1. Hoan hô Robotyne giải phóng. Dọc theo xa lộ T0408 ngổn ngang các chiến xa Nga bỏ lại.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Ba 22 tháng Tám, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân Ukraine đã tiến vào thị trấn Robotyne có tầm quan trọng chiến lược ở phía đông nam. Đó là một bước tiến đáng kể trong cuộc phản công chống lại Nga.
Cô cho biết các binh sĩ của Lữ đoàn 47 đã tiến vào Robotyne và ngay lập tức tổ chức di tản cư dân trên các xe chiến đấu bộ binh Bradley.
Cô nói: “Các binh sĩ của Lữ đoàn 47, khi tiến vào Robotyne, đã tổ chức di tản dân thường trên các xe chiến đấu bộ binh Bradley vì sợ quân Nga pháo kích vào thường dân vô tội”.
Cô nhấn mạnh rằng “các chiến binh của chúng ta đang thực hiện công việc chiến đấu theo kế hoạch và tiêu diệt đối phương. Đáp lại, quân Nga liên tục pháo kích vào Robotyne.”
Sau khi chiếm được Robotyne thành công, quân Ukraine đã củng cố các vị trí của họ, nã pháo vào các mục tiêu Nga tiếp tục cuộc tấn công giải phóng lãnh thổ.
Robotyne cách Orikhiv, một thị trấn trên con đường quan trọng dẫn tới Tokmak, một trung tâm đường bộ và đường sắt bị Nga tạm chiếm, cách đó 10km về phía nam. Dọc theo xa lộ T0408 lính Dù Nga được tăng viện từ Kherson đã bỏ chạy để lại ngổn ngang xác xe tăng và thiết giáp và hàng chục hệ thống pháo.
Việc chiếm giữ Tokmak sẽ là một cột mốc quan trọng khi quân đội Ukraine tiến về phía nam tới Biển Azov để cắt đứt hoàn toàn hành lang trên bộ của quân Nga.
Trong 24 giờ qua, 410 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 4 xe tăng, 27 xe thiết giáp, 31 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 2 hệ thống phòng không, và 30 xe chuyển quân và nhiên liệu.
Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 22 Tháng Tám, các Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 258.340 quân nhân Nga. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.362 xe tăng, 8.476 xe thiết giáp, 5.295 hệ thống pháo, 721 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 491 hệ thống phòng không, 315 máy bay, 316 trực thăng, 4.312 máy bay không người lái, 1.406 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 7.722 xe chuyển quân và nhiên liệu và 797 đơn vị thiết bị đặc biệt.
2. Đoàn xe tăng Nga bị tiểu đoàn Aidar tấn công liên tục
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Convoy of Russian Tanks Hammered in Aidar Battalion Strikes”, nghĩa là “Video cho thấy đoàn xe tăng Nga bị bầm dập trong các cuộc tấn công của tiểu đoàn Aidar.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân
Quân đội Ukraine đã chia sẻ những thước phim gây ấn tượng mạnh về các chiến đấu cơ của họ tấn công vào đoàn xe tăng Nga gần thành phố Bakhmut của Donetsk khi nước này tiếp tục cuộc phản công chống lại quân đội Nga đang bố trí trên khắp phía nam và phía đông đất nước.
“Một nỗ lực khác của lũ Orcs nhằm tấn công phía nam Bakhmut đã thất bại,” Bộ Quốc phòng Ukraine viết trong một bài đăng kèm theo đoạn clip hôm thứ Hai được đăng lên X, trước đây là Twitter, sử dụng thuật ngữ xúc phạm “Orcs” để chỉ lực lượng của Mạc Tư Khoa.
Thành phố Bakhmut bị tàn phá đã phải gánh chịu hơn một năm qua một số cuộc giao tranh khốc liệt nhất trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Là một biểu tượng hơn là một thành trì chiến lược, thành phố này được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mô tả vào giữa tháng 5 là “chỉ còn lại trong trái tim chúng tôi”.
