1. Một con tầu từ bán đảo Crimea vận chuyển quân nhu cho quân đội Nga bị nổ tung. Một đoạn đường hỏa xa cũng bị phá hủy.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Train Blown Up by Ukrainian Partisans, Cutting Supplies From Crimea”, nghĩa là “Tàu Nga bị quân du kích Ukraine cho nổ tung, cắt nguồn cung cấp từ Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine đưa tin quân du kích Ukraine đã cho nổ tung một đoàn tàu của Nga hôm thứ Sáu, gây gián đoạn việc cung cấp đạn dược và nhiên liệu cho cuộc chiến của quân đội Mạc Tư Khoa ở khu vực Zaporizhzhia.
Trung tâm này, hoạt động như một cơ quan thông tin thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết như trên rằng những người ủng hộ Kyiv ở thành phố Melitopol bị Nga tạm chiếm đã phá hoại một chuyến tàu của Nga được sử dụng để chở đồ tiếp tế hàng ngày từ Crimea đến Melitopol và Dniprorudne thuộc tỉnh Zaporizhzhia. Kết quả của vụ tấn công là một vụ nổ long trời được tường trình đã làm hư hỏng một đầu máy xe lửa và 150 mét đường hỏa xa.
Vụ việc này là vụ mới nhất trong một loạt vụ tấn công trong năm nay nhằm vào các tuyến đường hỏa xa của Nga. Các hành vi phá hoại đường hỏa xa nổi tiếng khác bao gồm vụ nổ trên tuyến đường hỏa xa ở vùng Feodosia của Crimea vào tháng 6 và vụ nổ tháng 5 dẫn đến trật bánh khiến giao thông đường sắt giữa Simferopol, thủ đô của Crimea và Sevastopol bị đình trệ.
Theo Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine, vụ việc hôm thứ Sáu là vụ phá hoại thành công thứ 10 trên đường hỏa xa Nga do các du kích thực hiện ở vùng Zaporizhzhia trong năm nay.
Newsweek đã liên hệ với Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine và Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận vào thứ Sáu.
Trung tâm Ukraine cho biết chuyến tàu bị tấn công hôm thứ Sáu không chỉ chở hàng tiếp tế cho quân nhân của Putin ở Zaporizhzhia mà còn chở các thiết bị hư hỏng và hàng hóa bị đánh cắp như quặng sắt, ngũ cốc và các tài sản khác từ Ukraine trở về Crimea.
Thông điệp Telegram của trung tâm cho biết quân đội Nga đã bao vây địa điểm xảy ra vụ tấn công sau vụ nổ nhằm nỗ lực che giấu thiệt hại của vụ phá hoại, và đồng thời truy tìm những du kích quân đứng sau vụ tấn công.
Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine cho biết các du kích quân tham gia vụ tấn công đều an toàn và họ hứa sẽ thực hiện nhiều hành động phá hoại hơn trong tương lai.
Các phe phái Ukraine được cho là đã thực hiện các cuộc tấn công quan trọng trong suốt cuộc chiến mà Putin phát động vào tháng 2 năm 2022. Vào tháng 8 năm 2022, The Washington Post đưa tin các phe phái có khả năng đứng sau một cuộc tấn công vào căn cứ không quân Saky của Nga ở Crimea, gây ra ít nhất 12 vụ nổ tại cơ sở này.
Những người ủng hộ Ukraine ở Nga cũng nhận trách nhiệm về một làn sóng tấn công ở các khu vực biên giới của Nga, bao gồm một số vụ ở Belgorod.
Vào cuối tháng 7, các du kích quân cũng được cho là đứng sau vụ đầu độc hàng loạt trong lễ kỷ niệm của quân đội Nga tại thành phố Mariupol bị tạm chiếm. Theo một quan chức Ukraine, hai sĩ quan Nga đã thiệt mạng và 15 binh sĩ khác phải vào bệnh viện sau khi quân du kích đầu độc lực lượng Điện Cẩm Linh khi họ kỷ niệm Ngày Hải quân, một ngày lễ quốc gia nổi tiếng ở Nga nhằm tôn vinh các thành viên của lực lượng hải quân nước này.
