1. Giám mục Thượng Hải kêu gọi các tín hữu ủng hộ việc 'Hán hóa' Giáo hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Một giám mục Trung Quốc được bổ nhiệm vào tháng 4 năm ngoái trái với mong muốn của Vatican đã lặp lại cam kết thực hiện chương trình Hán hóa tôn giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong giáo phận của mình.

Ông Giuse Thẩm Bân, Giám Mục Thượng Hải đã đưa ra nhận xét của mình trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước China News Service.

“Hán hóa là một vấn đề mang tính định hướng: một biển chỉ dẫn và một phương hướng để thích ứng với xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như một quy luật cố hữu và một yêu cầu cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội Công Giáo ở chính Trung Quốc,” Ông Bân nói, UCA News đưa tin.

Ông tiếp tục nói rằng “Hán hóa không phải để thay đổi niềm tin tôn giáo” nhưng nhấn mạnh rằng giáo huấn Công Giáo phải “phù hợp” với hệ tư tưởng của đảng.

“Điều này có nghĩa là đưa ra những giải thích về các kinh điển, học thuyết, kinh điển thần học phù hợp với yêu cầu của giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa. Thông qua việc truyền tải văn hóa, Giáo hội kết hợp các yếu tố và đặc điểm của văn hóa Trung Quốc vào phụng vụ, kiến trúc, nghệ thuật của Giáo hội, v.v.; nhằm mục đích thiết lập một khuôn khổ thần học Công Giáo mang sắc thái Trung Quốc, có thể được sử dụng như một hướng dẫn để đưa việc Hán hóa đạo Công Giáo vào thực hành”, ông Bân nói.

Thẩm Bân giữ chức vụ phó chủ tịch Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước kiểm soát và là chủ tịch Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc- đó là hội đồng giám mục của Giáo hội được nhà nước công nhận, nhưng là một cơ quan không được Đức Thánh Cha công nhận.

Ông Bân đã gây sóng gió khi được đơn phương bổ nhiệm làm giám mục Thượng Hải vào tháng 4 mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng, do đó vi phạm các điều khoản của Hiệp định Trung Quốc-Vatican đang gây tranh cãi. Mặc dù văn bản của hiệp định là bí mật, nhưng nó quy định việc bổ nhiệm các giám mục của đại lục - và quy định rằng việc bổ nhiệm các giám mục cần phải có sự chấp thuận của cả Tòa thánh và Trung Quốc. Thỏa thuận tạm thời lần đầu tiên có hiệu lực vào năm 2018 và sau đó được gia hạn vào năm 2020 và 2022. Thỏa thuận này sẽ được gia hạn lần thứ ba vào năm 2024.

Ông Bân đã chính thức được bổ nhiệm làm giám mục Thượng Hải vào ngày 15 tháng 7, khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhượng bộ và phê chuẩn việc bổ nhiệm hồi tố của ông.

Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, cho biết quyết định của Đức Thánh Cha được đưa ra là để “chữa lành sự bất hợp lệ về giáo luật”. Ngài cũng cho biết “ý định về cơ bản là mục vụ” và sẽ cho phép giám mục “làm việc với sự thanh thản hơn để thúc đẩy việc truyền giáo và thúc đẩy sự hiệp thông trong giáo hội”.

Những bình luận gần đây của ông Bân được đưa ra sau khi ông thực hiện một cuộc phỏng vấn dài 15 trang với tạp chí giáo phận Thượng Hải vào tháng 10, nơi ông một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện việc Hán hóa đối với Giáo hội ở Trung Quốc.

“Chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc yêu nước và yêu mến Giáo hội, tuân thủ nguyên tắc độc lập và tự chủ trong việc điều hành Giáo hội, tuân thủ nguyên tắc dân chủ trong việc điều hành Giáo hội và tuân thủ đường hướng Hán hóa Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc. Đây là điểm mấu chốt mà không ai có thể phá vỡ, đồng thời cũng là đường dây áp suất cao mà không ai được chạm vào”, ông Bân nói trong cuộc phỏng vấn vào tháng 10.

Trong khi quá trình Hán hóa tôn giáo có ý nghĩa lịch sử sâu sắc hơn là đưa đức tin vào bối cảnh xã hội Trung Quốc, thì dưới thời Tập Cận Bình, nó đã mang một chiều hướng mới để đưa niềm tin và thực hành tôn giáo hòa hợp với ý thức hệ cộng sản của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ chính sách cơ bản của đảng về các vấn đề tôn giáo, duy trì nguyên tắc tôn giáo ở Trung Quốc phải mang tính định hướng của Trung Quốc và cung cấp hướng dẫn tích cực cho các tôn giáo để họ có thể thích nghi với xã hội xã hội chủ nghĩa”, Tập Cận Bình nói.

Từ ngày 7 đến ngày 8 tháng 11, “Hội thảo Hán hóa Công Giáo Thượng Hải đầu tiên: Lịch sử và Triển vọng” đã được tổ chức tại Thượng Hải để thúc đẩy hơn nữa chương trình.

