Phóng sự của Edgar Beltrán trên tờ The Pillar, Ngày 2 tháng 5 năm 2023

Maracaibo, thành phố lớn thứ hai ở Venezuela, có biệt danh là La Tierra del Sol Amada - “Vùng đất của Mặt trời yêu dấu”.

Lý do cho biệt danh này rất rõ ràng: vào mỗi tháng trong năm, mặt trời như thiêu đốt trên đầu các Maracuchos, như cách người dân địa phương gọi họ một cách trìu mến. Nhiệt độ thường trung bình 95 độ fahrenheit, và dễ dàng vượt quá 110.

Maracaibo hầu như không phải là nơi đầu tiên mà bạn hình dung ra một đám rước tôn giáo kéo dài.

Nhưng bất chấp cái nóng, Maracaibo đã trở thành tâm điểm của lòng sùng kính ảnh tượng Lòng Chúa Thương Xót của Thánh Faustina, với cuộc rước hàng năm thường có hơn 300,000 người tham gia.



Thực thế, Maracaibo dường như không phải là ngôi nhà của một trong những cuộc rước kiệu vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót lớn nhất trên thế giới.

Thật khó để tưởng tượng 300,000 người dưới ánh mặt trời Maracaibo giữa trưa, tôn thờ Thánh Thể, sau đó đi ra ngoài không khí ẩm ướt trong một cuộc rước đi bộ dài ba dặm kéo dài hàng giờ, và sau đó đứng trên vỉa hè nóng bỏng dự Hy Tế Thánh Lễ.

Nhưng năm này qua năm khác, điều không thể vẫn xảy ra. Maracaibo như đứng im vào ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót, khi hàng trăm ngàn người hướng về Chúa trong lời cầu nguyện.

Vậy làm thế nào mà việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa trở nên phổ biến ở một thành phố của Venezuela, cách xa đan viện Ba Lan nơi nó bắt nguồn hàng ngàn dặm?

Sự thật?

Không ai thực sự biết.

‘Công khai bày tỏ lòng thương xót’

Jose Luis Matheus, chủ tịch hiệp hội giáo dân María, Camino a Jesús [Maria, đường dẫn tới Chúa Giêsu], tổ chức cuộc rước hàng năm, cho biết: “Tôi muốn một ngày nào đó có thể dựng lại lịch sử đó, bởi vì không có tài liệu nào ghi lại việc sùng kính bắt đầu như thế nào”.

Một số linh mục lớn tuổi nói rằng họ nhớ lại một cha sở giáo xứ Maracaibo, người đã học hỏi về hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót và câu chuyện về Thánh Faustina, trong một chuyến đi đến Ý vào những năm 1950 hoặc 1960, và sau đó bắt đầu truyền bá lòng sùng kính ở quê nhà.

Những người khác chỉ ra một thợ kim hoàn, có biệt danh là Adita, vào những năm 1980, là người phụ trách tổ chức Thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót tại Giáo xứ La Consolación, nơi có bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót của thành phố ngày nay.

Matheus nói với tờ The Pillar, “Khi chúng tôi bắt đầu cuộc rước vào năm 1997, chúng tôi đến nói chuyện với cô ấy và cô ấy nói với chúng tôi rằng 'Tuyệt vời!' Cô ấy nói 'đã đến lúc trao lại chiếc gậy' và vài tháng sau cô ấy qua đời.”

Nhưng dù lòng sùng kính có bắt đầu như thế nào, các cuộc hành hương hàng năm bắt đầu vào năm 1997, ba năm trước khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chính thức thêm Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót vào lịch phụng vụ của Giáo hội.

Chính Matheus và một nhóm giáo dân Maracaibo cảm thấy được kêu gọi để bắt đầu.

Matheus nói khi giải thích về cách nhóm bắt đầu: “Chúng tôi cảm thấy được kêu gọi công khai bày tỏ đức tin của mình và công khai bày tỏ lòng thương xót.