2. Người Nga 'bị nghiền nát' ở Avdiivka
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Sáu 13 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết người Nga đang 'bị nghiền nát' ở Avdiivka. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng tình hình là rất căng thẳng.
Hôm thứ Ba 10 tháng 10, từ tờ mờ sáng, quân Nga đã ồ ạt tấn công vào Avdiivka. Lực lượng của họ bao gồm ba tiểu đoàn Dù thiện chiến thuộc Lữ Đoàn Dù 76, và Trung Đoàn 39 Súng Trường Cơ Giới đã tiến đánh Avdiivka đang được Lữ Đoàn 72 Cơ Giới Hóa và một tiểu đoàn Địa Phương Quân của Ukraine phòng thủ. Cuối ngày thứ Ba, các cảnh quay cho thấy một bãi chiến trường thê lương trông rất dễ sợ: 820 lính Nga nằm chết trên những cánh đồng, bên cạnh 91 xe thiết giáp và 34 xe tăng bị cháy rụi. Tàn quân của Trung Đoàn 39 Súng Trường Cơ Giới còn lại chưa đến một tiểu đoàn.
Ngày hôm sau, ngày thứ Tư 11 tháng 10, họ lại bổ sung thêm quân của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk và quay trở lại. Các chiến xa xung trận theo chiến thuật biển người quyết tâm tràn ngập Avdiivka. Kết quả là thêm 42 xe tăng và 44 xe thiết giáp bị bắn cháy và 990 quân Nga tử trận.
Quân Nga lại quay trở lại vào sáng hôm Thứ Năm, 12 tháng 10.Kết quả là 1030 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 26 xe tăng, 49 xe thiết giáp, và 44 hệ thống pháo.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Maps Show Territory Won, Lost As Russians 'Pulverized' in Avdiivka”, nghĩa là “Bản đồ Ukraine cho thấy những lãnh thổ đã thắng, bị mất khi người Nga 'bị nghiền nát' ở Avdiivka.”
Các cuộc đụng độ dữ dội đang diễn ra trong trận chiến giành Avdiivka ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine, khi Mạc Tư Khoa đẩy mạnh cuộc tấn công được một quan chức mô tả là lớn nhất vào thị trấn tiền tuyến phía đông.
Các bản đồ mới nhất do Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, công bố cho thấy những phần lãnh thổ được hai bên giành và mất khi Nga nỗ lực chiếm thị trấn, nơi có tầm quan trọng chiến lược và mang tính biểu tượng đối với Ukraine. Một chiến lược gia chính trị cho biết quân đội Nga đang bị “nghiền thành bột” trong khu vực.
Avdiivka, nơi có dân số trước chiến tranh ít nhất là 30.000 người, nằm cách Bakhmut khoảng 90 km về phía nam và ngay ở phía bắc của Donetsk bị Nga tạm chiếm. Nơi đây trở thành mục tiêu xâm lược của Nga kể từ năm 2014, khi Vladimir Putin sáp nhập trái phép bán đảo phía nam Crimea của Ukraine và phe ly khai thân Nga ở khu vực phía đông Donetsk và Luhansk bắt đầu xung đột với lực lượng của Kyiv.
ISW cho biết các lực lượng Nga có thể đã phát động một nỗ lực tấn công đáng kể và liên tục xung quanh Avdiivka, tỉnh Donetsk vào ngày 10/10.
“Các trận chiến xung quanh thành phố không hề giảm bớt; Cuộc pháo kích không giảm bớt cả vào các vị trí xung quanh và chính thành phố”, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự địa phương ở Avdiivka, Vitaliy Barabash, cho biết trên truyền hình quốc gia, đồng thời cho biết thêm rằng “hai chục hỏa tiễn” đã tấn công khu vực hôm thứ Tư.
Barabash nói: “Có người chết, bị thương và có người dưới đống đổ nát.”
Radu Hossu, một chiến lược gia chính trị đăng bài về cuộc chiến ở Ukraine trên X, trước đây gọi là Twitter, cho biết trong một bản tóm tắt về cuộc tấn công ở Avdiivka rằng hàng trăm lính bộ binh Nga đang bị pháo binh Ukraine “nghiền nát”.
