1. Phóng sự đặc biệt: Hiện tượng Lửa Thánh lạ lùng tại Giêrusalem
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trưa ngày thứ Bẩy 15 tháng Tư, tức là ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh của Chính Thống Giáo và của cả các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, thế giới Chính Thống Giáo đã dán mắt vào các màn hình TV và computer để hồi hộp theo dõi hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem.
Những lo âu liên quan đến đại dịch coronavirus tuy đã có phần giảm bớt, nhưng lại có những âu lo về sự mở rộng và leo thang chiến tranh tại Ukraine. Điều này phản ảnh rất rõ rệt trong số những người tham dự.
Được đi lại trên chính con đường thương khó Chúa đã đi qua là một kinh nghiệm sâu sắc thay đổi cuộc đời biết bao người hành hương đến Giêrusalem. Cho nên, các tín hữu Chính Thống Giáo Nga có lòng mộ đạo đã cố gắng đến Giêrusalem trong thời gian này. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm 13 tháng Tư, ông Haim Katz, bộ trưởng Du Lịch Israel cho biết con số tín hữu Chính Thống Giáo Nga đến Thánh Địa trong năm nay chưa tới 10% con số năm 2019 là thời gian ngay trước đại dịch coronavirus. Trước hết, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu đã gây ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của người Nga. Nhiều người, có thể vẫn còn khả năng nhưng không biết tương lai ra sao nên cũng không thể đi.
Thứ hai, một trở ngại khó vượt qua hơn nữa là máy bay Nga không được phép bay qua các không phận của Liên Hiệp Âu Châu. Thành ra, giá vé máy bay đến Giêrusalem tăng vọt như hỏa tiễn.
Thứ ba, nam giới trong độ tuổi nhập ngũ không được ra nước ngoài. Hôm thứ Ba, Quốc hội Nga, hay còn gọi là Duma Quốc gia, đã bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi dự luật cho phép gửi giấy gọi nhập ngũ điện tử bên cạnh các lá thư truyền thống. Theo dự luật này, giấy triệu tập nhập ngũ điện tử sẽ được coi như giấy triệu tập. Hiện tại, các tài liệu nhập ngũ ở Nga phải được giao tận tay bởi văn phòng nhập ngũ của quân đội địa phương hoặc thông qua người sử dụng lao động. Một người sẽ được coi là đã được thông báo ngay cả khi họ chưa xem giấy triệu tập hoặc email. Trong bối cảnh đó, nhà cầm quyền Nga đã thắt chặt các hạn chế ra nước ngoài đối với các thanh niên trong độ tuổi có thể bị gọi nhập ngũ.
Bên cạnh những trở ngại của người Nga, người Palestine ở dải Gaza cũng không được phép đến Giêrusalem để tham dự Tuần Thánh Chính Thống Giáo.
Bộ trưởng Haim Katz cho biết dù có ít người Nga tham dự, và không có các tín hữu từ dải Gaza, con số các tín hữu đến Giêrusalem năm nay vẫn đông hơn năm ngoái. Khung cảnh rất khác so với thời đại dịch coronavirus, Nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem đã mở cửa cho công chúng vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh Chính Thống Giáo để cho phép các tín hữu tham dự nghi thức đón lửa thánh tại địa điểm Chúa Giêsu đã bị đóng đinh và đã phục sinh. Bầu không khí cử mừng tràn ngập khu vực này khi hàng loạt tín hữu đi qua cánh cửa gỗ khổng lồ của nhà thờ.
Năm 2000 là một lễ Phục sinh vắng lặng, không có bao nhiêu người được tham dự trong bối cảnh nhà thờ Thánh Mộ cửa đóng then cài. Năm 2021 và 2022, tình hình tốt hơn nhiều, cánh cửa rộng mở khiến các tín hữu cảm thấy hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo và Giáo Hội Armenia Tông Truyền gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection - nằm phía bên trong bức tường than khóc trong khu vực cổ thành Giêrusalem, kế cận với đồi Golgotha. Theo truyền thống, nhà thờ đã được xây dựng trên khu mộ Chúa Giêsu đã được táng xác.
Trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đây được xem là nơi thánh thiêng bậc nhất của Kitô Giáo. Thế nhưng đến thế kỷ thứ hai, hoàng đế Hadrianus đã cố ý cho đổ đất lấp hết những dấu tích của Kitô giáo, rồi xây đền thờ nữ thần Aphrodite, là một thứ nữ thần sắc đẹp như kiểu thần Vệ Nữ.
Sau khi đón nhận đức tin Công Giáo, năm 325, Đại Đế Constantine đã truyền phá hủy đền thờ nữ thần Aphrodite và cho đào bới khu vực này để tìm lại các dấu tích thánh thiêng của Kitô Giáo. Mẹ nhà vua là nữ hoàng Helena đã hiện diện từ năm 326 tại địa điểm này để đích thân giám sát các cuộc khai quật và xây dựng nhà thờ mới.
Theo thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.
Truyền thống Chính Thống Giáo tin rằng hiện tượng Lửa Thánh là một phép lạ xảy ra hàng năm vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh theo lịch Chính Thống Giáo. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem được tin tưởng là nhận được lửa từ trời xuống bên trong ngôi mộ Chúa.
Lúc 10 giờ sáng ngày thứ Bẩy 15 tháng Tư, theo truyền thống, cảnh sát Do Thái đã vào trong Edicule, là ngôi đền nhỏ bên trong đền thờ Thánh Mộ, bao bọc khu hầm mộ Chúa, lục soát để bảo đảm rằng bên trong không hề có vật dụng gì có thể tạo ra lửa.
Đúng 11 giờ, thanh tra cảnh sát Do Thái niêm phong Edicule.
Nghi thức bắt đầu lúc 12 giờ trưa với kinh cầu Các Thánh. Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp và các Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp đến trước Edicule. Ngài cởi bỏ phẩm phục bên ngoài và chịu sự khám xét của cảnh sát Do Thái để chứng minh rằng ngài không hề mang theo bất cứ vật dụng nào có thể tạo ra lửa. Sau đó, chỉ một mình ngài được vào trong Edicule, hai tay cầm hai bó nến.
Đức Thượng Phụ qùy cầu nguyện trước tấm đá cẩm thạch bao bọc chiếc giường bằng đá nơi thi thể Chúa được an táng. Các tín hữu Chính Thống Giáo hiệp thông qua các phương tiện truyền thông hồi hộp theo dõi, lo sợ hiện tượng này không xảy ra trong năm nay.
Sử sách ghi lại năm 1101, là năm hiện tượng này không xảy ra, và đó là năm đại dịch kinh hoàng.
Một lúc sau, ánh lửa bắt đầu phát ra từ bên trong ngôi mộ của Chúa Kitô. Các tín hữu Chính Thống Giáo trên toàn thế giới thở phào nhẹ nhõm, chứa chan hy vọng đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, cùng với chiến tranh sẽ sớm chấm dứt.
Đức Thượng Phụ tiến ra với hai bó nến được thắp sáng. Hai người phải kè hai bên ngài để dìu ngài đi. Có lẽ sức nặng tâm lý đã khiến ngài bước đi không nổi.
Đền thờ Thánh Mộ đã được thắp sáng với những ánh nến huy hoàng.
Những người hành hương và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo cho biết trong 33 phút đầu tiên lửa này không hề làm phỏng họ nếu họ giơ tay trên ngọn lửa.
Theo truyền thống Lửa Thánh sau đó được rước đến Bethlehem, nơi Chúa xuống thế làm người.