Lực lượng Nga đã chiếm được thành phố này vào tháng 5 khi lực lượng đánh thuê của Tập đoàn Wagner chuẩn bị rút khỏi Donetsk, với chiến tuyến hiện tại nằm ngay phía tây Bakhmut.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn khẳng định lực lượng của mình đang chiến đấu xung quanh khu định cư và đánh giá của phương Tây cho thấy quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đã chiếm lại lãnh thổ ở phía bắc và phía nam thành phố kể từ khi cuộc phản công bắt đầu vào đầu tháng 6.
Trong đoạn clip do chính phủ Ukraine đăng tải và được cho là của Tiểu đoàn tấn công “Aidar” số 24 của Ukraine, một đoàn xe quân sự của Nga đang di chuyển qua vùng nông thôn và bị theo dõi bởi một máy bay không người lái của Ukraine. Trong một cảnh quay rộng hơn, có thể nhìn thấy những đám khói khi xe tăng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công, trước khi đoạn phim cho thấy mảnh vỡ còn lại của các phương tiện quân sự đang bốc cháy.
Hanna Maliar, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, cho biết hôm thứ Hai rằng quân đội Mạc Tư Khoa đang cố gắng chiếm lại các vị trí ở phía bắc Bakhmut, trong khi giao tranh vẫn tiếp tục ở phía nam thành phố.
Maliar cho biết thêm, các chiến binh của Ukraine đã chiếm lại thêm 3 km vuông lãnh thổ xung quanh sườn phía nam của Bakhmut. “Nói chung, chúng ta có thể nói về việc giải phóng 43 km vuông đất đai của mình theo hướng này,” cô nói.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã viết trong bản cập nhật mới nhất của mình rằng các lực lượng Ukraine đã tiến hành “các hoạt động phản công có giới hạn” ở khu vực xung quanh Bakhmut vào hôm Chúa Nhật, đồng thời cho biết thêm rằng các chiến binh của Kyiv có thể đã tiến nhanh vào mấy ngày cuối tuần.
Tuy nhiên, ISW viết rằng lực lượng Nga cũng có thể đã giành được một phần đất xung quanh thành phố, trích dẫn đoạn phim được định vị địa lý từ hôm thứ Sáu cho thấy những tiến bộ nhỏ ở phía tây Yahidne, một ngôi làng nằm ngay phía tây bắc Bakhmut.
Nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng được Nga hậu thuẫn, Denis Pushilin, nói với hãng thông tấn nhà nước Nga Tass hôm thứ Hai rằng Ukraine đã cố gắng tiến vào hai bên sườn của Bakhmut, với ngôi làng Klishchiivka gần đó là “điểm nóng” của các cuộc đụng độ.
“Giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra ở khu vực trung tâm của Klishchiivka,” Maliar cũng viết trong bài đăng Telegram của mình hôm thứ Hai.
3. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Minsk kêu gọi công dân Mỹ rời khỏi Belarus
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Minsk hôm thứ Hai kêu gọi công dân Mỹ không đến Belarus và yêu cầu những người hiện đang ở nước này rời đi ngay sau khi hai trong số sáu cửa khẩu biên giới với Lithuania bị đóng cửa.
Đại sứ quán cũng liệt kê việc Belarus “tạo điều kiện cho cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine, việc xây dựng lực lượng quân sự của Nga ở Belarus, việc thực thi tùy tiện luật pháp địa phương, khả năng xảy ra bất ổn dân sự, nguy cơ bị giam giữ và khả năng hạn chế của Đại sứ quán trong việc hỗ trợ công dân Hoa Kỳ cư trú hoặc đi du lịch đến Belarus” trong số các lý do để đưa ra cảnh báo du lịch.
Đại sứ quán cho biết các công dân Hoa Kỳ nên xem xét ngay việc rời Belarus qua “các cửa khẩu biên giới còn lại với Lithuania và Latvia, hoặc bằng máy bay.”
Đại sứ quán cho biết: “Công dân Hoa Kỳ không được phép vào Ba Lan bằng đường bộ từ Belarus.
4. Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin hô hào có thêm các cuộc đảo chính ở Phi Châu
Một video lưu hành trên các blog quân sự thân Nga hôm thứ Hai cho thấy chỉ huy lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, tuyên bố đang ở Phi Châu và nói về việc làm cho Nga vĩ đại hơn trên tất cả các châu lục.
