1. Đức Cha Trưởng ban tổ chức WYD bênh vực chi phí cho Ngày Quốc tế Giới trẻ

Đức Cha Americo Aguiar, Giám Mục Phụ Tá Lisbon, Trưởng ban tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ thứ 37 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, bênh vực những chi phí hàng triệu Euro cho biến cố quan trọng này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài phát thanh Công Giáo Domradio ở Koeln bên Đức, truyền đi hôm Chúa nhật 23 tháng Tư vừa qua, Đức Cha Aguiar cho biết ngài hiểu những tiếng nói phê bình về những chi phí đó và nói rằng: “Chúng ta cũng phải nhìn những chi phí đó là một sự đầu tư... Những người trẻ trên thế giới đã chịu đau khổ vì những hạn chế do các biện pháp bảo vệ phòng chống Coronavirus, nay chúng ta muốn cống hiến cho họ cơ hội du hành và đích thân cảm nghiệm các cuộc gặp gỡ với những người khác. Nhưng điều đó không tự nhiên mà có”.

Đức Cha Aguiar nói thêm: “Tôi tin rằng kết toán chi thu cho Ngày Quốc tế Giới trẻ, sau cùng sẽ tích cực. Những du khách đến Lisbon cũng sẽ chi tiêu cho nhà trọ, lương thực và di chuyển”.

Trong những tháng vừa qua, đã có những tranh luận khá sôi nổi ở Bồ Đào Nha về những chi phí cho Ngày Quốc tế Giới trẻ, đứng trước tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay. Đặc biệt, phí tổn tổ chức khu vực lễ đài, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ bế mạc và buổi canh thức, phí tốn khoảng năm triệu Euro. Sau những phê bình mạnh mẽ, ngân sách được giảm bớt đáng kể.

Ngày Quốc tế Giới trẻ thứ 37 sẽ tiến hành từ ngày 01 đến ngày 06 tháng Tám năm nay, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Số người ghi danh đã lên tới 550.000 bạn trẻ từ các nơi trên thế giới, một mức độ chưa từng có từ trước đến nay”.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài muốn đến thăm Á Căn Đình vào năm 2024. Đức Tổng Giám Mục Gänswein phải rời căn hộ ở Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài muốn đến thăm quê hương Á Căn Đình vào năm 2024.

“Tôi muốn trở về thăm quê hương vào năm tới,” Đức Thánh Cha được cho là đã nói như trên với nhà báo người Á Căn Đình Joaquín Morales Solá trong một buổi tiếp kiến riêng gần đây tại Vatican. Các bình luận đã được báo cáo trên nhật báo La Nacion của Á Căn Đình vào ngày 23 tháng Tư.

Kể từ khi được bầu làm giáo hoàng năm 2013, Đức Phanxicô chưa bao giờ trở lại quê hương Á Căn Đình.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3 với La Nacion, ngài giải thích rằng chuyến đi đến Á Căn Đình đã được lên kế hoạch vào năm 2017 nhưng phải hủy bỏ vì cuộc bầu cử ở đó. Đức Giáo Hoàng không đi du lịch đến một quốc gia trong năm bầu cử để tránh có vẻ như đang cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

“Sau đó, những gì đã xảy ra là mọi thứ trở nên phức tạp theo một cách khác; có hai năm xảy ra đại dịch dẫn đến những chuyến đi phải thực hiện, thậm chí đến những nơi mà người ta nói Đức Giáo Hoàng không nên đến đó. Vì vậy, Á Căn Đình vẫn đang chờ đợi. Tôi muốn đi, tôi hy vọng được đi.”

Cuộc trò chuyện với Morales Solá, được công bố vào hôm Chúa nhật, đánh dấu lần đầu tiên Đức Thánh Cha đưa ra ngày khả dĩ cho chuyến tông du Á Căn Đình.

Theo Morales Solá, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tiết lộ rằng ngài đã yêu cầu Tổng giám mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, rời khỏi căn hộ ở Vatican của ngài trong vài tháng tới.

Đức Giáo Hoàng cũng cho biết ông đã trao cho tổng giám mục người Đức sự lựa chọn ở lại Ý hoặc trở về Đức, đồng thời lưu ý rằng các thư ký riêng khác của các vị giáo hoàng đã trở về cố hương của họ, chẳng hạn như thư ký riêng của Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị, Stanislaw Dziwisz.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài “vẫn nhớ” Đức Bênêđictô XVI, người luôn cho ngài “những lời khuyên tốt và là người giúp đỡ thường xuyên” trong các cuộc gặp gỡ thường xuyên của họ.

Sau khi lên tiếng vào ngày 16 tháng 4, Đức Thánh Cha đã nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, sau những cáo buộc từ Pietro Orlandi, anh trai của Emanuela Orlandi, một công dân Vatican đã mất tích năm 1983 khi mới 15 tuổi.

“Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị là một vị thánh trong cuộc sống và bây giờ cũng chính thức như vậy sau khi ngài qua đời. Không ai có thể thành thật nghi ngờ sự tốt lành của Đức Giáo Hoàng Wojtyla,” Đức Thánh Cha nói.


Source:Catholic News Agency

3. Một triều đại thánh thiện

Từ ngày 28 đến 30 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đến Hung Gia Lợi. Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài viết nhan đề “The great saints who built Hungary : Meet a ‘holy dynasty’ of martyrs, kings, princesses, and bishops -- Hungary's great national saints,” nghĩa là “Các vị thánh vĩ đại đã xây dựng Hung Gia Lợi: Gặp gỡ một ‘vương triều thánh thiện’ gồm các vị tử đạo, các vị vua, các công chúa và giám mục -- những vị thánh quốc gia vĩ đại của Hung Gia Lợi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ phần thứ tư nói về triều đại thánh thiện của Hung Gia Lợi qua phần trình bày của Túy Vân.

Thánh Ladislaus, một hiệp sĩ ngoan đạo

Ladislaus Đệ Nhất là vua của Hung Gia Lợi từ năm 1077 đến năm 1095. Để củng cố vương quốc và mở rộng biên giới, ngài là một hình mẫu của tinh thần hiệp sĩ và áp đặt luật pháp nghiêm khắc chống lại mọi hành vi phạm tội chống lại đức tin Kitô. Chúng ta mắc nợ ngài việc thành lập Giáo phận Zagreb ở Croatia ngày nay, mà ngài đã chinh phục. Rất được người dân của mình đánh giá cao, ngài đã chết trong hương thơm thánh thiện. Người Hung Gia Lợi để tang ba năm.

Đấng đáng kính Irênê của Hung Gia Lợi: Hoàng hậu Chính Thống Giáo

Vì lý do chính trị, cô gái trẻ Piroska, con gái của Vua Ladislaus, đã kết hôn khi còn rất trẻ với John Đệ Nhị Comnenus, con trai của Hoàng đế Byzantine Alexis. Bị buộc phải chuyển sang Chính thống giáo, cô được đổi tên thành Irênê. Cô trở thành hoàng hậu sau khi chồng lên ngôi, nhưng không tham gia chính trị. Rất ngoan đạo, giống như chồng, bà đã thành lập nhiều tu viện. Bà là mẹ của tám người con và qua đời năm 1134. Bà được Chính thống giáo công nhận là một vị thánh và được người Công Giáo tôn kính.