1. Các giám mục Nhật Bản phản đối việc xả nước Fukushima
Trong một tuyên bố được đưa ra gần đây bởi Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục, Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản đã nhắc lại sự phản đối của mình đối với quyết định của chính phủ Kishida xả ra biển lượng nước dùng để làm mát lõi của nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Tokyo sau vụ tai nạn năm 2011.
Hoạt động này, được công bố cách đây ít lâu, bắt đầu vào thứ Tư ngày 24 tháng 8 và, bất chấp sự trấn an của chính phủ Tokyo - được củng cố bởi sự chứng thực của Cơ quan Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA - nó đang làm dấy lên những phản đối mạnh mẽ ở các khu vực rộng lớn ở Á Châu-Thái Bình Dương.
Hôm qua TEPCO - công ty quản lý nhà máy - đã công bố dữ liệu đầu tiên về các mẫu nước được lấy ở 10 địa điểm khác nhau, cách nhà máy Fukushima 3 km, cho thấy không có lượng đáng kể tritium.
TEPCO sẽ công khai những kết quả này hàng ngày trong khoảng một tháng. Các dữ liệu khác liên quan đến những phát hiện tương tự sẽ được Bộ Môi trường Tokyo công bố hàng tuần trong khoảng ba tháng.
Dù vậy, những lời trấn an này đang bị phản đối mạnh mẽ bởi một số tiếng nói của xã hội dân sự Nhật Bản, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo vốn đã lên tiếng về vấn đề này hai năm trước, trong một tài liệu chung được ký cùng với các giám mục Hàn Quốc.
Các ngài viết: “Chính phủ nên khiêm tốn lắng nghe những phản đối của người dân địa phương, ngư dân, người dân Đông Á, Thái Bình Dương và những người khác trong và ngoài nước,” đồng thời đi sâu vào chi tiết về các vấn đề được nêu ra. Chính phủ cho biết tritium, một hạt nhân phóng xạ có trong nước đã qua giải quyết tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của TEPCO, tồn tại trong tự nhiên và được thải ra từ tất cả các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, không chỉ riêng Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, người ta đã nhấn mạnh rằng tritium đi vào cơ thể sinh vật sống sẽ được tế bào hấp thụ trong thời gian dài. Nó tích lũy và tập trung trong chuỗi thức ăn. Vì vậy, tritium không thể được thải ra biển vì bất kỳ lý do gì”.
Hơn nữa, các giám mục nhấn mạnh tính đặc thù của các vùng nước này so với các vùng nước của các nhà máy khác, bởi vì ở Fukushima chúng “tiếp xúc trực tiếp với các mảnh vụn của nhiên liệu nóng chảy” do tai nạn.
Đối với luận điểm cũng được IAEA ủng hộ, theo đó chất phóng xạ còn sót lại trong nước đã giải quyết của nhà máy TEPCO đã được pha loãng đủ mức, Ủy ban Công lý và Hòa bình trả lời rằng “không chỉ nồng độ mới quan trọng. Vấn đề là nước sẽ được thải ra đại dương trong bao lâu, cuối cùng bao nhiêu chất phóng xạ sẽ được thải ra và nó sẽ gây ô nhiễm bao nhiêu.”
“Tất cả sự tàn phá môi trường đều là một vấn đề xuất phát từ sự sơ suất của chúng ta khi tin rằng một lượng nhất định là có thể chấp nhận được. Quyết tâm của chúng tôi không bao giờ cho phép hành động quá đáng này có thể coi là biện minh được về mặt đạo đức và trách nhiệm đối với trái đất ngày mai và trẻ em tương lai. Giáo Hội Công Giáo tin rằng thế giới này được Thiên Chúa tạo ra để trở nên vô cùng tốt đẹp. Mọi thứ Chúa tạo ra đều được kết nối và cần đến nhau. Với tư cách là người bảo vệ mối liên hệ này, chúng tôi, Hội đồng Công lý và Hòa bình Nhật Bản, phản đối mạnh mẽ việc chính phủ xả nước đã qua giải quyết ra đại dương.”
2. Kitô hữu ngày càng xuất cư khỏi Syria
Số tín hữu Kitô tại Syria ngày càng suy giảm vì nhiều người xuất cư ra nước ngoài: trong vòng 12 năm qua từ 2011, tỷ lệ Kitô hữu ở nước này giảm từ 6 xuống còn 2% dân số toàn quốc như hiện nay.
Ông Matthias Vogt, chuyên gia về Trung Đông, Tổng thư ký Hiệp hội Đức về Thánh địa bày tỏ lo âu như trên, trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí “Missio magazin”, xuất bản tại thành phố Munich nam Đức, hôm 25 tháng Tám.