Không rõ đoạn video được quay khi nào và ở đâu, nhưng Prigozhin được cho là đang cầm một khẩu súng trường và đứng ở một nơi dường như là một khu vực sa mạc.
“Công ty quân sự tư nhân Wagner đang tiến hành các hoạt động trinh sát và tìm kiếm, giúp Nga trở nên vĩ đại hơn trên tất cả các châu lục và Phi Châu - thậm chí còn tự do hơn. Công lý và hạnh phúc cho các dân tộc Phi Châu. Hãy biến nó thành cơn ác mộng đối với ISIS, al-Qaeda và những tên côn đồ khác. Chúng tôi đang thuê những ông kẹ thực sự và tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ đã đặt ra trước mắt và chúng tôi đã hứa sẽ giải quyết,” Prigozhin nói trong video.
Một số thông tin cơ bản: Wagner đã đóng một vai trò nổi bật trong cuộc chiến Ukraine. Tuy nhiên, Prigozhin nổi tiếng là người chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.
Vào tháng 6, nhóm bán quân sự đã phát động một cuộc binh biến, tuyên bố kiểm soát các cơ sở quân sự ở hai thành phố của Nga và cảnh báo rằng quân đội của họ sẽ tiến đến Mạc Tư Khoa.
Kể từ cuộc nổi dậy, tung tích của ông ta không rõ ràng, mặc dù nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố đã làm trung gian cho thỏa thuận giữa Prigozhin và Putin, thỏa thuận này đã chấm dứt cuộc nổi dậy. Kể từ đó, Lukashenko đã mời lực lượng Wagner tới Belarus để giúp huấn luyện quân đội nước mình.
5. Cuộc di tản dân thường tiếp tục quanh thành phố Kupiansk phía bắc Ukraine
Theo các quan chức Ukraine, việc di tản dân thường từ xung quanh thành phố Kupiansk ở miền bắc Ukraine vẫn tiếp tục trong bối cảnh các cuộc không kích và pháo kích dữ dội của Nga.
Lực lượng Nga đang ở cách Kupiansk, một thành phố trên sông Oskil bị Ukraine chiếm lại vào tháng 9 năm ngoái tới 10 km, nhưng quân xâm lược liên tục pháo kích vào Kupiansk.
Oleh Syniehubov, nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự khu vực Kharkiv, cho biết hôm thứ Hai: “Chúng tôi tiếp tục di tản người dân khỏi các cộng đồng tiền tuyến của quận Kupiansk hàng ngày với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tình nguyện viên”.
Ông cho biết những người di tản được cung cấp chỗ ở và đồ tiếp tế nhân đạo.
Quan chức này cho biết 30 người, trong đó có 5 trẻ em và một người khuyết tật, đã được di tản khỏi các ngôi làng trong bối cảnh bị pháo kích vào ngày 20 và 21/8. Tổng cộng 556 người đã được di tản kể từ ngày 9/8, trong đó có 148 trẻ em, Syniehubov cho biết thêm.
Các quan chức Ukraine nói rằng các lực lượng quốc phòng đã có thể ngăn chặn người Nga thực hiện bất kỳ bước tiến đáng kể nào ở phía đông Kupiansk.
6. Hai tháng trước mùa sưởi ấm, dự trữ khí đốt Âu Châu đạt gần 100% công suất
Hôm thứ Hai, Chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết Liên Hiệp Âu Châu đã có các động thái nhằm bảo đảm nguồn cung trong mùa sưởi ấm, và đã hoàn thành kế hoạch này “trước thời hạn”.
Cô cho biết, theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan lưu trữ khí đốt tổng hợp, gọi tắt là AGSI, các cơ sở lưu trữ khí đốt ở Âu Châu gần như đã đầy, rất lâu trước khi bắt đầu mùa sưởi ấm mùa đông.
Kho lưu trữ của hầu hết các nước Âu Châu hiện đã đạt 90% công suất, trong đó các cơ sở của Tây Ban Nha đã đầy 100%, Vương quốc Anh là 98% và Đức là 92%.
