Đức Hồng Y Raymond Burke đã lên tiếng về những phản ứng đối với dubia mà ngài và bốn vị Hồng Y khác đệ trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô vào đêm trước ngày khai mạc phiên họp toàn thể của Thượng hội đồng về Thượng hội đồng, đồng thời khẳng định rằng động thái này không nhằm vào cá nhân Đức Giáo Hoàng cũng như không nhằm vào chương trình nghị sự của Đức Giáo Hoàng, mà chỉ nhằm bảo vệ tín lý ngàn đời của Giáo hội.
Đức Hồng Y đã phát biểu tại một hội nghị được tờ báo Công Giáo Ý Nuova Bussola Quotidiana tổ chức tại Rôma vào ngày 3 tháng 10 với chủ đề “Thượng hội đồng Babel”, được thiết kế để thảo luận về những điểm tranh chấp chính nêu ra bởi thượng hội đồng, khai mạc tại Vatican vào ngày Ngày 4 tháng 10.
Công việc của phiên họp đầu tiên này do Đức Giáo Hoàng triệu tập, có tựa đề “Vì một Giáo hội đồng nghị: Hiệp thông, dự phần và truyền giáo,” sẽ kéo dài đến ngày 29 tháng 10. Phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng về tính đồng nghị dự kiến vào tháng 10 năm 2024 để “tiếp tục phân định.”
Trong bài phát biểu của mình tại Nhà hát Ghione, nằm cách Quảng trường Thánh Phêrô chưa đầy một dặm, nguyên Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao đã tái khẳng định mối quan ngại của ngài đối với “những sai lầm về triết học, giáo luật và thần học đang phổ biến ngày nay liên quan đến Thượng Hội đồng Giám mục và phiên thứ nhất.”
Những trở ngại chính được Đức Hồng Y và 4 vị Hồng Y khác trích dẫn trong các câu hỏi gửi đến Đức Thánh Cha vào tháng 8 và được công bố vào ngày 2 tháng 10 liên quan đến việc phát triển giáo lý, việc chúc lành cho các kết hợp đồng giới, thẩm quyền của Thượng Hội đồng về Thượng hội đồng, quyền của phụ nữ, bí tích truyền chức và bí tích giải tội.
“Thật không may là rất rõ ràng rằng một số người đã viện dẫn Chúa Thánh Thần làm chiêu bài nhằm mục đích thúc đẩy một chương trình nghị sự mang tính chính trị và nhân văn hơn là giáo hội và thần thánh”, ngài nói trước một cử tọa khoảng 200 người, phần lớn là người dân địa phương các nhà báo và giáo sĩ, bao gồm cả Đức Hồng Y người Guinea Robert Sarah, người đồng ký kết dubia, cùng với các Đức Hồng Y Walter Brandmüller, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và Đức Hồng Y Juan Sandoval Íñiguez.
Nhấn mạnh rằng “nhiều anh em trong hàng giám mục và thậm chí cả Hồng Y đoàn ủng hộ sáng kiến này, mặc dù họ không có tên trong danh sách chính thức những người ký kết”, vị Hồng Y người Mỹ nói rõ rằng sáng kiến này không nhắm đến Đức Thánh Cha với tư cách cá nhân.
Ngài phản ứng với một bình luận được đưa ra bởi một nghị phụ, được Il Giornale trích dẫn với điều kiện giấu tên sau khi nội dung của bản dubia được công bố trên báo chí, cáo buộc năm vị Hồng Y “chỉ muốn tấn công Đức Giáo Hoàng Phanxicô” và tìm cách ra lệnh cho chương trình nghị sự của họ bất kể nguy cơ đe dọa sự hiệp nhất của Giáo hội.
Ngài nói tiếp rằng: “Những nhận xét này cho thấy tình trạng nhầm lẫn, sai lầm và chia rẽ đang tràn ngập phiên họp của Thượng Hội đồng Giám mục”. “Năm dubia chỉ đề cập đến tín lý và kỷ luật lâu đời của Giáo hội, chứ không phải chương trình nghị sự của một giáo hoàng.”
Theo ngài, tuyên bố đó bị ảnh hưởng bởi những lời của tân Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, người trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Register đã cáo buộc những người chỉ trích “học thuyết của Đức Thánh Cha” đang trên con đường dẫn tới “dị giáo và ly giáo”.
“Giáo hội chưa bao giờ dạy rằng giáo hoàng Rôma có quyền lực đặc biệt để thiết lập học thuyết của riêng mình. Đức Thánh Cha là bậc thầy đầu tiên của kho tàng đức tin, vốn tự nó luôn sống động và năng động”, ngài nói.
Đức Hồng Y Burke sau đó đã thách thức chính khái niệm về tính đồng nghị, chủ đề của thượng hội đồng hiện tại. Thật vậy, ngài tin rằng thuật ngữ “trừu tượng” về tính đồng nghị, mà ngài mô tả là “một chủ nghĩa mới trong học thuyết của Giáo hội”, nhằm mục đích “liên kết một cách giả tạo” khái niệm này với một thực tiễn phương Đông, tuy nhiên nó có “tất cả các đặc điểm của một phát minh gần đây đặc biệt là đối với giáo dân.”
Những nhận xét này lặp lại quan điểm của luật sư giáo luật, Cha Gerald Murray, người đã giới thiệu hội nghị bằng cách bày tỏ sự nghi ngờ của mình về tính hợp lệ của phiên họp thượng hội đồng hiện tại, do việc đưa các đại cử tri không phải giám mục vào Thượng Hội Đồng.
Ngài nói: “Những người không phải là mục tử trong Giáo hội đang được trao một vai trò mà về bản chất chỉ thuộc về các mục tử”, đồng thời kết luận rằng “hội nghị không còn là Thượng Hội đồng Giám mục nữa”.
“Bằng cách tương tự, liệu chúng ta có nói rằng việc bầu chọn giáo hoàng tại mật nghị bao gồm các Hồng Y và cả những người không phải Hồng Y vẫn là một hành động của Hồng Y đoàn hay không? Rõ ràng là chúng ta không thể nói như vậy”, ông nói.
Việc thiếu một khía cạnh siêu hình trong việc hiểu khái niệm tính đồng nghị cũng được chỉ ra bởi Stefano Fontana, giám đốc Đài quan sát Học thuyết Xã hội của Giáo hội mang tên Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Stefano Fontana đã lưu ý rằng các khái niệm và các từ ngữ chủ yếu đã phát triển xung quanh khái niệm này trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong Tài Liệu Làm Việc, đã bị ảnh hưởng bởi các trào lưu như chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa Marx và, nói chung hơn, chủ nghĩa lịch sử, vốn cho rằng các giá trị của một xã hội phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử.
Kết quả là, Fontana nói, “sự thay đổi học thuyết thông qua tính đồng nghị mới này không được giao phó cho học thuyết mà cho việc thực hành; chính sự thực hành quyết định những gì chúng ta làm.”
Fontana nêu ví dụ thay vì trịnh trọng tuyên bố ngay lập tức hành vi đồng tính là OK, là đẹp lòng Chúa, người ta không làm như thế. Người ta đi đường vòng: Cho phép chúc lành trước đã, theo đúng chiến thuật của chủ nghĩa Marx: “Thực tại xã hội quyết định ý thức xã hội.” Đến một ngày đẹp trời hay u ám nào đó, người ta mới tuyên bố hành vi đồng tính là OK, là đẹp lòng Chúa, bất kể những lời dạy trong Kinh Thánh.
Source:National Catholic Register