Trong những năm trước, chính quyền Do Thái đã dàn xếp các chuyến máy bay đặc biệt để đưa lửa thánh đến các quốc gia Chính Thống Giáo như Nga, Ukraine, Hy Lạp, Rumani. Các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo và cả các nhà lãnh đạo dân sự ra tận sân bay đón nhận. Năm nay, do ảnh hưởng của chiến sự, lửa thánh đã không được đưa đến Ukraine.
2. Israel hủy bỏ giấy phép ra khỏi Gaza nhân lễ Phục sinh Chính thống
Nhà cầm quyền Israel đã hủy bỏ giấy phép ra khỏi miền Gaza đã cấp cho các tín hữu Kitô, nhân dịp lễ Phục sinh Chính thống giáo vào cuối tuần này.
Hãng tin Asia News truyền đi ngày 12 tháng Tư vừa qua cho biết, trang mạng giáo xứ Chính thống thánh Porphyrios ở Gaza đưa tin này và nói rằng hiện thời không có giải thích chính thức nào từ phía chính quyền Israel về biện pháp này. Bộ dân sự vụ của Palestine thông báo tin này cho cộng đoàn Chính thống địa phương.
Trong thời gian qua, ít nhất 700 tín hữu Kitô ở miền Gaza đã được phép của Israel đến Giêrusalem vào dịp lễ này. Số giấy phép tương tự cũng đã được cấp cho các tín hữu Kitô vào dịp lễ Giáng Sinh năm vừa qua.
Theo một số nguồn tin địa phương, trong số những lý do là vì có những căng thẳng gần đây tại Gaza, Liban và Syria, vùng biên giới với Israel, với những vụ phóng hỏa tiễn, chạm súng, và những vụ oanh kích của không quân Israel.
Biện pháp hủy bỏ này được coi là một “cú đánh” mới đối với tự do tôn giáo của các tín hữu Kitô ở Gaza và Thánh địa, vốn đã bị ảnh hưởng tiêu cực vì những căng thẳng và những cuộc tấn công trong thời gian gần đây chống các dinh thự biểu tượng và nơi thờ phượng.
Miền Gaza có khoảng hai triệu dân cư, hầu hết là người Hồi giáo, ở dưới sự kiểm soát của lực lượng Hamas, bị Israel coi là một tổ chức khủng bố. Cách đây 10 năm, có khoảng 3.000 tín hữu Kitô tại đây, nhưng nay chỉ còn lại khoảng 1.000 người, đa số thuộc Chính thống giáo. Một phần nhỏ giáo xứ Thánh Gia, là họ đạo Công Giáo duy nhất tại đây. Hàng năm vào dịp lễ Giáng Sinh và Phục sinh, các Kitô hữu phải làm đơn với nhà cầm quyền Israel để có thể tới Giêrusalem hay Bethlehem hầu tham dự các buổi lễ hoặc viếng thăm thân nhân bạn hữu.
3. Hơn 50 linh mục bị thiệt mạng vì bạo lực tại Mễ Tây Cơ
Từ năm 2016 đến nay, có hơn 50 linh mục tại Mễ Tây Cơ bị các băng đảng ma túy giết chết hoặc vì đã phê bình họ, hoặc bị kẹt giữa các vụ đụng độ giữa các băng đảng với nhau.
Vì thế, có người đã đặt câu hỏi: Phải chăng tại Mễ Tây Cơ, chọn con đường ơn gọi linh mục là quyết định có rất nhiều rủi ro tại nước này, hoặc tại nơi khác?
Ký giả Will Grant, phóng viên của đài BBB, Anh quốc tại Mễ Tây Cơ, đã đăng một bài hôm mùng 08 tháng Tư vừa qua, về nạn giết hại giáo sĩ tại nước này. Ông kể lại trường hợp cha Miguel Pantaleon, 28 tuổi, sau khi cử hành thánh lễ mở tay, trong một nhà thờ đông chật người ở thành phố Rincón del Carmen, miền tây Mễ Tây Cơ, vùng này được gọi là “Tierra Caliente”, Đất Nóng, có nhiều linh mục bị giết và là nơi liên tục xảy ra những cuộc đụng độ giữa hai băng đảng ma túy: “Tân thế hệ Jalisco” và “Gia Đình Michoacana”. Cảnh sát địa phương ít khi chống lại các tội ác này và chỉ ra tay hành động đối với những vụ đặc biệt quan trọng.