Hossu viết: “Thật khó tin và gần như không thể tưởng tượng được cách người Nga coi thường quân đội của họ, tấn công hoàn toàn vô tổ chức và vô nghĩa trong nỗ lực bao vây thị trấn pháo đài ở rìa Donetsk”.
ISW đánh giá tính đến thứ Năm, các lực lượng của Mạc Tư Khoa vẫn chưa đạt được bất kỳ bước đột phá nào gần Avdiivka và tình thế này còn lâu mới cắt đứt được lực lượng Ukraine trong thành phố.
Viện nghiên cứu cho biết các lực lượng Nga có thể đã chiếm được khoảng 4,52 km2 lãnh thổ từ các hướng khác nhau xung quanh Avdiivka kể từ ngày 10 tháng 10 và các lực lượng Nga chỉ cách chiến tuyến của Ukraine hơn 3 km và chỉ cách Avdiivka hơn 5 km về phía bắc..
ISW cho biết: “Những tuyên bố của Nga về những tiến bộ vượt xa những khoảng cách này có thể đã bị cường điệu hóa”.
Barabash cho biết cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa vào Avdiivka bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 là “có lẽ là cuộc tấn công lớn nhất của Nga vào thành phố” kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự cho biết, các lực lượng của Mạc Tư Khoa đang “cố gắng tấn công theo nhiều hướng - 10-12 hướng cùng lúc và điều này với sự hỗ trợ của Không Quân”.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm thứ Tư báo cáo rằng một nhóm gồm ba tiểu đoàn Nga với sự hỗ trợ của xe tăng và xe thiết giáp đã tăng cường các hoạt động tấn công gần Avdiivka.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trên mạng xã hội hôm thứ Năm rằng Kyiv đang đứng vững trong thị trấn.
“Chính lòng dũng cảm và sự đoàn kết của Ukraine sẽ quyết định cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào”, ông Zelenskiy nói.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.
3. Mỹ cáo buộc Triều Tiên cung cấp thiết bị quân sự cho Nga
Mỹ tuyên bố Triều Tiên đã chuyển hơn 1.000 container thiết bị quân sự và đạn dược cho Nga để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.
Suy đoán về khả năng Triều Tiên có kế hoạch nạp đầy kho đạn dược của Nga đã cạn kiệt trong cuộc chiến kéo dài với Ukraine đã bùng lên vào tháng trước, khi nhà lãnh đạo nước này, Kim Chính Ân tới Nga để gặp Vladimir Putin và thăm các địa điểm quân sự quan trọng, AP đưa tin.
Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết Mỹ tin rằng ông Kim đang tìm kiếm các công nghệ vũ khí phức tạp của Nga để đổi lấy đạn dược nhằm thúc đẩy chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Diễn biến này xảy ra sau khi Triều Tiên lên án chuyến thăm của một Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ tới Hàn Quốc hôm thứ Sáu, và gọi đây là một hành động khiêu khích có thể mang đến “những tình huống thảm khốc, không thể thay đổi được”.
Tàu Ronald Reagan chạy bằng năng lượng hạt nhân và nhóm tấn công của nó đã đến cảng Busan của Hàn Quốc hôm thứ Năm trong chuyến thăm 5 ngày sau cuộc tập trận chung ở vùng biển gần đó.
4. Tại sao nỗ lực chiếm 'Pháo đài' Avdiivka của Nga khó thành công
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy 14 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov đã đưa ra các con số thống kê về mức độ tổn thất của người Nga tại Avdiivka. Hôm thứ Ba 10 Tháng Mười, quân xâm lược Nga mất 91 xe thiết giáp, và 34 xe tăng. Hôm Thứ Tư, quân đội của Putin mất 42 xe tăng và 44 xe thiết giáp. Hôm Thứ Năm, họ mất 26 xe tăng và 49 xe thiết giáp.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why Russia's Push to Capture Avdiivka 'Fortress' Is Unlikely to Succeed”, nghĩa là “Tại sao nỗ lực chiếm 'Pháo đài' Avdiivka của Nga khó thành công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Vào sáng sớm ngày 10 tháng 10, lực lượng Nga đã tung ra một đợt pháo kích kéo dài vào Avdiivka, một thị trấn pháo đài của Ukraine cách Donetsk bị Nga tạm chiếm chưa đầy 10 dặm về phía bắc.
