1. Ukraine tưởng niệm nạn nhân Holodomor
Hôm thứ Bẩy 25 tháng 11, Ukraine đã tưởng niệm các nạn nhân Holodomor. Ukraine là một dân tộc hiền lành và ngoan đạo. Trước khi làm các công việc, đặc biệt là công việc đồng áng, họ quay mặt về hướng Đông làm dấu Thánh Giá, chúc tụng và ngợi khen Chúa ban cho mùa màng bội thu. Dân tộc hiền lành ấy đã nhiều lần bị người Nga cố tình diệt chủng.
Ngày tưởng niệm Holodomor được đánh dấu hàng năm vào ngày thứ Bảy thứ tư của tháng 11 theo các sắc lệnh của tổng thống đưa ra năm 1998 và 2007.
Trong thế kỷ 20, người Ukraine đã ba lần phải hứng chịu nạn đói hàng loạt: vào các năm 1921-1923, 1932-1933 và 1946-1947. Tuy nhiên, Holodomor trong 2 năm 1932-1933 là tàn khốc nhất - nó đã được công nhận là tội ác diệt chủng người dân Ukraine dưới chế độ của Stalin.
Nạn đói khủng bố kéo dài 22 tháng ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của 7 triệu người.
Trong nhiều thập kỷ, chủ đề về Holodomor đã bị cấm đoán. Chừng nào chế độ cộng sản còn tồn tại, thậm chí thảo luận về vấn đề nạn đói của những năm đó cũng bị nghiêm cấm. Nghiên cứu về bi kịch này chỉ bắt đầu vào cuối những năm 1980.
Theo luật được thông qua vào ngày 28 tháng 11 năm 2006, “Về Holodomor trong hai năm 1932-1933 tại Ukraine,” nạn đói năm 1932-1933 được coi là một hành động diệt chủng người dân Ukraine. Luật này cũng coi hành động phủ nhận công khai biến cố này là một sự xúc phạm đối với hàng triệu nạn nhân của Holodomor, là một sự sỉ nhục nhân phẩm của người dân Ukraine, và bị coi là bất hợp pháp.”
Vào ngày 7 tháng 12 năm 2016, các nhà lập pháp Ukraine kêu gọi các quốc gia khác công nhận Holodomor là tội ác diệt chủng người dân Ukraine. Đến nay đã có 22 quốc gia chính thức công nhận Holodomor ở Ukraine năm 1932-1933 là tội ác diệt chủng người dân Ukraine.
Theo truyền thống, vào ngày này, người Ukraine thắp nến tưởng niệm trong nhà của họ để vinh danh các nạn nhân của nạn đói nhân tạo.
2. Cử hành kỷ niệm nạn đói diệt chủng Holodomor tại Vatican
Năm ngoái, bất chấp các chỉ trích dữ đội của các phương tiện truyền thông Nga, Đức Thánh Cha và hai vị Hồng Y đã cử hành lễ kỷ niệm nạn đói diệt chủng do Stalin gây ra ở Ukraine từ năm 1932 đến năm 1933, khiến 7 triệu người Ukraine thiệt mạng.
Buổi lễ đã diễn ra tại Vương cung thánh đường Thánh Sofia ở Rôma vào lúc 5g chiều thứ Bẩy 26 tháng 11, 2022 theo giờ địa phương. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha Phanxicô có Đức Hồng Y Leonardo Sandri, là Tổng trưởng Bộ Giáo Hội Đông phương và Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng Trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện và Cha Marco Jaroslav Semehen, Giám đốc Hagia Sophia ở Rôma và Giám đốc Di cư của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Ý. Sau thánh lễ cũng có các cuộc trình diễn âm nhạc và cuộc triển lãm tranh vẽ, ảnh và tác phẩm điêu khắc của Armandì “Nỗi đau bị lãng quên - Holodomor” và buổi thắp nến tưởng nhớ.
Năm nay, do Đức Thánh Cha bị cảm vào giờ chót và phải vào nhà thương, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã cử hành thay cho ngài vào hôm Thứ Bẩy, 25 Tháng Mười Một.
Trong thánh lễ năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa hướng suy nghĩ của mình đến đất nước Ukraine đau khổ từ lâu, nhắc đến các nạn nhân của Holodomor và gọi đó là nạn diệt chủng.
