Thông tấn xã AP có bài tường trình nhan đề “Russian Orthodox priests face persecution from state and church for supporting peace in Ukraine”, nghĩa là “Các linh mục Chính thống Nga phải đối mặt với sự đàn áp từ nhà nước và Giáo Hội vì ủng hộ hòa bình ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.
Đứng trong một nhà thờ Chính thống cổ kính ở Antalya với một tay cầm quyển Kinh thánh và một tay cầm nến, Cha Ioann Koval đã hướng dẫn một trong những buổi thờ phượng đầu tiên của ngài ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi ban lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga quyết định giáng chức ngài sau lời cầu nguyện của ngài cho hòa bình ở Ukraine.
Tháng 9 năm ngoái, khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh huy động một phần lực lượng dự bị, Thượng phụ Kirill ở Mạc Tư Khoa đã yêu cầu các giáo sĩ của mình cầu nguyện cho chiến thắng. Đứng trước bàn thờ và hàng chục giáo dân của mình tại một trong những nhà thờ ở Mạc Tư Khoa, Koval quyết định đặt hòa bình lên trên mệnh lệnh của vị Thượng Phụ.
Koval nói: “Với từ 'chiến thắng', lời cầu nguyện mang ý nghĩa tuyên truyền, định hình suy nghĩ của giáo dân, và cả các giáo sĩ, về những gì họ nên nghĩ đến và cách họ nên nhìn nhận những hành động thù địch này. “Điều đó đã đi ngược lại lương tâm của tôi. Tôi không thể khuất phục trước áp lực chính trị này từ hàng giáo phẩm.”
Trong lời cầu nguyện mà ngài đã đọc đi đọc lại nhiều lần, vị linh mục 45 tuổi chỉ thay đổi một từ, thay từ “chiến thắng” bằng “hòa bình” - nhưng như vậy là đủ để tòa án Giáo Hội tước bỏ phẩm hàm linh mục của ngài.
Công khai cầu nguyện hoặc kêu gọi hòa bình cũng có nguy cơ bị nhà nước Nga truy tố. Ngay sau khi quân đội Nga xâm lược Ukraine, các nhà lập pháp đã thông qua luật cho phép truy tố hàng nghìn người vì tội “làm mất uy tín của quân đội Nga”, một cáo buộc trên thực tế áp dụng cho bất cứ điều gì mâu thuẫn với tường thuật chính thức, có thể là một bình luận trên mạng xã hội hoặc một lời cầu nguyện trong nhà thờ.
Andrey Desnitsky, giáo sư ngữ văn tại Đại học Vilnius ở Lithuania, nói với Associated Press rằng “Tương tự như chế độ độc đoán của Putin, Kirill đã xây dựng một hàng giáo phẩm khắc nghiệt trong Giáo Hội đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối. Nếu một linh mục từ chối đọc lời cầu nguyện của vị Thượng Phụ, thì lòng trung thành của anh ta bị nghi ngờ.”
Desnitsky, một chuyên gia lâu năm về Chính Thống Giáo Nga, nói thêm: “Nếu bạn không trung thành, thì không có chỗ cho bạn trong Giáo Hội”.
Khi chiến tranh bắt đầu, hầu hết các linh mục đều im lặng vì sợ áp lực từ Giáo Hội và chính quyền; chỉ một phần nhỏ đã dám lên tiếng. Trong số hơn 40.000 giáo sĩ của Giáo hội Chính thống Nga, chỉ có 300 linh mục ký một bức thư công khai kêu gọi hòa bình ở Ukraine.
Natallia Vasilevich, điều phối viên của nhóm nhân quyền Kitô hữu chống chiến tranh cho biết, mỗi tiếng nói của công chúng phản đối chiến tranh đều rất quan trọng.
Cô ấy nói với AP: “Nó phá vỡ những gì dường như là một quan điểm nguyên khối của Giáo hội Chính thống Nga.”
