1. Bất chấp tối hậu thư của đặc sứ Đức Giáo Hoàng, sự kháng cự vẫn tiếp diễn trong Giáo Hội Syro-Malabar của Ấn Độ và đang lên rất cao

Bất chấp lời đe dọa quyết liệt của một đại diện Đức Giáo Hoàng về việc rút phép thông công các linh mục không tuân thủ mệnh lệnh về cách cử hành Thánh lễ từ Thượng Hội Đồng Giáo hội Syro-Malabar của Ấn Độ, hạn chót đã đến và trôi qua vào Chúa Nhật với chỉ một số ít giáo xứ cử hành Thánh lễ theo quy định. Một linh mục thậm chí còn đâm đơn kiện đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng tại một tòa án dân sự.

Trong vương cung thánh đường của Giáo Hội Syro-Malabar, là Nhà thờ Đức Bà ở Ernakulam, một cha sở mới được bổ nhiệm. Ngài đã cố gắng cử hành Thánh lễ theo cách quy định nhưng đã bị cộng đoàn phản đối, và cha sở buộc phải thông báo rằng Thánh lễ bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.

Sau tuyên bố dứt phép thông những ai không tuân thủ chỉ có 6 trong số 328 giáo xứ ở tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly thực sự tuân theo lời cảnh báo của đặc sứ Đức Giáo Hoàng.

Sự phản kháng xảy ra sau khi có tối hậu thư được đưa ra ngày 17 tháng 8 bởi Đức Tổng Giám Mục người Slovakia Cyril Vasil, một tu sĩ Dòng Tên và là cựu quan chức số hai của Bộ Giáo hội Đông phương của Vatican, người được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm vào ngày 31 tháng 7 làm đại diện của ngài tại Ernakulam- Angamaly, nơi một loạt linh mục và giáo dân đã biểu tình công khai trong nhiều tháng qua.

Đức Tổng Giám Mục Vasil đã ấn định Chúa Nhật, ngày 20 tháng 8, là thời hạn cuối cùng để các linh mục cử hành Thánh lễ theo quy định của Thượng Hội Đồng, theo đó linh mục hướng mặt về phía giáo dân trong Phụng vụ Lời Chúa nhưng quay mặt về phía bàn thờ trong Phụng vụ Thánh Thể, và sau đó quay xuống từ Kinh Lạy Cha. Đức Cha Vasil cảnh báo các linh mục không tuân theo sẽ phải bị kỷ luật theo giáo luật.

Sắc lệnh đó đã bị phản đối mạnh mẽ ở Ernakulam-Angamaly, nơi có phong tục là linh mục phải quay mặt xuống cộng đoàn trong suốt thánh lễ như trong các thánh lễ của Công Giáo Latinh. Một cuộc biểu tình của giáo dân đã nổ ra trong đó họ công khai đốt bỏ sắc lệnh của Đức Tổng Giám Mục.

Cha Jose Vailikodath, thư ký của Hội đồng Bảo vệ Tổng giáo phận, người cũng đang lãnh đạo phe đối lập, gọi nỗ lực khôi phục trật tự của Đức Cha Vasil là “một thất bại hoàn toàn”.

Theo Cha Vailikodath, một linh mục khác của tổng giáo phận đã đệ đơn khiếu nại Đức Cha Vasil trước một thẩm phán dân sự trong khu vực, cáo buộc rằng Đức Cha Vasil không có thẩm quyền đe dọa các hình phạt đối với các linh mục vì người quản lý tông tòa của Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly thực sự là Tổng giám mục Andrews Thazhath, người được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào vai trò đó vào tháng 7 năm 2022.

Đức Cha Thazhath đã đưa ra một tuyên bố vào Chúa Nhật ủng hộ mạnh mẽ Đức Cha Vasil và yêu cầu các linh mục bất đồng tuân thủ.

“Với tư cách là người đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Cyril Vasil đã thông báo rằng từ hôm nay, ngày 20 tháng 8, tại tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, chỉ nghi thức Thánh Thể được Thượng Hội đồng phê chuẩn mới được phép”


Source:Crux

2. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổng thống Hung Gia Lợi trong bối cảnh cuộc vận động “hòa bình” của Vatican.

Cuộc gặp mới của Tổng thống Hung Gia Lợi, Katalin Novák, với Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ diễn ra sau các cuộc gặp gỡ vào tháng 8 năm 2022 và tháng 4 năm 2023. Tổng thống sẽ được Đức Thánh Cha tiếp đón tại Vatican vào thứ Sáu ngày 25 tháng 8 này trong khuôn khổ hoạt động ngoại giao căng thẳng của bà Novak và chính phủ của Thủ tướng Victor Orbán.

Trước khi sang Vatican, Tổng thống Hung Gia Lợi được tiếp đón vào hôm thứ Tư bởi nhà lãnh đạo nhà nước Ukraine Zelenskiy tại Kyiv.

