Trong tình tiết mới nhất trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa Israel và Tòa thánh, chính quyền thành phố Giêrusalem hôm thứ Hai đã yêu cầu Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem thuộc sở hữu của Vatican phải trả khoản thuế bất động sản thành phố quá hạn 18 triệu NIS hay 5 triệu USD. Đồng thời, chính quyền cũng phong tỏa tài khoản ngân hàng của trung tâm cho đến khi Giáo Hội trả hết nợ.
Các tổ chức tôn giáo ở Israel, bao gồm nhà thờ và tu viện, được miễn nộp thuế tài sản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Israel đã tìm cách đạt được một thỏa thuận với Vatican để đánh thuế các doanh nghiệp thương mại thuộc sở hữu của Giáo hội - như khách sạn và quán cà phê.
Theo tổng giám đốc của Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem, Yousef Barakat, ngay trước Giáng Sinh, các luật sư của thành phố đã viết thư cho Isracard và Visa, yêu cầu họ chặn các quỹ của Notre Dame.
“Chúng tôi không có tiền trong tay,” Barakat nói với tờ The Times of Israel vào tối thứ Hai. “Đây là một vấn đề chính trị cần được giải quyết giữa Israel và Vatican.”
Trung tâm Notre Dame, bao gồm nhà thờ và nhà khách, đã làm việc với Vatican để giải quyết vấn đề.
Ngay sau khi Vatican và Israel ký Thỏa thuận cơ bản thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia vào năm 1993, các bên đã tham gia đàm phán để giải quyết các vấn đề về thuế và quyền tài sản còn tồn đọng.
Những cuộc đàm phán lặp đi lặp lại đó đã không đi đến hồi kết trong nhiều thập kỷ sau đó.
Lập trường của Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem là vì các bên chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng, nên thỏa thuận hiện tại trong đó không có tài sản nào bị đánh thuế sẽ vẫn có hiệu lực.
Nhà nước đã không chống lại yêu sách này, nhưng vào năm 2018, chính quyền thành phố Giêrusalem đã quyết định rằng quyền miễn trừ đối với các Giáo Hội chỉ áp dụng cho các tài sản được sử dụng “để cầu nguyện, giảng dạy về tôn giáo, hoặc cho các nhu cầu phát sinh từ đó.”
Trung tâm Nhà thờ Đức Bà Giêrusalem lập luận rằng nhà khách hoạt động như một tổ chức tôn giáo và nên được miễn thuế. Trung tâm chỉ ra các tiền lệ trong thời kỳ Ottoman, Anh và Jordan, đồng thời tự coi mình được bảo vệ bởi Thỏa Ước Nguyên Trạng của Ottoman năm 1852. Trung tâm cũng khẳng định r r quyền miễn trừ đã được hệ thống hóa trong luật Ủy trị của Anh năm 1934 và 1938.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội tuyên bố rằng các tổ chức tôn giáo duy trì các cơ sở giáo dục, phúc lợi và bác ái phục vụ người dân địa phương, và rằng họ giúp thực hiện vai trò của nhà nước một cách hiệu quả trong các khu vực, do đó nhà nước nên hỗ trợ họ hơn là đánh thuế họ.
Tuy nhiên, thành phố coi trung tâm là một thực thể thương mại có nghĩa vụ phải nộp thuế tài sản kinh doanh thông thường.
Source:Times Of Israel