Đứng trước sự phân hóa hay phân cực rõ rệt trong Giáo Hội Công Giáo hiện nay, nhiều người Công Giáo tỏ ra bi quan, không hiểu trong tương lai, điều gì sẽ xẩy ra cho Giáo Hội mà họ hằng thiết tha yêu mến nhưng dường như đang lao xuống vực thẳm. Tuy nhiên, xét theo lịch sử, Giáo Hội Công Giáo từng trải qua nhiều giai đoạn có khi còn bi đát hơn hiện nay nhiều.

Callum G. Brown Callum, giáo sư lịch sử tôn giáo và văn hóa tại Phân Khoa Nhân Văn của Đại Học Dundee, Tô Cách Lan, trong bài “What was the Religious Crisis of the 1960s?”, đăng trên Journal of Religious History, bộ 34 số 4, Tháng Mười Hai năm 2010, đã tỉ mỉ vẽ lại cuộc khủng hoảng của Kitô giáo và nhất là Giáo Hội Công Giáo trong thập niên 1960, một cuộc khủng hoảng có tác giả gọi là “cuộc khủng hoảng sau cùng của Thế giới Kitô Giáo” (xem nguyên văn tại:https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1467-9809.2010.00909.x).

Trong lời giới thiệu, ban biên tập của Journal of Religious History cho rằng cuộc khủng hoảng của những năm 1960 giờ đây là trung tâm của các cuộc tranh luận về sự thay đổi tôn giáo và thế tục hóa trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, bản chất của cuộc khủng hoảng vẫn còn gây tranh cãi. Sử dụng cuốn sách The Religious Crisis of the 1960s (2007) của Hugh McLeod làm điểm khởi đầu, bài viết này khám phá những vấn đề khiến các học giả chia rẽ — nguồn gốc và thời gian của cuộc khủng hoảng (đó là cuộc cách mạng hay sự tiến hóa? ); nó được tạo ra nhiều hơn bởi sự phát triển bên trong các Giáo Hội Kitô giáo hay bởi sự phát triển bên ngoài chúng; và tầm quan trọng tương đối của Kitô giáo cấp tiến so với Kitô giáo bảo thủ trong sự phát triển và di sản của cuộc khủng hoảng là gì? Nó lập luận rằng sự thế tục hóa của thời kỳ này nên được coi chủ yếu là một sự kiện bất ngờ và gây sốc, dựa trên các mối đe dọa từ bên ngoài, và được phản ảnh trong các giáo hội, sự phân chia giữa những người cấp tiến và những người bảo thủ theo những cách ngày càng trở nên hiếu chiến hơn khi thế kỷ trôi qua.



Sự sụp đổ hiện đại của văn hóa và thực hành Kitô giáo ở châu Âu chắc chắn là một trong những thay đổi lịch sử lớn nhất. Trọng tâm của nó là một cuộc khủng hoảng vào những năm 1960, một cuộc khủng hoảng đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng vì vai trò của nó trong việc khởi xướng các xu hướng trong tôn giáo đương thời.(1)Tuy nhiên, mặc dù có sự nhất trí đáng kể về tầm quan trọng và thậm chí mức độ nghiêm trọng của tác động đối với Kitô giáo trong thập niên đó, có sự bất đồng đáng kể về bản chất chính xác của những gì đã thực sự xảy ra.

