Trong lời phát biểu hôm 24 tháng 1, 2023 với hãng thông tấn A.P., về đồng tính luyến ái, tuy Đức Phanxicô có phân biệt giữa xu hướng đồng tính và hành vi đồng tính, nhưng chỉ thoáng qua, trong khi nói nhiều tới sự kiện đồng tính luyến ái không phải là một tội ác, một phạm vi không thuộc quyền hạn quyết định của ngài, hay của bất cứ thẩm quyền Giáo hội nào, nhưng từ đó, ngài lại khuyên các Giám mục phải "hoán cải". Hoán cải điều gì? Nét mơ hồ này không tránh khỏi sự phê bình chỉ trích của một số nhà bình luận. Torng bài này, chúng tôi xin trình bầy hai phản ứng của Terry Mattingly và Philip Lawler:
A.P. nên đặt tựa đề cho cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô: “Đức Giáo Hoàng nói rằng hành vi đồng tính luyến ái là tội lỗi, không phải tội ác.”
Ngày 25 tháng 1 năm 2023, trên trang mạng https://www.getreligion.org/getreligion/2023/1/25/that-timely-ap-interview-what-precisely-did-pope-francis-say-about-homosexual-sin, Terry Mattingly nhận xét rằng A.P. nên đặt tựa đề cho cuộc phỏng vấn của họ với Đức Phanxicô: “ Đức Giáo Hoàng nói rằng hành vi đồng tính luyến ái là tội lỗi, không phải tội ác”. Thay vì tựa đề hiện nay chỉ nói, theo ngài, đồng tính luyến ái không phải là tội ác!
Theo Mattingly, câu truyện đàng sau câu truyện này là điều đáng lưu ý. Trước hết, là thời điểm, nó xẩy đến ngay sau những tin tức gần đây liên quan đến cái chết của Đức Bênêđíctô XVI và một nhà lãnh đạo bảo thủ mạnh mẽ khác, Đức Hồng Y Pell.
Cũng có thể thời điểm của cuộc phỏng vấn này có liên quan đến các tiêu đề chẳng hạn như tiêu đề này trên tờ The Telegraph: “'Các câu lạc bộ đồng tính' hoạt động trong các chủng viện, Đức Bênêđictô nói trong cuộc công kích Đức Phanxicô sau khi qua đời: Cuốn sách mới của cố giáo hoàng đưa ra những khẳng định phi thường về Giáo Hội Công Giáo dưới thời vị kế nhiệm tiến bộ của ngài”.
Nói gì? Bạn chưa thấy tin tức về câu chuyện này trên các tờ báo địa phương của bạn hoặc trên các bản tin buổi tối? Đây là một mẫu của báo cáo đó:
“Trong một cuộc tấn công dữ dội vào tình trạng của Giáo Hội Công Giáo dưới thời vị giáo hoàng kế nhiệm, Đức Bênêđictô XVI, người qua đời vào ngày 31 tháng 12 ở tuổi 95, nói rằng việc đào tạo nghề nghiệp cho thế hệ linh mục tương lai đang trên bờ ‘sụp đổ’.
“Ngài tuyên bố rằng một số giám mục cho phép các người đang được huấn luyện làm linh mục xem phim khiêu dâm như một lối thoát cho ham muốn tình dục của họ.
“Đức Bênêđíctô đã chỉ thị rằng cuốn sách Kitô giáo là gì nên được xuất bản sau khi ngài qua đời. …
“Đức Bênêđíctô nói trong cuốn sách của mình rằng sự hiện hữu của ‘các câu lạc bộ đồng tính luyến ái’ đặc biệt phổ biến ở Mỹ và nói thêm: ‘Trong một số chủng viện, các câu lạc bộ đồng tính luyến ái hoạt động ít nhiều công khai’”.
