Có Đức Kitô Cùng Thở Với Mình
(Mình và Máu Thánh Chúa Kitô – Năm A 2023)
Theo định nghĩa của Thánh Gioan Tông đồ, Đức Kitô chính là “Quà Tặng Tình Yêu” của Thiên Chúa dành cho thế gian: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Người “Con Một” đó từ nguyên thủy đã là Lời Toàn Năng của Thiên Chúa (Ga 1,1); và khi tới hồi viên mãn, “Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14). Là “Quà tặng tình yêu”, là “Lời toàn năng hóa thành nhục thể” được Thiên Chúa ban cho thế gian, Đức Kitô tới phiên mình, lại trở thành một “Quà Tặng” cụ thể, sống động và thiết thân dành cho con người qua “Tấm Bánh là xác thân, qua Chén rượu là Máu thánh” mà ngôn ngữ Phụng vụ gọi là Bí Tích Thánh Thể: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em… Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới” (1 Cr 11,23-27).
Vì thế, không hề sai khi định nghĩa rằng: Thánh Thể chính “Quà tặng tình yêu của Thiên Chúa hiện thực trong Lời Hy Tế là chính Đức Kitô tử nạn Phục sinh”; và Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Thông điệp về Thánh Thể đã xác nhận ý nghĩa nầy: “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ...” (Ecclesia de Eucharistia 11).
Thế nhưng, cho dù “Quà Tặng cao cả” đó đã được ban xuống cho thế gian hơn hai ngàn năm rồi; nhất là, chính thức được “bẻ ra” để ban tặng cho loài người khi Đức Kitô chính thức thiết lập Bí tích Thánh Thể vào bữa Tiệc Ly và hoàn tất trên thập giá vào chiều thứ sau Khổ nạn, nhưng xem ra loài người, cả những người mang danh Kitô hữu, vẫn rẻ rúng xem thường, như Thánh Carlo Acutis (1991-2006), vị thánh trẻ đã say mê Thánh Thể từ nhỏ, đã nhận xét rằng: “tại sao có rất đông người xếp hàng dài cả dặm để xem những buổi nhạc rock hay một bộ phim, nhưng không bao giờ có những hàng người như thế trước Chúa Kitô Thánh Thể…
Chúa Nhật hôm nay, một lần nữa, Giáo Hội long trọng cử hành lễ Mình Máu Chúa. Phải chăng đây là dịp để Dân Chúa thêm một lần củng cố niềm tin và sống Mầu Nhiệm Thánh Thể cách trọn hảo. Để giúp cộng đoàn chúng ta thực hiện điều nầy, toàn bộ sứ điệp Lời Chúa được công bố sẽ lần lượt rọi sáng cho chúng ta.
Trước hết, để cảm nhận thế nào là sự cao trọng và cần thiết của Thánh Thể, Lời Chúa muốn đưa chúng ta trở về với kinh nghiệm của dân tộc Israel, Dân Chúa chọn, thời xuất hành trong hoang mạc. Đúng vậy, qua trích đoạn sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê đã long trọng nhắc lại cho dân Ít-ra-en “đoạn đường gian nan thử thách” mà ở đó họ được Thiên Chúa dưỡng nuôi bằng một thứ lương thực từ trời: MANNA và “LỜI”: “Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.…” (Đnl 8,2-3.14b-16a).
Phải chăng, qua những lời trên, Môsê muốn thuyết minh cho dân Ít-ra-en điều nầy: nếu giá trị và sự thiết yếu của cuộc sống nầy chỉ là “tấm bánh nhét cho đầy bụng” thì đâu cần gì phải “xuất hành về Đất hứa”, đâu cần gì phải “lang thang trong hoang mạc với cái giá của thương đau khổ lụy…? Cứ “ở lì trong kiếp nô lệ Ai Cập” cũng có “nồi thịt với củ hành củ tỏi” mà ! Thế nhưng, Thiên Chúa đầy lòng xót thương lại muốn rằng: “Dân Thiên Chúa”, “Dân thánh”, “Dân ưu tuyển”… thì không thể bằng lòng với một thứ lương thực vật chất tầm thường. Ngài muốn ban tặng cho họ một thứ lương thực khác, một thứ “Manna” và “Lời” để nuôi sống hiện tại, hướng tới tương lai và thuộc trọn về Ngài trong Giao ước Cứu độ. Mà để có được thứ “lương thực trường sinh” nầy, họ phải kinh qua “nẻo đường hoang mạc”; phải chấp nhận đói khát lầm than; phải quyết định xa rời kiếp nô lệ hoàn toàn đặt niềm tin vào “mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.