Đến chiều thứ Ba, các xe thiết giáp và bộ binh của Nga được cho là đang tiến vào các ngôi làng phía nam khu định cư.
Tuy nhiên, theo tất cả các dấu chỉ, cuộc tấn công của Nga khó có thể thành công trong việc chiếm Avdiivka từ tay quân đội Ukraine, những người đã củng cố khu vực giống như pháo đài kể từ khi đánh đuổi phe ly khai được Nga hậu thuẫn đã xâm lược nó trong thời gian ngắn vào mùa xuân và mùa hè năm 2014.
Trong khi cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 đã chứng kiến những vùng lãnh thổ đáng kể được đổi chủ ở phía bắc, phía nam và phía đông Ukraine, thì các chiến tuyến xung quanh Avdiivka phần lớn vẫn tĩnh lặng — ngay cả khi giao tranh dữ dội đã làm giảm dân số địa phương từ hơn 30.000 người trước chiến tranh xuống dưới 2.000 như ngày nay.
Theo báo cáo và phân tích tình báo nguồn mở của Ukraine, nỗ lực bao vây thị trấn nhỏ bé vẫn chưa có chút thành công này đã được chứng minh là một trong những cuộc tấn công tốn kém nhất của Nga cho đến nay, với lực lượng của Putin phải chịu thương vong nặng nề, bao gồm hàng chục xe tăng và xe thiết giáp bị phá hủy mỗi ngày.
Tuy nhiên, cuộc tấn công vào Avdiivka có thể không thể hiện nỗ lực chinh phục lãnh thổ, việc Nga thúc đẩy hướng Avdiivka có thể có một mục tiêu khác.
Trong báo cáo ngày 11 tháng 10, Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã mô tả cuộc tấn công của Nga là một “hành động khắc phục,” cụ thể là nhằm ngăn chặn các đơn vị Ukraine “tái triển khai sang các khu vực khác của mặt trận”.
Vào thời điểm khi các nỗ lực phản công của Kyiv theo hướng thành phố Melitopol phía nam dường như đã bị đình trệ, và với mùa bùn mùa thu sắp đến cùng với lượng mưa lớn tiếp theo, bất kỳ hành động nào ngăn cản quân tiếp viện tiềm năng của Ukraine tái triển khai ở phía nam đều có thể có lợi cho Nga, bất chấp tổn thất nặng nề mà lực lượng của nước này được tường trình phải gánh chịu trong chiến dịch.
Đối với Kyiv, vẫn còn hy vọng rằng quân đội Ukraine có thể thành công trong việc chiến đấu để tiến tới Tokmak trước khi vùng đất này trở nên không thể vượt qua. Cái lạnh mùa đông cũng có thể mở ra những làn đường tấn công mới băng qua sông Dnipro ở phía bắc nơi từng là đập Kakhovka. Kyiv cũng hy vọng rằng các cuộc tấn công bằng pháo binh và máy bay không người lái của Ukraine sẽ ngăn cản các kỹ sư Nga đặt thêm một lớp bãi mìn nữa trước các vị trí phòng thủ của nước này ở phía nam.
Nhưng cuộc giao tranh xung quanh Avdiivka có thể đang giúp Nga có thêm thời gian để củng cố những vùng lãnh thổ rộng lớn mà nước này vẫn chiếm giữ. Nga có thể không cần phải chiếm Avdiivka, không cần cuộc tấn công cục bộ của mình thành công.
Cựu quân đội số hai thế giới có thể không chiếm được một thị trấn khai thác than đã bị tàn phá, nhưng trong nỗ lực kéo dài chiến tranh càng lâu càng tốt, Mạc Tư Khoa chỉ cần bảo đảm rằng việc nắm giữ Tokmak vẫn vững chắc.