“Chúng tôi đang đi hành hương ở Thành phố Mexico để kính viếng Đức Trinh Nữ Guadalupe và chúng tôi tìm thấy một số hình ảnh tôn giáo trong một cửa hàng, trong đó có hình ảnh Chúa Giêsu của Lòng Chúa Thương Xót … Chúng tôi yêu thích hình ảnh này và đã mua nó. Với hình ảnh đó, chúng tôi bắt đầu đám rước”.

Matheus nhớ lại, “Lúc đầu chúng tôi rất ít. Chúng tôi khởi hành từ Giáo xứ La Consolación, nơi bức ảnh vẫn còn hiện nay, và chúng tôi đi bộ qua những con phố gần đó, phát những tập sách quảng cáo về Lòng Chúa Thương Xót cho người dân, và mời họ tham dự Thánh Lễ được cử hành vào Chúa Nhật hôm đó tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Chiquinquirá”.

Matheus cho biết, khi các cuộc rước lần đầu tiên bắt đầu, đã có sự hoài nghi ở Venezuela về lòng sùng kính Lòng Chúa Thương Xót.

Bắt nguồn từ những năm 1930 ở Ba Lan, lòng sùng kính Lòng Chúa Thương Xót đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khuyến khích, nhưng vẫn chưa bén rễ ở nhiều nơi trên thế giới — và một số người thậm chí còn đặt câu hỏi về tính chính thống của các thông điệp Lòng Chúa Thương Xót, được ghi lại bởi Thánh Faustina Kowalska, một nữ tu người Ba Lan.

“Chúng tôi bắt đầu [sau khi] Thánh Faustina được phong chân phước [năm 1993], điều này mang lại cho bà một số tính hợp pháp, nhưng chúng tôi vẫn gặp phải một số phản đối.”

Nhưng cuối cùng, điều đó đã kết thúc. Và đó là khi đám rước của Maracaibo trở nên khổng lồ.

Matheus nói: “Khi Đức Thánh Cha chính thức ban hành ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót vào năm 2000, mọi người đều tham gia.

“Mỗi năm lại có thêm nhiều người tham gia, vì vậy chúng tôi phải thay đổi lộ trình.

“Một năm nọ, Đức Tổng Giám Mục Ubaldo Santana, khi đó là tổng giám mục của thành phố, lần đầu tiên tháp tùng chúng tôi trong cuộc rước, và đề nghị chúng tôi đi qua nhiều đường phố chính của thành phố hơn — lúc đó không có đủ chỗ [trên tuyến đường của chúng tôi], bởi vì số người.”

Vào năm 2015, nhân kỷ niệm 30 năm chuyến viếng thăm thành phố của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, các nhà tổ chức được cho hay họ có thể sử dụng một không gian rộng lớn ngoài trời để tổ chức Thánh lễ, nơi cũng đã được sử dụng cho Thánh lễ trong chuyến thăm của Thánh Giáo hoàng tới Maracaibo vào năm 1985.

Sự thay đổi địa điểm đó đã đưa biến cố đến quy mô hiện tại. Người Công Giáo từ khắp Venezuela, và từ Panama, Puerto Rico, Costa Rica, Colombia và Hoa Kỳ bắt đầu tham dự.

Đến năm 2018, đã có 300,000 người tham dự cuộc rước, theo số liệu chính thức từ lãnh đạo thành phố.

Thực thế, các nhà lãnh đạo thành phố nói với tờ The Pillar rằng vào năm 2022, đoàn rước có khoảng 320,000 người tham dự.

‘Chúng tôi muốn mọi người hiểu’

Cuộc rước bắt đầu vào đầu giờ chiều Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, với một giờ Chầu Thánh Thể tại Nhà thờ La Consolación, nơi lưu giữ ảnh tượng quanh năm. Kinh Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót được cầu nguyện, và một đoạn video thường được phát với lời chào từ Tu Hội Các Nữ Tu Đức Mẹ Thương Xót, tu hội của Thánh Faustina.

Matheus cho biết, “Cách đây vài năm, một người bạn tuyệt vời sắp đi du lịch Ba Lan. Vì vậy, chúng tôi đã chuẩn bị một hồ sơ nhỏ cho các nữ tu với lịch sử những gì chúng tôi đang làm, nhưng anh ta đã để nó lại trong khách sạn và không bao giờ đưa cho các nữ tu”.

