Luke Coppen, trên trang mạng The Pillar ngày 25 tháng 3 nhận định rằng Giáo Hội Công Giáo ở Đức, trong năm 2023, đã thống trị các tiêu đề cho đến nay, nhờ vào “Con đường Đồng nghị” đầy tranh cãi, vốn kết thúc vào tháng này với sự tán thành việc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính, nữ phó tế và “sự đa dạng phái tính”.
Đo lường bằng sự chú ý của giới truyền thông quốc tế mà thôi, Công Giáo Đức dường như là một sự hiện diện có tính chỉ huy trên sân khấu thế giới, đi tiên phong trong những thay đổi căn bản đối với tín lý và thực hành của Giáo hội.
Nhưng nghịch lý thay, có thể nào ảnh hưởng của nó trong Giáo Hội Công Giáo rộng lớn hơn đang suy giảm hay không?
Hãy xem xét các diễn biến sau đây:
• Khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố danh sách mới của Hội đồng Hồng Y của ngài vào ngày 7 tháng 3, một cái tên đáng chú ý đã không còn: đó là Hồng Y người Đức Reinhard Marx, Tổng giám mục của Munich và Freising đã phục vụ trong “C9” kể từ khi nó được thành lập vào năm 2013.
• Ngày 15 tháng 3, khi Vatican công bố ủy ban chuẩn bị cho thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10 ở Rome, không ai trong số bảy thành viên phát xuất từ Đức.
• Sau cuộc bầu cử các nhà lãnh đạo mới của Ủy ban các Hội đồng Giám mục Liên minh Châu Âu (COMECE) vào ngày 22 tháng 3, Giáo hội Đức không còn một đại diện nào trong ban chủ tịch của cơ quan này. Trước đây, Giám mục Franz-Josef Overbeck của Essen đã từng là một trong bốn phó chủ tịch.
Tất cả điều này có thể được coi như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng nó cũng có thể là một phần của mô hình mới xuất hiện trong đó người Đức bị coi là quá gây tranh cãi hoặc thiếu tinh thần đồng đội để được chọn vào các tổ chức Công Giáo quốc tế.
Một lực lượng kinh tế - nhưng trong bao lâu?
Tất nhiên, sự giàu có của Giáo hội Đức bảo đảm rằng Giáo hội này tiếp tục có ảnh hưởng đáng kể trên toàn thế giới. Sự hào phóng của nó đối với Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Vatican chắc chắn tạo ra những kỳ vọng về sự hỗ trợ lẫn nhau, hoặc ít nhất là khuyến khích sự khoan dung đối với những đổi mới gây tranh cãi của nó.
Giáo Hội Đức đã nhận được khoản tiền đáng kinh ngạc 6.3 tỷ euro từ thuế nhà thờ vào năm 2021 — con số cao thứ hai được ghi nhận — mặc dù năm đó mất nhiều thành viên hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, có một sự công nhận rộng rãi ở Đức rằng tình huống đặc biệt, trong đó thu nhập từ thuế nhà thờ tiếp tục tăng mặc dù số lượng người Công Giáo rời bỏ Giáo hội ở mức kỷ lục, sẽ không tồn tại mãi mãi.
Giáo phận Aachen được cho là đang chuẩn bị một kịch bản trong đó thuế nhà thờ giảm một nửa vào giữa thế kỷ 21. Trong khi đó, Giáo phận Eichstätt ở Bavaria vừa công bố các biện pháp cắt giảm chi phí nghiêm ngặt.
Ngày 16 tháng 3, Thomas Schäfers, viên chức giáo phận Eichstätt, cho biết: “Hậu quả tài chính của cuộc khủng hoảng Giáo hội liên tục đang giáng xuống giáo phận của chúng tôi một sức mạnh mà chúng tôi không ngờ nó ở quy mô này.”