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, nhóm của Vasilevich đã đếm được ít nhất 30 linh mục Chính thống giáo đã phải đối mặt với áp lực của giáo quyền hoặc chính quyền. Nhưng thậm chí có thể có nhiều trường hợp hơn, cô ấy nói, vì một số linh mục sợ nói về các cuộc đàn áp, sợ rằng nó sẽ mang lại nhiều điều bất hạnh hơn.
Giáo Hội Chính thống Nga giải thích việc đàn áp các linh mục lên tiếng phản đối chiến tranh là hình phạt cho cái gọi là sự tham gia chính trị của họ.
Vakhtang Kipshidze, phó giám đốc dịch vụ báo chí của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nói: “Các giáo sĩ tự biến mình từ linh mục thành những kẻ kích động chính trị và những người tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị, rõ ràng là họ ngừng thực hiện nghĩa vụ mục vụ của mình và phải tuân theo các lệnh cấm theo giáo luật”.
Tuy nhiên,, các linh mục công khai ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine thì không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nào và hơn nữa còn được nhà nước hỗ trợ, Vasilevich nói.
Cô nói thêm: “Chế độ Nga quan tâm đến việc làm cho những tiếng nói này to hơn.”
Hơn thế nữa, các linh mục từ chối tham gia dàn hợp xướng này hoặc giữ im lặng có thể bị bổ nhiệm lại, tạm thời miễn nhiệm vụ hoặc bị sa thải - mất tiền lương, nhà ở, quyền lợi và quan trọng nhất là chức vụ của họ đối với đàn chiên của họ.”
Koval nói: “Tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi về sự lựa chọn của mình. “Tôi, toàn bộ linh hồn, toàn bộ con người tôi phản đối cuộc chiến này. Tôi không thể ủng hộ cuộc xâm lược của quân đội Nga vào Ukraine bằng lời cầu nguyện của mình”.
Sau khi tòa án của Giáo Hội Chính thống Nga quyết định vị linh mục phải biến mất, Koval đã kháng cáo lên Thượng phụ Đại kết Bácthôlômêô của Constantinople, là người đã khẳng định quyền nhận đơn kháng cáo từ các giáo sĩ của các Giáo Hội Chính thống giáo khác, bất kể sự phản đối của Chính Thống Giáo Nga.
Vào tháng 6, tòa thượng phụ Constantinople quyết định rằng Koval bị trừng phạt vì lập trường của ngài liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và ra phán quyết khôi phục thánh chức cho ngài. Cùng ngày, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cho phép vị linh mục Nga phục vụ trong Giáo Hội của mình.
Cha Ioann Burdin cũng muốn rời khỏi Giáo Hội Chính thống Nga sau khi ngài lên tiếng phản đối chiến tranh tại một nhà thờ nhỏ gần Kostroma và tòa án địa phương đã phạt ngài vì làm mất uy tín của quân đội Nga. Ngài đã yêu cầu Thượng Phụ Kirill chấp thuận việc chuyển ngài đến Giáo Hội Chính thống Bulgaria nhưng thay vào đó, Kirill đã cấm ngài phục vụ cho đến khi vị linh mục đưa ra lời xin lỗi công khai.
Vị linh mục nói với AP: “Lập trường của tôi, điều mà tôi đã nêu lần đầu tiên trên trang web, sau đó là trong nhà thờ, và sau đó trong phiên tòa là được thể hiện niềm tin tôn giáo của tôi. Vì tất cả mọi người đều là anh em, nên bất kỳ cuộc chiến nào, bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào, bằng cách này hay cách khác đều trở thành huynh đệ tương tàn.”
Không được phép phục vụ trong nhà thờ, Burdin đã đưa các bài giảng của mình lên một kênh Telegram, nơi ngài hướng dẫn các Kitô Hữu Chính thống đang bối rối trước sự ủng hộ của vị Thượng Phụ đối với cuộc chiến.