Như bạn mong đợi, sau đây là bản tóm tắt không bị hiệu đính:
“Đức Bênêđíctô, người có quan điểm bảo thủ về các vấn đề tín lý trái ngược với cách tiếp cận nhiều cảm thương hơn của Đức Phanxicô, phàn nàn rằng những cuốn sách trước đây của ngài bị một số thành phần của Giáo hội coi là duy truyền thống một cách nguy hiểm”.
Đối với những người đang chú ý, đó là "bảo thủ" ngược với "cảm thương".
Vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói gì hay, một cách diễn đạt khác, hãng tin AP đã nói gì về việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói gì trong phần đầu của cuộc phỏng vấn — những phần chắc chắn sẽ được sử dụng trong hầu hết các ấn phẩm?
Trước khi chúng ta nói tới điều đó, chúng ta hãy xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói gì trong nhận xét được đặt gần CUỐI bản tường trình của AP, trong những đoạn có nhiều sác xuất bị cắt xén trên nhiều tờ báo địa phương và khu vực?
Chúng ta rất nên thận trọng:
“… Đức Phanxicô nói rằng cần phải phân biệt giữa tội ác và tội lỗi liên quan đến đồng tính luyến ái.
“Ngài nói, ‘Đó không phải là một tội ác. Đúng, nhưng đó là một tội lỗi. Tốt thôi, nhưng trước tiên hãy phân biệt giữa tội lỗi và tội ác’.
“Ngài nói thêm, ‘Thiếu bác ái với nhau cũng là một tội lỗi’.
“Giáo lý Công Giáo cho rằng trong khi những người đồng tính phải được đối xử tôn trọng, thì những hành vi đồng tính luyến ái là ‘rối loạn từ bản chất’. Đức Phanxicô đã không thay đổi giáo huấn đó, nhưng ngài đã biến việc tiếp cận cộng đồng LGBTQ thành một dấu ấn trong triều giáo hoàng của ngài”.
Một lần nữa, chúng ta thấy báo chí chôn vùi một sự khác biệt vốn cực kỳ quan trọng trong giáo lý Kitô giáo truyền thống - nhưng lại là một sự khác biệt mà các thừa tác viên của Cách mạng Tình dục luôn bác bỏ một cách báo thù. Đức Giáo Hoàng khẳng định ranh giới giữa “đồng tính luyến ái,” xét về khuynh hướng tính dục, và “các hành vi đồng tính luyến ái”.
Đó là một dòng giáo lý màu đỏ tươi đáng để suy gẫm khi đọc ngôn ngữ mơ hồ được sử dụng trong phần còn lại của báo cáo AP.
Đây là câu hỏi: Việc ủng hộ luật “chống đồng tính luyến ái” có nghĩa là gì? Đó có phải là xu hướng đồng tính không? Đó có phải là giáo dục và vận động công khai thay mặt cho các chính nghĩa LGBTQ và lý thuyết phái tính, điều mà Đức Phanxicô đã tấn công như một kẻ thù xấu xa của tín lý Giáo Hội về hôn nhân và gia đình? Đây có phải là những luật cố gắng cấm các hành vi đồng tính luyến ái, ngay cả ở nơi riêng tư?
Một câu hỏi khác: Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong đợi các giám mục làm gì ở những nơi trên thế giới, trong đó những luật lệ như thế này được các nhà lãnh đạo Hồi giáo bảo vệ và, khi các Kitô hữu có quan điểm chống lại những luật lệ này, điều này được sử dụng chống lại họ trong các phát ngôn công khai?
Điều này đưa chúng ta đến những đoạn quan trọng nhất trong tường trình của AP:
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ trích các luật lệ kết tội hình sự đồng tính luyến ái là ‘bất công’; ngài nói mọi con cái của Người như thế nào, Thiên Chúa yêu thương họ thế ấy và kêu gọi các giám mục Công Giáo ủng hộ luật chào đón những người LGBTQ vào Giáo Hội.
“'Đồng tính luyến ái không phải là một tội ác’, Đức Phanxicô nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền hôm thứ Ba với hãng thông tấn AP.