Trên khắp Liên minh Âu Châu, mức trung bình là 91,05% công suất, khi khối này nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Liên Hiệp Âu Châu đã đặt mục tiêu đạt 90% công suất trước ngày 1/11, nhằm tránh tình trạng tranh giành nguồn cung trong những tháng mùa đông ở Bắc bán cầu.
“Điều này sẽ giúp chúng ta được an toàn trong mùa đông này. Cùng nhau, chúng ta đang từ bỏ khí đốt của Nga. Và chúng tôi tiếp tục làm việc song song với nguồn cung cấp năng lượng đa dạng hơn cho tương lai,” cô nói thêm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng mùa đông lạnh hơn dự kiến hoặc sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu vẫn có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Liên Hiệp Âu Châu.
Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia cho biết: “Nguy cơ thiếu hụt khí đốt tự nhiên ở Âu Châu trong mùa nhu cầu cao điểm mùa đông 2023/24 sắp tới là rất nhỏ, với xác suất xảy ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng không quá 10%, ngay cả khi có rất ít hoặc không có nguồn cung cấp từ Nga”.
“Các chính phủ, nhà cung cấp và người tiêu dùng đã phối hợp thành công trong việc tiếp cận nguồn cung mới, giảm mức tiêu thụ và vận chuyển khí đốt sẵn có đến các khu vực và lĩnh vực không có lựa chọn thay thế,” công ty nói thêm.
Eurasia ghi nhận nhu cầu khí đốt giảm cũng như “việc tích cực chuyển đổi sang nguồn cung cấp thay thế, chẳng hạn bằng cách thúc đẩy gió ngoài khơi Biển Bắc để cung cấp năng lượng công nghiệp đã tiếp tục giúp giảm sự phụ thuộc của Liên Hiệp Âu Châu vào khí đốt nhập khẩu.”
7. Ukraine sắp có F-16. Bây giờ họ cần hỏa tiễn hành trình.
Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukraine Is Getting F-16s. Now It Needs Cruise Missiles”, nghĩa là “Ukraine sắp có F-16. Bây giờ họ cần hỏa tiễn hành trình”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Đan Mạch và Hà Lan cùng cam kết cung cấp cho Ukraine 61 chiến đấu cơ F-16 dư thừa do Lockheed Martin sản xuất.
Khi đến Ukraine trong sáu tháng tới, các máy bay phản lực siêu thanh nhanh nhẹn này có thể thay thế một nửa kho vũ khí hiện có của không quân Ukraine gồm các chiến đấu cơ và máy bay ném bom MiG và Sukhoi đã 40 hay 50 tuổi. Ngoài ra, lực lượng không quân có thể tăng số lượng phi đội tiền tuyến lên một nửa, sử dụng 61 chiếc F-16 cùng với khoảng 125 máy bay cũ do Liên Xô sản xuất.
Dù thế nào đi nữa, thứ mà những chiếc F-16 do Mỹ thiết kế có thể mang theo mới là điều quan trọng nhất khi cuộc chiến rộng lớn hơn của Nga với Ukraine bước sang tháng thứ 19: đó là hỏa tiễn không đối không và không đối đất hiện đại cùng với bom dẫn đường chính xác—tất cả trong đó mở rộng phạm vi tấn công của chiến đấu cơ Ukraine, cho phép họ tấn công các vị trí của Nga sâu trong lãnh thổ bị tạm chiếm mà không khiến các phi công của Kyiv phải đối mặt với hệ thống phòng không nguy hiểm nhất của Nga.
Ukraine đã nhận được từ các đồng minh nước ngoài một loạt vũ khí hiện đại. Các kỹ thuật viên đã sửa đổi các chiến đấu cơ Mikoyan MiG-29, Sukhoi Su-27 và máy bay ném bom Sukhoi Su-24 của lực lượng không quân Ukraine để mang những loại đạn này – và họ cũng có thể trang bị cho các máy bay F-16 cũ của Đan Mạch và Hà Lan. Như một phần thưởng, F-16 có thể tiếp cận tất cả các tính năng tốt nhất của đạn dược, điều mà các máy bay cũ của Liên Xô cũ không phải lúc nào cũng có thể làm được.
