I. Các nguồn và việc giải thích chúng
Câu hỏi 1: Nếu các Tin Mừng là lời giải thích và chính chúng đã được giải thích qua nhiều thế kỷ, thì làm thế nào chúng ta biết mình đang tiếp xúc với Chúa Giêsu “thật”?
Cùng câu hỏi trên có thể hỏi về bất cứ mối tương quan nhân bản nào. Khi chúng ta gặp một người khác, lập tức chúng ta bước vào một diễn trình giải thích. Thoạt đầu, chúng ta tìm một số dữ kiện căn bản, như tên, hậu cảnh, các mối quan tâm v.v... Nhưng đồng thời chúng ta lựa lọc và đánh giá cả các dữ kiện lẫn con người đang thông đạt chúng cho ta. Không có một diễn trình như thế, chúng ta không thể bước vào bất cứ mối tương quan bản vị nào. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn tiến đến chỗ biết con người “thật” của họ, thì có một điểm trong mối tương quan khi chúng ta buộc phải di chuyển quá bên kia thông tri “sự kiện” và phó mình cho người khác trong một hành vi tự vượt quá mình (self-transcendence). Điều này có thể gọi là hành vi đức tin theo nghĩa căn bản và nền tảng nhất của chữ này, nghĩa là, tín thác.
Điều đúng với mọi tương quan nhân bản thì cũng đúng với mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với sự dè dặt này là sáng kiến làm cho sự tín thác ấy hay đức tin ấy khả hữu về phần chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa (và do đó chúng ta gọi đức tin là một trải nghiệm ân sủng). Tuy nhiên, chính lời mời gọi của Thiên Chúa kêu gọi sự đáp trả nhân bản của chúng ta. Khi chúng ta đáp trả, bất kể trong mối tương quan với những hữu thể nhân bản hay với Thiên Chúa, diễn trình giải thích phải tiếp diễn, nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ thâm hậu và phát triển được mối tương quan. Tắt một lời, mối tương quan đệ nhất đẳng của chúng ta với Thiên Chúa mà chúng ta biết ở trong Chúa Giêsu là mối tương quan của đức tin. Đó chính là Chúa Giêsu “thật”. Thế nhưng, giống như với bất cứ mối tương quan nào, trải nghiệm đức tin này cũng làm xuất hiện rất nhiều loại câu hỏi khác nhau mặc tình để người ta hỏi, như các câu hỏi có tính lịch sử, tâm lý, thần học, bản vị, v.v... (xem Dẫn nhập). Không những đây là những câu hỏi tốt và có giá trị, chúng còn cần thiết nữa nếu chúng ta muốn lớn lên và chín mùi trong đức tin của chúng ta.
Câu hỏi 2: Nhưng tại sao Thiên Chúa không làm nó dễ dàng hơn, thí dụ, tại sao Chúa Giêsu không viết Kinh Thánh thay vì các môn đệ Người?
Câu hỏi này cần được trả lời ở hai bình diện, bình diện đầu tiên liên quan tới bản chất của Kitô giáo và bình diện thứ hai liên quan tới bản chất Kinh Thánh. Không như Hồi giáo, Kitô giáo không phải là tôn giáo của “sách”. Nó là một tôn giáo xoay quanh các mối tương quan bản thân. Người ta chỉ cần đọc Tin Mừng Gioan là thấy điều đó. Điều quan trọng về Tin Mừng Gioan là nó không ngừng nhắc đến mối tương quan bản thân của Chúa Giêsu với Chúa Cha (như ở câu 1:18 nơi Chúa Giêsu được mô tả gợi hình như luôn hiện hữu trong lòng Chúa Cha) và Người mời gọi chúng ta bước vào cùng mối tương quan này qua quyền năng Chúa Thánh Thần (như ở câu 13:23, nơi môn dệ Người yêu dấu được mô tả gợi hình là tựa đầu vào lòng Chúa Giêsu). Bất kể mọi điều trong Tin Mừng Gioan có là sự kiện lịch sử hay không, chắc chắn nó nắm bắt được yếu tính của Kitô giáo: qua đức tin, chúng ta vướng vào mối tương quan bản thân với Thiên Chúa Ba Ngôi, một mối tương quan có nhiều hệ quả đời đời. Vị Thiên Chúa này sống động, tích cực, và hiện diện trong trái tim chúng ta và tại tâm điểm của mọi mối tương quan nhân bản. Đây chính là Thiên Chúa chúng ta cử hành trong con người của Chúa Giêsu.