Thế nhưng, câu chuyện “Manna” và “Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” của một thuở “Xuất Hành hoang mạc” lại chỉ là một “hình ảnh tiên trưng” cho một câu chuyện khác cũng liên quan đến nội dung nầy, câu chuyện ‘cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang mạc: Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!”. Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,1-4).
Chúng ta thấy đó, như một cảnh “xuất hành” tái hiện, với đầy đủ các yếu tố: “hoang mạc”, “40 ngày chay”, “đói”, “bánh” và “mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”…; và câu chuyện “cám dỗ hoang mạc” trên lại liên quan đến sự kiện Phép lạ “bánh” và “Lời” xảy ra sau đó: Chúa Giêsu làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám dân vào nơi hoang vắng nghe lời người giảng dạy, mà theo thần học của thánh Gioan Tông đồ, sau phép lạ mang “dấu chỉ tiên báo, dọn đường” nầy, Chúa Giêsu đã minh định một chân lý lạ lùng, một “mầu nhiệm cao cả”, một “Quà tặng tình yêu đích thực” cho muôn thế hệ con người: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống….Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,49-56).
Khi tuyên bố những lời đó, quả thật chẳng ai hiểu “mô tê” gì; phải chờ đến “Ngày Thứ Năm trước khi bước vào cuộc khổ nạn”; và cũng chỉ có nhóm “Mười Hai Tông Đồ”, và Thánh Phaolô, kẻ được Chúa mạc khải riêng, mới tường tận thế nào là “Bánh” trở thành “Thân Mình” và “rượu” trở thành “Máu Giao Ước”, khi các ông cùng với Thầy mình chung chia “Bữa Tiệc Vượt Qua” sớm: “… trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; … Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."… (1 Cr 11,23-27).
Chúng ta thấy đó, mầu nhiệm Mình và Máu Chúa Kitô mà Hội Thánh cử hành long trọng hôm nay đã được Thiên Chúa chuẩn bị dài lâu như thế: từ một thứ “Manna” của một thuở xuất hành hoang mạc cùng với “Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” đã cô đọng thành một “Bánh Hằng Sống” chính là Đấng “Emmanuel” từ trời hoá thân nhập thể, rồi sẵn sàng hy sinh thân mình làm “Tấm Bánh” bẻ ra trong mầu nhiệm Khổ nạn, để từ đó trở thành “Lương thực trường sinh nuôi sống loài người”.
Như vậy, để hiểu, để cảm và nhất là, để sống Mầu Nhiệm Thánh Thể, hay nói theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, để “thông hiệp vào Máu Chúa Kitô…thông hiệp vào Mình Chúa Kitô” (Communion au sang du Christ…Communion au corps du Christ) (1 Cr 10,16-17), chúng ta cần phải “trải nghiệm hoang mạc”, phải “xuất hành” khỏi sự thèm khát “tấm bánh mì của sa tan” hay nồi thịt” của một thời nô lệ Ai Cập”… mà biểu hiện rõ nét của hôm nay chính là “đam mê dục vọng, tìm kiếm và thoả mãn thú vui hạ cấp thế tục; là những bận tâm thái quá dành cho những nhu cầu cơm áo gạo tiền, vinh hoa thế tục…
May mắn thay, ở giữa lòng thế giới hôm nay, giữa một trào lưu đang quay lưng lại với những thực tại thần linh, những giá trị tinh thần và đạo đức, những truyền thống linh đạo vĩ đại…, thì vẫn còn những con người, những “vị thánh ở sát bên nhà chúng ta”, như vị Thánh trẻ Carlo Acutis. Vâng, vị thánh thiếu niên và giỏi tin học nầy luôn đặt Bí tích Thánh Thể ở trung tâm cuộc đời mình, và gọi đó là “đường cao tốc của tôi đến thiên đàng”. Cậu luôn cố gằng chầu Thánh Thể và tin rằng “bằng cách đứng trước Chúa Kitô Thánh Thể, chúng ta trở nên thánh thiện”.
Không chỉ “đứng trước” mà chút nữa đây chúng ta được “hiệp lễ”, được mang lấy Chúa Kitô Thánh Thể vào cuộc sống mình, cuộc đời mình…; để Ngài đồng hành với chúng ta trên muôn nẻo đường cuộc sống. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tong huấn “Niềm vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium), thì sống Thánh Thể đó chính là “có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình…” (EG 266). Amen.