Trong cuốn sách The Religious Crisis of the 1960s của mình, Hugh McLeod cho đến nay đã cung cấp bản tường trình chi tiết nhất, có tính so sánh và ở nhiều khía cạnh, là giải trình có sắc thái nhất về những gì đã xảy ra với Kitô giáo ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Úc. Ông mô tả “những năm sáu mươi kéo dài” từ năm 1958 đến năm 1975 là “cuộc khủng hoảng cuối cùng của Thế giới Kitô giáo”. Ông viết: “Trong lịch sử tôn giáo của phương Tây, những năm này có thể được coi là đánh dấu một sự rạn nứt sâu xa như sự rạn nứt do Phong trào Cải cách gây ra.” (2) Mặc dù ông vẽ những hình ảnh rất chi tiết về từng quốc gia (và đôi khi theo từng khu vực) của các sự kiện trong thời kỳ đó, tường thuật của ông có ba đặc điểm quan trọng. Đầu tiên, ông tìm cách xác định “cuộc khủng hoảng” của những năm 60 trong các xu hướng cải cách, chủ nghĩa cấp tiến, tư tưởng chính trị và thần học cấp tiến bên trong các Giáo Hội Kitô giáo, mặc dù liên quan đến một số xu hướng tương tự trong xã hội “thế tục”, nhưng đã tạo nên sự sôi nổi của một Kitô giáo nhân văn nhân từ. Đồng thời, mặc dù ông xem xét những thách thức bên ngoài đối với vị trí của Kitô giáo ở những quốc gia này, nhưng về tổng thể, ông lại đánh giá thấp chúng; ông làm thế đặc biệt trong tương quan với tác động của cuộc cách mạng tình dục và giải phóng phụ nữ. Thứ hai, có một sự căng thẳng trong giải trình của McLeod giữa yếu tố đột ngột — đặc điểm “đứt đoạn” mà ông mô tả ở trang đầu tiên, và được ông quay đi quay lại liên tục — và tầm nhìn duy tiệm tiến dài hạn về quá trình thế tục hóa làm nền tảng cho giải trình ở nhiều điểm khác nhau và trong đó ông là người quảng bá nhất quán nhất trong cộng đồng lịch sử trong ba mươi lăm năm. (3)Và bao lâu còn phát hiện ra một sự đứt đoạn, ông định vị nó trong vòng “những năm sáu mươi kéo dài” vào hai năm, 1967 và 1968, thay vì sớm hơn trong giai đoạn này. Thứ ba và cũng là cuối cùng, ông hạ thấp ảnh hưởng của Kitô giáo bảo thủ trong thời kỳ này. Điều này được thấy rõ nhất khi ông bác bỏ tầm quan trọng của nhà vận động nổi tiếng người Anh cho có những chương trình truyền hình “sạch”, Mary Whitehouse, người mà ông mô tả là “không phải là người đại diện.” (4) Mặc dù ông thừa nhận rằng kết quả của cuộc khủng hoảng là “sự kết liễu của Thế giới Kitô giáo,” trong đó “ngôn ngữ chung” của tôn giáo đang không còn thịnh hành ở những quốc gia này, kết quả là một cuộc xuất hành từ quốc gia Kitô giáo sang quốc gia thế tục—một cuộc xuất hành được McLeod dường như tán thành.

Điều cực kỳ quan trọng là phải xem xét có phê phán cách miêu tả phức tạp và có lập luận chặt chẽ của McLeod về cuộc khủng hoảng của những năm sáu mươi. Xét về nhiều mặt nó có sức thuyết phục cao. Nhưng trong một số khía cạnh, nó có thể thiếu sót.

Cách mạng hay biến hóa

Cảm thức về sự thay đổi đột ngột đối với vị thế của tôn giáo trong xã hội, văn hóa và chính trị trong thập niên 1960 đã được phần lớn các tác phẩm nghiên cứu chứng thực. David Hilliard, trong số những người đầu tiên điều tra “cuộc khủng hoảng tôn giáo”, thấy rằng cảm thức giảm sút tôn giáo ở châu Úc đã lên cao sau một giai đoạn tăng trưởng tôn giáo rất mạnh trong thập niên 1950. Ở tiểu bang Victoria, chẳng hạn, tỷ lệ dân chúng của các Giáo Hội Thệ phản hàng đầu tăng từ 11.9 phần trăm năm 1947 lên 12.5 phần trăm năm 1961, nhưng rồi giảm xuống còn 10.7 phần trăm năm 1971 và 8.9 phần trăm năm 1976. (5) Ở Gia Nã Đại, Stuart Macdonald cho thấy 3 trong các hệ phái Thệ phản lớn đã theo mô hình giống như ở Anh, đó là sự thay đổi đột ngột từ sự phát triển của thập niên 50 sang sự suy giảm thường trực của thập niên 60. (6) Peter van Rooden lưu ý rằng vào đầu những năm 1960, người Hòa Lan là những người đi nhà thờ nhiều nhất trong số các dân tộc châu Âu, với 80 phần trăm tuyên bố thuộc về một Giáo Hội và gần ba phần tư tuyên bố tham dự ít nhất một buổi lễ vào Chúa nhật mỗi tháng; tỷ lệ người Hoà Lan tuyên bố không theo Giáo Hội nào đã tăng từ dưới 25% năm 1971 lên gần 50% năm 1986, một xu hướng mà ông cho là bắt nguồn từ cuộc cách mạng văn hóa những năm 1960, dẫn đến việc người Hòa Lan, theo ông, là quốc gia thế tục hóa nhất châu Âu vào đầu những năm 1990. (7) McLeod trình bày một loạt dữ kiện cho thấy sự suy giảm trên khắp châu Âu: những người Công Giáo tham dự thánh lễ giảm từ 43% xuống 33% ở Bỉ từ năm 1967 đến 1976, giảm từ 23% xuống 17% ở Pháp từ năm 1966 đến 1972, Người Anh rước lễ vào Phục Sinh giảm xuống còn 24%, và theo Giáo hội của những người rước lễ Tô Cách Lan giảm xuống còn 11%. (8) Có một số luật trừ đối với hình ảnh thay đổi đột ngột khởi đầu trong thập niên 1960, đặc biệt trong Đạo Công Giáo, nơi mặc dù có sự sút giảm về số các linh mục và nữ tu, nhưng nói chung, mười năm sau,(9) và tại Hoa Kỳ, có sự hồi sinh tôn giáo từ giữa những năm 1970 trở đi, khác với kinh nghiệm của châu Âu.(10) Ngoài ra, nhiều chỉ số ở các nước châu Âu cho thấy sự sút giảm dài hạn hơn về lòng đạo; không những vì sự sút giảm chậm hơn so với thập niên 1960, mà đại đa số việc sút giảm tổng thể về con số thành viên, phép rửa và phép cưới sau năm 1850 chỉ xẩy ra sau năm 1960. Patrick Pasture chắc chắn đã đúng khi mô tả tác động của những năm 1960 đối với châu Âu: “Điều thực sự xảy ra chủ yếu là một sự đứt đoạn có tính nền tảng đối với lịch sử.” (11)

