Theo John Lavenburgh của tạp chí CruxNow, Vài ngày sau khi công bố tài liệu cuối cùng cho giai đoạn Bắc Mỹ của Thượng hội đồng về tính đồng nghị 2021-2024, các nhà lãnh đạo của các nỗ lực Thượng hội đồng lục địa muốn người Công Giáo Hoa Kỳ ghi nhớ rằng quá trình này chưa kết thúc, vì đó là “một quá trình mang tính thế hệ” sẽ cần nhiều thời gian.



Julia McStravog, điều hợp viên của Nhóm Thượng Hội đồng Bắc Mỹ nói với Crux: “Chúng ta cần phải kiên nhẫn, và chúng ta cần thực sự nắm vững ý nghĩa của biện phân. “Mục tiêu không chỉ là các tài liệu hay các phiên họp, mà thực sự là về việc đào tạo tâm linh để mọi người trở thành đồng nghị, nhìn nhau qua lăng kính của tình bạn thiêng liêng và đối xử với nhau theo cách đó.”

Được công bố vào ngày 12 tháng 4, tài liệu cuối cùng cho giai đoạn Bắc Mỹ của thượng hội đồng, phản ảnh nhiều chủ đề đã được thể hiện trong suốt quá trình thượng hội đồng: kêu gọi cho có tinh thần đồng trách nhiệm lớn hơn trong Giáo Hội, đặc biệt đối với phụ nữ và giới trẻ, tinh thần bao gồm nhiều hơn những người ở bên lề, hình dung lại việc đào tạo đức tin và các bước tiếp theo hướng tới trách nhiệm giải trình và minh bạch.

Dọc theo những đường hướng đó, tài liệu đưa ra năm ưu tiên cho những người tham gia thảo luận tại phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10, và sau đó thảo luận tại cuộc họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024, sẽ kết thúc Thượng hội đồng chính thức về tiến trình đồng nghị. Những ưu tiên đó là:

• Tích hợp việc tham vấn đồng nghị trong các giáo hội địa phương.

• Thách thức chào đón những người cảm thấy bị loại trừ khỏi sự tham gia vào đời sống của Giáo hội một cách chân thực và trung thành với Tin Mừng.

• Đồng trách nhiệm.

• Giải quyết sự hiệp nhất và hiệp thông của Giáo Hội giữa muôn vàn phân cực và chia rẽ.

• Một Giáo hội đi ra các vùng ngoại vi.

Đức Giám Mục Daniel Flores của Giáo phận Brownsville, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, và Đức Giám Mục Raymond Poisson Giáo phận Saint-Jérôme-Mont-Laurier, Québec, cả hai đều lãnh đạo nhóm thượng hội đồng Bắc Mỹ đã trình bày tài liệu cuối cùng tại Vatican vào ngày 12 tháng 4. Tài liệu này, cùng với tài liệu của sáu hội đồng châu lục khác, sẽ được sử dụng để tạo ra “Instrumentum Laboris,” tức tài liệu làm việc của thượng hội đồng hoàn cầu sẽ được công cố vào tháng Sáu.

Sau khi công bố tài liệu cuối cùng, Đức Cha Flores cho biết có cơ hội để Giáo hội địa phương tiếp tục tiến trình đồng nghị trong khi Giáo hội chờ đợi các bước tiếp theo của tiến trình chính thức tại Rôma.

Đức Cha Flores nói, “Trong khi chờ đợi các bước tiếp theo của tiến trình chính thức được thực hiện ở Rôma, chúng ta có cơ hội để làm cho tính đồng nghị thực sự hiện diện giữa chúng ta ở đây tại Bắc Mỹ. Chúng tôi mời các bạn hãy thành tâm biện phân những niềm vui, những ta thán và những căng thẳng được nêu ra trong Tài liệu Cuối cùng này và cùng nhau biện phân làm thế nào các bạn có thể làm cho những thành quả đầu tiên của tính đồng nghị trong cộng đồng địa phương của các bạn trở thành hiện thực”.

Để soạn thảo tài liệu cuối cùng, nhóm thượng hội đồng Bắc Mỹ đã tổ chức mười hai phiên họp trực tuyến – bảy phiên họp bằng tiếng Anh, ba phiên họp bằng tiếng Tây Ban Nha và hai phiên họp bằng tiếng Pháp – dành cho các đại biểu đến từ Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Có 931 đại biểu gồm có 391 nữ giáo dân, 77 nữ tu, 235 nam giáo dân, 76 phó tế, 148 linh mục và 4 nam tu sĩ không thụ phong. 146 giám mục từ hai quốc gia cũng đã tham gia.

Trong mỗi phiên họp ảo, các đại biểu chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận, thành quả của chúng sau đó được chia sẻ khi mọi người quay trở lại nhóm lớn hơn. Hình thức ảo được chọn để thu hút càng nhiều đại biểu càng tốt, điều mà một số người đánh giá cao vì lý do đó, trong khi những người khác cho rằng các cuộc trò chuyện tâm linh bị ảnh hưởng do thiếu đối thoại trực tiếp.