Trong hơn hai thập kỷ cầm quyền, Putin đã thúc đẩy mạnh mẽ vị thế của Giáo hội Chính thống Nga, gia tăng uy tín, sự giàu có và quyền lực trong xã hội sau nhiều thập kỷ bị áp bức hoặc thờ ơ dưới thời các nhà lãnh đạo Liên Xô.
Đổi lại, các nhà lãnh đạo của nó, như Thượng phụ Kirill, đã ủng hộ các sáng kiến của Putin. Chính Thống Giáo Nga đã dốc sức đứng đằng sau cuộc chiến ở Ukraine và người ta thường thấy các giáo sĩ của họ ban phước cho quân đội và các thiết bị chuẩn bị tiến vào trận chiến và cầu xin Chúa ban phước lành trong chiến dịch.
Linh mục Iakov Vorontsov, một linh mục ở Kazakhstan, đã bị sốc và tuyệt vọng khi lần đầu tiên nghe tin chiến tranh. Ngài đã từng hy vọng Giáo Hội sẽ can thiệp để hòa giải xung đột. Nhưng cả đồng nghiệp và cấp trên của ngài đều không ủng hộ lời kêu gọi rao giảng hòa bình của anh ta.
“Tôi nhận ra rằng không ai nghe những lời về hòa bình,” vị linh mục 37 tuổi nói. “Lẽ ra nó phải được truyền đạt đến người dân, đến đàn chiên của chúng tôi, nhưng không phải vậy. Và sau đó tôi nhận ra rằng tôi có một công cụ khác: mạng xã hội.”
Trong khi các bài đăng phản chiến của vị linh mục trẻ trên Facebook nhận được sự ủng hộ trực tuyến, thì phản ứng ngoại tuyến là thù địch. Cấp trên của ngài đã nhiều lần bổ nhiệm ngài đến những miền xa xôi, cấm anh thuyết pháp và bảo giáo dân tránh xa ngài. Cuối cùng, vị linh mục hết hy vọng và quyết định tạm thời ngừng phục vụ trong Giáo Hội Chính thống Nga.
“Họ muốn tôi rời đi, và cuối cùng, họ đã được như ý,” vị linh mục nói, khi ngồi trong căn hộ của mình mà không có chiếc áo choàng đen mà ngài đã mặc trong 13 năm qua. “Nhưng tôi không từ bỏ thánh chức của mình, tôi chỉ quyết định tạm thời rằng tôi không thể ở trong số những người này trong tình huống này.”
Ảnh hưởng của vị Thượng Phụ vượt xa ranh giới của đất nước ông ta và các mệnh lệnh của ông ta được áp dụng ngay cả đối với các linh mục phục vụ ở nước ngoài. Vào tháng 2, Kirill đã đình chỉ trong ba tháng đối với Linh mục Andrei Kordochkin, một linh mục tại một nhà thờ Chính thống giáo ở Madrid, vì lập trường phản chiến của vị linh mục ấy.
Thượng Phụ Kirill cho biết Kordochkin đã bị trừng phạt vì tội “kích động hận thù” giữa các giáo dân của mình. Nhưng vị linh mục nói rằng đó là một lời cảnh báo để ngăn ngài không chỉ trích Putin thêm nữa.
Cha Kordochkin nói: “Tôi không nghĩ rằng có điều gì đó mà tôi đã làm sai về mặt giáo luật. Nếu không có tội phạm giáo luật, thì điều đó có nghĩa là giáo luật đơn giản được sử dụng như một cơ chế đàn áp chính trị.”
Kể từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, Cha Kordochkin đã công khai lên án cuộc xâm lược của Nga và thường xuyên cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine. Ngài tin rằng các linh mục không nên im lặng và phải truyền tải thông điệp Kitô giáo đến mọi người.
“Chúng tôi có nhiệm vụ phải lên tiếng, bất kể cái giá phải trả là gì.”
Cá quan sát viên cho rằng với lập trường hiện nay của Kirill, nếu các linh mục Chính Thống Giáo Nga không lên tiếng phản đối, khi chiến tranh kết thúc, Chính Thống Giáo Nga sẽ tan theo Putin.
Source:AP