con bị giết vì chiến tranh và khủng bố. Những bà mẹ nhìn các con ra đi trong hành trình tuyệt vọng. Và cả những bà mẹ đang tìm cách gỡ các nút nghiện ngập, những bà mẹ đang canh thức con bị bệnh tật lâu dài và cam go.
“Ngày hôm nay, lạy Mẹ, chúng con đang cần Mẹ như một phụ nữ để phó thác cho Mẹ tất cả các bà mẹ đã chịu đau khổ vì bạo lực và những bà mẹ còn là nạn nhân của bạo lực, tại thành phố này, ở Ý và các nơi trên thế giới. Mẹ biết từng người trong họ, biết khuôn mặt của họ. Chúng con xin Mẹ lau khô nước mặt của họ và của những người thân yêu của họ.
“Và xin Mẹ giúp chúng con thực hiện một con đường giáo dục và thanh tẩy, nhìn nhận và chống lại bạo lực tiềm ẩn trong tâm trí chúng con, và xin Thiên Chúa giải thoát cho họ. Lạy Mẹ, xin tỏ cho chúng con một lần nữa con đường hoán cải, vì không có hòa bình nếu không có tha thứ và không có tha thứ nếu không có thống hối. Thế giới thay đổi nếu con tim thay đổi; và mỗi người phải nói: bắt đầu từ con tim tôi. Nhưng con tim nhân loại chỉ có Thiên Chúa mới có thể thay đổi bằng ơn thánh của Ngài: ơn thánh mà trong đó Mẹ được tràn đầy ngay từ giây phút đầu tiên. Ơn thánh của Đức Giêsu, Chúa chúng con, Đấng mà Mẹ đã sinh ra trong thể xác, đã chết và sống lại vì chúng con và Mẹ luôn chỉ cho chúng con. Chúa là ơn cứu độ, cho mỗi người và toàn thế giới.
“Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! Xin cho nước Chúa trị đến, nước tình thương, công lý và hòa bình! Amen.
Kính viếng Đền thờ Đức Bà Cả
Trước khi đến Quảng trường Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma. Đây là lần thứ 115 ngài kính viếng tại đây và lần này ngài dâng kính Mẹ Thiên Chúa cành hoa hồng vàng đặt giữa hai bình hoa hồng trắng trước ảnh Đức Mẹ.
Trước khi rời Quảng trường Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha còn đến gần chào thăm anh chị em bệnh nhân ngồi trên xe lăn được những người thiện nguyện thuộc tổ chức Unitalsi săn sóc.
2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng Cảnh Giáng Sinh ở Vatican nên gợi lên những lời cầu nguyện cho Thánh Địa
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng cảnh Giáng Sinh năm nay ở Vatican buộc mọi người phải nghĩ đến Thánh Địa – cả sự ra đời của Chúa Kitô tại Bêlem 2.000 năm trước cũng như cuộc xung đột hiện đang nhấn chìm khu vực.
“Trong khi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, nhỏ bé, nghèo khó, không có khả năng tự vệ, chúng ta không thể không nghĩ đến thảm kịch mà các cư dân Thánh Địa đang trải qua, đặc biệt là đối với trẻ em và cha mẹ của họ, và thực hiện sự gần gũi và sự hỗ trợ tinh thần của chúng ta”, Đức Thánh Cha nói.
Là một phong tục hàng năm, máng cỏ Giáng Sinh Vatican năm nay đặc biệt tôn vinh hang đá Giáng Sinh đầu tiên được biết đến, do Thánh Phanxicô Assisi dựng lên tại thị trấn nhỏ Greccio của Ý cách đây 800 năm.
Thánh Phanxicô vừa trở về sau chuyến hành hương đến Thánh địa vào năm 1223 và có ấn tượng sâu sắc bởi sự giống nhau giữa các hang động ở Greccio với phong cảnh của Bêlem. Sự kết nối đã thúc đẩy thánh nhân kêu gọi cả tu sĩ và nam nữ địa phương cùng nhau tái hiện cảnh Chúa Giáng Sinh.
Trong ý hướng đó, hang đá Giáng Sinh ở Vatican năm nay sẽ giúp mọi người tạo nên sự kết nối với Thánh Địa, Đức Thánh Cha nói, đặc biệt là với hoàn cảnh của các gia đình bị vướng vào cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas.
“Đây là những người phải trả giá thực sự cho chiến tranh”, Đức Thánh Cha nói, đề cập đến cuộc xung đột bắt đầu vào ngày 7 tháng 10 và đã dẫn đến cái chết của hơn 20.000 người và hơn 2 triệu người phải di tản.
