John Allen, trên Crux ngày 26 tháng 7 (https://cruxnow.com/news-analysis/2023/07/what-wyd-and-gay-pride-have-in-common-its-not-what-you-think) nhận định rằng dù các nhà tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới luôn cố gắng nhấn mạnh rằng họ không muốn nó trở thành một thao tác nhận diện bản sắc theo bất cứ nghĩa tiêu cực và loại trừ nào, mà là một biến cố chào đón mọi người, thì biến cố này vẫn là biểu thức công cộng lớn nhất nói lên các biểu tượng, ngữ vựng và thực hành Công Giáo trên hành tinh, đến nỗi có người đã gọi nó là “thế vận hội” hay “Woodstock” của Giáo Hội Công Giáo. Với Allen, Ngày Giới trẻ Thế giới là “ấn bản thành công một cách đồ sộ nhất của một nền chính trị bản sắc trong tôn giáo có tổ chức ngày nay”.
Theo ông, cụm từ “nền chính trị bản sắc” (politics of identity) có từ năm 1977 khi nó được Hợp Tác xã Sông Combahee (Combahee River Collective) tạo ra. Họ là một nhóm đồng tính duy nữ và duy xã hội da đen, muốn quan điểm và kinh nghiệm của họ có chỗ ngồi tại bàn văn hóa.
Một cách nhanh chóng, ý niệm chính trị bản sắc phổ biến qua nhiều nhóm khác nhau, phần lớn tự coi mình như nổi dậy chống lại các qui chuẩn và thiên kiến văn hóa bị họ coi là có liên hệ với các tôn giáo có tổ chức. Điều này không đâu đúng bằng phong trào Tự Hào Đồng Tính, một phong trào, đến thập niên 1980, đã biến các cuộc tụ tập của họ thành một trong các thao tác có khuôn dạng cao nhất trong nền chính trị bản sắc trên thế giới.
Nhưng thật ra, theo Allen, xét theo khía cạnh coi tôn giáo như lực lượng xã hội nổi bật, thì phong trào này quả có lạc điệu. Vì tới đầu thập niên 1980, việc thế tục hóa đã biến cải đức tin tôn giáo từ một đa số lên khuôn văn hóa ở Âu châu vá bắc Mỹ trở thành một nền văn hóa phụ, một nền văn hóa mà các thành viên cảm thấy mình bị bao vây, hiểu lầm nhiều cách, và thậm chí ngày càng bị bách hại, đến nỗi vị Giáo Hoàng tương lai Bênêđíctô XVI phải mượn lời Arnold Toynbee mà cho rằng số phận của tôn giáo có tổ chức, ít nhất ở thế giới phát triển, là trở thành một “thiểu số sáng tạo”.
Trước tình huống đó, người có trực quan tuyệt diệu là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận thấy đạo Công Giáo cần một nền chính trị bản sắc, đặc biệt ở Phương Tây, để không những hãm đà suy thoái từ từ về tính hiển thị và ảnh hưởng của đạo mà còn thách thức não trạng văn hóa ngày một lớn mạnh coi tôn giáo chỉ như một chuyện riêng tư không nên diễu hành ở nơi công cộng.
Đối với não trạng ấy, Ngày Giới trẻ Thế giới quả là ấn bản của câu nổi tiếng được Tiến sĩ Johnson dùng để phản bác lập trường duy tâm của Berkeley coi mọi sự không có thật mà chỉ là ý nghĩ rằng “Tôi phản bác điều ấy!” [ I refute it thus].
Ngày nay, Ngày Giới trẻ Thế giới nằm trong danh sách các cuộc tụ họp thường xuyên lớn nhất của nhân loại trên khắp thế giới, chỉ bị cạnh tranh bởi các biến cố như lễ hội Kumbh Mela của Ấn Giáo và cuộc Hành hương Arba’een của Hồi Giáo Shia, cả hai đều nhằm nói với thế giới rằng đức tin tôn giáo khó trở thành một loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Allen cho hay, thậm chí, Ngày Giới trẻ Thế giới vượt xa các cuộc tụ họp của Hãnh diện Đồng tính. Năm 2000, Ông tường trình cả Ngày Giới trẻ Thế giới lẫn cuộc gặp gỡ của Hãnh diện Thế giới tại Rôma, chỉ cách nhau không đầy một tháng. Biến cố đầu thu hút 2 triệu người. Biến cố sau chỉ 500 ngàn người.
Điều đáng nói là sau nhiều năm, những người tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới cho hay, khi trở về nhà họ đã đi nhà thờ thường xuyên hơn, lần chuỗi môi khôi ở trường, từ chối làm tình hay say sỉn hoặc dùng ma túy, ăn mặc đoan trang hơn hoặc làm bất cứ điều gì vẫn được coi là đặc điểm của bản sắc Công Giáo.
Việc may mắn được sống một khoảng thời gian trong một môi trường trong đó rõ ràng họ là đa số, trong đó, các giá trị của họ được tăng cường và cử hành thay vì bị chế giễu, và trong đó, cuối cùng, họ là “chính họ” quả là một trải nghiệm đổi đời. Dĩ nhiên, thành công của Ngày Giới trẻ Thế giới tùy thuộc phần không nhỏ nơi sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng, người làm phấn khởi khối quần chúng lớn lao mà biến cố này luôn tạo ra. Quả thực, người ta có thể lập luận rằng Ngày Giới trẻ Thế giới chỉ là một ấn bản lớn nhất và nhiều lớp lang gây tác động của việc tông du của Đức Giáo Hoàng nói chung, vốn là cơ hội để người Công Giáo địa phương củng cố và công bố bản sắc của họ một cách công khai. Nhưng ta nên nhớ, ngay việc du hành của các vị Giáo Hoàng hiện nay cũng đã được Đức Gioan Phaolô II đi tiên phong. Thành thử có thể nói, ngài quả là vị Giáo Hoàng của nền chính trị bản sắc.