“Chúng ta hãy tưởng nhớ Ukraine đã chịu đựng lâu dài. Thứ bảy này đánh dấu kỷ niệm cuộc diệt chủng khủng khiếp Holodomor trong hai năm 1932-1933 do Stalin gây ra một cách giả tạo. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn diệt chủng này và cầu nguyện cho tất cả người Ukraine, trẻ em, phụ nữ và người già, trẻ sơ sinh, những người ngày nay đang phải chịu sự tử vì đạo của quân xâm lược,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói như trên khi kết thúc Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, ngày 23 tháng 11, 2022.
3. Ukraine: các giám mục kết thúc “Năm Lòng Thương Xót”, để chữa lành “những vết thương và sự tàn phá do chiến tranh gây ra” và “xây dựng lại những gì đã bị phá hủy”
Một “Năm Lòng Thương Xót”, bởi vì “những vết thương và sự tàn phá do chiến tranh gây ra quá lớn đến nỗi sẽ phải mất nhiều năm và nhiều nỗ lực để hàn gắn chúng và xây dựng lại những gì đã bị phá hủy”. Các Giám Mục Ukraine đã tuyên bố như trên trong một thông điệp được công bố hôm thứ Bẩy 26 tháng 11, 2022 khi các giám mục của Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Ukraine - đã tập trung tại Bryukhovychy gần Lviv cho phiên họp khoáng đại lần thứ 57 của Hội đồng Giám mục.
Năm Lòng Thương Xót, đã bắt đầu vào ngày 27 tháng 11, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, và tiếp tục cho đến lễ trọng Chúa Kitô Vua vào năm 2023, tức là ngày 26 Tháng Mười Một, năm nay.
Lòng thương xót là con đường được hàng giám mục Công Giáo chỉ ra cho một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề. “Chúng ta cần sức mạnh – các giám mục viết – để sống, yêu thương, bảo vệ đất nước của chúng ta và phục vụ những người khác bằng công việc của chúng ta. Chúng ta cần sự bình an sâu xa trong lòng và niềm hy vọng vững chắc. Chúng ta cần đức tin mạnh mẽ để định hình các quyết định và hành động của mình. Ngày nay chúng ta đang trải qua nỗi kinh hoàng của chiến tranh” và “chúng ta đang trải qua hậu quả của những hành động gây ra bởi những người không biết đến lòng thương xót của Chúa, họ đã đến vùng đất của chúng ta để giết chóc và hủy diệt. Bao nhiêu điều ác, bạo lực, dối trá, nhỏ nhen và hoài nghi do quân xâm lược mang lại. Tất cả những điều này là dấu hiệu của sự lạnh lùng của một tâm hồn trống rỗng đã chối bỏ Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng có nguy cơ nguội lạnh tâm hồn” và để mình rơi vào “sự tuyệt vọng, mệt mỏi, hận thù hay ngã lòng”.
Do đó, lời mời gọi hãy kín múc sức mạnh từ “Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta: 'Hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề...' (Mt 11:28)”. “Thế giới cần lòng thương xót, lòng thương xót của Chúa. Chúng ta chỉ có thể thông truyền lòng thương xót của Thiên Chúa khi chính chúng ta kín múc từ đó. Chúng ta ý thức rằng chỉ nơi Chúa mới là sức mạnh và quyền năng của chúng ta”.
Trong thông điệp, các giám mục cũng vạch ra những hành động cụ thể phát xuất từ thái độ thương xót. Các ngài bày tỏ một suy nghĩ đặc biệt đến “quân đội, những người bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta bằng cái giá là mạng sống và sức khỏe của họ. Chúng ta hãy bao bọc họ trong những lời cầu nguyện của chúng ta “.
“Chúng ta hãy an ủi những người có người thân, bạn bè và người quen đã bị chiến tranh bắt đi. Chúng ta hãy mở cửa nhà cho trẻ mồ côi. Chúng ta đừng quên những người già đã bị chiến tranh đuổi ra khỏi thành phố hoặc làng mạc của họ, phá hủy nhà cửa của họ. Chúng ta gần gũi với những người bắt buộc phải di cư, để họ cảm nhận được lòng tốt của chúng tôi, để một nơi cư trú khác và một môi trường xa lạ không khắc nghiệt và không thể chịu đựng được đối với họ “.
Lời kêu gọi cuối cùng của các Giám Mục Ukraine là tìm kiếm “trong thời kỳ chiến tranh này”, “sự khôn ngoan, can đảm và sức mạnh để làm chứng cho lòng thương xót của Chúa”.