Đức Thánh Cha cũng nói rằng việc suy ngẫm trước mỗi cảnh Giáng Sinh sẽ “đánh thức trong chúng ta nỗi nhớ về sự thinh lặng và cầu nguyện, trong cuộc sống thường ngày quá bận rộn của chúng ta”.
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng sự im lặng là khả năng “lắng nghe những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta từ máng cỏ.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra Đức Maria là mẫu mực của kiểu tư thế cầu nguyện này trước hang đá Giáng Sinh.
“Mẹ không nói gì, nhưng Mẹ trầm ngâm và tôn thờ”
Đức Thánh Cha cũng bình luận về cây thông Noel năm nay ở Vatican. Cây linh sam được trang trí bằng hoa edelweiss được trồng trong vườn ươm, trái ngược với hoa edelweiss hoang dã được bảo vệ hợp pháp ở Ý.
“Đây cũng là một lựa chọn khiến chúng ta phải suy ngẫm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Những cử chỉ nhỏ rất cần thiết trong việc hoán cải sinh thái, những cử chỉ tôn trọng và biết ơn đối với những hồng ân của Thiên Chúa.”
Cộng đồng từ Macra, nằm trên dãy Alps ở phía tây bắc nước Ý, đã cung cấp cây thông Noel năm nay. Cảnh Giáng Sinh được tặng bởi Giáo phận Rieti, nằm ngay phía bắc Rôma và là quê hương của Greccio.
Hang đá và cây thông Noel sẽ được trưng bày ở Quảng trường Thánh Phêrô cho đến lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, ngày 7 Tháng Giêng năm 2024.
Source:National Catholic Register
3. Ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris được lắp cây thánh giá mới
Cây thánh giá trên đỉnh chóp của nhà thờ Đức Bà Paris đã được thay thế 4 năm sau trận hỏa hoạn năm 2019 tàn phá tượng đài mang tính biểu tượng.
Cây thánh giá mới đã được cẩu vào vị trí vào chiều thứ Tư, đặt ở vị trí trên đỉnh của ngọn tháp, hình bóng của nó gần đây đã bắt đầu lộ ra từ phía sau giàn giáo.
Việc trùng tu diễn ra hai ngày trước chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Emmanuel Macron, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm dự kiến mở cửa lại nhà thờ để công chúng thờ phượng và hành hương tới kiệt tác Gothic được xây dựng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14.
Ngọn tháp được tái tạo giống hệt với ngọn tháp trước đây do kiến trúc sư thế kỷ 19 Eugène Viollet-le-Duc /vi-ô-lây lơ du/ thiết kế, đã bị sập trong trận hỏa hoạn. Trong vài ngày qua, nó đánh dấu sự tiến bộ của những nỗ lực phục hồi.
Điện Élysée giải thích hôm thứ Tư rằng ngọn tháp là một công trình bằng gỗ phức tạp được bao phủ bởi một tấm chì và trên cùng có vương miện, con gà trống và cây thánh giá, tạo nên một công trình cao 96 mét.
Theo Điện Elysée, con gà trống thường đội vương miện cũng sẽ được thay thế. Nó sẽ được làm phép trong một buổi lễ Công giáo sắp tới được tổ chức riêng biệt với chuyến thăm của tổng thống vào thứ Sáu.
Con gà trống sống sót sau trận hỏa hoạn sẽ được trưng bày trong một bảo tàng trong tương lai, Điện Elysée cho biết.
Tuần trước, nhà lãnh đạo công trình tái thiết Philippe Jost, người kế nhiệm Tướng Jean-Louis Georgelin /giăng lu-y gioọc-lanh/ sau cái chết đột ngột của ông vào mùa hè này, đã thông báo rằng khi ngọn tháp đạt đến độ cao tối đa 96 mét, lớp vỏ chì sẽ được thêm vào.
Sau đó, giàn giáo hiện đang che khuất phần lớn ngọn tháp sẽ được tháo dỡ.
Source:brusselstimes.com
4. Các nhà thờ tại Việt Nam của dòng Phanxicô nơi người Công Giáo có thể nhận được Ơn Toàn Xá trong Mùa Giáng Sinh năm nay
Theo sắc lệnh vừa được công bố của Tòa Ân Giải Tối Cao, năm nay, người Công giáo sẽ có thể nhận được ơn toàn xá từ ngày 8 tháng 12, lễ trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đến ngày 2 tháng 2 năm 2024, lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, bằng cách cầu nguyện trước cảnh Chúa Giáng Sinh trong một nhà thờ dòng Phanxicô.
Ơn Toàn Xá là ân sủng do Giáo hội ban cho chúng ta nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria và tất cả các thánh để xóa bỏ hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra.