Theo ông, sự thay đổi chế độ ở Syria đã không diễn ra như nhiều nước Tây phương mong muốn. Vụ động đất dữ dội hồi đầu năm nay ở Syria đã trở thành cơ hội để nhiều nước bình thường hóa quan hệ với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Các cuộc xung đột ở mặt trận ngưng lại, nhưng đó là tình trạng không có chiến tranh cũng chẳng có hòa bình. Tình trạng các quyền con người vẫn tiếp tục xấu đi; các nhóm đối lập liên tục bị bách hại. Mọi người đều nói về tình trạng kinh tế cam go: “Các giám mục nói về ‘quả bom nghèo đói’, đang đổ trên đầu dân chúng. Nhiều người không còn biết làm thế nào để kiếm lương thực hằng ngày. Theo phân tích của ông Vogt, các biện pháp cấm vận của Mỹ và Liên hiệp Âu châu cũng là một trong những nguyên do đưa tới tình trạng hiện nay ở Syria. Tuy các biện pháp đó có ảnh hưởng đến chính quyền và những người kiếm được lợi lộc từ chế độ này, nhưng điều hiển nhiên là chính sách cấm vận ấy cũng ảnh hưởng đến tình trạng kinh tế ở Syria.
Trả lời về những trách cứ, theo đó các cộng Kitô ở Syria quá gần gũi với chế độ của Tổng thống Assad, ông Vogt cho biết cc tín hữu Kitô chỉ có rất ít những chọn lựa khác: “Dĩ nhiên, các nhóm dân thiểu số luôn lệ thuộc nhiều nơi sự ổn định. Nhất là khi các tín hữu Kitô bị những thành phần Hồi giáo cực đoan đe dọa. Các Giáo hội địa phương thường phải thỏa hiệp hoặc nhiều khi cộng tác với chế độ tới mức độ nào đó để có thể cung cấp trợ giúp nhân đạo hầu có thể sống còn”.
Syria là một trong ba nước được chọn làm những nước tiêu biểu trong tháng Truyền giáo, tháng Mười tới đây ở Đức. Tổ chức Missio ở Munich mời các khách mời đến từ Ai Cập, Syria và Liban đến thuyết trình ở Đức trong tháng Truyền giáo sắp tới. Tháng này năm nay có chủ đề là: “Các con là muối đất”. Giáo phận đối tác là Giáo phận Speyer, nơi sẽ diễn ra lễ kết thúc tháng Truyền giáo, vào ngày Chúa nhật, 22 tháng Mười năm nay”.
3. Một số người trẻ dự Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Bồ Đào Nha không về nước
Hôm 23 tháng Tám vừa qua, giáo quyền Công Giáo tại nước Guinea-Bissau bên Phi châu xác nhận có hơn 50 người trẻ Công Giáo nước này đến Lisbon, Bồ Đào Nha để tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ tại đây, nhưng đã trốn ở lại và không về nước.
Hai giáo phận Bafatá và Bissau đã tuyên bố như trên với hãng tin Lusa, Bồ Đào Nha và nói rằng dường như một số tham dự viên đó đã tách rời khỏi các nhóm của họ sau khi đến Lisbon.
Mặt khác, mạng thông tin “cư dân Bồ Đào Nha?” (Portugalresiden.com) trích thuật nguồn tin của cảnh sát Bồ Đào Nha, nói rằng có hàng ngàn người đến nước này để tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ, từ ngày 01 đến ngày 06 tháng Tám, đã ở lại Bồ Đào Nha bất hợp pháp, thay về trở về nước của họ.
Một nguồn tin khác cho biết có khoảng 200 người trẻ từ Cabo Verde, một quốc đảo ở Phi châu, và Angola, hai nước cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha, tuy có ghi danh để tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ, nhưng khi đến nơi họ không tham dự các sinh hoạt này. Trong số khoảng 200 người ấy, có 168 người Cabo Verde và phần còn lại là người Angola.
Theo Sở ngoại kiều và Biên giới (SEF) của Bồ Đào Nha, sự biến mất của những người ngoại quốc vào nước Bồ Đào Nha để dự Ngày Quốc tế Giới trẻ là “một đe dọa đáng kể” đối với đất nước Bồ Đào Nha. Họ tin rằng những người trẻ ấy không trở về nước, vì họ muốn tìm cơ may tốt đẹp hơn cho cuộc sống. Phần lớn những người trẻ đến từ Thế giới thứ ba vào Bồ Đào Nha để dự Ngày Quốc tế Giới trẻ, được cấp thị thực ngắn hạn, từ 18 đến 23 ngày. Điều này có nghĩa là tất cả những người không trở về nước, sau khi thị thực hết hạn, đều bị coi là ở lại bất hợp pháp trên lãnh thổ Bồ Đào Nha.
Các giới chức an ninh đó cho biết đang tiếp tục điều tra về vụ này, nhưng thật khó biết chính xác con số người trẻ ở lại Bồ Đào Nha là bao nhiêu.
Hiện tượng có những người trẻ ghi danh dự Ngày Quốc tế Giới trẻ và ở lại không về nước là điều vẫn thường xảy ra từ trước đến nay. Ví dụ, trong dịp Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Toronto, Canada năm 2002, 200 người trẻ Cuba trong phái đoàn được Hội đồng Giám mục Cuba bảo trợ đã trốn ở lại, hoặc tại Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Madrid, Tây Ban Nha năm 2011, cũng có một số người trẻ Việt Nam đã trốn ở lại.
Từ những kinh nghiệm trên đây, trong dịp Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon vừa qua, các sứ quán Bồ Đào Nha đã hạn chế rất nhiều việc cấp thị thực nhập cảnh cho những người trẻ ở các nước nghèo, như mới đây hơn 100 người trẻ Pakistan đã ghi danh tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ, như những người thiện nguyện, nhưng đơn xin thị thực của họ bị Đại sứ quán Bồ Đào Nha bác bỏ.