1. Pakistan: Hàng chục người thiệt mạng trong vụ nổ một đền thờ Hồi Giáo đang khiến các tín hữu Kitô ở quốc gia này tái mặt
Hội Đồng Giám Mục Pakistan đã lên tiếng chia buồn sau cuộc tấn công tự sát kinh hoàng tại một đền thờ Hồi Giáo tại Peshawar. Trong tuyên bố được đưa ra hôm thứ Hai, Đức Cha Joseph Arshad, Giám Mục Islamabad-Rawalpindi bày tỏ nỗi bàng hoàng của ngài trước vụ khủng bố nhắm vào một đền thờ Hồi Giáo của cảnh sát gây tổn thất lớn cho lực lượng bảo vệ trật tự trị an. Ngài cầu nguyện cho linh hồn của các viên chức cảnh sát thiệt mạng, ơn an ủi cho những thân nhân của họ và sự trợ lực và lòng can đảm cho các nhân viên cấp cứu tại hiện trường. Trong nhiều năm qua, các vụ khủng bố thường nhắm vào các cộng đồng Kitô Giáo hay các cộng đồng Hồi Giáo không phải thuộc dòng Sunni. Đây là lần đầu tiên, một đền thờ Hồi Giáo dòng Sunni bị đánh bom và nó tiên báo không còn nơi nào là an toàn vì trong đền thờ Hồi Giáo vừa bị đánh bom hầu hết các tín hữu hiện diện bên trong đền thờ này là viên chức cảnh sát.
Theo các tin tức sơ khởi, đền thờ Hồi Giáo này chiếm một tầng trong một tòa nhà được dùng làm trụ sở của Bộ Tư Lệnh cảnh sát thành phố Peshawar, và là nơi ở của các sĩ quan cảnh sát cao cấp, cũng như những nhân vật chính trị được bảo vệ đặc biệt. Đức Cha Joseph Arshad bày tỏ nỗi hoang mang đã được Ủy ban Công lý và Hòa bình Pakistan nêu lên khi cho rằng vụ nổ ở đền thờ Hồi Giáo này đã khiến các tín hữu Kitô tái mặt. Chỗ đó mà còn bị khủng bố thì các nhà thờ lẻ tẻ làm sao tránh được nạn dịch bạo lực kinh hoàng này.
Ít nhất 59 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương trong vụ đánh bom tự sát do lực lượng Taliban Pakistan thực hiện nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Peshawar, trong bối cảnh tình hình an ninh ở nước này tiếp tục xấu đi.
Vụ nổ xảy ra khi 300 tín hữu đang cầu nguyện trong nhà thờ Hồi giáo, nằm trong khu vực được chính quyền Pakistan gọi là Police Lines của Peshawar, thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, nơi có trụ sở cảnh sát thành phố, nhà ở của các sĩ quan chống khủng bố, và nhà của các viên chức chính quyền có thế lực. Hầu hết những người bên trong nhà thờ Hồi giáo được cho là các viên chức cảnh sát.
Zafar Khan, một viên chức cảnh sát địa phương cho biết, tác động của vụ nổ đã làm sập mái nhà và một bức tường của nhà thờ Hồi giáo và làm nhiều người bị thương. Các nhân chứng cho biết vụ nổ xảy ra trong đại sảnh khi buổi cầu nguyện buổi chiều sắp bắt đầu và những người đi lễ chật kín bên trong. Theo các quan chức, kẻ đánh bom đã đứng ở hàng ghế đầu.
Lực lượng Taliban ở Pakistan, được gọi là Tehreek-e-Taliban Pakistan, gọi tắt là TTP, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, tuyên bố đây là hành động trả thù cho một chiến binh bị giết ở Afghanistan năm ngoái.
Nhưng vài giờ sau, một phát ngôn viên của TTP đã tách nhóm này ra khỏi vụ đánh bom, nói rằng chính sách của họ không nhằm vào các nhà thờ Hồi giáo, chủng viện và các địa điểm tôn giáo. Tuyên bố của ông đã không đề cập đến tuyên bố nhận trách nhiệm trước đó.
