Ngoại giao khu vực và việc sửa đổi chính sách của Hoa Kỳ có thể tạo ra hòa bình lâu dài

Bài viết của Matthew Duss và Nancy Okail trên tạp chí Foreign Affairs, ngày 27 tháng 11 năm 2023 (https://www.foreignaffairs.com/middle-east/israel-hamas-ceasefire-united-states-peace-deal-gaza?):



Những ngày gần đây đã chứng kiến những tin tức tốt lành đầu tiên từ Gaza sau một thời gian dài. Là một phần của lệnh ngừng bắn do Hoa Kỳ làm trung gian bắt đầu vào thứ Sáu tuần trước và sẽ hết hạn vào ngày mai, Hamas đã thả hàng chục trong số hơn 200 người mà nhóm này bắt làm con tin trong cuộc tấn công vào Israel ngày 7 tháng 10; những người được thả bao gồm nhiều trẻ em bị nhóm bắt giữ. Về phần mình, Israel đã thả 150 tù nhân Palestine, tạm dừng bắn phá Gaza và cho phép thêm hàng hóa nhân đạo vào lãnh thổ, mang lại thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi cho hàng triệu thường dân ở đó đã phải chịu đựng vô cùng đau khổ trong nhiều tuần.

Thỏa thuận mở ra triển vọng các bên có thể gia hạn thời gian đó và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua cho biết chính quyền của ông đang nỗ lực đạt được mục tiêu đó. Đó là nỗ lực đúng đắn. Giờ đây, chính quyền Biden phải làm rõ lý do tại sao việc gia hạn như vậy lại có lợi cho cả người Israel lẫn người Palestine, cũng như cho lợi ích của Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế của nước này. Một lệnh ngừng bắn kéo dài có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao trả nhiều con tin Israel hơn và giảm nguy cơ làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo đối với dân thường ở Gaza. Nó cũng có thể giúp làm dịu căng thẳng ở West Bank và giảm nguy cơ chiến tranh có thể leo thang bằng cách thu hút các tác nhân bên ngoài, chẳng hạn như nhóm chiến binh Hezbollah của Lebanon và người bảo trợ của nó, Iran.

Tuy nhiên, việc gia hạn lệnh ngừng bắn chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình lớn hơn đòi hỏi chính sách ngoại giao khu vực mạnh mẽ được Mỹ hậu thuẫn và một cuộc cải tổ chính sách của Mỹ. Khi Biden nhậm chức vào năm 2021, ông quyết tâm không lãng phí thời gian và sức lực của mình vào những nỗ lực vô ích nhằm giải quyết xung đột Israel-Palestine. Nhưng cuộc chiến ở Gaza đã cho thấy vấn đề này không thể bỏ qua. Để thực hiện tốt tuyên bố ngày 8 tháng 11 của Ngoại trưởng Antony Blinken rằng không thể quay trở lại nguyên trạng rõ ràng là không bền vững trước đây, Hoa Kỳ phải thay đổi cách tiếp cận tổng thể và cam kết thực hiện một tiến trình ngoại giao trên diện rộng để cuối cùng có thể giải quyết xung đột và ưu tiên quyền lợi và nhân phẩm cho người dân trong khu vực.

Danh tiếng và uy tín hoàn cầu của Hoa Kỳ đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi sự ủng hộ dường như vô điều kiện của nước này đối với chiến dịch quân sự tàn khốc của Israel ở Gaza. Nhưng Hoa Kỳ vẫn là quốc gia duy nhất có các mối quan hệ và ảnh hưởng cần thiết để bảo đảm việc gia hạn lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện thuận lợi cho một quá trình mà cuối cùng có thể dẫn đến một thỏa thuận chấm dứt xung đột.

Nói Xuông

Nếu lệnh ngừng bắn kéo dài được duy trì, nó có thể mở đường cho một giải pháp cho cuộc chiến hiện tại. Bất cứ thỏa thuận nào cũng phải chấm dứt việc Israel phong tỏa và giam giữ thường dân Palestine ở Gaza. Nó cũng phải bác bỏ khả năng Hamas tiến hành các cuộc tấn công vào Israel. Mục tiêu mà chính phủ Israel nêu ra là “chấm dứt Hamas” có thể hiểu được dựa trên những hành động tàn bạo của nhóm này vào ngày 7 tháng 10, nhưng nó không thực tế. Hamas sẽ tồn tại như một phong trào chính trị chừng nào việc phủ nhận các quyền của người Palestine còn kéo dài. Không thể “kết thúc” Hamas, nhưng có thể khiến Hamas trở nên vô nghĩa bằng cách giải quyết sự tức giận và vô vọng mà nó nuôi dưỡng. Cuối cùng, bất cứ giải pháp công bằng nào cũng sẽ đòi hỏi phải tính đến thương vong hàng loạt của dân thường ở mỗi bên. Hoa Kỳ đã ủng hộ cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế về tội ác tàn bạo của Nga ở Ukraine. Washington phải làm điều tương tự ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine.

