1. Đức Thánh Cha bổ nhiệm Giám mục Giáo phận Nha Trang
Ngày 01 tháng Năm, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ, thuộc Giáo phận Qui Nhơn, làm tân Giám mục Giáo phận Nha Trang.
Đức Cha Huỳnh Văn Sỹ năm nay 61 tuổi, sinh ngày 10 tháng Giêng năm 1962 tại Gò Thị, Bình Định, Giáo phận Qui Nhơn; học triết và thần học tại Đại chủng viện Sao Biển, Nha trang, và thụ phong linh mục ngày 12 tháng Năm năm 1999 cho Giáo phận Qui Nhơn.
Sau đó, cha Sỹ phục vụ tại Tòa Giám mục Quy Nhơn (1999-2001), trước khi du học Roma từ năm 2001 (2001-2006), đậu Tiến sĩ giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Urbanô năm 2006. Trở về nước, cha làm bí thư của Đức Giám Mục Qui Nhơn (2006-2009) và từ năm 2009, làm Đại diện tư pháp, kiêm Giám đốc chủng viện thánh Giuse của Giáo phận Qui Nhơn, thành viên Hội đồng Linh mục, Hội đồng tư vấn và Ủy ban thường huấn cho các linh mục trong giáo phận, cũng như làm Giáo sĩ Đại chủng viện Nha Trang.
Đức Cha Huỳnh Văn Sỹ kế nhiệm Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, 79 tuổi (1944), được Đức Thánh Cha nhận đơn từ nhiệm Giám mục Nha Trang ngày 23 tháng Bảy năm 2022.
2. Đức Thánh Cha viếng Đền thờ Đức Bà Cả
Sau khi đáp máy bay từ Hungary về Roma, trên đường trở về Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của dân Roma, để cảm tạ Mẹ Thiên Chúa vì đã phù hộ ngài trong chuyến tông du vừa qua tại Hungary.
Đức Thánh Cha đã đến Đền thờ sau khi máy bay chở ngài đáp xuống phi trường Ciampino. lúc 7 giờ 25 phút tối, sau chuyến bay gần hai giờ đồng hồ từ Budapest. Ngài ghé lại Đền thờ để cầu nguyện trước khi tiếp tục hành trình về Vatican.
Hôm trước khi lên đường khởi sự chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha cũng đã đến cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ tại Đền thờ này theo thói quen, có từ ngày 14 tháng Ba năm 2013, tức là sáng hôm sau ngày ngài được bầu làm Giáo hoàng.
3. Cuộc phỏng vấn ĐTC sau tông du Hung Gia Lợi
1. Hỏi: Trải nghiệm bản thân của Đức Thánh Cha về những cuộc gặp gỡ ở Hung Gia Lợi là gì?
Tôi rất thích trải nghiệm lần đầu tiên gặp gỡ [với người Hung Gia Lợi] vào những năm 1960, vào thời điểm mà nhiều tu sĩ Dòng Tên Hung Gia Lợi bị trục xuất khỏi đất nước của họ. Sau đó, một số trường học đã đến… có một trường học cách thủ đô Buenos Aires hai mươi cây số, và tôi đến thăm trường này hai lần một tháng. Sau đó tôi cũng có quan hệ với một hội giáo dân Hung Gia Lợi làm việc tại Buenos Aires. Tôi không hiểu ngôn ngữ của họ. Nhưng có hai chữ tôi hiểu rõ: Gulash và Tokai (cười). Đó là một trải nghiệm tốt. Tôi rất xúc động trước nỗi đau làm người tị nạn và không thể về lại quê hương của họ. Các chị dòng Mary Ward [Loreto] ở lại đó [ở Hung Gia Lợi], trốn trong các căn hộ để chế độ không đuổi họ ra ngoài. Sau này, tôi mới biết thêm về toàn bộ việc thuyết phục Đức Hồng Y Mindszenty đến Rôma. Và tôi cũng trải qua sự phấn khích ngắn ngủi của năm 1956 và sự thất vọng sau đó.
2. Hỏi: Quan điểm của Đức Thánh Cha có thay đổi kể từ đó không?
Nó không thay đổi. Nó đã trở nên phong phú hơn, theo nghĩa là những người Hung Gia Lợi mà tôi đã gặp đều có một nền văn hóa tuyệt vời....