5. Cựu Thủ tướng Australia cảnh giác Mỹ đừng rời mắt khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh ở Israel và Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Israel, Ukraine Won't Distract U.S. From China: Australia's Ex-PM”, nghĩa là “Cựu Thủ tướng Australia nhận định rằng cuộc chiến ở Israel, và Ukraine sẽ không làm Mỹ mất tập trung khỏi Trung Quốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Cựu thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư rằng Mỹ và các đồng minh có thể và nên tiếp tục tập trung vào các thách thức lâu dài ở Á Châu bất chấp những lo ngại về an ninh ở Âu Châu và Trung Đông.
“Trung Đông và Á Châu là những sân khấu khác nhau. Australia, cùng với Mỹ, sẽ có thể giải quyết các thách thức hiện tại ở Trung Đông”, ông Morrison nói với Newsweek bên lề Diễn đàn Ngọc Sơn (Yushan, 玉山) ở Đài Bắc. Ông nói, Trung Đông là một “vấn đề muôn thuở” với lịch sử riêng của mình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang trong quá trình mở rộng hỗ trợ vũ khí của Mỹ cho Israel sau các cuộc tấn công cuối tuần của Hamas, là nhóm chiến binh Palestine đang kiểm soát Dải Gaza. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc về vòng viện trợ thứ năm cho Ukraine đang bị bao vây, quốc gia đã nhận được 113 tỷ Mỹ Kim hỗ trợ an ninh của Mỹ kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga gần 20 tháng trước.
Washington đã xác định rằng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc là một thách thức mang tính thế hệ. Sau khi khôi phục lại vai trò trung tâm của Mỹ trong hệ thống liên minh trục và nan hoa của khu vực nhằm ngăn chặn chung bất kỳ dấu hiệu nào về chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc, chủ yếu là ở Đài Loan, Biden và phe trục của ông lần đầu tiên bị thử thách bởi cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và bây giờ là những hứa hẹn xung đột Israel-Palestine đang leo thang.
Để thể hiện sự ủng hộ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã được cử tới Israel và Jordan trong chuyến thăm bắt đầu vào ngày 11 tháng 10. Để thể hiện quyết tâm hơn nữa, một nhóm tàu tấn công do Hàng Không Mẫu Hạm USS Gerald R. Ford dẫn đầu đã đến Đông Địa Trung Hải. Bộ Tư lệnh Trung tâm của Ngũ Giác Đài cho biết hôm thứ Ba và cho biết động thái này là “để ngăn chặn bất kỳ tác nhân nào đang tìm cách leo thang tình hình hoặc mở rộng cuộc chiến này”.
Viễn cảnh về những trách nhiệm xa hơn ngoài Á Châu đã đặt ra câu hỏi về khả năng của Mỹ trong việc chống lại nhiều đám cháy cùng một lúc. Nhưng Morrison cho biết sự hỗ trợ của Mỹ và đồng minh dành cho Ukraine và bây giờ là Israel sẽ không làm giảm các cam kết của họ ở Á Châu.
“Úc, chắc chắn dưới thời tôi làm thủ tướng, đã bảo đảm rằng không bao giờ mất tập trung vào các thách thức ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi là một trong những người đầu tiên và ủng hộ nỗ lực của Ukraine khi được mời, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi mất tập trung dù chỉ một giây về những gì đang diễn ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Morrison nói.
Ông nói: “Úc và Mỹ không chỉ có thể mà còn phải quản lý cho được tình hình ở Ukraine và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Morrison, người giữ chức Thủ tướng Úc cho đến tháng 5 năm 2022, lập luận rằng giải pháp ở khu vực này sẽ được chuyển sang khu vực khác “khi gửi thông điệp đến các chế độ độc tài và chuyên chế khác”.
Bất chấp những lo ngại về khả năng cam kết quá mức ở một nơi cụ thể trên thế giới, các nhà hoạch định chính sách ở Washington có thể nhận thức sâu sắc về lợi ích lâu dài của Mỹ nằm ở đâu.