Nhưng loại hỏa tiễn có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất là Hỏa tiễn tấn công không đối đất của Lockheed Martin – một loại hỏa tiễn hành trình tàng hình nặng 2 tấn với tầm bắn 230 dặm – vẫn nằm trong danh sách mong muốn của Kyiv. Trừ khi và cho đến khi Hoa Kỳ chấp thuận chuyển giao JASSM cho Ukraine, các máy bay F-16 của Ukraine sẽ phát huy hết tiềm năng của chúng.
Brynn Tannehill, nhà phân tích của RAND Corporation ở California, giải thích: “Vẫn còn một chặng đường dài phía trước trước khi F-16 được đưa vào sử dụng ở Ukraine - và vẫn còn một câu hỏi mở là chúng sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cuộc chiến ở mức độ nào”.
Hiện tại, một lực lượng nhỏ gồm các máy bay ném bom Su-24M/MR đã được sửa đổi — do Lữ đoàn hàng không chiến thuật số 7 điều khiển từ phi trường ở Starokostiantyniv ở miền tây Ukraine — đại diện cho lực lượng tấn công sâu trên không chính của không quân Ukraine. Bắn hỏa tiễn hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp và hỏa tiễn hành trình SCALP từ Pháp, Su-24 có thể tấn công quân đội Nga và các cơ sở hậu cần ở khoảng cách xa tới 255 dặm.
F-16 chưa tương thích với Storm Shadow hoặc SCALP, nhưng nó tương thích với JASSM. Kết hợp F-16 với JASSM, không quân Ukraine có thể tăng gấp đôi lực lượng tấn công sâu. Việc mở rộng lực lượng hỏa tiễn hành trình của không quân Ukraine có thể giúp Kyiv đạt được một trong những mục tiêu chính là giải phóng Bán đảo Crimea khỏi 9 năm xâm lược của Nga.
Mười tuần trước, lực lượng mặt đất Ukraine đã phát động một cuộc phản công lớn dọc theo một số trục ở miền nam và miền đông Ukraine. Mục tiêu của những nỗ lực ở phía nam – hiện đang tập trung vào trục Robotyne-Tokmak-Melitopol cũng như Thung lũng sông Mokri Yaly – là đẩy lùi các lữ đoàn Ukraine đi khoảng 50 dặm từ tiền tuyến hiện tại tới Hắc Hải, và cắt đứt hàng lang trên bộ của Nga vào Crimea.
F-16 bắn JASSM có thể đạt được điều tương tự, với chi phí thấp hơn nhiều về sinh mạng của người Ukraine. Tannehill viết: “Những chiếc F-16 được trang bị JASSM có thể rất quan trọng đối với kế hoạch dài hạn đã nêu của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nhằm tái chiếm Crimea 'mà không cần chiến đấu'“.
8. Bất kể các sức ép phải có các động thái mạnh mẽ hơn, Vladimir Putin đã tỏ ra chần chừ. Tại sao?
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why Is Vladimir Putin Stalling?”, nghĩa là “Tại sao Vladimir Putin chần chừ?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Vladimir Putin được cho là đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc thực hiện một đường lối quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống Ukraine và phải đưa ra một cuộc huy động toàn diện, nhưng Tổng thống Nga đang trì hoãn vì lo ngại làm như vậy sẽ phá vỡ câu chuyện tuyên truyền mà ông đã thúc đẩy trong hơn 18 tháng qua, các chuyên gia nói với Newsweek.
Bloomberg đưa tin hôm Chúa Nhật, dẫn lời 5 người hiểu biết về tình hình rằng Putin nên áp dụng thiết quân luật ở Nga và nên công bố đợt huy động thứ hai để tuyển thêm hàng trăm nghìn quân tới chiến đấu ở Ukraine.
Putin tuyên bố “huy động một phần” dân số vào mùa thu năm 2022. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết vào ngày 21 tháng 9 năm ngoái rằng Nga sẽ cần vào khoảng 300.000 quân nhân dự bị và cựu quân nhân có “các chuyên môn quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan”. Tuy nhiên, con số trong sắc lệnh của Putin chưa được tiết lộ cho công chúng.