Buổi hội thảo có sự tham dự của các giáo sư, đại diện chính quyền địa phương, Giám mục Lý Sơn của Bắc Kinh đang giữ chức vụ chủ tịch Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc và các thành viên của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, một cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc trực tiếp xử lý các vấn đề tôn giáo ở Trung Quốc đại lục.

Hội thảo tập trung vào “các chủ đề như lịch sử và tương lai của việc Hán hóa Công Giáo, kinh nghiệm Thượng Hải về việc Hán hóa Công Giáo, chiều hướng đối thoại liên tôn trong việc học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh và thực tiễn Hán hóa và việc nuôi dưỡng những tài năng tôn giáo.”


Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y nói Đức Cha Strickland bác bỏ yêu cầu từ chức

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cách chức Đức Cha Joseph Strickland của Tyler, Texas, khỏi chức vụ của ngài hôm thứ Bảy sau khi ngài bác bỏ yêu cầu từ chức, Đức Hồng Y Daniel DiNardo, tổng giám mục Galveston-Houston, đã cho biết như trên.

Việc sa thải Đức Cha Strickland vào ngày 11 tháng 11 diễn ra sau khi Bộ Giám mục Vatican hoàn thành một cuộc điều tra chính thức trong giáo phận vào đầu năm nay được gọi là chuyến thanh tra tông tòa, mà theo một nguồn tin, đã xem xét việc sử dụng mạng xã hội của vị giám mục và các câu hỏi liên quan đến việc quản lý giáo phận. Cuộc viếng thăm được thực hiện bởi Đức Giám Mục Dennis Sullivan của Camden, New Jersey, và Đức Giám Mục nghỉ hưu Gerald Kicanas của Tucson, Arizona.

“Kết quả của chuyến viếng thăm là đề nghị được đưa ra với Đức Thánh Cha rằng việc tiếp tục giữ chức vụ của Đức Cha Strickland là không khả thi,” Đức Hồng Y DiNardo nói trong tuyên bố ngày 11 tháng 11.

DiNardo nói tiếp: “Sau nhiều tháng xem xét cẩn thận bởi Bộ Giám mục và Đức Thánh Cha, quyết định đã đạt được là nên yêu cầu Đức Giám Mục Strickland từ chức”. “Sau khi yêu cầu đó được đưa ra vào ngày 9 tháng 11 năm 2023, Đức Cha Strickland đã từ chối từ chức. Sau đó, vào ngày 11 tháng 11 năm 2023, Đức Thánh Cha đã cách chức Đức Cha Strickland khỏi chức vụ Giám mục Tyler.”

Kể từ năm 2012, Đức Cha Strickland, 65 tuổi, đã là giám mục của Giáo phận Tyler, một giáo phận hạt của Galveston-Houston. Vị giám mục nổi tiếng ở Texas đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì các bài đăng trên mạng xã hội mang tính chất nảy lửa của ngài, bao gồm cả một dòng tweet ngày 12 tháng 5 cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang “phá hoại kho tàng đức tin”.

Thông báo của Vatican không đưa ra lý do cho việc loại bỏ vị giám mục. Đức Giám Mục Joe Vásquez của Austin sẽ phục vụ với tư cách là giám quản tông tòa của Giáo phận Tyler cho đến khi một giám mục mới được bổ nhiệm.

Giáo phận Tyler đã đưa ra một tuyên bố vào sáng thứ Bảy thông báo về việc Đức Cha Strickland bỉ bãi nhiệm và việc bổ nhiệm Đức Cha Vásquez.

“Công việc của chúng tôi với tư cách là Giáo Hội Công Giáo ở phía đông bắc Texas vẫn tiếp tục. Sứ mệnh của chúng tôi là chia sẻ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, nuôi dưỡng một cộng đồng Kitô hữu đích thực và phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người với lòng trắc ẩn và tình yêu thương”, tuyên bố cho biết. “Chúng tôi cố gắng đào sâu đức tin của mình, thúc đẩy lợi ích chung và tạo ra một môi trường chào đón cho tất cả mọi người gặp gỡ Thiên Chúa yêu thương – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”

“Trong thời gian chuyển tiếp này, chúng ta cầu nguyện để Thiên Chúa tiếp tục ban nhiều phúc lành và củng cố Giáo hội cũng như những người thánh thiện, trung thành của Chúa ở đây và trên toàn thế giới.”


Source:Catholic News Agency

3. 'Luật Giáo dục Yêu nước' mới của Trung Quốc đặt ra nhiều hạn chế hơn nữa đối với việc hướng dẫn tôn giáo

Trung Quốc đã thông qua “Luật Giáo dục Yêu nước”, củng cố hơn nữa sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với giáo dục, bao gồm cả giáo dục tôn giáo, hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã cho biết như trên.

Luật mới, được thông qua trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Toàn quốc, sẽ yêu cầu các nhà thờ và các nhóm tôn giáo điều chỉnh các hoạt động giáo dục của họ để thúc đẩy ý thức hệ chính thức của đảng.

“Nhà nước hướng dẫn và hỗ trợ các nhóm tôn giáo, cơ sở tôn giáo và các địa điểm hoạt động tôn giáo trong việc thực hiện các hoạt động giáo dục lòng yêu nước, nâng cao sự gắn kết của các chuyên gia tôn giáo và tín hữu với quê hương vĩ đại, nhân dân Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc, và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc,” luật mới viết.