Thông tin chi tiết về cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha và Tổng thống Zelenskiy được báo chí Ukraine cho là tập trung vào tình hình chiến tranh ở trung tâm Âu Châu, gần biên giới phía đông Hung Gia Lợi.

Hôm 21 Tháng Tám, Katalin Novák đã có cuộc gặp kéo dài với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Novák cho biết cô ấy đã có một cuộc gặp quan trọng với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ “không chỉ là đồng minh và đối tác chiến lược quan trọng của chúng tôi, mà còn là một trong số ít những người cam kết vì hòa bình”.

Hôm 22 tháng 8, Tổng thống Hung Gia Lợi đã đến thăm Transcarpathian để gặp gỡ đại diện của cộng đồng Hung Gia Lợi địa phương và sau đó sẽ tới Kyiv để tham gia sự kiện Diễn đàn Crimea năm nay.

Theo nhà lãnh đạo nhà nước Hung Gia Lợi, cư dân của Transcarpathia đã ở trong một tình huống khó khăn trước chiến tranh, điều này chỉ trở nên tồi tệ hơn kể từ đó. “Bất cứ nơi nào tôi đi, tôi đều mang theo ký ức về cộng đồng 150.000 người Hung Gia Lợi sống ở Transcarpathia. Họ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh, nhiều người phải để tang con, chồng và cha, gia đình tan nát”, Tổng thống Novak nói với báo chí Hung Gia Lợi.

Cương lĩnh Crimea là một sáng kiến ngoại giao của Ukraine nhằm đưa vấn đề Crimea trở lại chương trình nghị sự quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao trả quyền kiểm soát Crimea cho Ukraine và khôi phục quan hệ Nga-Ukraine hòa bình và thân thiện.


Source:Sismo Grafo

3. Tổ chức “Các Kitô hữu gặp nạn” thỉnh cầu Ngoại trưởng Áo

Tổ chức liên Kitô “Các Kitô hữu gặp nạn” (Christen in Not) ở Áo thỉnh cầu Ngoại trưởng nước này, ông Alexander Schallenberg, dùng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ các tín hữu Kitô thiểu số mới bị tấn công.

Hôm 16 tháng Tám vừa qua, đã có 15 cơ sở Kitô, trong đó có bốn thánh đường và hàng trăm tư gia của các tín hữu Kitô bị hàng ngàn người Hồi giáo cuồng tín phá hủy, khoảng 2.000 người phải tị nạn, trong cuộc bạo động gọi là chống người phạm thượng, xúc phạm đến sách Coran của Hồi giáo ở thành phố Jaranwala, thuộc huyện Faisalabad.

Trong thư ngỏ, công bố hôm 21 tháng Tám, nhân ngày Thế giới Tưởng niệm các nạn nhân bạo lực vì lý do tôn giáo, cử hành ngày 22 tháng Tám hằng năm, Tổ chức “Các Kitô hữu gặp nạn” kêu gọi Ngoại trưởng Áo hãy làm hết sức để nâng đỡ các tín hữu Kitô, nạn nhân của vụ săn đuổi, bách hại, đồng thời khuyến khích Pakistan kiến tạo một hệ thống công lý và giáo dục góp phần vào sự sống chung hòa bình giữa các tôn giáo tại nước này”.

Vụ bạo động tại Jaranwala chỉ là cao điểm của những gì xảy ra từ nhiều năm nay tại Pakistan chống các nhóm tôn giáo thiểu số. Cảnh sát chỉ phản ứng lấy lệ và các nhà chính trị chỉ đưa ra những lời cam kết, trấn an vô ích.

Trong thư ngỏ, ông Elmar Kuhn, Tổng thư ký Tổ chức “Các Kitô hữu gặp nạn” nhấn mạnh rằng “Nay là lúc phải hành động”: cái vòng luẩn quẩn lạm dụng tôn giáo để bách hại các Kitô hữu và Ấn giáo ở Pakistan chỉ có thể chấm dứt nếu những kẻ phạm pháp bị truy tố trước công lý. Ông Kuhn cũng đồng ý với cựu Thủ tướng Shahbaz Sharif của Pakistan, nhận xét rằng các tín hữu Kitô đã đổ máu và đã bỏ phiếu ủng hộ việc thành lập Pakistan, không thể để sự hy sinh của họ trở nên vô ích.

Theo tổ chức “Các Kitô hữu gặp nạn”, nước Áo có thể giúp Pakistan duy trì một hệ thống tư pháp độc lập và huấn luyện các luật gia cũng như các quan tòa, được bổ túc bằng một nền giáo dục thích hợp về sự sống chung hòa bình giữa các tôn giáo và văn hóa, thăng tiến tinh thần bao dung và tôn trọng nhau, trong nền giáo dục học đường.