TTP, được cho là thân cận với al-Qaida, đã tiến hành một cuộc nổi dậy ở Pakistan trong 15 năm qua, đấu tranh để thực thi nghiêm ngặt hơn các luật Hồi giáo và trả tự do cho các thành viên bị bỏ tù, đồng thời chịu trách nhiệm về nhiều vụ tấn công chết người ở Pakistan chủ yếu nhắm vào các nhà thờ Kitô Giáo.
Nhóm này gần đây đã tăng cường hoạt động chiến đấu sau khi lệnh ngừng bắn với chính phủ bị phá vỡ vào tháng 11. Họ đã nhận trách nhiệm về gần chục vụ tấn công trong những tháng gần đây, chủ yếu nhắm vào quân đội và cảnh sát ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa giáp biên giới Afghanistan
Lực lượng cấp cứu tại hiện trường vụ nổ đã nỗ lực để kéo các tín hữu ra khỏi những mảnh vỡ nặng nề từ mái nhà đổ xuống, với ít nhất 20 người được cho là vẫn bị mắc kẹt khi màn đêm buông xuống. Khan cho biết một số người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện và có lo ngại số người chết sẽ tăng lên.
Như Khan cho biết có khoảng 300 đến 400 cảnh sát có mặt tại khu vực khi vụ nổ xảy ra và kẻ đánh bom đã vượt qua nhiều lớp an ninh để vào nhà thờ Hồi giáo. Ông nói với các phóng viên: “Rõ ràng là đã xảy ra lỗi an ninh”.
Meena Gul, một sĩ quan cảnh sát, cho biết anh ta đang ở trong nhà thờ Hồi giáo khi quả bom phát nổ và có thể nghe thấy tiếng khóc và la hét sau vụ nổ.
Thủ tướng Pakistan, Shehbaz Sharif, gọi đây là một “cuộc tấn công tự sát” và ra lệnh cho các cơ quan chức năng bảo đảm điều trị y tế tốt nhất có thể cho những người sống sót. Ông nói trong một tuyên bố: “Những kẻ khủng bố muốn tạo ra nỗi sợ hãi bằng cách tấn công vào những người thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Pakistan. Sau khi tham quan hiện trường, Sharif cho biết vụ đánh bom “không khác gì một cuộc tấn công vào Pakistan”.
Cựu thủ tướng Imran Khan cho biết việc thu thập thông tin tình báo và bảo đảm an ninh tốt hơn cho lực lượng cảnh sát là cần thiết để “chống lại mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố”.
Mặc dù TTP là một thực thể riêng biệt với Taliban ở Afghanistan, nhưng việc Taliban lên nắm quyền ở Kabul đã được coi là trao quyền cho nhóm này ở nước láng giềng Pakistan, đặc biệt là ở Khyber Pakhtunkhwa.
Vào Tháng Giêng, một nhóm phiến quân Taliban ở Pakistan đã tấn công một đồn cảnh sát ở Khyber Pakhtunkhwa, và vào tháng 12, hàng chục tù nhân TTP đã áp đảo lính canh của họ tại một trung tâm chống khủng bố ở quận Bannu của Khyber Pakhtunkhwa, bắt giữ con tin và giành quyền kiểm soát cơ sở này hơn 24 giờ.
Peshawar, thủ phủ của khu vực Khyber Pakhtunkhwa, là mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công của phiến quân và đánh bom tự sát, gần đây nhất là vào tháng 3 năm 2022 khi 56 tín hữu thiệt mạng trong một vụ nổ tại một nhà thờ Hồi giáo Shiite /si-ai/ trong thành phố, và Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm.
Sau vụ đánh bom, an ninh đã được tăng cường ở các thành phố lớn khác bao gồm cả Islamabad, nơi an ninh tại tất cả các điểm ra vào thủ đô được tăng cường và các tay súng bắn tỉa đã được triển khai tại “các điểm và tòa nhà quan trọng”.
2. Một người Công Giáo được chọn làm Thủ tướng Đài Loan
Một người Công Giáo đã được chọn làm tân Thủ tướng Đài Loan. Nữ Tổng thống Thái Anh Văn đã chọn ông Philip Trần Kiến Nhân làm tân Thủ tướng tại đảo quốc này.
