Bạo loạn lớn ở Pakistan liên quan đến cáo buộc báng bổ nhà tiên tri Hồi Giáo
Cảnh sát Pakistan đã bắt giữ một công dân Trung Quốc với cáo buộc báng bổ sau khi anh ta bị cáo buộc xúc phạm đạo Hồi và nhà tiên tri Muhammad, nhà chức trách cho biết hôm thứ Hai. Theo luật chống báng bổ gây tranh cãi của Pakistan, một người phạm tội báng bổ sẽ bị kết án tử hình.
Cảnh sát chỉ xác định người đàn ông này là ông Điền (Tian, 田) đến từ Trung Quốc và cho biết ông bị bắt vào tối Chúa Nhật, vài giờ sau khi hàng trăm cư dân và người lao động làm việc trong một dự án xây đập chặn một con đường cao tốc quan trọng và biểu tình dữ dội để yêu cầu bắt giữ ông.
Cuộc biểu tình diễn ra tại thị trấn Komela - nằm gần địa điểm xây dựng đập Dasu, dự án thủy điện lớn nhất ở Pakistan - thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, giáp biên giới Afghanistan, theo lời cảnh sát trưởng địa phương Naseer Khan.
Khan cho biết các viên chức cảnh sát đã nhanh chóng phản ứng với các cuộc biểu tình bằng cách “giải cứu và bắt giữ” công dân Trung Quốc, người sau đó được trực thăng quân đội chở đến thành phố Abbottabad ở phía tây bắc vì lo ngại anh ta có thể bị người dân tấn công. Khan cho biết an ninh cho các kỹ sư và công nhân xây dựng Trung Quốc khác đã được tăng cường hơn nữa trong thị trấn, nơi tình hình vẫn rất căng thẳng sau khi người đàn ông bị bắt giữ.
Theo Khan, các cáo buộc phát sinh từ bất đồng tại nơi làm việc: Điền bị cáo buộc đã trở nên khó chịu và khiển trách hai tài xế địa phương vì đã dành quá nhiều thời gian trong công việc để cầu nguyện. Những người lao động khác sau đó cho rằng anh ta đã xúc phạm nhà tiên tri.
Cảnh sát cho biết Điền, người chịu trách nhiệm về vận tải hạng nặng tại dự án, sẽ bị xét xử theo luật báng bổ nếu các nhà điều tra chứng minh được anh ta xúc phạm đạo Hồi. Không có bình luận ngay lập tức từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Islamabad.
Khan cho biết, đường cao tốc bị chặn sau đó đã thông xe trở lại và công việc tiếp tục tại đập Dasu, nơi có rất nhiều người Trung Quốc và hàng trăm người Pakistan làm việc trong dự án.
Các cuộc tấn công của đám đông nhằm vào những người bị buộc tội báng bổ và thậm chí treo cổ nạn nhân rất phổ biến ở Pakistan, một quốc gia Hồi giáo bảo thủ. Các nhóm nhân quyền cho biết các cáo buộc báng bổ thường được sử dụng để đe dọa các nhóm thiểu số tôn giáo và dàn xếp thù oán cá nhân.
Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một đám đông giận dữ biểu tình bên ngoài một khu phức hợp rộng lớn là nơi ở của các công nhân xây dựng người Trung Quốc và Pakistan ở Komela. Có thể nghe thấy những người biểu tình hô vang “Chúa vĩ đại” trong khi lực lượng an ninh nổ súng chỉ thiên để giải tán đám đông.
Mặc dù các vụ bắt giữ người Hồi giáo và không theo đạo Hồi với tội danh báng bổ phổ biến ở Pakistan, nhưng hiếm khi người nước ngoài nằm trong số những người bị bắt.
Vào năm 2021, một đám đông đã hành quyết một người đàn ông Sri Lanka tại một nhà máy thể thao ở phía đông tỉnh Punjab và sau đó thiêu xác anh ta nơi công cộng vì cáo buộc anh ta xúc phạm các tấm áp phích có tên Nhà tiên tri Muhammad.
Vào tháng 7 năm 2021, công việc xây dựng đập Dasu bị đình chỉ trong vài tháng sau một vụ tấn công tự sát nhắm vào một chiếc xe buýt chở công dân Trung Quốc và Pakistan ở quận Kohistan, nơi có con đập. Vụ đánh bom đã giết chết 13 người, trong đó có 9 công dân Trung Quốc.
Trung Quốc đã nối lại công việc trong dự án vào năm ngoái, khi Pakistan tăng cường an ninh. Các kỹ sư Pakistan và Trung Quốc đang cố gắng hoàn thành dự án vào năm 2026.
Diễn biến hôm thứ Hai diễn ra vài ngày sau khi cảnh sát Punjab bắt giữ một phụ nữ Hồi giáo với tội danh báng bổ sau khi cô này tuyên bố mình là một nhà tiên tri Hồi giáo. Cô ấy đã bị bắt tại nhà sau khi một đám đông tụ tập bên ngoài yêu cầu cô ấy bị hành hình sau khi tin tức lan truyền về những tuyên bố bị cáo buộc là những lời tiên tri của cô ấy.
Trong khi đó, một đám đông người Hồi giáo dòng Sunni đã phá hủy một ngọn tháp tại một nhà thờ Hồi giáo của người thiểu số Ahmadis ở quận Sargodha ở Punjab.
Có khoảng nửa triệu người Ahmadis ở Pakistan, nơi có dân số 220 triệu người. Pakistan tuyên bố Ahmadi không theo đạo Hồi vào năm 1974. Nhà và nơi thờ cúng của Ahmadi thường là mục tiêu của các chiến binh Sunni, những người coi họ là dị giáo.
Amir Mahmood, phát ngôn viên của cộng đồng Ahmadi, cho biết vụ tấn công xảy ra trong đêm và được cho là có sự chứng kiến của cảnh sát. Không có bình luận ngay lập tức từ cảnh sát
Source:AP