Bất chấp những khác biệt này, những năm 60 chắc chắn là một cú sốc đối với Thệ phản và Công Giáo ở cả châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng giải trình của McLeod về cuộc khủng hoảng Kitô giáo chứa đựng sự căng thẳng giữa sự rạn nứt đột ngột và tính tiệm tiến. Mặc dù nói tới “sự kết liễu của Thế giới Kitô giáo” và “sự đứt đoạn” trong lịch sử tôn giáo trong tương quan với những năm sáu mươi, McLeod đã lập luận rằng tác giả bài này và Patrick Pasture mỗi người đã phóng đại những gì đã xảy ra bằng cách “thổi phồng sự nổi bật của Kitô giáo” trong thế kỷ XIX và trong nửa đầu thế kỷ XX. Ngược lại, McLeod nhấn mạnh “lịch sử tiền thân của sự xa lánh Giáo Hội của các bộ phận quan trọng của dân số đã bắt đầu từ thế kỷ thứ mười tám.”(12) Giải trình được McLeod sử dụng là sự kết hợp của hai cách tiếp cận. Ông viết, “Tôi từng lập luận rằng những biến động tôn giáo của những năm 1960 phải được nhìn trong bối cảnh của những phát triển dài hạn hơn nhiều ở các xã hội phương Tây, bao gồm một cách đáng chú ý sự gia tăng khoan dung tôn giáo kể từ thế kỷ XVII, những lời chỉ trích Kitô giáo đã có từ thế kỷ 18, các phong trào giải phóng chính trị từ năm 1789, và các thay đổi trong suy nghĩ về đạo đức và đạo đức tình dục, đặc biệt là từ khoảng năm 1890.” Ngoài ra, ông coi cuộc cách mạng lập pháp cấp tiến về phá thai, ly hôn, quyền của người đồng tính và tránh thai có từ thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến. (13) Trong việc lần trở lại các thời kỳ sớm hơn, McLeod nhấn mạnh vị trí của các ý tưởng được lưu hành giữa các nhóm trí thức cấp tiến, cả bên trong lẫn bên ngoài các Giáo Hội, những người đã vận động để thay đổi cả Giáo Hội lẫn nhà nước. Mặc dù tác giả bài này có xu hướng đồng ý với quan niệm chung của ông về việc thế tục hóa (14), nhưng việc ông dành ưu thế trong đó cho hiện tượng trí thức do giới tinh hoa lãnh đạo sẽ có xu hướng làm xói mòn các khía cạnh cách mạng và tác nhân lịch sử của những người “bình thường”, khỏi giải trình lịch sử. Cuốn sách của McLeod đề cao nhưng cuối cùng lại loại bỏ sức mạnh của quần chúng trong sự thay đổi tôn giáo, chuyển nhân quả từ các lực lượng xã hội sang các cuộc cách mạng trí thức đã được lên khuôn. Thật vậy, trong giải trình của McLeod, có một cảm thức tiềm ẩn về một âm mưu cấp tiến trong nhiều thập niên để thành lập một xã hội Kitô giáo mới. Có lẽ âm mưu đó đã xảy ra, nhưng nó có phải là nguyên nhân của kết cục không?

Nếu người ta chuyển viễn ảnh từ việc thế tục hóa dựa trên ý tưởng sang sự thay đổi văn hóa dựa trên đại chúng, thì ở hầu hết các quốc gia từng trải qua “cuộc khủng hoảng tôn giáo”, chúng ta phải chuyển từ việc nghĩ đến biến hóa sang việc nghĩ đến cách mạng. Sự thay đổi thế tục trong văn hóa đại chúng có vẻ đột ngột hơn nhiều so với sự biến hóa của thần học cấp tiến.

