1. Lời kêu gọi từ Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc.

Tạp chí The Catholic Herald của Anh cho đăng tải một bài viết mà tờ này cho là của “một người Công Giáo Trung Quốc, người mà vì những lý do rõ ràng, được giấu tên”. Bài viết có nội dung chính như sau

Việc thuyên chuyển Ông Thẩm Bân (Shen Bin, 沈斌) từ Giáo phận Hải Môn đến giáo phận Thượng Hải lân cận vào ngày 4 tháng 4 năm 2023 đánh dấu sự thất bại của thỏa thuận bí mật Trung Quốc-Vatican năm 2018. Các linh mục giáo phận ở Thượng Hải hầu hết miễn cưỡng chấp nhận Thẩm Bân làm giám mục của Thượng Hải, và có vẻ như ông ta gặp khó khăn trong việc thực hiện công việc cai quản của mình, chẳng hạn như thuyên chuyển các linh mục giữa các giáo xứ.

Việc bổ nhiệm đã được thực hiện mà không có sự chấp thuận của Tòa Thánh bởi cơ quan gọi là ‘Hội đồng Giám mục Trung Quốc’, một tổ chức do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát, trong đó Thẩm Bân là Chủ tịch. Đây là lần thứ hai Đảng Cộng sản Trung Quốc bổ nhiệm một giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng.

Lần đầu tiên, bị Vatican tố cáo, là việc bổ nhiệm bất hợp pháp Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu (Peng Weizhao, 彭卫照),, giám mục của Giáo phận Dư Giang thuộc tỉnh Giang Tây, làm Giám Mục Phụ Tá của cái gọi là ‘Giáo phận Giang Tây’. (Cùng với việc kiểm soát việc bổ nhiệm giám mục, nhà nước Trung Quốc đã tự đảm nhận tổ chức lại các giáo phận mà không cần tham khảo Tòa thánh.) Nhìn lại 5 năm kể từ khi có thỏa thuận, thật khó để nhận ra những kết quả tích cực của nó.

Có lẽ đáng ngạc nhiên là các giám mục của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước và các linh mục của họ không nhất thiết được bảo vệ khỏi sự bách hại—chẳng hạn như việc tịch thu các tòa nhà của nhà thờ, hoặc bắt giữ tùy tiện—và một số lượng lớn các giáo phận bị cố tình bỏ trống không có giám mục. Không có Hội đồng Giám mục chính thức nào được Vatican công nhận, vì theo định nghĩa, phải có mọi giám mục và chỉ là các giám mục hợp pháp của một quốc gia mới là thành viên của Hội đồng Giám mục.

Hai trường hợp trên đã được người Công Giáo Trung Quốc biết đến rộng rãi, và dường như rõ ràng là thỏa thuận đã không làm được gì ngoài việc khuyến khích nhà nước Trung Quốc xâm phạm hơn nữa quyền tự do và quyền của Giáo hội. Thay vì nhượng bộ mà không có bất cứ động thái đáp lại nào từ Trung Quốc, đã đến lúc Vatican ít nhất phải phản đối. Vì phẩm giá của Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi kêu gọi rằng:

1. Tòa thánh tuyên bố rằng việc bổ nhiệm Ông Thẩm Bân làm Giám Mục Thượng Hải là bất hợp pháp và không có hiệu lực.

2. Tòa thánh tiết lộ toàn bộ nội dung của Thỏa thuận bí mật Trung Quốc-Vatican 2018 cho các tín hữu trên toàn thế giới, đặc biệt những người ở Trung Quốc biết. Họ có quyền được biết một thỏa thuận quan trọng như vậy liên quan đến họ.

3. Tòa Thánh xem xét lại việc gia hạn thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc và điều chỉnh chính sách ngoại giao của mình nhằm đạt được một số nhượng bộ thực sự vì lợi ích của Giáo hội.

Người xưa có câu: “Quân tử thà chết chứ không để nhục” (士可殺不可辱). Người Công Giáo Trung Quốc không muốn những nhượng bộ vô tận chỉ mang lại đau đớn và khổ sở cho Giáo hội. Ngay cả khi phải trả giá bằng sự xấu hổ về mặt ngoại giao, chúng tôi muốn Vatican phá vỡ sự im lặng của mình và đáp ứng việc thuyên chuyển bất hợp pháp này với lòng can đảm và phẩm giá, hơn là nhắm mắt làm ngơ trước nó.

2. Những bức tranh tường tinh tế của nhà nguyện ở Pháp, được vẽ bởi một phật tử Nhật Bản cải đạo sang Công Giáo

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài viết nhan đề “Exquisite murals of chapel in France, painted by Japanese convert” nghĩa là “Những bức tranh tường tinh tế của nhà nguyện ở Pháp, được vẽ bởi những người cải đạo Nhật Bản”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Những bức tường của nhà nguyện Đức Mẹ Hòa bình ở Reims được vẽ vào những năm 1960 bởi Foujita, một nghệ sĩ người Nhật đã cải đạo sang Công Giáo.

Làm thế nào mà một nghệ sĩ Nhật Bản, sống ở Pháp, đến để vẽ những bức tường của một nhà nguyện? Nghệ sĩ người Pháp gốc Nhật Léonard Tsuguharu Foujita là một Phật tử. Ông chuyển sang Công Giáo năm 1959, sau một thời gian dài làm việc tại Pháp. Sau cuộc cải đạo này, ông mong muốn xây dựng một nhà nguyện. Cha đỡ đầu của ông, người đứng đầu nhà sản xuất rượu vang trứ danh Mumm Champagne, đã mua một mảnh đất để anh có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Foujita muốn nó trở thành một nhà nguyện lấy cảm hứng từ phong cách Rôma, coi phong cách kiến trúc này là thuần túy và đơn giản nhất. Dự án xây dựng được giao cho một kiến trúc sư.