Nhưng một điều bất thường đã xảy ra.

Matheus giải thích: Vài năm sau, cũng chính người bạn đó “đã trở lại Ba Lan và gặp gỡ các nữ tu và khi anh ấy nói rằng anh ấy đến từ Maracaibo, các nữ tu lập tức nói: ‘Tất nhiên là Maracaibo, một lễ hội lớn của lòng thương xót’”.

Anh nói thêm: “Nhân viên khách sạn thấy các tài liệu đề gửi cho các nữ tu nên đã gửi chúng cho họ”.

Từ tình bạn với các nữ tu của Thánh Faustina, những cơ hội mới đã phát sinh.

Matheus nói, “Chúng tôi lo lắng về việc liệu mọi người có thực sự biết lễ Lòng Chúa Thương Xót là gì [ở Maracaibo] hay không.

“Chúng tôi không muốn nó trở thành một thứ gì đó chỉ có tính văn hóa, chúng tôi muốn mọi người hiểu nguồn gốc của lễ và Lòng Chúa Thương Xót. Chúng tôi nảy ra ý tưởng làm một bộ phim tài liệu. Vì vậy, chúng tôi đã đến Ba Lan với những lá thư từ vị giám mục của chúng tôi, chúng tôi đã thiết lập một cầu nối với các nữ tu và họ đã giúp chúng tôi đồng sản xuất bộ phim tài liệu có tên là ‘Confio’ — ‘Con tín thác’”.

Matheus nói thêm, “Từ đó chúng tôi hình thành mối quan hệ rất thân thiết với các nữ tu. Họ thậm chí còn gửi cho chúng tôi một thánh tích của Thánh Faustina đi kèm với ảnh Chúa Giêsu của Lòng Thương Xót trong cuộc rước”.



‘Trời rất, rất nóng’

Sau một giờ thánh, cuộc rước đi bộ dài ba dặm bắt đầu.

Ba trăm hai mươi nghìn người chiếm hơn 10% tổng dân số của Maracaibo. Không phải là cường điệu khi nói rằng thành phố dừng lại cho đám rước hàng năm.

Và với nhiệt độ vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót thường xuyên vượt quá 100 độ fahrenheit, nhiều người trong thành phố tìm cách thực hành lòng thương xót — những người không đi trong đoàn rước thường đứng ở các góc phố, để mời nước, trái cây hoặc đồ uống thể thao cho những người đi bộ.

Giám đốc một trường Công Giáo ở Maracaibo nói với tờ The Pillar, “Năm nay, trường chúng tôi đã tham gia với các nam sinh thuộc năm thứ năm phân phát nước và đá cho những người đi bộ. Và thường thì khoảng 10 hoặc 15 trường luôn làm như vậy.

“Nhưng cũng có nhiều công ty và nhiều người tự phát làm điều tương tự trước nhà hoặc cơ sở kinh doanh của họ.”

Ngoài nước được cung cấp dọc theo tuyến đường, các nhà tổ chức đã thiết lập 55 điểm tiếp nước chính thức dọc theo tuyến đường rước kiệu, và văn phòng thị trưởng bố trí xe cấp cứu và nhân viên y tế, vì việc ngất xỉu không phải là hiếm.

Lính cứu hỏa thành phố thường xuất hiện ở một số góc phố để phun vòi rồng vào những người Công Giáo đi trong đoàn rước.

Matheus vừa cười vừa nói, “Khi chúng tôi đưa những hình ảnh của ngày lễ ở Maracaibo cho Đức Hồng Y Dziwisz, thư ký riêng của Thánh Gioan Phaolô II, ngài đã xem các bức ảnh và video và rất có ấn tượng. Và ngài nói với tôi 'Đây có phải là Maracaibo không? … [Trời] rất nóng, rất nóng’”.

Matheus cười khúc khích và nói thêm, “Đức Hồng Y nhớ lại sự nóng bỏng khi ngài ở đây với Đức Giáo Hoàng vào năm 1985”.