Chắc chắn, một số khía cạnh của sự thay đổi có tính dài hạn. Sự suy giảm số người đi nhà thờ bắt đầu ở Anh, Đức và Bắc Âu từ cuối thế kỷ 19, chậm lại hoặc thậm chí đảo ngược vào những năm 1940 và 1950, nhưng ở các quốc gia khác bao gồm Hòa Lan và hầu hết các quốc gia Công Giáo, bất cứ sự suy giảm nào về số người đi nhà thờ đều do những năm 1960 hoặc 1970. Clive Field lập luận rằng bằng chứng thăm dò dư luận về việc đi nhà thờ ở Luân Đôn từ năm 1947 đến 1994 cho thấy hầu như không có thay đổi nào về tỷ lệ tuyên bố đi nhà thờ hàng tuần (khoảng 12–16%) và tỷ lệ tuyên bố không bao giờ hoặc gần như không bao giờ đi nhà thờ (vào khoảng 46–60 phần trăm).(15) Tuy nhiên, phải nói rằng cảm thức khủng hoảng mạnh đến mức hàng giáo phẩm hoàn toàn xác tín rằng số người tham dự đã xuống dốc vào những năm sáu mươi; một hội nghị đặc biệt của Giáo hội Anh ở Oxford vào năm 1964 để xem xét sự canh tân đã được thông báo rằng chỉ còn lại “một số ít” trên băng ghế nhà thờ.(16) Một số kết quả nghiên cứu minh họa các khía cạnh khác của sự suy giảm của Kitô giáo kể từ năm 1945, nhưng chúng không nhất thiết trực tiếp đồng nhất với thập niên 1960.(17)

Nhưng việc đi nhà thờ chỉ là một chỉ số trong việc thực hành Kitô giáo; dường như tất cả các chỉ số khác của Kitô giáo do Anh tổ chức đều cho thấy sự thay đổi rõ rệt hơn, chủ yếu là vào những năm 1960. Trong giai đoạn 1963–1969, số thêm sức của Anh giáo trên đầu người giảm 32% và số người được phong chức giảm 25%, trong khi số thành viên giảm 24% trong giai đoạn 1960–1975. Đây là một cú sốc đối với các Giáo Hội, như Adrian Hastings đã nhận xét, bởi vì số liệu thống kê về Giáo Hội trong thời kỳ giữa hai thế chiến đã bị đảo ngược “một cách chắc chắn” vào những năm 1950. (18) Phép rửa trong Giáo Hội Anh Giáo đạt tới tuyệt đỉnh vào năm 1927 và vẫn còn rất cao cho tới những năm hậu chiến; thậm chí vào năm 1950, nó còn cao hơn (ở mức 632 trên 1,000 ca sinh còn sống) so với hầu hết các năm trong quý đầu tiên của thế kỷ. (19) Dữ kiện về số thành viên của Giáo hội cho thấy hiệu suất mạnh mẽ hơn nhiều trong những năm 1940 và 1950. Phần trăm dân số rước lễ trong Ngày lễ Phục sinh của Giáo Hội Anh cho thấy mức giảm lớn nhất trong thế kỷ xảy ra vào những năm 1962–1964. Tỷ lệ các cuộc hôn nhân được tổ chức long trọng theo tôn giáo, mặc dù cho thấy sự thay đổi dần dần từ đầu thế kỷ, nhưng, ở Anh và xứ Wales, đã trải qua sự sụt giảm đáng kể đầu tiên sau chiến tranh trong giai đoạn 1962–1967, trong khi ở Tô Cách Lan nó diễn ra trong các năm 1961–1962. Trong khi tỷ lệ đăng ký học trường Chúa nhật trên đầu trẻ em của Giáo hội Anh giảm nhẹ trong suốt những năm cuối thập niên 40 và 50, thì tỷ lệ bất đồng tăng lên cho đến năm 1951 và chỉ bắt đầu giảm mạnh vào năm 1956; các học giả tại các trường Giáo hội Trưởng lão Tô Cách Lan đã tăng tỷ lệ trẻ em cho đến năm 1956, khi tỷ lệ này bắt đầu giảm, bước vào một sút giảm mạnh vào đầu những năm 1970. Những dữ kiện này và các dữ kiện khác chứng minh bản chất khá toàn diện của sự sụp đổ của nền văn hóa Kitô giáo vào những năm 1960.