Luật tiếp tục quy định rằng “tất cả các cấp và loại hình trường học phải giáo dục lòng yêu nước trong toàn bộ quá trình giáo dục ở trường” và ngay cả “cha mẹ hoặc những người giám hộ khác của trẻ vị thành niên cũng phải đưa tình yêu quê hương đất nước vào giáo dục gia đình”.

Giáo dục lòng yêu nước đã là một mệnh lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ khi chiếm được Hoa Lục, để khắc sâu ý thức hệ chính thức của đảng. Nó đã được hình dung lại trong các thời kỳ biến động xã hội, cụ thể là trong Cách mạng Văn hóa và sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Tập Cận Bình đã thay đổi quan điểm của mình về giáo dục lòng yêu nước, củng cố nó bằng học thuyết tư tưởng về “sự phục hưng vĩ đại của người dân Trung Quốc”. Câu thần chú này một phần tập trung vào sự hồi sinh của văn hóa Trung Quốc, nhưng nó cũng được khẳng định là “ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.

Cụm từ này, lần đầu tiên được đưa ra dưới thời Đặng Tiểu Bình, sau đó đã được định nghĩa lại dưới thời Tập Cận Bình và thậm chí còn được ghi vào hiến pháp tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2017 với tên gọi “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho một thế hệ và kỷ nguyên mới”.

Điệp khúc tư tưởng này, được bất tử hóa trong chương trình chung của hiến pháp Đảng Cộng sản Trung Quốc, được lặp lại trong điều 6 của Luật Giáo dục lòng yêu nước và là nền tảng cho chương trình giảng dạy về lòng yêu nước.

Luật cũng kêu gọi hướng dẫn chính trị rộng rãi hơn về “lịch sử của Đảng Cộng sản, nước Trung Quốc mới, cải cách và mở cửa, sự phát triển của chủ nghĩa xã hội và sự phát triển của nhân dân Trung Quốc”.

Nằm trong “Tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” của Tập Cận Bình là chương trình đưa các nhóm tôn giáo và tín ngưỡng về với đảng thông qua quá trình Hán hóa.

“Chúng ta sẽ thực hiện đầy đủ chính sách cơ bản của đảng về các vấn đề tôn giáo, duy trì nguyên tắc tôn giáo ở Trung Quốc phải mang tính định hướng của Trung Quốc và cung cấp hướng dẫn tích cực cho các tôn giáo để họ có thể thích nghi với một xã hội theo xã hội chủ nghĩa”, Tập Cận Bình nói.

Năm 2017, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành Quy định cập nhật về các vấn đề tôn giáo. Đạo luật gồm 77 điều này quy định tôn giáo phải “tuân theo nguyên tắc độc lập, tự quản” để duy trì “hòa bình xã hội”. Nó cũng quy định rằng giáo dục tôn giáo và các địa điểm thờ phượng phải được chính phủ phê duyệt và ghi danh chính thức.

Vào năm 2021, các Biện pháp quản lý giáo sĩ tôn giáo đã được thông qua, bắt buộc các giáo sĩ phải ghi danh với cơ sở dữ liệu của chính phủ và củng cố thêm rằng các giáo sĩ phải tuân thủ chương trình Hán hóa.

Một điểm mới của Luật Giáo dục Yêu nước là nó là một công cụ bổ sung để Đảng Cộng sản Trung Quốc mở rộng chỗ đứng của mình vượt ra ngoài giới hạn địa lý của đại lục tới “Đặc khu hành chính Hương Cảng, Đặc khu hành chính Macao và Đài Loan”.

Sau khi Luật Giáo dục Yêu nước được thông qua, Giám đốc điều hành Hương Cảng John Lee tuyên bố: “Chính phủ Đặc Khu Hương Cảng sẽ tạo điều kiện thuận lợi đầy đủ cho các công việc liên quan để phối hợp trong chính phủ cũng như các lực lượng yêu nước của các ngành khác nhau trong việc nỗ lực bền bỉ nhằm thúc đẩy giáo dục lòng yêu nước và… hiểu biết mối quan hệ chặt chẽ giữa đại lục và Hương Cảng.”

Sau khi chuyển giao Hương Cảng từ Vương quốc Anh sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1997, Luật Cơ bản có hiệu lực thúc đẩy khái niệm “một quốc gia, hai chế độ”.

Trong khi Luật Cơ bản cho phép giáo dục tôn giáo, ngày càng có nhiều lo ngại ở Hương Cảng về việc mở rộng ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở khu vực được cho là tự trị này, đặc biệt là khi nó liên quan đến giáo dục Công Giáo.

Giáo phận Hương Cảng là nhà cung cấp giáo dục lớn nhất trong lãnh thổ. Theo số liệu của giáo phận năm 2022, có tổng cộng 249 trường học ở Hương Cảng với tổng số tuyển sinh là 136.804 học sinh, trong đó chỉ có 14.888, tương đương 10,88%, là người Công Giáo.