“Đức Phanxicô thừa nhận rằng các giám mục Công Giáo ở một số nơi trên thế giới ủng hộ luật lệ kết tội hình sự đồng tính luyến ái hoặc kỳ thị cộng đồng LGBTQ, và chính ngài từng đề cập đến vấn đề này theo hướng ‘tội lỗi’. Nhưng ngài gán những thái độ như vậy cho bối cảnh văn hóa, và nói rằng các giám mục đặc biệt cần phải trải qua một diễn trình thay đổi để nhận ra phẩm giá của mọi người.
“‘Các giám mục này phải có một diễn trình hoán cải’, ngài nói, đồng thời nói thêm rằng họ nên áp dụng ‘sự dịu dàng, như Chúa dành cho mỗi người chúng ta’.
“Những bình luận của Đức Phanxicô là lời đầu tiên được một vị giáo hoàng thốt ra về những luật lệ như vậy, nhưng chúng nhất quán với cách tiếp cận chung của ngài đối với cộng đồng LGBTQ và niềm tin rằng Giáo Hội Công Giáo nên chào đón tất cả mọi người và không phân biệt đối xử”.
Đây là một đoạn quan trọng khác:
“Tuyên bố những luật lệ như vậy là ‘bất công’, Đức Phanxicô nói rằng Giáo Hội Công Giáo có thể và nên hành động để chấm dứt chúng. ‘Nó phải làm điều này. Nó phải làm điều này’, ngài nói thế.
“Đức Phanxicô trích dẫn Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo khi nói rằng những người đồng tính phải được chào đón và tôn trọng, và không nên bị gạt ra ngoài lề hoặc phân biệt đối xử.
“‘Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, và chúng ta có thế nào, Thiên Chúa yêu thương chúng ta như vậy và vì sức mạnh mà mỗi người chúng ta đấu tranh cho phẩm giá của mình’, Đức Phanxicô nói với AP như thế tại cư sở của ngài ở Vatican”.
Còn một điểm thú vị nữa đáng để các phóng viên đặt câu hỏi tiếp theo. Trong thần học Kitô giáo, chắc chắn là Thiên Chúa “yêu chúng ta như chúng ta vốn là”. Điều đó không y hệt với việc nói rằng ý muốn của Thiên Chúa là những người mà Giáo Hội coi là “người có tội” nên thực hành những hành vi mà Giáo Hội, trong 2,000 năm, vẫn coi là “tội lỗi”, ngược với “tội ác”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ trả lời thế nào cho câu hỏi đó? Như tôi đã lưu ý, ngài đã đề cập đến chủ đề đó - trong phần trích dẫn được đặt ở cuối báo cáo.
Để kết luận, tôi kêu gọi độc giả tìm kiếm bài phân tích “tin tức mà bạn có thể sử dụng” này tại Crux của John L. Allen, Jr. Tựa đề bài báo: “có phải nhóm sách mới của Vatican báo hiệu không phải nội chiến mà là tổng hợp?”
Đúng như thế. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một trong những cuốn sách được viết bởi người tiền nhiệm của vị đương kim giáo hoàng và chứa những nhận xét rất cụ thể và, vâng, rất đáng tin cậy về các mối đe dọa đối với tương lai của các hình thức Công Giáo truyền thống?
Sẽ có những tường trình tin tức ưu tú về cuốn sách mới của Đức Bênêđictô XVI hay không? Có lẽ không. Nếu câu trả lời là “có”, hãy chuẩn bị cho một cuộc tắm axit từ cánh tả Công Giáo và vài từ, nếu có, từ các cuộc phỏng vấn mới với các nhà lãnh đạo Công Giáo bảo thủ - đặc biệt là các tổng giám mục người Mỹ không đội mũ đỏ.
Có rất nhiều mơ hồ lẫn lộn trong cuộc phỏng vấn của AP với Đức Giáo Hoàng
Philip Lawler của Catholic World News, ngày 25 tháng 1 năm 2023, có bài nhận định sau đây về các phát biểu của Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn của A.P.
