1. Lễ hội giới trẻ tại Mễ Du
Hàng chục ngàn người từ nhiều nơi trên thế giới sẽ tham dự Lễ hội Giới trẻ lần thứ 34, sẽ tiến hành từ ngày 26 đến ngày 30 tháng Bảy tới đây, với chủ đề là: “Này là Mẹ Thầy và các anh em của Thầy” (Matthêu 12,49).
Mễ Du, Medjugorje, là một làng nhỏ ở mạn đông nam Cộng hòa Bosnia Herzegovina, và thuộc Giáo phận Mostar. Lễ hội này được coi là cuộc tập họp lớn nhất giới trẻ Công Giáo ở Âu châu.
Mặt khác, những ngày cuối tuần 24 và 25 tháng Sáu vừa qua, kỷ niệm 42 năm bắt đầu các cuộc “hiện ra” của Đức Mẹ với sáu thiếu niên Công Giáo ở làng Mễ Du. Hàng chục ngàn tín hữu hành hương từ các nước đã tựu đề Trung tâm Thánh Mẫu này, do các cha dòng Phanxicô coi sóc, và dưới sự giám sát của Đức Tổng Giám Mục Aldo Cavalli, cựu Sứ thần Tòa Thánh tại Hòa Lan, đặc ủy của Đức Thánh Cha coi sóc nơi hành hương này. Có cả các tín hữu đến từ những nước xa xăm, như Trung Quốc, Malaysia, Chile, Peru.
Các tín hữu đã tham dự cuộc đi bộ hòa bình dài 15 cây số, vào ngày thứ Bảy, ngày 24 tháng Sáu, dưới sự hướng dẫn của cha sở Mễ Du Zvonơmir Pavii. Tổng cộng 20 thánh lễ đã được cử hành vào Chúa nhật 25 tháng Sáu. Cao điểm là phụng vụ ngoài trời ban tối, nơi quảng trường phía sau thánh đường giáo xứ. Có 285 linh mục đồng tế.
Cha Jozo Grbes, Bề trên Tỉnh dòng Phanxicô ở Herzegovina mô tả Mễ Du là một “nơi thánh”, “trở thành hy vọng cho Âu châu bị tê liệt và cho Giáo hội bị hoang mang”.
Mỗi năm có hàng triệu tín hữu đến hành hương tại Mễ Du. Tại đây, vào ngày 24 tháng Sáu năm 1981, sáu thiếu niên Công Giáo Croát đã được thị kiến về Đức Mẹ. Nhiều Ủy ban điều tra đã được thành lập, từ cấp địa phương đến cấp trung ương. Đức Giám Mục địa phương không công nhận các sự kiện nói trên là “siêu nhiên”. Còn Tòa Thánh, tuy đã lập Ủy ban điều tra dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô thì chưa phán quyết. Dầu vậy, năm 2017, ngài cho phép thực hiện các cuộc hành hương chính thức và làm việc mục vụ cho các tín hữu đến cầu nguyện tại Mễ Du và cử một vị Tổng giám mục đại diện Tòa Thánh phụ trách nơi này, vì giáo xứ Mễ Du, do quyết định của Đức Thánh Cha, không còn thuộc thẩm quyền mục vụ của Đức Giám Mục Giáo phận Mostar sở tại nữa.
2. Không thể bán nhà thờ để biến thành nhà thổ. Giáo dân cho rằng điều đó vượt quá khả năng chịu đựng tâm lý của họ
Kể từ khi giáo xứ của họ bị giải thể vào năm 2016, các giáo dân và những người khác có liên hệ với Nhà thờ St. Adalbert ở khu phố Pilsen của Chicago đã cố gắng giữ tòa nhà trong tay cộng đồng. Nhưng giờ đây, các thành viên của St. Adalbert đang đối mặt với viễn cảnh không những họ có thể mất quyền mua lại nhà thờ và giữ nó làm nơi thờ phượng, mà còn có thể bị sử dụng theo những cách thức phạm thánh.
Một nhà phát triển địa ốc đã từng biến giáo đường Do Thái ở Miami thành địa điểm tổ chức sự kiện tổ chức “đám cưới đồng giới” và là nơi diễn ra “cuộc hoan lạc” – đó là nói cho văn hoa, nói nôm na là nhà thổ. Nhà phát triển địa ốc đáng lo ngại này được báo cáo hiện là ứng cử viên hàng đầu để mua ngôi nhà thờ Chicago lịch sử, nơi cử hành Thánh lễ cuối cùng vào năm 2019.