Sách thánh, như Tin Mừng Gioan chẳng hạn, là các chứng từ bằng chữ viết hay chứng tá cho mối tương quan năng động này. Mọi sách thánh làm chứng cho một điều gì trước đó và có tính nền tảng, tức cho “Thiên Chúa của người sống” (Mc 12:27), Đấng liên tục làm chúng ta trỗi dậy bước vào sự sống mới trong các trải nghiệm cộng đoàn của ca ngợi và tôn thờ, lắng nghe và công bố, bẻ bánh và chia sẻ, cho ăn và cho mặc. Kinh Thánh được viết ra từ chính các trải nghiệm như thế, và nó trở thành hữu hiệu trong đời sống chúng ta khi chúng ta được linh hứng ra đi và làm như thế. Do đó, Thiên Chúa không thể làm nó ra dễ dàng hơn. Thiên Chúa mạc khải trong Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước vào sự sống nhưng chúng ta phải đáp trả bằng đức tin và nhận trách nhiệm qua việc biến đường của Chúa Giêsu thành đường của chính chúng ta.
Câu hỏi 3: Được, nhưng, Chúa Giêsu có nói và làm tất cả những điều các tác giả Tân Ước cho rằng Người đã nói và làm không? Và, nếu không, thì tại sao họ lại đặt lời vào miệng Người hay tạo ra các câu truyện về những việc làm vĩ đại của Người?
Câu hỏi này đem chúng ta trở lại với vấn đề Chúa Giêsu “thật”. Điều hữu ích là phân biệt ba ý nghĩa có thể có của hạn từ đó. Đầu tiên, có Chúa Giêsu, Đấng thưc sự đã nói và đã làm những điều cụ thể vào những dịp cụ thể. Chúng ta gần như không tiếp cận chi được với Chúa Giêsu này vì Người không hề viết điều gì cả và các Tin Mừng không phải là những cuốn tiểu sử theo nghĩa hiện đại là thu thập và ghi lại các tiết mục cụ thể của thông tin.
Thứ hai, có một Chúa Giêsu “lịch sử”, nghĩa là Chúa Giêsu có thể được tái dựng qua các phương pháp phê phán của nền bác học lịch sử. Việc chúng ta tiếp cận Chúa Giêsu này có giới hạn nhưng quan trọng. Nhờ phân tích có phê phán, chúng ta biết một số cách Người hành động và nói năng đặc biệt, như việc Người công bố Nước Thiên Chúa bằng dụ ngôn và việc Người cử hành sự hiện diện của Nước Thiên Chúa bằng cách ăn uống với người thu thuế và kẻ có tội. Sự tái dựng như thế hết sức tùy thuộc việc in trí nhớ của các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi. Giống như với các nhân vật vĩ đại của lịch sử, như Socrates hay Lincoln hoặc Kennedy, trí nhớ này đặt căn bản trên thực tại lịch sử nhưng có tính lọc lựa khá cao và có xu hướng tập chú vào “những khoảnh khắc đáng nhớ” do đó loại bỏ các chi tiết chuyên biệt, cụ thể hoặc vì quên hoặc xem ra không quan trọng như thời gian hay nơi chốn chính xác của một biến cố đặc thù. Phần lớn các tư liệu của các Tin Mừng chắc chắn tùy thuộc vào loại trí nhớ lọc lựa này – cộng đồng tụ tập để thờ phương nhắc lại các khoảnh khắc đáng nhớ, tác động của Người, sự sắc sảo trong lời lẽ của Người và sức mạnh áp đảo của việc Người làm – nhắc lại nhưng cũng thêm thắt và khai triển như các người kể truyện khéo thường làm để nhấn mạnh sự thật sâu xa hơn vẫn có ở nơi Người.