Ông Trần Kiến Nhân năm nay 71 tuổi, là một tín hữu Công Giáo nhiệt thành và là một nhà di truyền học nổi tiếng. Ông làm Bộ trưởng y tế từ năm 2003 đến 2005, rồi làm Chủ tịch Hội đồng khoa học toàn quốc, từ năm 2006 đến năm 2008. Gần đây ông làm Phó Tổng thống Đài Loan từ năm 2016 đến 2020.
Hôm 25 tháng Giêng vừa qua, ông Xavier Trương Đôn Hàm, Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Đài Loan cho biết bà Tổng thống đã mời ông Trần Kiến Nhân đảm nhận chức vụ tân Thủ tướng, kế nhiệm ông Tô Trinh Xương, từ chức ngày 19 tháng Giêng cùng với các thành viên khác trong Hội đồng nội các, sau khi “Đảng dân chủ tiến bộ” bị thua nặng trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng Mười Một năm ngoái: chỉ chiếm được 5 trong tổng số 21 thành thị tại Đài Loan.
Hôm 05 tháng Giêng vừa qua, ông Trần Kiến Nhân đã đại diện Đài Loan tham dự lễ an táng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 tại Vatican. Trước đó, hồi tháng Tám năm 2021, ông được bổ nhiệm làm thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học.
Đài Loan hiện có quan hệ ngoại giao với 15 nước, trong đó Tòa Thánh là nước duy nhất tại Âu châu, và quan hệ thương mại với 47 quốc gia. Trong số gần 24 triệu dân Đài Loan, có khoảng 4% là Kitô hữu, trong đó có 300.000 tín hữu Công Giáo thuộc bảy giáo phận. 35% là Phật tử, 33% theo Lão Giáo và 19% không thuộc tôn giáo nào, theo thống kê chính thức.
3. Đức Hồng Y João Braz de Aviz sẽ chủ sự thánh lễ nhân ngày Đời sống Thánh hiến
Lúc 6 giờ chiều, ngày 02 tháng Hai tới đây, lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh, Đức Hồng Y João Braz de Aviz, người Brazil, Tổng trưởng Bộ Các dòng tu, sẽ chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, nhân ngày Đời sống Thánh hiến lần thứ 27.
Trước thánh lễ, từ lúc 5 giờ 15, có buổi đọc kinh Mân côi tại Đền thờ.
Những năm trước đây, lễ này do chính Đức Thánh Cha chủ sự, nhưng ngày 02 tháng Hai tới đây, ngài đang thực hiện chuyến tông du tại Cộng hòa Dân chủ Congo và tiếp đó tại Nam Sudan. Tại hai nước này, đông đảo những người thánh hiến nam nữ đang thi hành sứ vụ trong các môi trường nghèo đói và ở ngoài lề xã hội.
Trong thư công bố nhân dịp này, Đức Tổng Giám Mục José Rodríguez Carballo, dòng Phanxicô, Tổng thư ký Bộ Các dòng tu, cũng nhắc đến tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục về sự đồng hành và nhấn mạnh rằng Giáo hội được kêu gọi “nới rộng căn lều”, nghĩa là mang lại một sức mạnh mới cho hoạt động truyền giáo. “Sứ mạng của Giáo hội mang lại cho chúng ta cơ hội trở về với lối sống của Thiên Chúa, là sự cảm thương, gần gũi và dịu dàng, được biểu lộ qua lời nói, sự hiện diện và những mối dây thân hữu. Ngày Thế giới về Đời sống Thánh hiến thúc đẩy các tu sĩ nam nữ tự hỏi xem mình phù hợp thế nào với con tim của Thiên Chúa. Và câu trả lời cho những vấn nạn này là nòng cốt của ơn gọi, qua đó ở các nơi trên thế giới, những người thánh hiến cũng đang đáp lại lời mời gọi làm chứng tá Tin mừng, chăm sóc những người yếu đuối nhất, nạn nhân của bất công và chênh lệch xã hội, thực hiện những cử chỉ liên đới, dấn thân xây dựng một tương lai an bình và một thế giới, trong đó tất cả có thể nhìn nhận nhau là anh chị em.