Một Hồng Y Vatican cho biết trong tuần này rằng việc xây dựng hòa bình bắt đầu từ trái tim của chúng ta bằng việc hòa giải với chính mình và với Thiên Chúa qua Bí tích Hòa giải.

Khi chúng ta nhớ đến những người vô tội đang chết trong chiến tranh trong những ngày này, chúng ta có thể hy vọng vào sự hòa giải, lòng thương xót và sự bình an của Chúa Kitô khi xưng tội, Đức Hồng Y Mauro Piacenza nói trong một lá thư được công bố trước lễ Các Thánh.

Đức Hồng Y Piacenza là Chánh Tòa Ân Giải của Vatican, là văn phòng của Giáo triều Rôma chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến Bí tích Hòa giải, ân xá và tòa trong, là một hình thức bí mật hoặc bảo mật ngoài bí tích, được áp dụng cho việc linh hướng.

“Đây là những ngày, đối với toàn thể Giáo hội, để tưởng nhớ những người đã ra đi trước chúng ta, và đặc biệt, trong thời điểm chiến tranh bi thảm này, tưởng nhớ tất cả những người vô tội, những người vẫn tiếp tục chết mà không biết tại sao,” Vị Hồng Y 79 tuổi viết.

“Tuy nhiên, đồng thời, ước gì chúng là những ngày được soi sáng bởi niềm hy vọng thực sự bởi sự chắc chắn rằng vòng tay của Chúa Kitô, mở rộng trên thập giá, mạnh mẽ mời gọi toàn thể nhân loại đến với sự hòa giải, lòng thương xót và hòa bình.”

Đức Hồng Y Piacenza nhắc nhớ những lời của Chúa Kitô trên Núi Bát Phúc: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình”.

Ngài nói: “Đây là một nền hòa bình được Thiên Chúa ban tặng và đòi hỏi con người phải xây dựng, bắt đầu từ sự bình an trong tâm hồn họ, bởi vì chỉ những ai được hòa giải với Thiên Chúa và với chính mình mới có thể thực sự là những người kiến tạo hòa bình”.

Đức Hồng Y cũng mời gọi các linh mục thực hành “sự quảng đại lớn lao” khi ngồi tòa giải tội, “vì dân Chúa được củng cố, và trong trường hợp tội trọng, mối liên kết không thể thiếu được với Chúa Kitô được tái tạo”.

Ngài nói tiếp, bí tích xưng tội – còn được gọi là sám hối hay hòa giải – củng cố thân thể Chúa Kitô qua phép lạ tha thứ, đồng thời lưu ý rằng khi “tất cả” của Giáo hội được củng cố nhờ sự tha thứ, thì sự tha thứ này có thể mở ra cho toàn thế giới.

Suy ngẫm về việc Giáo hội cử hành Ngày Các Thánh và Lễ Các Linh Hồn vào ngày 1 và 2 tháng 11, Đức Hồng Y Piacenza nhắc lại rằng “Giáo hội không chỉ là Giáo hội hữu hình trước mắt chúng ta, mà còn là Giáo hội 'chiến thắng' trên thiên đàng, đã được hiệp thông trọn vẹn với Chúa; và Giáo Hội của những người 'thanh luyện', đang trên đường tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn ấy, là điều mà chúng ta cầu nguyện khi tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời.”

Ngài nói: Thật tốt khi nhớ rằng Giáo hội vô hình là đa số, trong khi phần hữu hình là thiểu số.

“Toàn bộ thân thể của Chúa Kitô có một đầu là chính Chúa Kitô, trong khi thân thể của Người, hữu hình, và vô hình được tạo thành từ các anh chị em cụ thể, những người ở cạnh chúng ta và sống trong cùng một nhiệm thể”.

Đức Hồng Y Piacenza nói: “Thập giá của Chúa Kitô, được tái hiện một cách bí tích trong Bí tích Thánh Thể và hoa trái của nó mở rộng đến bí tích hòa giải, dành cho tất cả mọi người,” và những hồng ân của nó được đổ vào tâm hồn qua Thánh Thần. Giáo Hội cống hiến cho mọi người cơ hội được đón nhận ân sủng. Giáo hội dành cho tất cả mọi người, tất cả, tất cả, bởi vì Giáo hội là Công giáo, phổ quát và vì Giáo hội là duy nhất.”


Source:Catholic News Agency