Sau cùng, có Chúa Giêsu của Kinh Thánh: Đấng được công bố và giải thích qua các trích dẫn từ Cựu Ước, qua suy tư thần học về ý nghĩa của Người, và trên hết, qua cảm nghiệm liên tục sự hiện diện trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Điều sau cùng quan trọng nhất để hiểu điều các tác giả Tân Ước làm. Đã có các tiên tri được Thần Trí Thiên Chúa trong Cựu Ước linh hứng dám nói: “Chúa đã nói như vậy...” thế nào, thì cũng có các tiên tri trong các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi dám đứng lên giữa cộng đoàn và công bố lời lẽ của Chúa Giêsu phục sinh. Linh hứng trước nhất liên hệ với một cộng đồng tụ tập trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Bản văn viết tùy thuộc vào và phản ảnh cảm nghiệm tiếng nói sống động của Chúa Giêsu phục sinh có tính nền tảng hơn này.
Câu hỏi 4: Nhưng tại sao tôi nên tin một điều gì đó chân thật nếu nó không thực sự xẩy ra?
Câu hỏi của bạn nêu ra điều đối với phần lớn người hiện đại là trở ngại lớn nhất để hiểu sách thánh. Phần lớn chúng ta, con cái của phong trào ánh sáng, một phong trào khởi đầu trong thế kỷ mười tám như một phong trào để giải phóng lý trí con người khỏi tua vòi của lối suy nghĩ giáo điều, chỉ biết chấp nhận những câu như “nếu nó không xẩy ra, nó không có thật”. Não trạng thực nghiệm, việc đòi phải có “bằng chứng” khoa học hay lịch sử như thử nghiệm qùy [litmus-test] của thực tại, là một phần của trí thức và óc thông minh chúng ta đến nỗi ít khi chúng ta ý thức được. Thế nhưng, những điều “có thật nhất” trong đời thường là những điều chưa bao giờ xẩy ra hay tùy thuộc xác minh thực nghiệm. Khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết, nó có thật cho dù không có điều gì trong cuốn tiểu thuyết từng xẩy ra như diễn tả. Nó có thật vì nó đụng tới các bình diện biểu tượng sâu xa nhất của cảm nghiệm nhân bản; nó có thật vì nó soi sáng trí khôn và xúc động lòng ta, vì nó rung rinh với những gì sâu xa nhất và tốt đẹp nhất trong ta và kêu gọi một đáp trả thường quá sâu xa đến không thể nào diễn tả thỏa đáng được.
Đó là loại tác động mà Chúa Giêsu đã tạo ra nơi những người cùng thời với Người và nơi các thế hệ kế tiếp cho tới tận ngày nay. Thí dụ, điều chân thật về việc Chúa Giêsu làm yên sóng bão (Mc 4:35-41) và đi trên nước (Mc 6: 54-52) không hẳn là sự kiện thực nghiệm kỳ lạ của việc Người hành động ngược với các định luật tự nhiên nhưng sự kiện quan trọng hơn là Chúa Giêsu, cả lúc đó lẫn lúc này, kêu gọi chúng ta tin tưởng ngay giữa sóng gió cuộc đời và đem bình an vào tâm hồn chúng ta. Điều ấy vẫn mãi chân thật bất kể Chúa Giêsu có bao giờ đi trên nước hay không. Như thế, khi đọc sách thánh, ta phải học cách suy nghĩ một cách biểu tượng, chứ không nên luôn luôn chỉ bận tâm tới các sự kiện. Chân lý quan trọng đến không thể bị giản lược vào thứ tâm trí chỉ biết nghĩa chiểu tự.
Câu hỏi 5: Nếu các Tin Mừng chủ yếu là các tài liệu đức tin nhằm thông truyền các sự thật có tính biểu tượng, tại sao chúng ta còn cần Chúa Giêsu lịch sử? Há chúng ta không thể chỉ ở lại với Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan hay sao?
Quả thực chúng ta có thể và nên ở lại với bốn Tin Mừng. Chúng vẫn còn là nguồn đệ nhất đẳng cho những gì chúng ta nói hay nghĩ về Chúa Giêsu. Người ta có thể dành cả đời để khai thác sự phong phú của bất cứ cuốn nào trong số này. Nhưng câu hỏi của bạn đụng tới một vấn đề làm bối rối nhiều người ngày nay: liệu Chúa Giêsu có liên quan gì hay có tầm quan trọng nào đối với đức tin Kitô giáo.