“Chiến lược của Mỹ được thiết kế để giải quyết các xung đột nhỏ đồng thời ở nhiều địa điểm khác nhau. Hơn nữa, cam kết của họ ở Ukraine phần lớn chỉ giới hạn ở việc chuyển giao vũ khí”, Yoichiro Sato, giáo sư tại Đại học Ritsumeikan Á Châu Thái Bình Dương của Nhật Bản, cho biết.
Sato, người trước đây đã giảng dạy cho các sĩ quan và nhà ngoại giao Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á Châu-Thái Bình Dương, một viện của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ở Honolulu, cho biết một phản ứng tiềm tàng trong tương lai ở eo biển Đài Loan sẽ yêu cầu các loại vũ khí và nền tảng khác của Mỹ so với những vũ khí được chuyển đến Ukraine và Israel.
Sato nói với Newsweek: “Một cuộc khủng hoảng ở Đài Loan sẽ liên quan đến một loạt vấn đề khác, đáng chú ý nhất là khoảng cách về lực lượng hỏa tiễn tầm trung, trong đó Trung Quốc có lợi thế vượt trội vì trước đây không có bất kỳ thỏa thuận kiểm soát vũ khí nào”.
Ông tin rằng Mỹ sẽ không cần phải can dự sâu vào Trung Đông.
“ Các mối đe dọa hạn chế mà Hamas đặt ra cho Israel phần lớn có thể được giải quyết bởi lực lượng Israel. Vai trò của Mỹ chủ yếu là răn đe các quốc gia khác trong khu vực, như Syria, vốn có thể cố gắng lợi dụng tình hình”, ông Sato nói.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã không trả lời yêu cầu bình luận của Newsweek trước khi xuất bản.
6. Bất chấp sự hỗn loạn của Washington, người Mỹ vẫn muốn hỗ trợ Ukraine
Ivo Daalder, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại NATO, là Giám đốc điều hành của Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago và là người dẫn chương trình podcast hàng tuần “World Review with Ivo Daalder”.
Ông vừa có một bài nhận định trên tờ Politico có trụ sở ở Washington DC với nhan đề “Despite Washington chaos, Americans still want to support Ukraine”, nghĩa là “Bất chấp sự hỗn loạn của Washington, người Mỹ vẫn muốn hỗ trợ Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Âu Châu lo ngại rằng Hoa Kỳ sẽ không còn hỗ trợ quân sự cho Ukraine nữa - và Âu Châu không đơn độc. Trong chuyến thăm bất ngờ tới trụ sở NATO vào đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy cũng bày tỏ quan ngại tương tự.
Lý do trước mắt cho điều này là vào tháng trước, Quốc hội đã không đưa nguồn tài trợ bổ sung vào một dự luật ngắn hạn để duy trì hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là tình trạng rối loạn chính trị của nước Mỹ đã đạt đến điểm mà mọi thứ dường như đều có thể xảy ra - ngay cả việc cựu Tổng thống Donald Trump trở lại chức tổng thống.
Có rất nhiều tài liệu để biện minh cho những nỗi sợ hãi này. Bất chấp những rắc rối pháp lý, Tổng thống Trump vẫn là người dẫn đầu trong cuộc đua giành đề cử tổng thống cho Đảng Cộng hòa. Hạ viện đã bỏ phiếu phế truất Chủ tịch lần đầu tiên trong lịch sử gần 250 năm của mình. Và mặc dù chính phủ vẫn hoạt động trong thời gian ngắn nhưng vẫn chưa có thỏa thuận nào về việc tài trợ cho 11 tháng còn lại của năm tài chính.
Sự hỗn loạn ở Washington là có thật. Nhưng như cố lãnh đạo thời chiến của Anh, Winston Churchill từng nói, có lý do chính đáng để tin rằng người Mỹ một lần nữa sẽ làm điều đúng đắn - sau khi họ đã thử mọi cách khác. Và điều đó đặc biệt đúng khi nói đến hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Hiện tại có sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng dành cho Ukraine tại Quốc hội Hoa Kỳ. Hầu như mọi đảng viên Đảng Dân chủ - từ phe tiến bộ nhất tại Hạ viện đến phe bảo thủ nhất tại Thượng viện - đều ủng hộ hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Và đại đa số các thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện - hơn 40 người trong số họ - đã liên tục bỏ phiếu ủng hộ chi tiêu cho Ukraine nhiều hơn mức mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden yêu cầu. Điều này cũng đúng với hầu hết các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, mặc dù số lượng của họ đã giảm sau mỗi cuộc bỏ phiếu.