3. Hỏi: Lúc ấy Đức Thánh Cha nói tiếng gì?
Họ thường nói tiếng Đức hoặc tiếng Anh. Tiếng Hung Gia Lợi không được nói ở bên ngoài Hung Gia Lợi. Chỉ có trên Thiên đàng, bởi vì họ nói rằng phải mất thiên thu mới học được nó
4. Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã đưa ra lời kêu gọi mở - mở lại - những cánh cửa ích kỷ của chúng ta đối với người nghèo, đối với người di cư, đối với những người không hợp pháp. Trong cuộc gặp của Đức Thánh Cha với Thủ tướng Hung Gia Lợi Orbán, Đức Thánh Cha có yêu cầu ông ấy mở lại biên giới của tuyến đường Balkan mà ông ấy đã đóng cửa không? Rồi, trong những ngày gần đây, Đức Thánh Cha cũng đã gặp Tổng Giám Mục Hilarion: Bản thân Hilarion và Orbán có thể trở thành kênh cởi mở với Mạc Tư Khoa để thúc đẩy tiến trình hòa bình cho Ukraine, hoặc để tạo điều kiện cho cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha và Tổng thống Putin không? Cảm ơn Đức Thánh Cha.
Tôi tin rằng hòa bình luôn được tạo ra bằng cách mở các kênh; hòa bình không bao giờ có thể được thực hiện bằng cách đóng cửa. Tôi mời mọi người mở các mối quan hệ, các kênh kết bạn... Điều này không hề dễ dàng. Những điều tương tự mà tôi đã nói một cách tổng quát, tôi đã nói với Orbán và mọi nơi.
Về vấn đề di cư: Tôi nghĩ đó là vấn đề mà Âu Châu phải chung tay vì có 5 quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất: Síp, Hy Lạp, Malta, Ý, Tây Ban Nha, vì họ là các quốc gia Địa Trung Hải và phần lớn người di cư đổ bộ vào đó. Và nếu Âu Châu không chịu trách nhiệm về vấn đề này, về việc phân bổ người di cư một cách công bằng, thì vấn đề sẽ chỉ dành cho các quốc gia này. Tôi nghĩ rằng Âu Châu phải cho mọi người cảm giác rằng đó là Liên minh Âu Châu ngay cả khi đối diện với điều này.
Có một vấn đề khác liên quan đến di cư, đó là tỷ lệ sinh. Có những nước như Ý, Tây Ban Nha... không có con. Gần đây... năm ngoái tôi đã phát biểu tại một cuộc họp dành cho các gia đình về điều này, và gần đây tôi thấy rằng chính phủ và các chính phủ khác cũng đang nói về nó. Độ tuổi trung bình ở Ý là 46, Tây Ban Nha còn cao hơn và có những ngôi làng nhỏ bị bỏ hoang.
Một chương trình di cư được thực hiện tốt với mô hình di cư mà một số quốc gia đã có - tôi nghĩ đến ví dụ như Thụy Điển vào thời kỳ các chế độ độc tài ở Mỹ Latinh - cũng có thể giúp ích cho những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp này.
Sau đó, cuối cùng... điều cuối cùng là gì nhỉ? À, vâng, Hilarion: Hilarion là người mà tôi rất kính trọng và chúng ta luôn có mối quan hệ tốt đẹp. Và ngài rất tử tế khi đến gặp tôi, sau đó ngài đến tham dự Thánh lễ, và tôi cũng đã gặp ngài ở đây tại sân bay. Hilarion là một người thông minh mà người ta có thể nói chuyện, và những mối quan hệ này cần được duy trì, bởi vì nếu chúng ta nói về chủ nghĩa đại kết - tôi thích điều này, tôi không thích điều này - chúng ta phải dang tay ra với mọi người, thậm chí nhận lấy bàn tay của họ.
Tôi chỉ nói chuyện với Thượng phụ Kirill một lần kể từ khi chiến tranh bắt đầu, 40 phút qua zoom, sau đó qua Anthony, người đang ở chỗ của Hilarion, người đến gặp tôi. Ngài là một giám mục từng là linh mục giáo xứ ở Rôma và biết rõ về môi trường, và luôn luôn thông qua ngài mà tôi có mối liên hệ với Kirill.