Trong những năm sáu mươi, những ngày quan trọng “được ưa chuộng” đã được đưa ra. Trong trường hợp của Anh, có rất nhiều lựa chọn thay thế. Đối với các nhà bình luận văn hóa, phiên tòa xét xử Lady Chatterley năm 1960, hay điều mà Bernard Levin gọi là “cơn thịnh nộ thần thánh” đối với một phụ nữ khỏa thân tại một hội nghị văn học ở Edinburgh năm 1963, nổi bật hẳn. (20) Các nhà bình luận khác đã chọn năm 1963 làm bước ngoặt văn hóa – một số lấy hứng từ dòng mở đầu bài thơ “Annus Mirabilis” [năm tuyệt vời] của nhà thơ Anh Philip Larkin về quan hệ tình dục không bắt đầu cho đến năm 1963, một số lấy cảm hứng từ vụ tai tiếng Profumo, trong đó ngoại trưởng Anh bị buộc phải từ chức vì nói dối trước Quốc hội về việc ngoại tình với một phụ nữ có liên quan với tùy viên quân sự tại đại sứ quán Liên Xô, và một số người như Robert Hewison cảm thấy những năm sáu mươi thậm chí không bắt đầu cho đến năm 1963. (21) Tác giả bài này lấy năm 1963 khi nền văn hóa Kitô giáo, trong tư cách nét bá chủ của xã hội Anh, chết yểu và thúc đẩy nhiều tuột dốc sắc nét cho lòng đạo và tính bảo thủ xã hội. (22) Ngược lại, Hugh McLeod từng nói rằng “nếu chọn một năm để đánh dấu bước ngoặt thì đó phải là năm 1967,” mặc dù ông cũng đưa ra cả một chương có tựa đề “1968” trong đó ông cổ vũ lòng yêu thích “những người 68” vì những di sản của họ trong năm mở chiến dịch đó, đặc biệt là dựa trên các biến ở Paris. (23) Sự thay đổi bước ngoặt này rất quan trọng. Càng được xác định muộn, nó càng có vẻ như ngụ ý dành ưu tiên cho các ý tưởng, giới tinh hoa cấp tiến và sự thay đổi lập pháp, khi tích lũy, dẫn đến một thách thức cộng hưởng đối với chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo và chính trị vào cuối những năm 1960. Nhưng lý lẽ bênh vực phải là các ý tưởng được dẫn dắt bởi các hành động của quần chúng. Điểm này càng được nhận diện sớm thì nó càng làm nổi bật nguồn gốc bình dân của ý nghĩa những năm sáu mươi – càng làm nổi bật hành động của những người bình thường trong việc phát triển một nền văn hóa thế tục mới bao gồm tự do xã hội, âm nhạc đại chúng và quyền tình dục và phái tính.



Mặc dù đặc điểm cuộc nổi dậy của những năm sáu mươi khác nhau giữa các quốc gia, lý lẽ bênh vực sự thay đổi đầu những năm sáu mươi chắc chắn là mạnh mẽ. Theo cách nói của nhà sử học Adrian Hastings, từ chỗ bảo thủ, sự thay đổi đã trở thành “cấp tiến vô định hình hơn” — điều mà ông mô tả là “chống chủ nghĩa tinh hoa, thoải mái, thậm chí ngây ngất, tự thỏa mãn, tự do”: chữ đúng là “‘buông thả’ [permissive]— về phương diện tình dục, nghệ thuật, toàn bộ thế giới của đời sống xã hội và trí thức.” Ông cho rằng điều này một phần là do chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa hoài nghi đang gia tăng, và quan điểm chống Giáo hội và “thế giới giai cấp có cấu trúc” của nhóm The Beatles. (24) Trong sự thay đổi đó, dường như ông đổ lỗi một phần cho chủ nghĩa Mác, nhưng ông cũng thừa nhận “một phong trào thế tục hóa căn bản - sự suy giảm trong bất cứ hình thức cam kết nào với Giáo hội của những người bình thường.” (25) Vai trò đó của những người bình thường chắc chắn là điều khiến những năm 60 trở thành một cuộc cách mạng chứ không phải chỉ là sự biến hóa đơn thuần.

Khủng hoảng bên trong và bên ngoài

Phần lớn các bài viết có tính lịch sử về cuộc khủng hoảng tôn giáo đều tiếp nhận “cái nhìn nhà thờ” khá mạnh mẽ. Viễn ảnh là nói về cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến các Giáo Hội Kitô giáo. Trong bài báo tiên phong của David Hilliard phân tích cuộc khủng hoảng tôn giáo vào những năm 1960 ở Úc, phần lớn trong đó nhấn mạnh đến việc cải cách thần học, các cuộc tranh luận của Giáo Hội Công Giáo về thuốc tránh thai, sự suy giảm việc đi nhà thờ và việc tham dự các cuộc gặp gỡ thánh chiến của Billy Graham. Theo cách tương tự, Hugh McLeod nhấn mạnh việc cải cách giáo hội, thêm vào cảm thức khủng hoảng một lượng lớn thúc đẩy từ bên trong Kitô giáo. Đây là một hiện tượng khá phổ biến của việc viết về sự thay đổi tôn giáo, có lẽ không hoàn toàn vô lý. Nhưng trong giải trình này, Giáo Hội trở thành tác nhân chính dẫn đến sự suy tàn của chính nó - một hậu quả thậm chí còn nặng nề hơn khi thành quả của cuộc khủng hoảng tôn giáo được xác định là “không nhất thiết xấu xa”, hoặc thậm chí hơn thế nữa, thực sự còn là “những điều tốt lành” nữa.