Điều quan trọng không kém là thực tế rằng trái ngược với niềm tin phổ biến rằng công chúng Mỹ đang phải chịu đựng sự mệt mỏi về cuộc chiến Ukraine và ngày càng quay lưng lại với cuộc chiến, sự ủng hộ vẫn kiên định.
Một cuộc khảo sát mới do Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu thực hiện cho thấy gần 2/3 số người được hỏi (63%) ủng hộ gửi thêm vũ khí và trang bị quân sự cho Ukraine và 61% ủng hộ cung cấp hỗ trợ kinh tế.
Đó không phải là sự xói mòn trong sự ủng hộ của công chúng. Trên thực tế, sự ủng hộ dành cho hỗ trợ quân sự chỉ giảm 2 điểm phần trăm kể từ tháng 11 năm ngoái (trong giới hạn sai số) và sự ủng hộ dành cho viện trợ kinh tế chỉ giảm 5 điểm.
Người Mỹ cũng vẫn rõ ràng về mục tiêu của sự hỗ trợ này. Với tỷ lệ 3 trên 2, những người được hỏi ủng hộ việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine cho đến khi nước này đòi lại toàn bộ lãnh thổ của mình chứ không khuyến khích nước này đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột.
Người Mỹ cũng không hề ảo tưởng về việc cuộc chiến này có thể kéo dài bao lâu. Theo khảo sát, chỉ 14% tin rằng nó sẽ kết thúc trong vòng một năm, số còn lại cho rằng nó sẽ tiếp tục trong hơn một năm (34%), từ hai đến năm năm (34%) hoặc năm năm trở lên (15%).
Đây không phải là bức tranh về một công chúng kiệt sức hay sự ủng hộ chính trị bị xói mòn.
Trong hoàn cảnh này, Ukraine và các đồng minh Âu Châu có thể mong đợi điều gì khi nhận được viện trợ quân sự mới cho cuộc chiến? Các quỹ hỗ trợ hiện tại của Hoa Kỳ đang cạn kiệt nhanh chóng - chỉ còn lại hơn 5 tỷ Mỹ Kim từ các khoản phân bổ trước đó - điều đó có nghĩa là cần phải có một cuộc bỏ phiếu về việc cấp thêm tài trợ trong vài tuần tới.
Hiện nay, Quốc hội chỉ bỏ phiếu cấp vốn cho chính phủ cho đến giữa tháng 11. Điều này có nghĩa là một thỏa thuận về chi tiêu tổng thể của chính phủ sẽ cần phải đạt được từ bây giờ đến lúc đó, và mặc dù các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở Thượng viện sẵn sàng cắt nguồn tài trợ cho Ukraine để tránh việc chính phủ đóng cửa vào tuần trước, nhưng họ khó có thể làm như vậy một lần nữa.
Hy vọng tốt nhất hiện nay là về một gói tài trợ đáng kể - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã đề xuất 60 tỷ Mỹ Kim - sẽ chi trả cho viện trợ quân sự cho đến cuộc bầu cử năm 2024 và công chúng ủng hộ điều này.
Câu hỏi lớn là liệu Hạ viện có lắng nghe hay không.
7. Ngoại trưởng Hoa Kỳ trấn an Ukraine về các khoản viện trợ
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thảo luận về hỗ trợ ngoại giao, quân sự và tài chính cho Ukraine cũng như hậu quả của cuộc tấn công của Hamas vào Israel đối với an ninh toàn cầu.
“Trong cuộc gọi của chúng tôi, Bộ trưởng Blinken tái khẳng định: Mỹ vẫn tập trung vào việc giúp Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga. Hỗ trợ ngoại giao, quân sự và tài chính sẽ kéo dài. Cả hai chúng tôi đều lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel, thảo luận về động lực và tác động của cuộc xung đột đối với an ninh toàn cầu”, Ngoại trưởng Kuleba nói.