Có một cuộc họp mà chúng ta dự định tổ chức ở Giêrusalem vào tháng 7 hoặc tháng 6 năm ngoái, nhưng nó đã bị đình chỉ vì chiến tranh: điều đó sẽ phải diễn ra. Và sau đó, với người Nga, tôi có mối quan hệ tốt với đại sứ hiện đang sắp mãn nhiệm; ông đã làm đại sứ tại Vatican được bảy năm, ông là một người vĩ đại, một người nghiêm túc, có văn hóa và cân bằng. Mối quan hệ của tôi với người Nga chủ yếu là với vị đại sứ này.
Tôi không biết liệu tôi đã nói tất cả mọi điều chưa. Có chưa? Hay tôi đã bỏ qua một điều gì đó?
5. Hỏi: Liệu bằng cách nào đó, Hilarion và cả Orbán có thể đẩy nhanh tiến trình hòa bình ở Ukraine và cũng có thể khiến cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha và Putin có thể xảy ra, liệu họ có thể đóng vai trò “làm trung gian” không?
Cô có thể tưởng tượng rằng trong cuộc họp này, chúng ta không chỉ nói về Cô bé quàng khăn đỏ, phải không? Chúng ta đã nói về tất cả những điều này. Chúng ta đã nói về điều này bởi vì mọi người đều quan tâm đến con đường dẫn đến hòa bình. Tôi sẵn sàng. Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần phải làm. Ngoài ra, có một nhiệm vụ đang diễn ra, nhưng nó vẫn chưa được công khai. Hãy xem sao... Khi nó được công khai, tôi sẽ nói về nó.
6. Hỏi: Điểm dừng tiếp theo của Đức Thánh Cha là Lisbon. Đức Thánh Cha cảm thấy thế nào về sức khỏe của Đức Thánh Cha? Chúng con đã rất ngạc nhiên khi Đức Thánh Cha đến bệnh viện; Đức Thánh Cha nói rằng Đức Thánh Cha đã ngất đi. Vậy Đức Thánh Cha có cảm thấy mình có năng lực để đi đến Đại hội Giới trẻ Thế giới không? Và Đức Thánh Cha có muốn một sự kiện với một thanh niên Ukraine và một thanh niên Nga như một dấu chỉ các thế hệ mới không?
Trước hết, sức khỏe của tôi. Những gì tôi gặp phải là một cơn bệnh nặng, đột ngột vào cuối Buổi Tiếp Kiến Thứ Tư. Tôi không muốn ăn trưa; Tôi nằm xuống một chút. Tôi không bất tỉnh, nhưng vâng, tôi bị sốt rất cao và vào lúc ba giờ chiều, bác sĩ lập tức đưa tôi đến bệnh viện. Tôi bị viêm phổi cấp tính nặng ở phần dưới của phổi—tạ ơn Chúa, tôi có thể kể cho cô nghe về nó—đến mức cơ quan, cơ thể, phản ứng tốt. Cảm ơn Chúa. Đây là những gì tôi đã gặp phải.
Về Lisbon: Một ngày trước khi rời đi, tôi đã nói chuyện với Đức Cha Americo [Aguiar, Giám Mục Phụ Tá của Lisbon], người đã đến để xem tình hình ở đó như thế nào. Tôi sẽ đi. Tôi sẽ đi. Tôi hy vọng sẽ đi được. Cô có thể thấy rằng nó không giống như hai năm trước, với cây gậy. Bây giờ nó tốt hơn. Hiện tại chuyến đi chưa bị hủy bỏ.
Rồi chuyến đi Marseilles, rồi đến Mông Cổ, rồi chuyến tiếp theo, tôi không thể nhớ ở đâu... lịch trình của tôi khiến tôi luôn di chuyển.
7. Hỏi: Còn về giới trẻ Nga và Ukraine?
Đức Cha Americo đã có một điều gì đó trong tâm trí. Ngài nói với tôi rằng ngài đang chuẩn bị một điều gì đó. Ngài đang chuẩn bị thật tốt.
8. Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi ngài một điều hơi khác một chút. Gần đây Đức Thánh Cha đã thực hiện một cử chỉ đại kết rất mạnh mẽ. Đức Thánh Cha đã tặng, thay mặt cho Bảo tàng Vatican, ba mảnh một tác phẩm điêu khắc Parthenon cho Hy Lạp. Cử chỉ này cũng đã gây được tiếng vang bên ngoài thế giới Chính thống giáo, bởi vì nhiều bảo tàng ở phương Tây đang thảo luận chính xác về việc quay trở lại thời kỳ thuộc địa, như một hành động công lý đối với những người này. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha liệu Đức Thánh Cha có sẵn sàng cho các khoản bồi thường khác. Đặc biệt, con đang nghĩ đến những người và các nhóm bản địa ở Canada đã đưa ra yêu cầu trả lại các đồ vật từ các bộ sưu tập của Vatican như một phần của diễn trình đền bù cho những thiệt hại phải gánh chịu trong thời kỳ thuộc địa.
Đây là điều răn thứ bảy: nếu cô đã đánh cắp [thứ gì], cô phải trả lại [nó]. Nhưng, có cả một lịch sử, tức là đôi khi chiến tranh và thuộc địa dẫn đến những quyết định được đưa ra để lấy đi những điều tốt đẹp của người khác. Đây là một cử chỉ đúng đắn; nó phải được thực hiện: Parthenon, để trả lại một điều gì đó. Và nếu ngày mai người Ai Cập đến và yêu cầu đài tưởng niệm, chúng ta sẽ làm gì? Nhưng sau đó, một lần nữa cô phải phân biệt trong từng trường hợp.
Liên quan đến việc hoàn trả các đồ vật bản địa cho Canada, nó đang được tiến hành, hoặc ít nhất là chúng ta đã đồng ý thực hiện. Tôi sẽ hỏi xem chuyện ấy đã đi đến đâu.
Nhưng trải nghiệm với người bản địa ở Canada đã rất hữu hiệu. Ngay tại Hoa Kỳ, Dòng Tên đang làm gì đó với nhóm người bản địa bên trong Hoa Kỳ. Cha Bề trên Cả đã nói với tôi về điều đó vào một ngày khác.
Nhưng trở lại bồi thường. Trong phạm vi đây là điều cô có thể trả lại, điều đó là cần thiết, điều đó được coi là một cử chỉ, thì tốt hơn là cô nên làm điều đó. Đôi khi người ta không thể; không có khả thể chính trị, thực chất, cụ thể. Nhưng khi cô có thể trả lại [đồ vật], thì hãy làm như vậy; điều này tốt cho tất cả mọi người, để không quen đút tay vào túi người khác.
9. Hỏi: Thủ tướng Ukraine đã yêu cầu sự giúp đỡ của Đức Thánh Cha trong việc đưa trở lại những đứa trẻ bị cưỡng bức đưa đến Nga. Đức Thánh Cha có nghĩ đến việc giúp đỡ Ông không?
Tôi nghĩ vậy, bởi vì Tòa thánh đã đóng vai trò trung gian trong một số tình huống trao đổi tù nhân, và qua tòa đại sứ, nó đã diễn ra tốt đẹp. Tôi nghĩ nó cũng có thể diễn ra tốt đẹp.
Nó quan trọng. Tòa thánh sẵn sàng hành động vì đó là điều đúng đắn và công bằng. Và chúng ta phải giúp bảo đảm rằng đây không phải là một casus belli [trường hợp gây chiến], mà là một trường hợp nhân bản. Đó là một câu hỏi về tình người trước khi nó là một câu hỏi về chiến lợi phẩm hoặc sự di dời do chiến tranh gây ra. Mọi cử chỉ nhân bản đều hữu ích, nhưng những cử chỉ độc ác không giúp được gì. Chúng ta phải làm mọi thứ con người có thể.
Tôi muốn nói rằng tôi cũng đang nghĩ đến những người phụ nữ đến đất nước của chúng ta, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hung Gia Lợi, rất nhiều phụ nữ đến với chồng con, hoặc họ là vợ... của những người đang chiến đấu chống lại chiến tranh. Đúng là hiện tại họ đang được giúp đỡ, nhưng chúng ta không được đánh mất sự nhiệt tình vì điều này, bởi vì nếu sự nhiệt tình giảm sút, những người phụ nữ này sẽ không được bảo vệ, có nguy cơ rơi vào tay những con kền kền luôn rình rập những tình huống này.
Chúng ta hãy cẩn thận để không đánh mất sự căng thẳng giúp đỡ mà chúng ta dành cho những người tị nạn. Điều này liên quan đến tất cả mọi người.