Một lệnh ngừng bắn kéo dài cũng sẽ tạo cơ hội cho Washington nghiêm túc sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine rộng lớn hơn một cách công bằng. Tuy nhiên, để làm như vậy, chính quyền Biden phải dứt khoát từ bỏ tầm nhìn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về các thỏa thuận bình thường hóa song phương từng phần – điều gọi là Hiệp định Abraham – giữa Israel và các chế độ chuyên chế có đa số người Ả Rập và Hồi giáo. Khác xa với việc tạo ra hòa bình, cách tiếp cận đó — mà Biden đã áp dụng ngay sau khi nhậm chức — chỉ che đậy cho sự kiểm soát vĩnh viễn của Israel đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine và phủ nhận các quyền dân tộc, chính trị và nhân quyền căn bản của người Palestine, vi phạm luật pháp quốc tế. Mô hình của Trump và Netanyahu liên quan đến việc Washington, trong yếu tính, hối lộ các chế độ chuyên quyền để công nhận Israel bằng những lời hứa về vũ khí và đảm bảo an ninh của Mỹ. Nhưng "vũ khí vì hòa bình" vốn là một thất bại: nó dẫn đến việc gia tăng quân sự hóa khu vực nhưng không làm tăng sự ổn định - như cuộc chiến ở Gaza đã cho thấy.

Nói rộng hơn, Hoa Kỳ cũng nên từ bỏ chính sách thất bại của mình trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán song phương, trực tiếp giữa các bên có sự mất cân bằng lớn về sức mạnh quân sự và ngoại giao. Thay vào đó, nếu lệnh ngừng bắn kéo dài được duy trì, Wash-ington nên triệu tập ngay các bên đã gặp nhau vào tháng 2 để thảo luận về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine và công bố điều gọi là Thông cáo Aqaba: Ai Cập, Israel, Jordan, Hoa Kỳ và đại diện của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Tuy nhiên, lần này Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, vốn là các đối tác an ninh của Hoa Kỳ duy trì các kênh mở với Iran và Hamas, cũng nên được mời.

Mục tiêu là bảo đảm một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột phù hợp với luật pháp quốc tế. Điều này sẽ bao gồm việc bình thường hóa hoàn cầu và công nhận các quyền dân tộc của cả người Israel lẫn người Palestine trong khi vẫn bảo đảm an ninh và phúc lợi của họ. Những người tham gia có thể đề xuất các mô hình khác nhau làm điều khoản tham khảo. Một mô hình tiềm năng là Sáng kiến Hòa bình Ả Rập, đề xuất sự công nhận hoàn toàn của người Ả Rập đối với Israel để đổi lấy việc chấm dứt sự chiếm đóng bắt đầu từ năm 1967, một giải pháp công bằng cho vấn đề người tị nạn Palestine và thành lập một nhà nước Pales-tine. Một mô hình tiềm năng khác là một thỏa thuận liên minh giữa Israel và Palestine, giống như mô hình được nhóm A Land for All [một lãnh thổ cho mọi người] của Israel đề xuất gần đây, một thỏa thuận tìm cách giải quyết những nghi ngờ chính đáng về tính đáng mong muốn và tính khả thi của việc phân chia và chia tách hoàn toàn. Dù công thức nào được đưa ra, nó đều phải đối diện với thực tại căn bản này là việc Israel chiếm đóng vô thời hạn và sáp nhập lãnh thổ Palestine trên thực tế là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Việc không thể chống lại những nỗ lực của Israel nhằm thiết lập sự kiểm soát phi dân chủ, lâu dài ở những vùng lãnh thổ này sẽ làm tiêu tan mọi nỗ lực giải quyết xung đột ngoại giao và gây thêm bạo lực. Một nghị quyết công bằng cũng phải đảm bảo quyền của người Palestine trên tất cả các vùng lãnh thổ: Gaza, West Bank và Đông Giêrusalem. Bất cứ phương thức nào nhằm tách Gaza đều sẽ thất bại vì đây là một phần không thể thiếu của quốc gia Palestine.

Chứng minh lời nói bằng việc làm

Ngoài việc lãnh đạo ngoại giao khu vực, Washington phải định hướng lại chính sách của mình, chấm dứt thói quen chỉ trích sự chiếm đóng ngày càng sâu rộng của Israel và thay vào đó thực hiện các bước cụ thể để chấm dứt nó. Việc không có bất cứ hậu quả có ý nghĩa nào đối với việc mở rộng khu định cư liên tục và mạnh mẽ của Israel đã thúc đẩy cánh hữu cực đoan ủng hộ việc định cư ở nước này. Washington phải khôi phục hướng dẫn pháp lý cho rằng các khu định cư không phù hợp với luật pháp quốc tế. Làm như vậy sẽ tái khẳng định một trật tự quốc tế thực sự dựa trên luật lệ bằng cách đưa Hoa Kỳ phù hợp với sự đồng thuận pháp lý quốc tế áp đảo được thể hiện trong các Công ước Geneva, trong đó nêu rõ rằng các cường quốc chiếm đóng không được chuyển dân cư của mình sang các vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng về mặt quân sự. Thông báo gần đây của chính quyền Biden rằng họ đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người định cư Israel liên quan đến các cuộc tấn công chống lại người Palestine ở West Bank bị chiếm đóng là một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy Washington cuối cùng đã bắt đầu xem xét vấn đề lâu dài này một cách nghiêm túc.