Điện Cẩm Linh đã nhiều lần bác bỏ các báo cáo về một cuộc huy động bí mật hoặc làn sóng huy động thứ hai có thể diễn ra. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov trước đó tuyên bố đợt huy động thứ hai ở Nga đã bắt đầu vào Tháng Giêng năm 2023.
“Ngày nay không cần thiết như vậy,” Putin nói với một nhóm phóng viên chiến trường Nga và các blogger quân sự trong một cuộc họp trên truyền hình vào tháng 6 khi được hỏi về việc liệu ông có tuyên bố huy động thêm hay không.
Tuy nhiên, ông nói rằng “một số nhân vật của công chúng nói rằng chúng tôi cần có 1 triệu hoặc 2 triệu”, đồng thời nói thêm: “Điều đó phụ thuộc vào những gì chúng tôi muốn”.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.
Konstantin Sonin, một nhà kinh tế chính trị gốc Nga của Đại học Chicago, cho biết Putin có thể sẽ trì hoãn việc tuyên bố huy động quần chúng vì ông nhận ra rằng cuộc chiến này “không được lòng đại đa số người dân Nga”.
Sonin nói: “Có vài triệu người rất vui mừng vì có một cuộc chiến tranh chống lại Ukraine, có một vài triệu người phản đối cuộc chiến và có hàng chục triệu người không ủng hộ và không phản đối”. Tuy nhiên, Newsweek lưu ý rằng việc tuyển dụng “tình nguyện viên” đang diễn ra rầm rộ ở Nga, với mức lương cao đặc biệt so với mức trung bình toàn quốc.
Tất cả các chiến binh Nga chiến đấu ở Ukraine đều được Bộ Quốc phòng nhận khoản tiền một lần là 195.000 rúp hay 2.080 USD khi ký hợp đồng ít nhất một năm. Mức lương hàng tháng khác nhau tùy thuộc vào cấp bậc quân sự, vị trí và thời gian phục vụ, nhưng không dưới 204.000 rúp hay 2.176 USD. Theo phân tích của “Not Moscow Speaks” do một nhóm nhà báo độc lập của Nga tạo ra, các chiến binh cũng nhận được các khoản thanh toán theo khu vực từ chính quyền. Các khoản thanh toán này khác nhau trên toàn quốc.
Tường thuật tuyên truyền của Putin
Sonin cho biết, một yếu tố khác đang ngăn cản Putin thực hiện một cuộc vận động quần chúng công khai là câu chuyện tuyên truyền mà ông và đoàn tùy tùng thúc đẩy là Nga không tiến hành chiến tranh mà đang tiến hành một hoạt động quân sự quy mô hạn chế.
“Đây là những gì ông ta được biết trong các báo cáo của quân đội và cảnh sát, và đây là ngôn ngữ mà ông ta nói với cấp dưới và công chúng. Thông báo về một cuộc động viên công khai sẽ là một sự khác biệt lớn so với thế giới quan này, gần giống như vỡ tung từ một bong bóng thông tin,” Sonin nhấn mạnh và giải thích rằng ngay cả khi Putin cố gắng huy động thêm người cho cuộc chiến, nó sẽ đi kèm với những lời hoa mỹ để cố làm cho dân chúng hiểu rằng không có gì mới đang xảy ra.
Neil Melvin, giám đốc Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, gọi tắt là RUSI, đồng ý với nhận định này, và nói thêmvới Newsweek rằng thông điệp tuyên truyền của Putin có nghĩa là ông “tiếp tục đi trên dây tử thần về vấn đề huy động quân.”
Melvin nói rằng cho đến nay, Putin đã có thể tiến hành cuộc chiến mà không cần phải tuyển mộ một số lượng đáng kể thanh niên từ các khu vực thành thị lớn của Nga, gánh nặng chính của cuộc chiến đè nặng lên các nhóm thiểu số, từ các khu vực nông thôn và những thị trấn nhỏ hơn.
Nhiều người bị gọi nhập ngũ trong đợt huy động một phần của Putin đến từ các nước cộng hòa dân tộc thiểu số ở Nga, trong đó các nhà hoạt động và quan chức địa phương nói rằng những nhóm dân cư này bị tấn công một cách không cân xứng. Ngay cả trước khi tuyên bố huy động một phần, những khu vực này đã chứng kiến số người chết và thương vong lớn nhất do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.