Việc mua bán tiềm năng đã khiến một số người Công Giáo Chicago kết nối với giáo xứ cũ, từng là niềm tự hào của cộng đồng người Ba Lan ở Chicago và gần đây là nơi sinh sống của một giáo đoàn chủ yếu là người gốc Tây Ban Nha, buồn bã vì những gì đã diễn ra ở địa điểm South Beach có thể sẽ sớm xảy ra ở Pilsen, nơi nơi họ lãnh nhận các bí tích và thờ phượng Chúa, họ đã biểu tình liên tục và nói rằng việc mua bán không chỉ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực mở cửa lại St. Adalbert của họ, mà còn có thể vi phạm luật của Giáo hội liên quan đến những Ông gì được thực hiện với những nhà thờ không được sử dụng.
Trong một đoạn video được quay vào cuối tuần Ngày Tưởng niệm, Đức Hồng Y Chicago Blase Cupich đã xác nhận rằng Daniel Davidson, một “doanh nhân địa ốc”, người đã mua giáo đường Do Thái Knesseth Israel vào năm 2003 và chuyển đổi nó thành nhà thổ, đang trong quá trình mua St. Adalbert.
Ðiều 1222 bộ Giáo Luật nói rằng “Nếu một nhà thờ không còn cách nào có thể xử dụng vào việc phụng tự và không thể nào trùng tu được nữa, thì Giám Mục giáo phận có thể cho phép xử dụng vào công việc phàm tục miễn là không ô uế.
Khi có những lý do khác quan trọng xui khiến không tiện xử dụng một nhà thờ vào việc phụng tự nữa, thì Giám Mục giáo phận, sau khi tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục và được sự thỏa thuận của những người có quyền lợi hợp lệ trong nhà thờ, có thể cho xử dụng vào việc phàm tục không ô uế, miễn là không vì thế mà làm thiệt hại đến ích lợi của các linh hồn.”
Linh mục Dòng Đa Minh Pius Pietrzyk, một nhà giáo luật có nền tảng về luật dân sự, nói với tờ National Catholic Register rằng Bộ Giáo sĩ đã nhấn mạnh trong một lá thư năm 2013 rằng “trong mọi trường hợp, một nhà thờ không còn được sử dụng, không thể bị sử dụng vào các mục tiêu không phù hợp với phẩm giá vốn có của nó”.
“Không có lý do nào có thể vượt qua sự cấm đoán này trong giáo luật”. Bán nhà thờ để làm nhà thổ chắc chắn là không được đâu.
Source:National Catholic Register
3. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các tổ chức trợ giúp Giáo hội Mỹ châu Latinh
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tham dự viên hội nghị các tổ chức trợ giúp Giáo hội ở Mỹ châu Latinh rằng nơi trung tâm mỗi hoạt động không phải chỉ là hiệu năng quản trị, hoặc tinh thần thiện nguyện, nhưng là lòng bác ái của Thiên Chúa.
Hội nghị do Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh tổ chức trong hai ngày 22 và 23 tháng Sáu vừa qua, tại Vatican dưới quyền chủ tọa của Đức Tổng Giám Mục Robert Prevost, người Mỹ, Tổng trưởng Bộ Giám mục, kiêm Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cám ơn sự cộng tác của Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh trong việc trợ giúp các Giáo hội tại đại lục này, kể cả về mặt kinh tế, qua việc tài trợ một số dự án loan báo Tin mừng, đáp ứng những hoàn cảnh cấp thiết, và thăng tiến một số hoạt động quan trọng cho Giáo hội trong miền.
Trong chương trình này, Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu Latinh dựa vào sự cộng tác của một số tổ chức bác ái để đáp ứng một số thách đố khẩn cấp. Đức Thánh Cha cám ơn sự giúp đỡ đó, đồng thời ngài nhắc nhở rằng sự giúp đỡ đó không phải chỉ tiến hành theo tinh thần đời, nhưng cần tái khám phá và ý thức rằng đức tin Kitô là sự xác tín về tình bạn của một vị Thiên Chúa Đấng yêu thương, giáo dục và liên tục đồng hành với chúng ta. “Vì thế, khía cạnh đặc biệt nhất của tất cả các tổ chức trợ giúp trong Giáo hội không phải là hiệu năng về quản trị, điều hành, càng không phải chỉ là một nỗ lực nhân đạo mà thôi. Điều thực sự đặc sách trong sự trợ giúp của chúng ta chính là tình thương của Chúa Giêsu Kitô thúc bách chúng ta, chính tình thương này đi trước và mời gọi chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, là nguyên lý của mọi điều thiện hảo, và tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, người Anh của chúng ta, Đấng cứu chuộc chúng ta, và Chúa Thánh Linh, Đấng hướng dẫn Giáo hội, kiến tạo tình hiệp thông và dẫn đưa nhân loại đến sự viên mãn. (Xc 2 Cr 5,13-20).