Điểm cuối cùng này có thể được chứng minh chủ yếu thông qua ba đặc điểm của các giải trình về “khủng hoảng tôn giáo”: thứ nhất, ưu tiên coi nền thần học cấp tiến (đặc biệt là tác phẩm Honest to God [Trung thực với Thiên Chúa] năm 1963 của John Robinson và các ý tưởng Công Giáo cấp tiến cổ vũ cho Vatican II năm 1962–1965) như là sự báo trước và, qua ngụ ý, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng; thứ hai, tầm quan trọng của các Kitô hữu cấp tiến trong việc lãnh đạo các cuộc tấn công vào “tệ nạn” lớn của thời đại (đặc biệt là trong Chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân (CND), phản đối chiến tranh Việt Nam và Biafran, và phong trào chống phân biệt chủng tộc); và thứ ba, sự xói mòn của những hạn chế đối với các quyền tự do dân sự (chẳng hạn như kiểm duyệt, luật hình sự chống phá thai, đồng tính luyến ái và cờ bạc, và bãi bỏ các luật lệ về Chúa nhật và bắt buộc đi nhà thờ) qua việc loại bỏ ảnh hưởng chính trị bảo thủ của Kitô giáo. Các nét của giải trình này có một số biến thể phù hợp với các câu chuyện theo chủ đề và giáo phái; chẳng hạn, ở những chỗ khác McLeod sử dụng sự thay đổi thần học cấp tiến lâu dài để giải thích cho việc bãi bỏ án tử hình vào những năm sáu mươi. (26)

Điểm khởi đầu cho giải trình về cuộc khủng hoảng nội bộ thường là phiên tòa xét xử Lady Chatterley năm 1960. Sự kiện này được McLeod hình dung như một sự kiện trong đó những người cấp tiến và bảo thủ xung đột với nhau - gần như là một cuộc đấu đá nội bộ của người Anh giáo. (27) Nhưng điều này đã làm ngơ ý nghĩa mạnh mẽ hơn rằng nền văn hóa Kitô giáo thống trị đang bị thử thách. Mark Roodhouse gần đây đã cho thấy phiên tòa đã dẫn đến sự khác biệt như thế nào trong thần học đạo đức Anh giáo, phân cực Giáo hội Anh trong hơn một thập niên, và “làm suy yếu thẩm quyền đạo đức của Giáo hội và đẩy nhanh sự sụp đổ của những gì Ross McKibbin xác định là 'quy tắc nghi lễ' đặt căn bản trên Giáo lý Kitô giáo một cách lỏng lẻo.” (28) Vấn đề kiểm duyệt nằm ở trung tâm của nền văn hóa Kitô giáo cưỡng chế ở Anh. Các phiên tòa xử các cuốn sách trong những năm 1940 và 1950 diễn ra thường xuyên và phổ biến; vào năm 1950–1960, mười bảy tòa án khác nhau đã ban hành lệnh tiêu hủy đối với các ấn bản của riêng Lady Chatterley (và chín trường hợp khác không được chấp thuận vì lý do kỹ thuật). (29) Ngay cả sách của các tác giả y khoa cũng bị đưa ra xét xử. Năm 1941, bác sĩ tâm thần gốc Tô Cách Lan, Eustace Chesser, xuất bản cuốn Love Without Fear [yêu không sợ sệt], một tập sách được nhiều người đọc nhằm mục đích cải thiện đời sống hôn nhân thông qua việc loại bỏ sự thiếu hiểu biết về tính dục; nó đã bị truy tố vào năm sau vì tội tục tĩu, nhưng không bị kết tội bởi phiên tòa xét xử của bồi thẩm đoàn. (30) Ở cội rễ của kiểm duyệt có ba điều — tính dục, tôn giáo và sự ổn định xã hội. Hầu như tất cả các vụ truy tố đều dựa trên nội dung tình dục và cơ sở lập luận là hành vi tục tĩu trái với quy tắc tôn giáo của một quốc gia Kitô giáo. Động cơ xét xử được coi là để bảo vệ trật tự xã hội tốt đẹp của nhà nước; như công tố viên Mervyn Griffith-Jones của Lady Chatterley đã hỏi bồi thẩm đoàn, "Đó có phải là cuốn sách mà bạn muốn vợ hoặc người hầu của mình đọc không?" Văn hóa tôn giáo giữ nguyên hiện trạng. Theo cách này, bất kể các Kitô hữu cấp tiến như John Robinson đưa ra bằng chứng ủng hộ nhà xuất bản Penguin và những người khác trên cơ sở “có giá trị văn học”, thì ý nghĩa chính của Lady Chatterley vẫn là một thách thức đối với giới lãnh đạo Kitô giáo. (31)