Với việc các giáo phận Đức áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, có thể Đạo Công Giáo Đức sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp mức tài trợ tương tự cho Giáo hội trên toàn thế giới trong những thập niên tới. Điều đó sẽ có tác động dây chuyền đối với ảnh hưởng của nó, mặc dù rõ ràng đó là một sự cân nhắc ít quan trọng hơn nhiều so với tác động mà nó sẽ có đối với người Công Giáo ở các nước đang phát triển.
Một vùng đất không có đại sứ
Trong những năm sau Công đồng Vatican II, các nhân vật người Đức luôn đóng một vai trò đáng chú ý trên sân khấu Công Giáo thế giới. Những nhân cách lớn bao gồm các nhà thần học như Joseph Ratzinger/Benedict XVI và Hồng Y Walter Kasper, và những người có quan hệ tốt trong Giáo Hội như Hồng Y Karl Lehmann.
Sau sự ra đi của Đức Hồng Y Kasper và Đức Hồng Y Paul Josef Cordes vào năm 2010, và Đức Hồng Y Gerhard Müller vào năm 2017, nước Đức thiếu vắng những nhân vật hàng đầu trong Giáo triều Rôma. Trong số các đại diện của nó ngày nay có cựu Giám mục Limburg Franz-Peter Tebartz-van Elst trong Bộ Truyền giáo và Đức ông Daniel Pacho của Fulda tại Phủ Quốc vụ khanh.
Giáo phẩm Đức có ảnh hưởng nhất ngày nay được cho là Hồng Y Marx. Ngài chỉ mới 69 tuổi và giữ vai trò điều hợp viên quốc tế đáng chú ý của Hội đồng Kinh tế Vatican.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự hiển thị của ngài đã giảm đi. Vào năm 2020, ngài tuyên bố rằng ngài sẽ không tìm kiếm một nhiệm kỳ nữa trong tư cách chủ tịch hội đồng giám mục Đức, lấy lý do là tuổi tác và mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho tổng giáo phận của mình.
Sau đó vào tháng 5 năm 2021, ngài đệ đơn từ chức tổng giám mục Munich và Freising, nói rằng ngài cảm thấy buộc phải “rút ra những hậu quả bản thân” từ cuộc khủng hoảng lạm dụng đang nhấn chìm Giáo hội Đức và hy vọng “gửi một tín hiệu bản thân cho một khởi đầu mới, cho một sự thức tỉnh mới của Giáo hội, không chỉ ở Đức.” Đức Giáo Hoàng đã từ chối đơn từ chức của Hồng Y Marx một tháng sau đó - từ chối cho ngài cơ hội gửi tín hiệu cho một sự thức tỉnh mới.
Quyết định của Hồng Y Marx từ bỏ chức vụ chủ tịch hội đồng giám mục Đức bảo đảm rằng ngài không còn là gương mặt đại diện cho Con đường Đồng nghị của đất nước. Vai trò đó thuộc về người kế nhiệm ngài, Giám mục Georg Bätzing, người đã vạch ra một con đường phía trước nhưng thiếu khả năng xoa dịu Vatican của Hồng Y Marx.
Hội đồng giám mục Đức thường được lãnh đạo bởi một Hồng Y (ngoại trừ Đức Tổng Giám Mục Robert Zollitsch từ năm 2008 đến 2014). Bätzing vì thiếu chiếc mũ đỏ, nên bị coi là hạn chế sự tiếp xúc của ngài với các nhà lãnh đạo Công Giáo quốc tế cao cấp khác và hạn chế ảnh hưởng của ngài tại Vatican. (Không có người Đức nào được bổ nhiệm vào Hồng Y đoàn kể từ khi Hồng Y Karl-Josef Rauber nghỉ hưu vào năm 2015.)
Vì vậy, Giáo hội Đức dường như thiếu một đại sứ thuyết phục ngay khi nó phải đối diện với một thử thách quan trọng về vị thế hoàn cầu của mình tại Thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10.
Sự kiện đó sẽ làm rõ liệu những diễn biến gần đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay ảnh hưởng của Đức thực sự đang bắt đầu suy yếu.