Matheus giải thích rằng cuộc rước thường diễn ra vào thời điểm nóng nhất trong Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, để có thể dâng Thánh Lễ trước khi trời tối. Điện nổi tiếng là không đáng tin cậy ở Venezuela và Maracaibo có cơ sở hạ tầng hạn chế cho các biến cố buổi tối.

Matheus giải thích, “Thời gian của cuộc rước [vào thời điểm nóng nực trong ngày] không phải là tốt nhất trong một thành phố như thành phố của chúng tôi, nhưng chúng tôi làm theo cách đó để Thánh lễ có thể được cử hành với ánh sáng tự nhiên và sau đó mọi người có thể về nhà an toàn.

“Có lẽ ở một thành phố có ánh sáng tốt hơn, an ninh và giao thông tốt hơn, với nhiều phương tiện giao thông công cộng hơn, chúng ta có thể tìm kiếm một lịch trình trong ngày dễ dàng hơn.”

Ông nói thêm “Nhưng mọi người không bị sức nóng hay mặt trời cản trở, điều đó thật gây ấn tượng.

“Đây là ngày lễ mà giáo dân cung ứng. Đó là chuyện nảy sinh giữa hàng giáo dân, mọi công việc phân công đều do giáo dân gánh vác. Dĩ nhiên, không có linh mục thì không có ngày lễ vì không có bí tích, không có ai ban hành lòng thương xót”.

Về vai trò chính của giáo dân trong cuộc rước, Matheus cười nói, “một linh mục nói đùa với tôi rằng tất cả những gì còn lại là chúng tôi cử hành Thánh lễ và giải tội. “Nhưng điều đó tùy thuộc các ngài, các linh mục.”

'Đó là phép lạ thực sự'

Matheus nói với tờ The Pillar rằng ông tin lòng sùng kính Lòng Chúa Thương Xót rất phổ biến ở Maracaibo phần lớn vì người dân địa phương qui các phép lạ và các vụ chữa bệnh thể chất cho cuộc rước.

Ông giải thích, “Chúa Giêsu nói với Thánh Faustina rằng vào Ngày Lễ Lòng Thương Xót, 'các cửa thiên đàng mở ra và Ta tuôn đổ muôn vàn ân sủng cho những ai đến xin điều đó.' Tôi nghĩ điều đó đúng từng chữ.

Matheus giải thích, “Cách đây vài ngày, tôi đang ở trong một cửa hàng và một người phụ nữ nhận ra tôi và nói với tôi rằng cô đã đi rước kiệu trong 15 năm, vì khi mang thai, cô bị bệnh và các bác sĩ nói với cô rằng con gái sắp sinh của cô sẽ bị điếc hoặc mù bẩm sinh. Nhưng cô đã cầu xin Chúa Giêsu của Lòng Thương Xót ban cho một phép lạ, và con gái cô được sinh ra rất khỏe mạnh, [không bị khuyết tật].

“Ngoài ra, một lần tôi đang ở trong cửa hàng của mình, và một phụ nữ từ một cơ quan chính phủ bước vào, và trong khi chúng tôi đang nói chuyện, cô nói với tôi rằng Chúa Giêsu của Lòng Thương Xót đã thực hiện một phép lạ vĩ đại cho cô.

“Cô nói với tôi rằng cô là một người theo đạo các thánh châu Phi (santeria), và bất chấp tất cả những 'công việc' mà cô đã làm trong tôn giáo đó, cô không thể mang thai. Sau đó, cô nói với Chúa rằng nếu Người cho cô một đứa con, cô sẽ không bước chân vào bất cứ nhà thờ nào ngoài Nhà thờ Công Giáo. Ông cho biết, sau đó ít lâu, cô mang thai và sinh một bé gái.

“Nhưng sau đó, bé gái rất nhỏ của cô mắc một căn bệnh rất kỳ lạ, và họ phải đưa em vào Phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Các bác sĩ đã nói với cô rằng hãy nói lời tạm biệt với con gái mình vì không còn cách nào chữa trị cho nó, và nếu nhờ một phép lạ nào đó mà nó sống sót, đứa trẻ sẽ giống như một 'thực vật'.”