Cảm thức thách thức bên ngoài này đối với nền văn hóa thống trị của Kitô giáo lan rộng như ngọn lửa trong những năm sáu mươi. Các cơ sở đang bị đe dọa ở nhiều nơi. Một hình thức đặc biệt ở Hòa Lan là sự sụp đổ của các “trụ cột” tôn giáo vốn ngăn cách “các thế giới” của người theo Calvin và người Công Giáo, theo đó, hầu như tất cả các khía cạnh của xã hội, chính trị và giải trí của Hòa Lan đã được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Peter van Rooden viết rằng “Sự ủng hộ phổ biến đối với những ranh giới rõ ràng như vậy đã bị hủy hoại bởi cuộc cách mạng văn hóa quốc tế vào những năm 1960, cuộc cách mạng bác bỏ các hình thức của thẩm quyền tổ phụ, vai trò phái tính truyền thống và đạo đức tính dục nghiêm khắc. Các phong trào tân Calvin và Công Giáo đã không thành công trong việc hội nhập nền văn hóa mới của giới trẻ....” (32) Áp lực cải cách bên trong và bên ngoài vào những năm 1960, thể hiện rõ ở Hòa Lan, cũng khuyến khích quá trình tan rã của các trụ cột Công Giáo, xã hội chủ nghĩa và cấp tiến ở Bỉ, trong khi ở Áo, Đức, Ý và Thụy Sĩ, những trụ cột Công Giáo chủ yếu xuất hiện ở thế kỷ 19 để bảo vệ đức tin trong môi trường Tin Lành cũng bắt đầu tan rã từ thập niên 1960.(33)

Quay trở lại Anh, Lady Chatterley vào năm 1960 đã báo trước thách thức lớn hơn đối với “giới lãnh đạo” – tức mạng lưới tích hợp nhà nước, cơ quan tư pháp, Giáo Hội, các giai cấp sở hữu đất đai và những người khác được coi là bóp nghẹt tự do và thay đổi. Chính cơ sở này đã được những người cấp tiến đánh dấu là cần lật đổ như một phần của thách thức đối với Kitô giáo có tổ chức. Chính việc xác định “tôn giáo” như một phần của quyền sở hữu đã tạo cho cuộc khủng hoảng tôn giáo cảm giác bị đe dọa từ bên ngoài. Tôn giáo đang là mục tiêu của nhiều thế lực khác nhau vì nó được coi là một phần của giai cấp lãnh đạo. Đằng sau nó là một hiện tượng xã hội thậm chí còn lan rộng và mạnh mẽ hơn - sự thờ ơ tôn giáo của giới trẻ, vốn là khách hàng của sự giễu cợt chống tôn giáo của hài kịch và âm nhạc đại chúng của thập niên trong các chương trình châm biếm bao gồm That Was the Week That Was Monty Python's Flying Circus và các album nhạc rock như Aqualung của Jethro Tull. Nhưng việc đả kích Kitô giáo có tổ chức ít báo hiệu sự lớn mạnh của chủ nghĩa thế tục chống tôn giáo có tổ chức cho bằng sự bác bỏ quyền kiểm soát của Giáo Hội và của cha mẹ. Như Hilliard đã kết luận về Úc: “Xa lạ với tôn giáo của cha mẹ họ, gần như cả một thế hệ thanh thiếu niên và thanh niên dường như đã rời bỏ các Giáo hội Thệ phản. Quá trình xã hội hóa theo đó sự thống thuộc tôn giáo truyền từ cha mẹ sang thế hệ tiếp theo đã bị phá vỡ.” (34)

Tình cảm này là phổ biến trong trước tác lịch sử gần đây, nhưng được phân tích không đầy đủ một cách kỳ lạ. Trong khi thần học mới và mối hiềm khích nội bộ về phá thai và thuốc tránh thai được thảo luận chi tiết, động lực thực sự của sự thay đổi trong giới trẻ phương Tây hiếm khi được xem xét kỹ lưỡng. Điều này kỳ lạ vì một số lý do. Đầu tiên, trong hầu hết các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng tôn giáo, một vị trí quan trọng đã được dành cho những yếu tố bên ngoài góp phần vào cuộc khủng hoảng. Sự sung túc và “cuộc nổi dậy” của những người trẻ tuổi được trưng dẫn trong hầu hết các cuộc tranh luận (kể cả một số chi tiết trong cuốn sách của McLeod), nhưng thường được giới thiệu như “bối cảnh” hoặc thành quả mặc nhiên của cuộc khủng hoảng nội bộ của Giáo Hội. Điều thiếu sót là việc phân tích lịch sử có tính điều tra về lòng thờ ơ, xa lánh và thù địch tôn giáo từ bên ngoài. Và cơ chế qua đó sự sung túc có thể đã làm xói mòn nền văn hóa Kitô giáo bằng sự bất nhất như vậy - vào những năm 70 và 80 ở Châu Âu, nhưng không phải ở Hoa Kỳ, và không đồng đều trong suốt thế kỷ ở bất cứ đâu - vẫn chưa được thăm dò.