Vấn đề này thực sự có hai mặt. Trước hết, là mặt phương pháp. Vì các hạn chế của phương pháp lịch sử như được hiểu ngày nay, ta có thể biết được bất cứ điều gì về Chúa Giêsu lịch sử hay không? Ở đây, không đi vào chi tiết về các cuộc tranh luận về phương pháp, tôi chỉ đề nghị với bạn rằng chúng ta có đủ thông tin lịch sử khá thỏa đáng về Chúa Giêsu như về bất cứ nhân vật lịch sử nào thời xa xưa.
Mặt thứ hai của vấn đề nêu lên câu hỏi về sự cần thiết. Nhận thức về Chúa Giêsu lịch sử có cần thiết cho đức tin Kitô giáo không? Câu trả lời có thể thay đổi tùy thuộc việc nó tương ứng với bình diện bác học hay bình diện bình dân. Trên bình diện bình dân, người ta có thể sống một đời sống Kitô hữu phong phú và thiêng liêng sâu xa với loại hình ảnh đức tin truyền thống về Chúa Giêsu như đã phác tả trong phần Dẫn Nhập. Nhưng nếu người ta bắt đầu hỏi loại câu hỏi lịch sử về các nguồn và các giải thích mà chúng ta mưu cầu ở đây, thì không tránh khỏi việc người ta phải được dẫn vào các quan điểm và cách tiếp cận của nền bác học hiện đại.
Theo quan điểm của tôi, nhận thức về Chúa Giêsu lịch sử hành động một cách phụ thuộc nhưng không thể thiếu trong tương quan với nhận thức chúng ta có về Chúa Giêsu trong đức tin. Nó phụ thuộc vì mối tương quan đệ nhất đẳng của ta với Chúa Giêsu là mối tương quan đức tin. Đức tin này được thông truyền cho ta qua các cộng đồng như các cộng đồng đã được diễn tả trong Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan cũng như các cộng đồng Kitô giáo của hai thiên niên kỷ vừa qua. Đó là đức tin đã đích thân chiếm hữu bởi mỗi người chúng ta trong bối cảnh cảm nghiệm bản thân và cộng đoàn của chúng ta. Nhận thức về Chúa Giêsu lịch sử là điều không thể thiếu vì lý do đơn giả là: đức tin Kitô giáo luôn luôn đặt cơ sở vào tính đặc thù lịch sử của con người Giêsu thành Nadarét. Điều chúng ta biết về Người về phương diện lịch sử giúp chúng ta thực hiện hình ảnh đức tin của chúng ta cụ thể hơn về Người. Hình ảnh của chúng ta về Chúa Giêsu sẽ ra sao nếu chúng ta chỉ có các thư của Thánh Phaolô chứ không có bốn Tin Mừng? Nhưng, có lẽ còn quan trọng hơn, nhận thức lịch sử hành động một cách tiêu cực để giới hạn hay kiểm soát điều chúng ta có thể nói về Người. Nguy hiểm của các giải thích tiếp theo luôn luôn là tái tạo Chúa Giêsu theo hình ảnh của riêng mình, thí dụ, như chúa tể đế quốc, nhà cách mạng phe tả, nhà tư tưởng tự do cấp tiến v.v... Câu trả lời duy nhất và kiểm soát các hình ảnh như thế là nại đến điều chúng ta biết về Người về phương diện lịch sử.
Câu hỏi 6: Há các học giả đã không biến Chúa Giêsu thành bất khả tiếp cận đó sao? Làm thế nào một người bình thường tiến đến chỗ biết và hiểu mọi khai triển mới nhất trong khoa phê bình Kinh Thánh?
