Hàng ngàn người Ba Lan tham gia tuần hành hôm Chúa Nhật để bảo vệ Đức cố Giáo Hoàng, Thánh Gioan Phaolô II, sau khi một bộ phim tài liệu truyền hình cáo buộc rằng ngài che đậy việc lạm dụng tình dục trẻ em liên quan đến các giáo sĩ ở quê hương Ba Lan trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng.

Các cuộc tuần hành diễn ra ở Warsaw và các thành phố khác nhân kỷ niệm 18 năm ngày mất của Đức Gioan Phaolô. Cuộc tuần hành lớn nhất, được tổ chức tại Warsaw, với khẩu hiệu: “Ngài đã thức tỉnh chúng con, chúng con sẽ bảo vệ ngài”.

Những người tham gia đã cầu nguyện trước khi diễu hành phía sau thánh tích của Đức Gioan Phaolô ở thủ đô, dẫn đầu là chiếc xe giáo hoàng mà Đức Gioan Phaolô đã sử dụng trong các chuyến viếng thăm Ba Lan. Một số người tuần hành mang theo ảnh của Đức Gioan Phaolô II. Vì ngày kỷ niệm rơi vào Chúa Nhật Lễ Lá, nên họ cũng mang theo những các cành lá được dùng trong ngày lễ lá.

Bộ phim tài liệu điều tra được phát sóng vào tháng trước bởi TVN, một đài truyền hình độc lập thường chỉ trích chính phủ bảo thủ của Ba Lan. Nó trùng hợp với việc xuất bản cuốn sách có tên “Maxima Culpa” của một nhà báo người Hà Lan, Ekke Overbeek, cáo buộc rằng Đức Gioan Phaolô II đã không giải quyết đến nơi đến chốn các trường hợp giáo sĩ lạm dụng trước khi trở thành giáo hoàng.

Nhiều người Công giáo Ba Lan coi đó là một cuộc tấn công vào di sản của một người được tôn kính ở Ba Lan như một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử quốc gia và cũng được người Công giáo trên toàn thế giới tôn kính như một vị thánh nhờ vào việc phong thánh nhanh chóng của Vatican sau khi ngài qua đời năm 2005.

Vấn đề đã mang tính chính trị ở Ba Lan, đặc biệt kể từ khi nước này chuẩn bị có một cuộc bầu cử quốc hội vào mùa thu.

Chính phủ đã gọi bộ phim tài liệu là một cuộc tấn công vào bản sắc và lý tưởng của quốc gia bởi phe đối lập chính trị tự do. Đó là quan điểm gây được tiếng vang ở một quốc gia mà đa số vẫn coi Đức Gioan Phaolô II là một người có thẩm quyền về mặt đạo đức, và đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền đã nhận được sự ủng hộ rõ ràng khi các nhà lãnh đạo của đảng này vận động tranh cử.

Theo đài truyền hình thương mại Polsat News, một số quan chức hàng đầu đã tham gia tuần hành, bao gồm cả bộ trưởng quốc phòng và người đứng đầu tòa án hiến pháp.

Các cuộc khảo sát ý kiến cho thấy đảng này là đảng được yêu thích nhất trong cả nước, với số lượng đông đảo như khi Luật pháp và Công lý lần đầu tiên giành được quyền điều hành chính phủ cách đây 8 năm.

Tại Warsaw, một số người tuần hành mang cờ quốc gia Ba Lan và cờ của Công đoàn Đoàn kết, phong trào công đoàn và tự do được Đức Gioan Phaolô thành lập sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 1978 và đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ chủ nghĩa cộng sản trên khắp Đông Âu một thập kỷ sau đó.

Một cặp vợ chồng tham gia cuộc tuần hành, Eleonora và Stanislaw Sochal, cho biết họ rất tức giận với TVN vì đã sản xuất một bộ phim tài liệu mà họ coi là phỉ báng Đức cố Giáo Hoàng.

Họ nhớ chủ nghĩa cộng sản là thời kỳ đen tối khi quốc gia bị Liên Xô kiểm soát và mô tả Đức Gioan Phaolô II là người đã truyền cảm hứng cho cuộc kháng chiến dẫn đến việc đất nước giành lại chủ quyền và tự do.

“TVN vu khống chính quyền của chúng ta. Nó phỉ báng Đức Gioan Phaolô và nó phỉ báng tất cả các giá trị của chúng ta,” bà Eleonora Sochal, 76 tuổi, nói.

Giữa cuộc tranh luận đầy xúc động về di sản của Đức Gioan Phaolô, một bức tượng của cố giáo hoàng đã bị phá hoại trong đêm ở trung tâm thành phố Lodz. Ai đó đã sơn tượng đài bằng sơn đỏ và vàng và dòng chữ “Maxima Culpa”.

Bộ trưởng Ngoại giao Zbigniew Rau, người đã đến thăm tác phẩm điêu khắc vào sáng Chúa Nhật, đã gọi hành động phá hoại này là một “hành động đê hèn” và là một yếu tố được tổ chức của chiến tranh hỗn hợp.

Rau nói: “Đó là về chia rẽ xã hội, tấn công những đường nét cơ bản nhất trong bản sắc của chúng ta.”

Ông không đề xuất thủ phạm có thể là ai, nhưng khi chính quyền Ba Lan nói về chiến tranh hỗn hợp, họ thường đề cập đến những nỗ lực bị cáo buộc của Nga nhằm gieo rắc bất hòa và mất lòng tin ở Ba Lan.

Các nhà chức trách Ba Lan cũng đánh dấu lễ kỷ niệm bằng cách cung cấp cho hành khách trên một số tuyến đường sắt nhà nước những chiếc bánh ngọt nhân kem miễn phí mà ngày nay nổi tiếng vì Đức Gioan Phaolô II rất thích những chiếc bánh này.


Source:AP