Nếu nguyên nhân bên ngoài của cuộc khủng hoảng tôn giáo được xem xét một cách nghiêm túc, thì cần phải xem xét chi tiết bằng chứng được thu thập bởi các cuộc điều tra của Giáo Hội và xã hội vào thời điểm đó, nhiều cuộc điều tra trong số này lấy yếu tố bên ngoài của cuộc khủng hoảng làm điểm xuất phát. Thí dụ, một loạt năm cuộc điều tra mở rộng đã được thực hiện bởi Geoffrey Gorer, Eustace Chesser và Martin Schofield trong khoảng thời gian từ 1951 đến 1972, coi cuộc cách mạng tình dục là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái tôn giáo ở Anh. (35) Bernice Martin, vào đầu những năm 1980, đã đưa ra phân tích xã hội học mang tính suy đoán rằng “cuộc cách mạng diễn cảm” kết hợp nghệ thuật và âm nhạc của giới trẻ, cũng như các phong trào tôn giáo mới, là rất quan trọng để vẽ lại bản đồ tôn giáo của những năm 1960: ở tâm điểm nền văn hóa phản kháng là cuộc tấn công thường cuồng tín vào các ranh giới và cấu trúc, một cuộc thập tự chinh để giải phóng Ariel, sự hỗn loạn bất tận, rõ ràng của thế giới hàng ngày.” (36) Điều này xứng đáng được một cuộc điều tra lịch sử thích hợp — qua phân tích diễn ngôn (một công cụ được sử dụng nhiều trong lịch sử xã hội và văn hóa, nhưng vẫn còn khá ít được sử dụng liên quan đến lịch sử tôn giáo của cuối thời cận đại), và qua lịch sử truyền miệng (bao gồm cả phân tích có tính phản xạ về sự thay đổi diễn ngôn). Một số nghiên cứu đã được thực hiện, bao gồm cả của McLeod, nhưng việc ông sử dụng các cuộc phỏng vấn khái quát của các học giả khác ít quan tâm đến tôn giáo, một số có từ những năm 1960 và 1970, sẽ không thay thế cho cuộc nghiên cứu tập trung mới về cách thế tục hóa đã xảy ra với đại đa số người trẻ. Cuối cùng, số liệu thống kê về sự suy giảm tôn giáo được trích dẫn nhiều nhưng, bất chấp các phương pháp thống kê tiên tiến được sử dụng bởi Giáo sư David Voas, (37) đã có sự xem xét lịch sử chặt chẽ không đáng kể về thời điểm và các mối tương quan qua lại. Liên quan đến các thời điểm, với các dữ kiện hàng năm về tư cách thành viên Giáo Hội, các phép rửa, các phép thêm sức và thậm chí trong một số trường hợp đối với việc tham dự nhà thờ hoặc thánh lễ, có thể nhận diện thời điểm và các khuynh độ [gradients] thay đổi rất chính xác. Các mối tương quan giữa các xu hướng tôn giáo và “thế tục” hoặc nhân khẩu học có thể được thăm dò về mặt thống kê, nhưng hiếm khi được thăm dò. (38)

Những người đã xem xét cuộc cách mạng văn hóa của những năm 1960 thường không đề cập đến tôn giáo và Giáo Hội một cách chi tiết. (39) Điều này càng đáng tiếc hơn khi các Giáo Hội là nạn nhân của một số thay đổi chuyên biệt được xem xét trong các nghiên cứu như vậy. Thí dụ, Willmott và Young đã nhận diện việc di cư ra thành thị là nguyên nhân phá vỡ mối liên hệ với Giáo Hội ở London, xác định chính xác sức mạnh của mối quan hệ mẹ và con gái trong một số lĩnh vực, một trong số đó có liên quan đến việc truyền lại tôn giáo. (40) Nhân khẩu học là một lĩnh vực kém khai triển đối với các nhà sử học xem xét quá trình phi Kitô hóa trong giai đoạn 1950–1975. Các sản phẩm lớn nhất của cuộc khủng hoảng tôn giáo thực sự có tính nhân khẩu học từ bản chất - sự suy giảm trong hôn nhân, hôn nhân tôn giáo, lễ rửa tội và tuân thủ Chúa nhật, và sự nở rộ của tự do tình dục, xu hướng tình dục mới, thay đổi phái tính và quyền của phụ nữ. Những điều này cần được thừa nhận như là một phần của giải trình. Đối với một nhà sử học về văn hóa, thế tục hóa không đứng ngoài những xu hướng này, mà là một phần chủ yếu của chúng. Đối với sử gia về tôn giáo, việc không truy tìm những mối tương quan nhân quả này có vẻ làm giảm bớt việc sự suy tàn của Thế giới Kitô giáo không chịu đi tìm các mối tương quan nhân quả này.

Còn 1 kỳ