Đức Thánh Cha Phanxicô đặt chân đến Congo, nơi hội tụ tất cả các ưu tiên của ngài
Đất nước Trung Phi đang bị tàn phá bởi chiến tranh, nghèo đói và nạn cướp bóc môi trường—và đó có thể là tương lai của Giáo Hội Công Giáo. -- Trong 10 năm lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi sự chú ý đến hoàn cảnh khó khăn của những người tị nạn và người nghèo cũng như sự cướp bóc của cải tự nhiên trên trái đất. Ngài đã đi đến những vùng ngoại vi của Giáo Hội để chạm vào vết thương của những người bị đau khổ và bị lãng quên nhất. Và ngài đã chào đón những người trẻ Công Giáo, đặc biệt là ở miền nam bán cầu đang bùng nổ, đến với một Giáo Hội toàn diện hơn.
Hôm thứ Ba, Đức Phanxicô đã đặt chân đến Cộng hòa Dân chủ Congo, một quốc gia kết tinh tất cả những ưu tiên đó. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên kể từ năm 1985 đến thăm quốc gia này, nơi các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về đạo đức đang rất cần sự chú ý của Đức Giáo Hoàng và của thế giới.
Số người chào đón Đức Phanxicô đông đảo ở thủ đô Kinshasa. Hàng chục nghìn người xếp hàng dọc đường từ sân bay, reo hò và vẫy cờ trong trang phục sặc sỡ của địa phương và đồng phục học sinh Công Giáo dưới những tấm biển quảng cáo khổng lồ về Đức Phanxicô mà thường cũng kèm theo hình ảnh của tổng thống.
Những cây cầu vượt chật cứng thêm hàng ngàn người. Họ tập trung tại các bến xe buýt và đổ ra khỏi những con phố tồi tàn và chạy dọc theo đoàn xe hộ tống, đi cùng là những người lính vũ trang trên những chiếc xe jeep mui trần.
Việc Đức Giáo Hoàng đến Kinshasa đã gây phấn khích. Dù Congo là hiện thân của những vết thương mà Đức Phanxicô hy vọng sẽ chữa lành, nhưng nó cũng là một quốc gia có khả năng ảnh hưởng lớn đến tương lai của Giáo hội.
“Bị chiến tranh tàn phá, Cộng hòa Dân chủ Congo tiếp tục chứng kiến những cuộc xung đột trong biên giới của mình và tình trạng buộc phải di cư, và phải chịu đựng những hình thức bóc lột khủng khiếp, không xứng đáng với con người và tạo vật,” Đức Phanxicô nói.
“Đất nước này, quá rộng lớn và tràn đầy sức sống, màng ngăn của Phi Châu này, bị bạo lực tấn công như một cú đánh vào bụng, dường như đã có lúc phải thở hổn hển,” Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô, 86 tuổi, giờ đây thường phải ngồi xe lăn, cũng sẽ đến thăm Nam Sudan, nơi Giáo hội tham gia sâu vào các cuộc đàm phán hòa bình và xây dựng nền dân chủ, trong chuyến đi kéo dài đến ngày Chúa Nhật. Ban đầu ngài dự định đến thăm các quốc gia vào năm ngoái nhưng đã hoãn chuyến đi vì bệnh ở đầu gối, mà nay đã được cải thiện.
Tình trạng bạo lực Congo và những kỳ vọng liên quan đến chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng
Trong khi đó, bạo lực ở miền đông Congo đang bùng phát trở lại, với hơn 120.000 người chạy trốn khỏi các cuộc tấn công của quân nổi dậy ở vùng nông thôn và tìm nơi trú ẩn ở thành phố Goma. Cuộc chiến đã buộc Đức Thánh Cha Phanxicô phải hủy bỏ chặng đó của chuyến đi, và thay vào đó, các nạn nhân của bạo lực trong khu vực sẽ đến gặp ngài ở thủ đô Kinshasa.
Boniface Deagbo, thư ký điều hành của Caritas Congo, tổ chức bác ái của Giáo Hội Công Giáo, cho biết: “Chuyến thăm của Đức Thánh Cha có thể có tác động tích cực đến cách điều hành đất nước. “Chúng ta hy vọng rằng chuyến thăm là một cơ hội tốt để vận động chính sách chấm dứt chiến tranh và bảo đảm an ninh cho Cộng hòa Dân chủ Congo”
Đó là một yêu cầu cao. Congo là quê hương của một trong những cuộc xung đột khó giải quyết nhất trên thế giới. Nó được thúc đẩy bởi di sản của chủ nghĩa thực dân và nạn diệt chủng xuyên biên giới ở Rwanda, đã làm lấp đầy các trại tị nạn với hơn 5,5 triệu người.