Ông nói thêm, “Thật trùng hợp, dì của cô nói với cô vào hôm thứ Bảy trước lễ Lòng Chúa Thương Xót rằng cô nên đi rước kiệu để xin Chúa Giêsu của Lòng Thương Xót ban cho một phép lạ. Năm đó chúng tôi đi một con đường khác, và bức ảnh đi qua ngay trước cửa bệnh viện nơi bé gái nhập viện và ở đó người cô nói với cô 'chính là lúc này, hãy cầu xin Chúa ban cho một phép lạ' và cô đã quỳ xuống và cầu xin cho con gái mình.

“Ngày hôm sau, cô nhận được điện thoại từ bệnh viện vào sáng sớm, bảo cô đến bệnh viện. Ban đầu, cô tưởng con gái đã chết. Nhưng khi đến bệnh viện, cô thấy con gái mình, hoàn toàn khỏe mạnh, đang được một y tá ôm.

“Các bác sĩ nói rằng họ không thay đổi phương pháp điều trị, họ không làm bất cứ điều gì khác biệt— và họ không có lời giải thích nào. Một trong các bác sĩ thậm chí còn hỏi cô rằng liệu cô có đi rước Lòng Chúa Thương Xót vào ngày hôm trước không và cô nói có. Bác sĩ nói với cô rằng họ không có lời giải thích khả dĩ nào khác,” Matheus nói thêm như thế, rõ ràng là rất kinh ngạc trước câu chuyện, ngay cả sau khi đã kể nó nhiều lần.

Ông nói, “Nghe này, tôi kể cho bạn nghe hai chứng từ, nhưng tôi có hàng trăm lời chứng như thế. Chúng ta có thể ở đây cả ngày. Tôi tin rằng những phép lạ này đã làm cho lòng sùng kính phát triển”.



Nhưng Matheus cho biết ông tin chắc rằng phép lạ vĩ đại nhất là một phép lạ khác: bí tích giải tội.

Matheus nói,“Vào ngày rước kiệu, chúng tôi rất chú trọng đến việc cung cấp không gian để xưng tội, chúng tôi xin các linh mục của giáo phận tháp tùng chúng tôi trong ngày, xưng tội cả trong nhà thờ nơi đoàn rước bắt đầu và tại nơi chúng tôi có Thánh Lễ kết thúc.

“Và đó là nơi phép lạ bắt đầu: có lần tôi thấy cả một hàng người nói rằng họ đã không đi xưng tội trong hơn 10 năm. Những người khác đã không xưng tội kể từ lần rước lễ đầu tiên. Tôi đã thấy những người đã trải qua 70 hoặc 80 năm không xưng tội, và ngày hôm đó họ đến với bí tích.

"Đó mới là phép lạ thực sự."

Nếu phép lạ thực sự là người Công Giáo quay về với Chúa Giêsu, thì có lẽ bản chất của cuộc rước Lòng Chúa Thương Xót của Venezuela được tóm tắt tốt nhất bằng lời từ bài giảng của Đức Tổng Giám Mục José Luis Azuaje của Maracaibo, khi ngài giảng trong Thánh lễ rước năm nay:

“Chúng ta hãy luôn hướng về Chúa Giêsu. Luôn luôn. Nếu anh chị em nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ không nghe chúng ta nơi chúng ta đang ở, hãy quên điều đó đi! Người đã nghe chúng ta trước đây. Người là bạn đồng hành vĩnh viễn của chúng ta!

“Tất cả những ai đi rước hôm nay, hãy nhớ lại con đường Emmau và nghĩ xem Chúa Giêsu đã gặp anh chị em bao nhiêu lần trên đường. Chắc chắn anh chị em đã biết Người trong cuộc rước hôm nay, trong cuộc gặp gỡ với nhau, trong chuỗi Mân Côi mà chúng ta cầu nguyện. Tất nhiên, chúng ta đã tìm thấy Người! Mặc dù chúng ta không nhận ra điều đó, nhưng Người đã đi bên cạnh mỗi người trong anh chị em."