Chúng ta không bao giờ nên quên rằng đức tin của chúng ta là đức tin cộng đoàn. Không bao giờ được coi đức tin Kitô giáo như bao gồm một nhóm các cá nhân cô lập thực hiện các việc riêng của họ. Mỗi người chúng ta là thành viên của một cộng đồng tin. Mỗi người chúng ta được nuôi dưỡng bởi cộng đồng để lớn lên trong đức tin và mỗi người chúng ta được mong đợi đóng góp đức tin và tài năng của riêng mình vào việc lớn lên và phát triển liên tục của cộng đồng. Thánh Phaolô gọi cộng đồng Kitô giáo là một cơ thể có nhiều chi thể, tất cả đều quan trọng đối với phúc lợi của toàn thể. “Mắt không có thể bảo tay : ‘Tao không cần đến mày’; đầu cũng không thể bảo hai chân : ‘Tao không cần chúng mày’”(1Cr 12:21; hãy xem cả chương 12 cũng như Rm 12:3-8). Trọn trọng điểm của “các cộng đồng căn bản Kitô giáo” ở Châu Mỹ Latinh (và nay đã lan truyền khắp thế giới) là giúp cho mọi người trong cộng đồng tìm được tiếng nói của riêng mình, nghĩa là, diễn đạt kinh nghiệm đức tin riêng của mình trong tương tác cụ thể giữa thực tại đương thời và việc đọc sách thánh. Sẽ là một thảm kịch nếu người ta để việc đọc sách thánh cho một mình các học giả.
Thế nhưng các học giả cũng là thành viên của cộng đồng và có những đóng góp phải làm. Tranh chấp chỉ xẩy ra nếu các học giả tự đặt mình đối nghịch với cộng đồng. Ngay lúc ấy, chúng ta vẫn có thể học hỏi được nhiều từ những tiếng nói phê phán, nhất là về sự trung thực của chính chúng ta trong việc tìm kiếm sự thật. Trong bất cứ biến cố nào, chúng ta cũng không nên chờ các khai triển mới nhất trong việc tìm tòi bác học trước khi tiếp nhận chứng tá của Giáo Hội trong các sách thánh và dìm mình trong chúng. Mặt khác, khi chúng ta đọc, nhất quyết các câu hỏi sẽ xuất hiện. Các học giả có thể giúp chúng ta rất nhiều trong nhiệm vụ liên tục của chúng ta phải giải thích và quả thực họ rất cần thiết cho việc cộng đồng tự hiểu về chính mình. Giống vị hoạn quan Êtiôpia, chúng ta không luôn luôn hiểu điều chúng ta đang đọc và cần một ai đó để giải thích (Cv 8:26-39).
Câu 7: Tại sao ngày nay có nhiều quan điểm khác nhau đến thế về Chúa Giêsu?
Câu hỏi này đụng tới vấn đề tính đa nguyên. Chúng ta hiện sống trong một nền văn hóa ý thức sâu xa các quan điểm và cách tiếp cận khác nhau, các dị biệt về sắc tộc, văn hóa, truyền thống, lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo v.v... Càng ngày chúng ta càng sống trong một nền văn hóa cũng ý thức một cách nhậy cảm rằng các dị biệt này đều tốt và hợp pháp. Hình ảnh “nồi nấu chẩy” đang được thay thế bằng cầu vồng nhiều mầu. Xu hướng của nền văn hóa đương thịnh thiên về tính độc dạng đang bị thách thức. Luôn nên có sự căng thẳng lành mạnh giữa tính hợp nhất và tính đa nguyên, trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Sự cực đoan của độc dạng dẫn tới chủ nghĩa toàn trị; sự cực đoan của phân rẽ và chia rẽ dẫn tới chủ nghĩa cuồng tín. Cả hai đều bắt nguồn từ ý muốn thống trị và nỗi sợ sự thật sẽ giải phóng chúng ta (Ga 8:32).
Dù chúng ta có thể ý thức sắc nét hơn về thực tại và sự chính đáng của tính đa nguyên hiện nay, ta cũng nên thừa nhận rằng tính đa nguyên chính đáng vẫn hiện diện xưa nay trong Giáo Hội. Thí dụ, ngược với các cố gắng của quá khứ nhằm “hòa hợp” bốn sách Tin Mừng thành một “tiểu sử” của Chúa Giêsu, mà thực ra sẽ tạo ra một Tin Mừng thứ năm không hề tương ứng với bất cứ Tin Mừng nguyên thủy nào, hiện nay, chúng ta thừa nhận rõ ràng hơn rằng các Tin Mừng Máccô, Mátthêu, Luca và Gioan đem đến cho chúng ta một hình ảnh đặc biệt về Chúa Giêsu phát sinh từ cảm nghiệm đức tin của từng cộng đồng liên hệ. Và quả thực, nên như thế vì mầu nhiệm Chúa Giêsu không thể bị giản lược vào hay gói gọn trong bất cứ một cảm nghiệm đức tin duy nhất nào, bất kể có tính cộng đoàn hay cá nhân. Mầu nhiệm con người của Người luôn vượt quá các cố gắng của ta, ngay cả các cố gắng Kinh Thánh hay tín điều, nhằm diễn tả Người bằng ngôn ngữ nhân bản. Như thế, chúng ta có thể trông đợi các khác biệt chứ không phải các mâu thuẫn. Bốn Tin Mừng đem đến cho chúng ta những tầm nhìn khác nhau về Chúa Giêsu, nhưng chúng không mâu thuẫn nhau. Như viên kim cương đặt trước ánh sáng, Chúa Giêsu phản ảnh và mạc khải vinh quang Thiên Chúa nhiều cách và là những cách khác nhau.