Trương Đình Hiền
(Mình và Máu Thánh Chúa Kitô – Năm A 2023)
Theo định nghĩa của Thánh Gioan Tông đồ, Đức Kitô chính là “Quà Tặng Tình Yêu” của Thiên Chúa dành cho thế gian: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Người “Con Một” đó từ nguyên thủy đã là Lời Toàn Năng của Thiên Chúa (Ga 1,1); và khi tới hồi viên mãn, “Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14). Là “Quà tặng tình yêu”, là “Lời toàn năng hóa thành nhục thể” được Thiên Chúa ban cho thế gian, Đức Kitô tới phiên mình, lại trở thành một “Quà Tặng” cụ thể, sống động và thiết thân dành cho con người qua “Tấm Bánh là xác thân, qua Chén rượu là Máu thánh” mà ngôn ngữ Phụng vụ gọi là Bí Tích Thánh Thể: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em… Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới” (1 Cr 11,23-27).
Vì thế, không hề sai khi định nghĩa rằng: Thánh Thể chính “Quà tặng tình yêu của Thiên Chúa hiện thực trong Lời Hy Tế là chính Đức Kitô tử nạn Phục sinh”; và Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Thông điệp về Thánh Thể đã xác nhận ý nghĩa nầy: “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ...” (Ecclesia de Eucharistia 11).
Thế nhưng, cho dù “Quà Tặng cao cả” đó đã được ban xuống cho thế gian hơn hai ngàn năm rồi; nhất là, chính thức được “bẻ ra” để ban tặng cho loài người khi Đức Kitô chính thức thiết lập Bí tích Thánh Thể vào bữa Tiệc Ly và hoàn tất trên thập giá vào chiều thứ sau Khổ nạn, nhưng xem ra loài người, cả những người mang danh Kitô hữu, vẫn rẻ rúng xem thường, như Thánh Carlo Acutis (1991-2006), vị thánh trẻ đã say mê Thánh Thể từ nhỏ, đã nhận xét rằng: “tại sao có rất đông người xếp hàng dài cả dặm để xem những buổi nhạc rock hay một bộ phim, nhưng không bao giờ có những hàng người như thế trước Chúa Kitô Thánh Thể…
Chúa Nhật hôm nay, một lần nữa, Giáo Hội long trọng cử hành lễ Mình Máu Chúa. Phải chăng đây là dịp để Dân Chúa thêm một lần củng cố niềm tin và sống Mầu Nhiệm Thánh Thể cách trọn hảo. Để giúp cộng đoàn chúng ta thực hiện điều nầy, toàn bộ sứ điệp Lời Chúa được công bố sẽ lần lượt rọi sáng cho chúng ta.
Trước hết, để cảm nhận thế nào là sự cao trọng và cần thiết của Thánh Thể, Lời Chúa muốn đưa chúng ta trở về với kinh nghiệm của dân tộc Israel, Dân Chúa chọn, thời xuất hành trong hoang mạc. Đúng vậy, qua trích đoạn sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê đã long trọng nhắc lại cho dân Ít-ra-en “đoạn đường gian nan thử thách” mà ở đó họ được Thiên Chúa dưỡng nuôi bằng một thứ lương thực từ trời: MANNA và “LỜI”: “Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.…” (Đnl 8,2-3.14b-16a).
Phải chăng, qua những lời trên, Môsê muốn thuyết minh cho dân Ít-ra-en điều nầy: nếu giá trị và sự thiết yếu của cuộc sống nầy chỉ là “tấm bánh nhét cho đầy bụng” thì đâu cần gì phải “xuất hành về Đất hứa”, đâu cần gì phải “lang thang trong hoang mạc với cái giá của thương đau khổ lụy…? Cứ “ở lì trong kiếp nô lệ Ai Cập” cũng có “nồi thịt với củ hành củ tỏi” mà ! Thế nhưng, Thiên Chúa đầy lòng xót thương lại muốn rằng: “Dân Thiên Chúa”, “Dân thánh”, “Dân ưu tuyển”… thì không thể bằng lòng với một thứ lương thực vật chất tầm thường. Ngài muốn ban tặng cho họ một thứ lương thực khác, một thứ “Manna” và “Lời” để nuôi sống hiện tại, hướng tới tương lai và thuộc trọn về Ngài trong Giao ước Cứu độ. Mà để có được thứ “lương thực trường sinh” nầy, họ phải kinh qua “nẻo đường hoang mạc”; phải chấp nhận đói khát lầm than; phải quyết định xa rời kiếp nô lệ hoàn toàn đặt niềm tin vào “mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.