Cha Pantaleon kể: “Đối với tôi, làm linh mục tại Vùng Đất Nóng này có nghĩa là yêu thương. Dân chúng sống tại đây bị thương tổn rất nhiều, họ đau khổ, và nếu chúng ta đáp lại tiếng gọi của Chúa, chúng ta trở thành dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa đối với họ. Tôi biết một ngày kia, tôi sẽ phải đương đầu, diện đối diện, với những kẻ phạm pháp ấy. Nhưng thay vì đụng độ, điều quan trọng hơn là chứng tỏ “khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa cũng yêu thương họ”.
Cha Pantaleon cũng kể lại đời sống ở chủng viện thuộc khu ngoại ô thành phố Ciudad Altamirano. Mỗi ngày, 18 chủng sinh tham dự thánh lễ ban sáng tại nhà nguyện chủng viện. Để tới nhà nguyện, các thầy phải đi qua nghĩa trang các linh mục bị sát hại, và để ý thức rằng có những rủi ro nguy hiểm họ có thể gặp phải.
Có một bia mộ mang tên cha Habacuca Hernandez Benitez, sinh ngày 16 tháng Giêng năm 1970, bị giết ngày 13 tháng Sáu năm 2009, lúc mới 39 tuổi. Dân chúng ở đây coi cha là vị tử đạo. Trong năm đó, một cuộc “chiến tranh” dữ dội xảy ra giữa các băng đảng và còn kéo dài đến nay. Cho đến bấy giờ, các băng đảng hành động kín đáo. Cha Hernandez đang đi xe đến dự một cuộc gặp gỡ giới trẻ cùng với hai chủng sinh. Đến một chỗ, xe bị những người võ trang bao vây, họ buộc mỗi người phải ra khỏi xe và bắn chết họ mà không nói một lời nào.
Dịp lễ Giáng Sinh năm 2014, anh họ của cha Hernandez là cha Gregorio, cũng chịu chung số phận. Một nhóm thuộc băng đảng ma túy đột nhập vào phòng của cha ở chủng viện, lấy khăn bịt miệng và mũi cha làm cha nghẹt thở. Có lẽ những kẻ tấn công muốn cha nộp tiền chuộc mạng, nhưng họ tính sai và thi hài của cha sau đó được tìm thấy trong một bụi cây gần chủng viện.
Cha Pantaleon nhận định rằng: “Dường như những biến cố như thế có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người trẻ và ngăn cản họ chọn cuộc sống nguy hiểm này. Nhưng sự việc xảy ra trái ngược: những linh mục bị giết trở thành nguồn cảm hứng, không phải chỉ cho người trẻ mà thôi. Một thanh niên là anh Antonio Ábelez 19 tuổi, giải thích rằng: “Đó là những dấu hiệu rõ ràng dễ hiểu đối với chúng ta. Cái chết có vẻ là “bất công” của linh mục kích thích chúng ta can đảm hơn”.
Giám đốc Đại chủng viện ở Rincón del Carmen, cha Antonio Reinoso, nhấn mạnh rằng: “trong chương trình huấn luyện của chúng ta, điều quan trọng là phát triển nhân đức thận trọng khôn ngoan nơi các linh mục mới. Điểm nhấn là, trong tư cách là linh mục, họ phải rao giảng Tin mừng và đặc biệt tránh phê bình trên tòa giảng những người lãnh đạo. Những tổ chức tội phạm có hàng ngàn cái đầu. Các linh mục của chúng ta không thể giải quyết vấn đề này nhưng dựa trên đức tin, họ có thể chống lại tội phạm ấy”.