Câu 8: Tại sao Chúa Giêsu được mô tả trong rất nhiều bức tranh và bức tượng như một người da trắng với mớ tóc nâu và đôi mắt xanh nước biển khi Người thực sự là người Do Thái?
Có hai chiều kích của Chúa Giêsu mà chúng ta không bao giờ nên quên. Trước nhất, trên bình diện lịch sử, Người là người Do Thái Palestine thế kỷ thứ nhất. Tính Do Thái của Người cực kỳ quan trọng đối với đức tin Kitô giáo. Chúa Giêsu là người của dân và thời Người. Người nối kết chúng ta với truyền thống phong phú và kỳ diệu bắt đầu với đức tin của cha chung chúng ta là Ápraham. Thành kiến chống Do Thái, và những cuộc tàn sát người Do Thái, từng quá thường xuyên xẩy ra một cách bi thảm trong lịch sử Kitô giáo, là chống Chúa Giêsu. Nếu chúng ta tin Chúa Giêsu, chúng ta chấp nhận di sản làm người Do Thái như là di sản của chúng ta, và chúng ta tôn kính di sản này như diễn tả ý Thiên Chúa cho chúng ta.
Thế nhưng, thứ hai, Chúa Giêsu người của thời Người cũng là người của mọi thời. Trên bình diện thần học, Người đã trở thành Ađam thứ hai (1Cr 15:20-22, 45-49; Rm 5:14tt), hữu thể nhân bản mới, hiện thân và ôm lấy toàn thể nhân loại. Điều này có nghĩa Người không những là người da trắng với mớ tóc nâu và đôi mắt mầu xanh nước biển (như thường được diễn tả trong nghệ thuật Tây phương) nhưng, trong tư cách sống lại, Người cũng là người Hy lạp cũng như người Do Thái, người tự do cũng như người nô lệ, đàn ông cũng như đàn bà (Gl 3:28). Người là người Phi châu, Á châu, Latinh cũng như Â châu và Bắc Mỹ. Người là “Chúa Kitô người Apache” cũng như “Chúa Kitô vũ trụ”. Như Thi sĩ Gerard Manley Hopkins đã viết:
“...Chúa Kitô chơi ở nhiều nơi,
Một cách đáng yêu trong chân tay, và một cách đáng yêu trong đôi mắt không phải của Người,
Cho Chúa Cha qua các nét của các khuôn mặt con người”
Câu hỏi 9: Tại sao cần lâu như thế mới tiến tới chỗ nghiên cứu và đánh giá cao nhân tính của Chúa Giêsu?
Đúng là hình ảnh truyền thống về Chúa Giêsu có xu hướng nhấn mạnh nhiều hơn tới thiên tính của Người. Vì chúng ta tin Người là Thiên Chúa, nên nhân tính của Người luôn là một điều có vấn đề. Ngay trong cộng đồng đã cho ta Tin Mừng Gioan, với việc nhấn mạnh nhiều tới mối tương quan đời đời của Chúa Giêsu với Chúa Cha, chúng ta đã thấy vấn đề này xuất hiện rồi. Tác giả của thư Gioan thứ nhất đã phải nhấn mạnh rằng “Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm” (4:2). Thư này lên án những ai không chấp nhận nhân tính bằng xương thịt và máu huyết của Chúa Giêsu. Các giáo phụ và công đồng tiên khởi, chịu ảnh hưởng nặng nề của Tin Mừng Gioan, đã vật lộn khá nhiều với cùng vấn đề này. Các ngài nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu trọn vẹn là con người nhân bản vì Người không thể cứu rỗi chúng ta nếu Người không mang lấy trọn bản tính con người, nghĩa là thân xác và linh hồn con người. Vấn đề duy nhất với điều này là nhân tính của Người quá thường xuyên xem ra chỉ là “nguyên lý hiện hữu” trừu tượng sở dĩ cần được khẳng định vì ơn cứu rỗi của chúng ta mà thôi. Còn hữu thể nhân bản sống động, sôi động, bằng xương bằng thịt với máu huyết giống như chúng ta trong mọi sự (Dt 4:15) thì không phải là tập chú trong quan tâm thần học của các ngài.