Thế nhưng, câu chuyện “Manna” và “Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” của một thuở “Xuất Hành hoang mạc” lại chỉ là một “hình ảnh tiên trưng” cho một câu chuyện khác cũng liên quan đến nội dung nầy, câu chuyện ‘cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang mạc: Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!”. Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,1-4).
Chúng ta thấy đó, như một cảnh “xuất hành” tái hiện, với đầy đủ các yếu tố: “hoang mạc”, “40 ngày chay”, “đói”, “bánh” và “mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”…; và câu chuyện “cám dỗ hoang mạc” trên lại liên quan đến sự kiện Phép lạ “bánh” và “Lời” xảy ra sau đó: Chúa Giêsu làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám dân vào nơi hoang vắng nghe lời người giảng dạy, mà theo thần học của thánh Gioan Tông đồ, sau phép lạ mang “dấu chỉ tiên báo, dọn đường” nầy, Chúa Giêsu đã minh định một chân lý lạ lùng, một “mầu nhiệm cao cả”, một “Quà tặng tình yêu đích thực” cho muôn thế hệ con người: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống….Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,49-56).
Khi tuyên bố những lời đó, quả thật chẳng ai hiểu “mô tê” gì; phải chờ đến “Ngày Thứ Năm trước khi bước vào cuộc khổ nạn”; và cũng chỉ có nhóm “Mười Hai Tông Đồ”, và Thánh Phaolô, kẻ được Chúa mạc khải riêng, mới tường tận thế nào là “Bánh” trở thành “Thân Mình” và “rượu” trở thành “Máu Giao Ước”, khi các ông cùng với Thầy mình chung chia “Bữa Tiệc Vượt Qua” sớm: “… trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; … Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."… (1 Cr 11,23-27).
Chúng ta thấy đó, mầu nhiệm Mình và Máu Chúa Kitô mà Hội Thánh cử hành long trọng hôm nay đã được Thiên Chúa chuẩn bị dài lâu như thế: từ một thứ “Manna” của một thuở xuất hành hoang mạc cùng với “Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” đã cô đọng thành một “Bánh Hằng Sống” chính là Đấng “Emmanuel” từ trời hoá thân nhập thể, rồi sẵn sàng hy sinh thân mình làm “Tấm Bánh” bẻ ra trong mầu nhiệm Khổ nạn, để từ đó trở thành “Lương thực trường sinh nuôi sống loài người”.
Như vậy, để hiểu, để cảm và nhất là, để sống Mầu Nhiệm Thánh Thể, hay nói theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, để “thông hiệp vào Máu Chúa Kitô…thông hiệp vào Mình Chúa Kitô” (Communion au sang du Christ…Communion au corps du Christ) (1 Cr 10,16-17), chúng ta cần phải “trải nghiệm hoang mạc”, phải “xuất hành” khỏi sự thèm khát “tấm bánh mì của sa tan” hay nồi thịt” của một thời nô lệ Ai Cập”… mà biểu hiện rõ nét của hôm nay chính là “đam mê dục vọng, tìm kiếm và thoả mãn thú vui hạ cấp thế tục; là những bận tâm thái quá dành cho những nhu cầu cơm áo gạo tiền, vinh hoa thế tục…
May mắn thay, ở giữa lòng thế giới hôm nay, giữa một trào lưu đang quay lưng lại với những thực tại thần linh, những giá trị tinh thần và đạo đức, những truyền thống linh đạo vĩ đại…, thì vẫn còn những con người, những “vị thánh ở sát bên nhà chúng ta”, như vị Thánh trẻ Carlo Acutis. Vâng, vị thánh thiếu niên và giỏi tin học nầy luôn đặt Bí tích Thánh Thể ở trung tâm cuộc đời mình, và gọi đó là “đường cao tốc của tôi đến thiên đàng”. Cậu luôn cố gằng chầu Thánh Thể và tin rằng “bằng cách đứng trước Chúa Kitô Thánh Thể, chúng ta trở nên thánh thiện”.
Không chỉ “đứng trước” mà chút nữa đây chúng ta được “hiệp lễ”, được mang lấy Chúa Kitô Thánh Thể vào cuộc sống mình, cuộc đời mình…; để Ngài đồng hành với chúng ta trên muôn nẻo đường cuộc sống. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tong huấn “Niềm vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium), thì sống Thánh Thể đó chính là “có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình…” (EG 266). Amen.
Trương Đình Hiền