Như đã đưa tin trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bảo đảm rằng Mỹ có ý định sát cánh cùng Israel trong cuộc chiến chống Hamas đồng thời tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.
8. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh
Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh nhận định rằng Nga đang ngưng các không kích để bổ sung kho hỏa tiễn, chuẩn bị cho mùa Đông.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.
Máy bay Không Quân tầm xa, gọi tắt là LRA, của Không quân Nga đã không tiến hành tấn công Ukraine kể từ ngày 21 tháng 9 năm 2023, khoảng thời gian 21 ngày.
Mặc dù những lần NGƯNG KHÔNG tấn công như vậy không phải là bất thường, lần NGƯNG KHÔNG tấn công tương tự gần đây nhất xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 9 tháng 3 đến ngày 28 tháng 4 năm 2023, khoảng thời gian 51 ngày.
Trong trường hợp đó, có khả năng LRA gần như đã cạn kiệt kho đạn hỏa tiễn AS-23 có khả năng là vì các hoạt động sau chiến dịch mùa đông nhằm vào cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Ukraine.
Lần này, có khả năng LRA của Nga đang bảo toàn kho hỏa tiễn AS-23 hiện có cũng như sử dụng thời gian tạm dừng này để tăng lượng dự trữ có thể sử dụng được nhằm đề phòng các cuộc tấn công nặng nề hơn nữa vào Ukraine trong mùa đông tới.
Gần đây, Nga đã tập trung các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở liên quan đến ngũ cốc trên khắp miền nam Ukraine, sử dụng máy bay không người lái tấn công một chiều SHAHED)
Điều này bao gồm các cuộc tấn công nhằm vào các cảng sông Danube của Ukraine, có thể đòi hỏi mức độ chính xác cao do mục tiêu ở gần biên giới Rumani.
Có khả năng Nga đã sử dụng máy bay không người lái SHAHED kamikaze tấn công các mục tiêu này vì chúng có độ chính xác cao hơn các loại hỏa tiễn phóng từ trên không khác.
9. Putin bác bỏ tuyên bố về thiệt hại bí ẩn đường ống Baltic
Vladimir Putin đã bác bỏ ý kiến cho rằng Nga đã phá hoại đường ống dẫn khí đốt giữa Phần Lan và Estonia, và gọi cáo buộc đó là “rác rưởi”. Ông cũng cho rằng những tuyên bố như vậy được đưa ra để chuyển hướng sự chú ý khỏi điều mà ông cho là một cuộc tấn công của phương Tây vào đường ống dẫn khí đốt North Stream.
Helsinki trong tuần này cho biết một đường ống dẫn khí đốt dưới biển và cáp viễn thông nối các thành viên NATO Phần Lan và Estonia dưới Biển Baltic đã bị hư hại trong một hành động có thể là một hành động có chủ ý.
Khi được các phóng viên ở Bishkek, Kyrgyzstan hỏi về những cáo buộc cho rằng Nga có thể có liên quan, ông Putin nói: “Đó hoàn toàn là chuyện nhảm nhí”. Putin cho biết, cho đến gần đây, ông thậm chí còn chưa biết đến sự tồn tại của một đường ống như vậy vì nó quá nhỏ. Ông cũng cho rằng bằng cách nào đó nó có thể đã bị neo, một loại móc nào đó hoặc một trận động đất, và đề nghị Phần Lan điều tra tiếp tục.
Putin cho rằng những gợi ý cho rằng Nga có liên quan “chỉ nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc tấn công khủng bố do phương Tây thực hiện nhằm vào đường ống dẫn khí đốt Nord Stream”.
Nga cho biết các vụ nổ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream dưới biển Baltic vào tháng 9/2022 là do Mỹ và Anh thực hiện mà không đưa ra bằng chứng. Washington và Luân Đôn đã phủ nhận mọi liên quan đến điều mà họ - cùng với Thụy Điển, Đan Mạch và Đức - gọi là hành động phá hoại.