Điều được gọi là “việc tìm kiếm Chúa Giêsu lịch sử” (bắt đầu khoảng năm 1778 và tiếp tục cho đến nay) đem lại cho chúng ta là một Chúa Giêsu với bộ mặt nhân bản nhiều hơn. Với việc phát triển ý thức lịch sử hiện đại của chúng ta, chúng ta trở nên nhậy cảm hơn đối với tầm quan trọng trung tâm của khía cạnh lịch sử và nhân bản trong đời sống Chúa Giêsu cũng như trong chính đời sống chúng ta. Chúng ta bị lôi cuốn nhiều hơn vào một ai đó vật lộn, lớn lên, và học hỏi như chúng ta; vào một ai đó cảm nhận như chúng ta cảm nhận, đau điều chúng ta đau; vào một ai đó tự thâm tâm biết các niềm vui và hy vọng, sầu buồn và xao xuyến của thân phận làm người chung, nhất là những người nghèo hay khổ sở cách nào đó (xem lời mở đầu của Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong Thời Hiện đại của Vatican II). Ngược với thời trước đây, ngày nay, chúng ta nhấn mạnh nhiều hơn tới nhân tính hơn là thiên tính của Người. Một tầm nhìn cân bằng sẽ luôn khẳng định với Công đồng Canxêđoan sự trọn vẹn của cả nhân tính lẫn thiên tính.
Câu hỏi 10: Chúng ta có biết nhiều về Chúa Giêsu hơn Người biết chính Người không?
Theo một nghĩa nào đó, câu trả lời cho câu hỏi này phải là cả có lẫn không. Có nhiều điều chúng ta không biết về Chúa Giêsu. Chúng ta không biết Người trông ra sao, bản thân Người thích và không thích những gì, đời sống Người phát triển ra sao trong thứ tự thời gian của các biến cố hay việc lớn lên về tâm lý. Có nhiều nét đặc thù lịch sử như thế chúng ta rất muốn được biết, nhưng chúng mất hút trong màn sương mù thời gian. Thế nhưng, mặt khác, chúng ta biết nhiều về Người hơn là có lẽ Người biết về chính Người vì các giới hạn của đời sống nhân bản, lịch sử. Vì chúng ta nhìn Người từ ánh sáng mạc khải của phục sinh và các giải thích đã khai triển của cộng đồng đức tin dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cả trong Kinh Thánh lẫn trong các tín điều. Kinh Tin Kính Nixêa mà chúng ta đọc mỗi Chúa nhật ở nhà thờ là biểu thức của một đức tin trưởng thành có điểm lợi của điều tôi xin gọi là “trọn” cảm nghiệm về Chúa Giêsu nghĩa là đời sống nhân bản và thần linh của Người, cái chết của Người trên thập giá, sự phục sinh của Người, và việc suy gẫm của Giáo Hội về và chiếm hữu thâm hậu hóa mầu nhiệm Chúa Giêsu. Thế nhưng, giống sách thánh, Kinh Tin kính Nixêa là biểu thức có giới hạn bằng ngôn ngữ con người một mầu nhiệm vốn vượt quá các khả năng của chúng ta. Thành thử, dù chúng ta có thể nói có, chúng ta biết về Chúa Giêsu nhiều hơn chính Người biết Người, chúng ta có thể xoay ngược câu hỏi và thưa rằng như Chúa phục sinh, Chúa Giêsu, trong vòng tay đời đời của Chúa Cha, biết về chính Người cũng như về chúng ta nhiều hơn chúng ta có thể tưởng nghĩ.