Các nhóm phiến quân, một số được hỗ trợ bởi Rwanda và Uganda, đã cướp bóc các ngôi làng, ăn trộm gia súc, sát hại cư dân và hãm hiếp phụ nữ. Những khu rừng nhiệt đới rộng lớn bị cướp bóc để lấy vàng, coban và các tài nguyên khác, một phần để chi trả cho vũ khí và chiến tranh. Một số viên chức Giáo Hội địa phương nói tham nhũng tràn lan là cốt lõi của vấn đề.
Nhưng vì Congo là hiện thân của những vết thương mà Đức Phanxicô hy vọng sẽ chữa lành, nên nó cũng là một quốc gia có khả năng ảnh hưởng lớn đến tương lai của Giáo hội.
Khoảng một nửa trong số hơn 95 triệu dân của Congo theo Công Giáo, khiến Công Giáo trở thành giếng sâu nhất về đức tin ở Phi Châu, lục địa mà nhiều người hy vọng sẽ bổ sung cho Giáo Hội khi số người tham dự thánh lễ đang giảm dần ở phương Tây. Vào năm 2022, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc ước tính rằng 265 triệu người Công Giáo ở Phi Châu chiếm khoảng 20% trong số 1,3 tỷ tín hữu trên thế giới. Và con số đó đang tăng lên.
Hôm thứ Ba, Đức Phanxicô đã so sánh đất nước với một viên kim cương, nói rằng người dân ở đây “có giá trị vô giá,” và rằng ngài cũng như giáo hội của mình “tin vào tương lai của anh chị em, tương lai nằm trong tay anh chị em.”
Giáo Hội Công Giáo luôn đóng một vai trò ở Congo, đặc biệt là trong việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm Congo, khi đó được gọi là Zaire, vào năm 1980 và trở lại vào năm 1985. Ông Deagbo, quan chức của Caritas Congo, nói rằng Giáo Hội đã cung cấp các chương trình chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và giáo dục cho hàng triệu người Congo.
Kể từ những năm 1990, Giáo Hội cũng là công cụ cố gắng buộc các nhà lãnh đạo đất nước phải chịu trách nhiệm. Hội đồng Giám mục Congo, tổ chức có tiếng nói nhất ở Phi Châu, đã không né tránh khi Tổng thống Joseph Kabila hoãn bầu cử sau khi mãn nhiệm kỳ vào tháng 12 năm 2016. Hội đồng này đã tổ chức các cuộc biểu tình và đưa vấn đề này ra sự chú ý của quốc tế, giúp buộc ông Kabila phải từ chức và từ bỏ nhiệm kỳ thứ ba.
Giáo Hội sau đó đã triển khai khoảng 40.000 quan sát viên cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018, thông báo rằng có một người chiến thắng rõ ràng, nhưng không nói rõ đó là ai. Các chuyên gia nhất trí rằng Martin Fayulu, ứng cử viên đối lập hàng đầu, nhưng một nhân vật đối lập khác, Félix Antoine Tshilombo Tshisekedi, đã nắm quyền. Tuy nhiên, đây là cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ, hòa bình đầu tiên của đất nước kể từ khi giành được độc lập từ Bỉ vào năm 1960.
Vào Tháng Giêng năm 2020, Đức Phanxicô đã gặp ông Tshisekedi để thảo luận về mối quan hệ được cải thiện giữa Tòa thánh và Congo. Một cuộc bầu cử khác sẽ diễn ra vào tháng 12 này.
Hôm thứ Ba, Đức Phanxicô kêu gọi “các cuộc bầu cử tự do, minh bạch và đáng tin cậy” và kêu gọi chấm dứt tham nhũng và thao túng bạo lực. Ngài nói, sự bóc lột chính trị đã nhường chỗ cho một “ chủ nghĩa thực dân kinh tế “ cũng nô dịch không kém. Kết quả là đất nước bị “cướp bóc ồ ạt”.
“Quyền lực chỉ có ý nghĩa nếu nó trở thành một hình thức phục vụ,” Đức Phanxicô nói, khi lên án chủ nghĩa độc đoán và lòng tham.
Người Công Giáo vẫn tích cực tham gia chính trị. Sau khi cử hành Thánh lễ vào một số ngày Chúa Nhật, các tín hữu trên khắp đất nước đã tuần hành thẳng từ nhà thờ trong các cuộc biểu tình quy mô lớn, khiến chính quyền gặp khó khăn hơn trong việc trấn áp họ. Những người biểu tình đã yêu cầu các cuộc bầu cử mới và chấm dứt chiến tranh ở phía đông.