Ơn Toàn Xá áp dụng cho những tội lỗi đã được tha thứ. Ơn Toàn Xá làm sạch tâm hồn như thể một người vừa được rửa tội.
Chúng ta có thể nhận được Ơn Toàn Xá trong dịp này nếu chúng ta hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi; đồng thời trong dịp này, chúng ta phải cầu nguyện trước hang đá trong một Nhà thờ dòng Phanxicô.
Dưới đây là danh sách đầy đủ các nhà thờ, nhà nguyện của dòng Phanxicô tại Việt Nam
GIÁO XỨ MƯỜNG KHƯƠNG Số 15, Gốc Vải, Xã Mường Khương, Huyện Mường Khương, Lào Cai
GIÁO XỨ VŨ LỄ - NGẢ HAI Thị trấn Ngả Hai, Bình Gia, Lạng Sơn.
GIÁO XỨ GÒ MU – HÒA BÌNH Gò Mu, Thanh Cao, Lương Sơn, Hòa Bình.
GIÁO XỨ TRUNG HIẾU Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam
GIÁO XỨ YÊN LĨNH Thôn 7, Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh
GIÁO XỨ ĐÁ NỆN Thanh Thạch, Tuyên Hóa, Quảng Bình
GIÁO XỨ TÂN ĐIỀN Xã Đoàn Kết, Thành Phố Kontum
GIÁO XỨ K’LENG K’leng, Thị trấn Sa Thầy, Kontum.
GIÁO XỨ CHƯ SAN Làng Plơi Bô, IaYok, IaGrai, Gia Lai
GIÁO XỨ IA KHA Ia Kha, Ia Grai, Gia Lai.
GIÁO XỨ ĐỨC BÀ BIỂN HỒ - SÊ ĐĂNG Nghĩa Hưng, Chư Păh, Gia Lai
GIÁO XỨ IA TÔ Ia Tô, Ia Grai, Gia Lai.
GIÁO XỨ LỆ CẦN Tân Bình, Đăk Đoa, Gia Lai
GIÁO XỨ PHAOLÔ H'NENG H'neng, Đăk Đoa, Gia Lai.
GIÁO XỨ HIẾU ĐỨC 212 Huỳnh Thúc Kháng, PHƯỜNG Yên Đỗ, Thành Phố Pleiku, Gia Lai
Giáo Họ SÊ SAN Làng Dăng, xã Ia O, Ia Grai, Pleiku, Gialai
GIÁO XỨ THÁNH ANTÔN - VĨNH PHƯỚC Số 752, Hai 2/4, Vĩnh Phước, Thành Phố Nha Trang
GIÁO XỨ CƯ THỊNH Cư Thịnh, Suối Hiệp, Diên Khánh, Khánh Hòa
GIÁO XỨ SUỐI DẦU Tân Xương I, Suối Cát – Cam Lâm – Khánh Hòa
GIÁO XỨ DIÊN TÂN Diên Tân, Diên Khánh, Khánh Hòa,
GIÁO XỨ BẾN KHẾ Thôn Hòn Lay, Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa
GIÁO XỨ KHÁNH PHÚ Xã Khánh Phú, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa
GIÁO XỨ DU SINH 12B Huyền Trân Công Chúa, Du Sinh, PHƯỜNG 5 Thành Phố Đà Lạt, Lâm Đồng
GIÁO XỨ THÁNH TÂM 43 Trần Hưng Đạo, Khu phố 1, PHƯỜNG Hiệp Phú, Thủ Đức
GIÁO XỨ THÁNH PHANXICÔ - ĐAKAO 50 Nguyễn Đình Chiểu, PHƯỜNG Đakao, Quận 1, Sàigòn
GIÁO XỨ THÁNH ANTÔN - CẦU ÔNG LÃNH 18 Phan Văn Trường, PHƯỜNG Cầu Ông Lãnh, Quận 1, Sàigòn
GIÁO XỨ CỒN TRÊN Cồn Trên, Tấn Mỹ, Chợ Mới, An Giang
GIÁO XỨ CỒN ÉN Cồn Én, Tấn Mỹ, Chợ Mới, An Giang
GIÁO XỨ ĐẠI TÂM Ấp Đại Ân, X. Đại Tâm, HUYỆN Mỹ Xuyên, T. Sóc Trăng
NHÀ NGUYỆN THÁNH TÂM (FMM) 269 Nguyễn Văn Đậu, Phường 11, Quận Bình Thạnh, Sàigòn
NHÀ NGUYỆN CÁC CHỊ EM FMM SUỐI DẦU Tân Xương, Suối Cát, Diên Khánh, Khánh Hòa