Ngay sau khi tòa nhà được hoàn thành, các bức tường của nhà nguyện đã được Foujita, lúc đó đã 80 tuổi, vẽ gần như hoàn toàn bằng các bức bích họa. Ông cũng thiết kế các cửa sổ kính màu.

Sau khi chuyển sang Công Giáo, Léonard Foujita bắt tay vào việc xây dựng Nhà nguyện Đức Mẹ Hòa bình ở Reims vào năm 1964, và hoàn thành vào năm 1966.

Cái tên Foujita chọn cho tòa nhà có bề ngoài khiêm tốn này là nhà nguyện Đức Mẹ Hòa Bình (Notre-Dame-de-la-Paix). Ông chọn tiêu đề này để ám chỉ đến “Pacem in Terris,” hay “Hòa bình tại thế” là thông điệp của Giáo hoàng Gioan XXIII. Được xuất bản vào năm 1963 giữa Chiến tranh Lạnh, ba năm trước khi nhà nguyện được xây dựng, đó là một thông điệp hòa bình không chỉ gửi đến người Công Giáo mà còn cho tất cả mọi người.

Cựu Ước và Tân Ước là nguồn cảm hứng chính cho họa sĩ. Là một người hâm mộ nhiệt thành các họa sĩ thời Phục hưng Ý, ông đã vẽ rất nhiều các tác phẩm của Michelangelo và Leonardo da Vinci. Ông cũng chọn tên rửa tội của mình để vinh danh Leonardo, cũng như để vinh danh Chân phước Leonard Kimura, một trong những vị tử đạo của Nhật Bản. Mặt sau của nhà nguyện có một bức bích họa gợi lên Đức Mẹ Hòa bình.

Trên bàn thờ cao, trên cùng một nền xanh mây trời, Chúa Cha chào đón các tín hữu và du khách.

Nhiều cảnh khác nhau trong cuộc đời của Chúa Giêsu được thể hiện trên tất cả các bức tường. Gần giếng rửa tội là bức bích họa Lễ rửa tội của Chúa Kitô. Ở bên trong mặt tiền nhà thờ là cuộc đời của Chúa Giêsu, kết thúc bằng sự Phục sinh.

Đối với những nguồn cảm hứng thông thường này cho một nhà thờ, Foujita đã thêm một chút truyền thống Nhật Bản: Hoa (chẳng hạn như hoa cúc) và côn trùng gợi lại nguồn gốc Á Châu của ông. Bộ phim về Hiroshima cũng xuất hiện trong một sáng tác của ông. Họa sĩ được chôn cất trong nhà nguyện này, được coi là di chúc nghệ thuật và tinh thần của ông.


Source:Aleteia

3. Đức Hồng Y Zuppi: Chiến tranh là đại dịch

Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng giám mục Giáo phận Bologna, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, tuyên bố rằng: “Chiến tranh là đại dịch. Nó liên hệ tới tất cả chúng ta!”

Đức Hồng Y bày tỏ lập trường này khi đề cập đến đề tài hòa bình tại Ukraine, đi từ sự dấn thân của Đức Thánh Cha đối với nhân dân Ukraine đau thương. Đức Hồng Y Zuppi nói rằng: “Chúng ta biết ơn Đức Thánh Cha vì lời ngôn sứ của ngài, vốn là điều họa hiếm ngày nay, vì khi nói về hòa bình, dường như người ta tránh đứng về phe nào, không nhìn nhận các trách nhiệm”.

Đức Hồng Y Zuppi tuyên bố như trên, tại khóa họp Toàn thể thường niên của Hội đồng Giám mục Ý, đang tiến hành từ chiều thứ Hai, ngày 22 đến thứ Năm, ngày 25 tháng Năm này, tại Hội trường Thượng Hội đồng Giám mục ở Vatican. Đức Hồng Y nói: “Tiếng nói của Đức Thánh Cha chứa đựng sự lo âu sâu xa của các dân tộc đang cần hòa bình, nỗi lo âu của họ nhiều khi không diễn tả được, và thường không được lắng nghe.”

Đức Hồng Y Zuppi mới được Đức Thánh Cha ủy thác trách nhiệm tìm phương thế giúp làm lắng dịu tình hình căng thẳng và chiến cuộc hiện nay giữa Ukraine và Nga, cũng như tại hai phe liên hệ. Đức Hồng Y đặt câu hỏi: “Đâu là những nỗ lực sáng tạo để xây dựng hòa bình?, một câu hỏi cũng đã được Đức Thánh Cha nêu lên trong cuộc viếng thăm mới đây tại Hung Gia Lợi... Chúng hãy để cho mình bị câu hỏi này gây bất an, để không phải chỉ có lôgíc tàn bạo của xung đột. Dường như trong tâm hồn nhiều người không còn sự hăng say xây dựng một cộng đoàn các dân nước an bình và ổn định, trong khi người ta phân chia các vùng, đánh dấu những khác biệt và những trào lưu quốc gia chủ nghĩa đang tái bành trướng... Nhưng hòa bình sẽ không bao giờ đến từ sự theo đuổi những chiến lược lợi lộc, nhưng từ những chính sách có khả năng cùng nhau nhìn tới sự phát triển của tất cả mọi người”.

Lập trường của Đức Hồng Y Zuppi cũng phản ánh chủ trương của Đức Thánh Cha Phanxicô, giữa lúc trên chiến trường và trong lãnh vực chính trị, các nước đang chia thành phố, phục vụ cho lợi lộc riêng của mình.