Nhưng đó vẫn chỉ là một khát vọng. Esperance Lwabo Nyende, 30 tuổi, đã mang theo ba cô con gái nhỏ của mình và chạy trốn đến nơi an toàn khi phiến quân Rwandan, Congo và Uganda thuộc lực lượng nổi dậy M23 gần đây đã tấn công ngôi làng của cô ở Rutshuru.
“Tôi rất mệt mỏi vì mang thai,” cô nói, bên ngoài ngôi nhà mới của gia đình cô, được ghép từ cành cây và một tấm bạt, trong một lán trại tạm bợ. “Đây là một cuộc sống khốn khổ. Có tiêu chảy, đói kém, cảm lạnh,” cô ấy nói thêm, mong rằng những người ra quyết định có “can đảm để nói chuyện như những người đàn ông để chúng tôi có thể về nhà.”
Miền đông Congo rơi vào tình trạng hỗn loạn theo từng giai đoạn kể từ năm 1994, khi nạn diệt chủng xuyên biên giới ở Rwanda đã khiến hàng triệu người tị nạn - bao gồm cả thủ phạm của các vụ thảm sát - vượt qua biên giới và vào các trại lớn. Nhưng gần đây đã có một sự leo thang trong cuộc xung đột kéo dài do sự tái xuất hiện của M23, hay Phong trào 23 tháng 3, đề cập đến một thỏa thuận hòa bình thất bại được ký vào ngày đó vào năm 2009.
Ngoài ra còn có hơn 120 nhóm vũ trang và dân quân tự vệ khác đang tranh giành đất đai và quyền lực ở các tỉnh Bắc và Nam Kivu, Ituri, và Tanganyika.
Dady Saleh, một giáo sư ở Goma cho biết: “Chúng tôi đang ở trong tình trạng hoàn toàn bất an. “Đối với hơn 90 phần trăm người dân, đó là sự nghèo đói cùng cực, sự bất an cùng cực.”
Đức Phanxicô đã gửi lời chia buồn trong tháng này sau khi các chiến binh Hồi giáo tấn công một nhà thờ Ngũ Tuần ở tỉnh Bắc Kivu, giết chết ít nhất 14 người và làm bị thương hơn 60 người khác. Các vụ nổ do Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm đã đánh trúng một nhà thờ Công Giáo và một khu chợ ở Beni.
Đức Tổng Giám Mục Marcel Utembi Tapa của Kisangani, đồng thời là chủ tịch hội đồng giám mục, cho biết các viên chức Giáo Hội đang lo lắng về các cuộc tấn công liên tục của các nhóm vũ trang chống lại thường dân trong các trại di dời. Bạo lực đã giết chết rất nhiều người, bao gồm cả đại sứ Ý tại Congo, Luca Attanasio, vào năm 2021, khi ông đang dẫn đầu phái đoàn Chương trình Lương thực Thế giới gần Goma.
Tình trạng bóc lột của các cường quốc tại Congo
Thứ Ba 31 Tháng Giêng đánh dấu chuyến đi thứ năm của Đức Phanxicô đến Phi Châu. Khi còn trẻ và năng động hơn, ngài đã vẫy tay từ bên trong chiếc xe giáo hoàng đang mở khi đi qua những con đường đất của Cộng hòa Trung Phi vào năm 2015. Trong các chuyến đi đến Madagascar, Mauritius và Mozambique vào năm 2019, ngài đã nhấn mạnh cam kết của mình với người nghèo ở Phi Châu và với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của mình.
Đó là thông điệp mà ngài sẽ nhắc lại ở Congo, một quốc gia giàu vàng, đồng, kim cương và 2/3 lượng coban của thế giới.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đang chạy đua để giành quyền kiểm soát nguồn cung cấp coban toàn cầu, một phần thiết yếu của pin xe điện. Hầu như tất cả vàng của Congo đều nằm trong tay các cường quốc khu vực, sau đó được buôn lậu ra thị trường quốc tế.
Sự cạnh tranh về sự giàu có của Congo dẫn đến việc bóc lột công nhân mỏ, bạo lực đối với các cộng đồng sống xung quanh các mỏ và gây ra xung đột, đặc biệt là ở phía đông của đất nước.
“Hãy bỏ tay khỏi Cộng hòa Dân chủ Congo! Hãy bỏ tay khỏi Phi Châu! Hãy ngừng bóp nghẹt Phi Châu: đó không phải là một mỏ khai thác hay một địa hình để cướp bóc,” Đức Phanxicô nói. “Chúng ta không thể quen với cảnh đổ máu đã đánh dấu đất nước này trong nhiều thập kỷ, khiến hàng triệu người chết mà hầu như không được biết đến ở những nơi khác. Điều gì đang xảy ra ở đây cần phải được biết đến.”
Source:Sismografo