Melvin cho biết: “Putin đã lo lắng không bắt đầu tuyển mộ số lượng lớn thanh niên từ các khu vực bầu cử quan trọng trong nước ủng hộ ông ta, đặc biệt là khi Nga bước vào năm bầu cử vào năm 2024”.
Ông nói rằng trong khi quyền kiểm soát của Putin ngày càng dựa trên sự ép buộc và kiểm soát các phương tiện truyền thông quốc gia, ông cũng tìm cách duy trì một khế ước xã hội với người dân Nga nhằm loại bỏ phần lớn hậu quả của cuộc chiến Ukraine khỏi cuộc sống hàng ngày ở Nga.
Ông nói thêm: “Việc huy động quần chúng, vốn ngày càng trở nên cấp bách do lực lượng Nga ở Ukraine đang bị tiêu hao, sẽ phá vỡ hợp đồng này và khiến các gia đình trên khắp nước Nga phải trả giá cho cuộc chiến”.
Đồng rúp của Nga đã sụt giảm trong bối cảnh các lệnh trừng phạt do Liên minh Âu Châu, Mỹ và các đồng minh phương Tây khác áp đặt nhằm đáp trả việc Putin xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Nga bị loại khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu SWIFT, trong khi các quốc gia phương Tây chặn Nga tiếp cận một số dự trữ ngoại hối của nước này. Âu Châu cũng đình chỉ việc mua dầu và khí đốt của Nga, và vào tháng 12 năm 2022, G7 đã đồng ý về mức trần giá đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga, khiến đồng rúp càng thêm căng thẳng.
Nick Trickett, một chuyên gia về kinh tế và thị trường hàng hóa Nga, nói với Newsweek rằng chế độ của Putin càng sử dụng mức chi tiêu cao hơn để duy trì chiến tranh thì việc quản lý tỷ giá đồng rúp càng khó khăn hơn.
“ Nếu bạn huy động nền kinh tế cho chiến tranh bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng, bạn sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu và lao động. Phần lớn giá trị của hầu hết hàng tiêu dùng vẫn được nhập khẩu. Bạn càng nhập khẩu nhiều, đặc biệt là khi doanh thu từ xuất khẩu năng lượng giảm, thì đồng rúp càng trở nên yếu hơn,” Trickett, tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Empire of Austerity: Russia and the Breaking of Eurasia”, nghĩa là “Đế chế thắt lưng buộc bụng: Nước Nga và sự tan vỡ Á-Âu,” người có nhiều nghiên cứu về huy động vốn ở Nga, giải thích.
“Đồng rúp càng yếu đi thì lạm phát càng cao. Ông nói: “Lạm phát càng cao thì bạn càng cần phải tăng lãi suất để tiêu diệt lạm phát, đè bẹp chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời đẩy nền kinh tế vào suy thoái sâu hơn”.
Trickett cho biết việc huy động thêm là có thể, nhưng sẽ phải trả giá đắt về kinh tế và chính trị. Ông nói: “Huy động 500.000 người sẽ không thể kết liễu được nền kinh tế Nga, thậm chí 5 triệu cũng không thể kết liễu được nó, nhưng điều đó chẳng mang lại điều gì tốt đẹp về mặt kinh tế”.
Hỗ trợ cho chiến tranh suy yếu
Một cuộc thăm dò dư luận với 1.604 người trên toàn quốc được thực hiện vào tháng 6 bởi Russian Field—một công ty nghiên cứu phi đảng phái có trụ sở tại Mạc Tư Khoa—cho thấy sự ủng hộ của công chúng Nga đối với cuộc chiến của Putin ở Ukraine đã giảm đáng kể.
Báo cáo cho thấy chỉ 45% số người được hỏi ủng hộ việc tiếp tục “hoạt động quân sự đặc biệt” của Điện Cẩm Linh. Con số này giảm 9 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát mà công ty thực hiện vào tháng 4 năm 2022, chỉ vài tuần sau khi chiến tranh bắt đầu.
Cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, trong khi công chúng Nga vẫn chia rẽ về việc tiếp tục chiến tranh, một lệnh động viên mới sẽ thúc đẩy tinh thần hòa bình.