Hoa Kỳ cũng nên ngừng sử dụng quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bảo vệ Israel khỏi những lời chỉ trích chính xác và phù hợp đối với các hoạt động liên quan đến việc sáp nhập và định cư của nước này. Washington không còn được phép cho phép Is-rael hoặc bất cứ quốc gia nào khác sử dụng vũ khí mua từ Hoa Kỳ hoặc được tài trợ bởi viện trợ của Hoa Kỳ để vi phạm luật nhân đạo quốc tế—như Israel có thể đã làm trong cuộc chiến tranh Gaza—hoặc cho bất cứ mục đích nào bị luật pháp Hoa Kỳ cấm. Bằng cách thực thi một cách có ý nghĩa các luật hiện hành của Hoa Kỳ, bao gồm cả những luật cấm viện trợ cho các lực lượng quân sự có hồ sơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, chính quyền Biden có thể khuyến khích hành vi tốt hơn của Israel và thực hiện tốt cam kết của Biden là đặt nhân quyền làm trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Washington cũng nên ủng hộ một tiến trình dân chủ nhằm tạo ra một ban lãnh đạo hợp pháp của người Palestine, một ban lãnh đạo có thể đưa ra những cam kết đáng tin cậy thay mặt cho người dân Palestine. Nói rõ hơn, Hoa Kỳ không có quyền cũng như khả năng quyết định ai sẽ lãnh đạo người Palestine. Thật vậy, giả định của chính quyền George W. Bush rằng họ có quyền đó đã trực tiếp dẫn đến việc Hamas nắm quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thể hỗ trợ các nhà lãnh đạo Palestine mong muốn hòa bình với Israel bằng cách cho thấy rằng bất bạo động và ngoại giao mang lại con đường giải phóng cho người dân Palestine tốt hơn là bạo lực khủng bố. Hoa Kỳ có thể tăng cường tính hợp pháp của các nhà lãnh đạo như vậy bằng cách nâng cấp mối quan hệ song phương của chính Washington với PLO (tổ chức đã công nhận Israel vào năm 1993), thực thi quyền hành pháp hiện có để chấm dứt chỉ danh lập pháp kéo dài hàng thập niên coi PLO như một tổ chức khủng bố và mở lại lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Giêrusalem để phục vụ người Palestine. Đồng thời, Washington nên hợp tác với các đối tác khu vực và quốc tế để xây dựng một chương trình hỗ trợ kinh tế lớn mang lại lợi ích cho người dân Palestine.

“Vũ khí vì hòa bình” đã thất bại.

Hoa Kỳ cũng phải ngừng việc ngăn chặn các tổ chức quốc tế và việc làm nản lòng các nước khác công nhận nhà nước Palestine. Mặc dù chỉ có người Israel và người Palestine mới có thể đạt được một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột, người Palestine có quyền tìm kiếm sự công nhận nhà nước của họ từ các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài. Tự ràng buộc mình với các nghĩa vụ của tư cách một quốc gia và tham gia các hiệp ước đòi tác phong có trách nhiệm là một cách hành động bất bạo động—một cách phù hợp với luật pháp quốc tế và cần được hoan nghênh, không nên bị làm cho nản lòng hay bị trừng phạt. Do đó, Hoa Kỳ nên chấm dứt việc phi hợpp pháp hóa những nỗ lực đó và thay vào đó hoan nghênh chúng vì chúng có lợi cho triển vọng đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Biden là người ủng hộ mạnh mẽ Israel trong toàn bộ sự nghiệp chính trị của mình. Ông đã tạo dựng được uy tín to lớn đối với người dân Israel bằng tình cảm nồng nhiệt đối với đất nước của họ kể từ ngày 7 tháng 10. Bây giờ là lúc để Biden sử dụng uy tín đó để thúc đẩy chính phủ Israel đi đúng hướng. Ông có thể dễ dàng chứng minh rằng những bước đi như vậy không gây căng thẳng với sự hỗ trợ đã hứa của ông đối với an ninh lâu dài của Israel; trên thực tế, chúng sẽ là sự thực hiện lời hứa đó.

Gaza đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh kể từ năm 2007 và mô hình luôn giống nhau: một vài tuần trong đó mọi người đồng ý rằng cuộc khủng hoảng căn bản phải được giải quyết, và sau đó mọi người đều quên mất. Thảm họa hiện đang diễn ra là kết quả của mô hình đó. Nó không được lặp lại. Thật khó để tưởng tượng rằng điều gì tốt đẹp có thể xảy ra trong hai tháng đầy kinh hoàng và đổ máu vừa qua. Nhưng cam kết của Mỹ đối với một tiến trình ngoại giao bền vững dựa trên luật pháp quốc tế sẽ là một bước nhảy vọt hướng tới một tương lai an toàn và hòa bình cho cả hai dân tộc.