Sau khi hoàn tất 12 phiên họp trực tuyến, đại diện của mỗi phiên họp đã gặp nhóm thượng hội đồng Bắc Mỹ, nhóm được giao nhiệm vụ viết tường trình. Để soạn thảo tài liệu, Nhóm Thượng Hội Đồng Bắc Mỹ đã tiến hành một cuộc tĩnh tâm kéo dài một tuần vào tháng Hai. Nhóm gồm có tám giám mục, ba nữ giáo dân, hai linh mục, hai giáo dân và hai nữ tu.

Sau khi tài liệu được soạn thảo, nó đã được gửi tới 25 đại biểu mỗi nước từ Hoa Kỳ và Canada để lấy ý kiến. Tài liệu cuối cùng đã được phê duyệt bởi các giám mục được chỉ định bởi mỗi hội đồng giám mục.

Theo tài liệu, một phản hồi nhất quán từ các đại biểu là cần có sự đồng trách nhiệm lớn hơn trong Giáo hội, đặc biệt là đối với các phụ nữ và thanh niên trẻ. Báo cáo nói rằng các đại biểu đã đề xuất một cuộc kiểm tra vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, bao gồm vai trò ra quyết định, lãnh đạo và thậm chí cả chủ đề thường được tranh luận về việc truyền chức.

Một mong muốn khác của nhiều đại biểu là muốn bao gồm nhiều hơn các nhóm bị gạt ra bên lề cảm thấy không được chào đón trong Giáo hội, bao gồm những người nhập cư, các nhóm thiểu số về chủng tộc hoặc ngôn ngữ, những người LGBTQ+, những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn, và những người có khả năng thể chất hoặc tinh thần ở các mức độ khác nhau.

Các lời kêu gọi khác bao gồm sự cần thiết Giáo hội phải thực hiện các bước bổ sung để lấy lại niềm tin và sự tín nhiệm thông qua việc giải quyết những sai lầm lịch sử bao gồm cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ và vai trò của Giáo hội trong việc điều hành các trường dân cư/nội trú cho người bản địa.

Các đại biểu cũng được cho là đã bày tỏ mong muốn tái lên khuôn việc đào tạo đức tin, không chỉ bao gồm các giáo lý cơ bản của đức tin, “mà còn cả việc đào tạo tính đồng nghị, đồng trách nhiệm, chào đón và đi ra các vùng ngoại vi”.

Tường trình viết, “Người ta đã công nhận rằng để Giáo hội thực sự truyền giáo – đi ra các vùng ngoại vi và truyền giáo – điều cần thiết là sự đào tạo toàn diện về phẩm giá và ơn gọi rửa tội của chúng ta, về tinh thần đồng trách nhiệm và tính đồng nghị”.

Cũng có một phần của tường trình dành riêng cho phản hồi của các giám mục về tiến trình đồng nghị. Theo tường trình, các phiên lắng nghe đã khiến các giám mục nhận ra những thách thức về cơ cấu ở cấp địa phương có thể khiến việc duy trì một phong cách đồng nghị trở nên khó khăn. Các ngài cũng thừa nhận rằng các ngài “có thể và phải” làm tốt hơn công việc hỏi ý kiến của những người ở bên lề Giáo hội và xã hội.

Tuy nhiên, tường trình cũng cho biết các giám mục cũng bày tỏ lo ngại rằng có những kỳ vọng sai lầm về ý nghĩa và kết quả của tiến trình đồng nghị. Các giám mục cũng lưu ý rằng nhiều tín hữu đã không tham gia vào thượng hội đồng, và vẫn không chắc chắn về vai trò của họ.

Điều đó một lần nữa đặt ra câu hỏi – điều gì tiếp theo cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị ở cấp địa phương.

McStravog và Richard Coll, điều hợp viên Nhóm Thượng hội đồng Bắc Mỹ và là giám đốc điều hành Văn phòng Tư pháp, Hòa bình và Phát triển Con người Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói với Crux rằng nhóm có kế hoạch duy trì liên lạc với các nhà lãnh đạo thượng hội đồng địa phương để giúp họ thực hiện phản hồi mà họ đã nghe trong quá trình giai đoạn địa phương.

Coll nhấn mạnh rằng không có lý do gì để kết thúc tiến trình đồng nghị địa phương.

Coll giải thích, “Nó không nhất thiết phải nằm trong bối cảnh soạn thảo một tài liệu. Nó có thể là trong bối cảnh các hoạt động của giáo xứ, hoạt động của giáo phận, hoạt động của trường học, và vì vậy chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể tiếp tục hỗ trợ nhiều người trong cố gắng tiếp tục thực hiện một số thành quả của trải nghiệm đó. Không có lý do gì khiến nó không thể tiếp tục trong các bối cảnh khác nhau và khung cảnh khác nhau.”

McStravog cho biết dòng cuối cùng của tường trình, “tiến trình thượng hội đồng không hoàn hảo, nhưng nó đã diễn ra tốt đẹp,” tóm tắt tiến trình cho đến nay và công việc vẫn còn ở phía trước.

McStravog nói: “Điều thực sự quan trọng là mọi người phải hiểu rằng sẽ không có mọi thứ ngay lập tức và sẽ cần phải có thời gian và chúng ta sẽ trau dồi kỹ năng của mình và tình thế sẽ trở nên tốt hơn khi chúng ta tiếp tục.”