Hơn một nửa số người được hỏi (54%) muốn Nga tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình nếu cần có làn sóng động viên thứ hai để tiếp tục “hoạt động quân sự”.
Trong khi đó, hơn một phần ba (35%) ủng hộ việc tiếp tục chiến sự nếu Putin công bố một làn sóng lính nghĩa vụ mới đến chiến đấu ở Ukraine.
9. Người Nga lo ngại Putin sẽ đẩy đất nước đến điểm không thể quay trở lại
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russians Worry Putin's Driving Country to Point of No Return”, nghĩa là “Người Nga lo ngại Putin sẽ đẩy đất nước đến điểm không thể quay trở lại.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Tình báo quân đội Ukraine gần đây đã công bố đoạn băng ghi âm cuộc điện thoại được cho là bị nghe lén giữa hai công dân Nga mô tả những gì họ cảm thấy là tình trạng tồi tệ hiện nay của đất nước dưới thời Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hai người đàn ông được cho là đã nói rằng nếu Putin không sớm bị phế truất, đất nước “có thể không bao giờ hồi phục”.
Cục tình báo quân đội Ukraine, gọi tắt là GUR, đã đăng đoạn ghi âm lên kênh Telegram của họ vào hôm thứ Năm. GUR thường xuyên đăng đoạn ghi âm mà họ cho là các thông tin liên lạc bị chặn liên quan đến cuộc chiến của Putin ở Ukraine. Các cuộc gọi thường là ví dụ về tinh thần thấp kém liên quan đến chiến tranh. Đầu tháng này, GUR đã đăng một cuộc trò chuyện qua điện thoại, trong đó một phụ nữ Nga được cho là đã bảo chồng là quân nhân của mình hối lộ các sĩ quan chỉ huy của anh ta để trở về nhà vì cô sợ họ sẽ buộc anh ta ở lại Ukraine.
Trong đoạn ghi âm được GUR đăng hôm thứ Năm hai người nói chuyện điện thoại đã thảo luận về điều mà họ mô tả là tình cảm ngày càng tăng đối với một cuộc nổi dậy do người dân Nga lãnh đạo chống lại Putin.
“Đã có một thời kỳ hoàng kim trước Putin,” người đầu tiên nói, theo bản dịch của Kyiv Post. “Mọi người đều bình thường; họ yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Và bây giờ họ đã biến thành thứ gì đó giống như sói vậy.”
Ông nói tiếp: “Chúng ta có thể phải sống thêm 100 năm nữa mới đạt được tiêu chuẩn của những năm 1980... xét đến những gì những cá nhân này đã làm. Và nếu họ nắm quyền thêm 10 năm nữa, chúng ta có thể không bao giờ hồi phục được”.
“Chúng ta phải đợi người dân đứng dậy và hành động. Biết làm sao hơn bây giờ,” người thứ hai trả lời.
Sau đó, người đầu tiên nói về việc anh ta đã nghe những người khác nói về việc đứng lên chống lại Putin như thế nào.
“Ở nơi làm việc, mọi người nói về nó mọi lúc. Họ nói, 'Chúng ta đang đánh nhầm trận; chúng ta phải đến Mạc Tư Khoa và có thể thiết lập trật tự,” ông nói.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.
GUR không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về những người nói, ngoài việc họ là công dân Nga đang nói chuyện với nhau ở Nga.
Kyiv Post nêu chi tiết cách hai người đàn ông cũng thảo luận về cuộc binh biến thất bại vào tháng 6 của Nhóm lính đánh thuê Wagner. Theo báo cáo, họ đã đề cập đến cách lãnh đạo Wagner, Yevgeny Prigozhin, có thể đưa các chiến binh của mình vào Mạc Tư Khoa “thậm chí không phải trong một ngày mà là trong 12 giờ” và ghi nhận anh ta khựng lại vì không muốn đổ máu.
Người đầu tiên đã nói rằng Putin sẽ không quan tâm nếu có bạo lực xảy ra trong cuộc nổi dậy của Wagner.
“Ông ấy chỉ quan tâm đến tiền bạc, và quyền lực…Chế độ này chưa bao giờ tệ hơn thế”, ông nói.