Lại một tháng nữa, lại một cuộc phỏng vấn nữa của Đức Giáo Hoàng, và lại một loạt mơ hồ lẫn lộn khác. Trong một phiên họp dài với Associated Press, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra một loạt tuyên bố khó hiểu và/hoặc gây hiểu lầm về các chủ đề bao gồm đồng tính luyến ái, linh mục lạm dụng, chính sách của Vatican đối với Trung Quốc và sự từ chức giáo hoàng.
Trong câu chuyện chính của AP, tiêu đề tập trung vào tuyên bố của Đức Giáo Hoàng: “Đồng tính luyến ái không phải là một tội ác.” Hầu hết các phương tiện truyền thông thế tục dường như đồng ý rằng đây là tuyên bố đáng chú ý nhất trong cuộc phỏng vấn. Nhưng những điều Đức Giáo Hoàng nói chẳng có chi đáng loan tin.
Nhiều lớp lang gây mơ hồ lẫn lộn
Giáo hội chưa bao giờ dạy rằng đồng tính luyến ái—nghĩa là cảm thấy bị hấp dẫn về thể lý đối với những người cùng giới tính—là sai. Hành vi đồng tính luyến ái mới sai trái về mặt luân lý. Bởi vì ngài không phân biệt giữa xu hướng đồng tính luyến ái và hành vi đồng tính luyến ái, nên tuyên bố của ngài có thể bị giải thích - và chắc chắn đã bị giải thích - như một sự hủy bỏ việc lên án của Giáo hội đối với các hành vi đồng tính luyến ái.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như có nói tới sự khác biệt thích đáng trong cuộc phỏng vấn, nhưng ngay cả về điểm đó, tuyên bố của ngài cũng gây mơ hồ lẫn lộn:
“Đó không phải là một tội ác. Vâng, nhưng đó là một tội lỗi. Tốt thôi, nhưng trước tiên hãy phân biệt giữa tội lỗi và tội ác”.
Giáo hội vốn dạy rằng hành vi đồng tính luyến ái là tội lỗi. Chúng có phải là tội ác không? Đó là một câu hỏi dành cho các chính phủ thế tục—chứ không phải Giáo hội—quyết định. Rất có thể một hành động vô đạo đức nghiêm trọng (chẳng hạn như phá thai) có thể được coi là hợp pháp ở một số xã hội, và một hành động đạo đức (chẳng hạn như cầu nguyện tại một phòng phá thai) có thể bị coi là tội ác. Bộ luật hình sự do một chính phủ thế tục đặt ra không thay đổi các giáo huấn luân lý của Giáo hội.
Một phần của bãi lầy mơ hồ lẫn lộn ở đây có thể là do câu hỏi đặt ra cho Đức Giáo Hoàng. Theo tường trình của AP, Đức Giáo Hoàng “chỉ trích các luật lệ kết tội hình sự đồng tính luyến ái là 'bất công'”. Tuy nhiên, ngay cả ở đây, mọi thứ nhanh chóng trở nên rối rắm, bởi vì thật khó để tưởng tượng làm thế nào một chính phủ có thể thực thi lệnh cấm đối với khuynh hướng đồng tính luyến ái, ngoại trừ việc truy tố tác phong đồng tính luyến ái. Vì vậy, chúng ta trở lại với sự phân biệt quan trọng mà Đức Giáo Hoàng đã bỏ qua: không phải giữa tội lỗi và tội ác, nhưng giữa cám dỗ và tội lỗi.
Tuy nhiên, lực đẩy chung trong các nhận xét của Đức Giáo Hoàng khá rõ ràng, khi ngài nói rằng các giám mục ủng hộ việc cấm đồng tính luyến ái “phải có một diễn trình hoán cải.” Câu chuyện của AP, nhằm gợi ý rằng Đức Giáo Hoàng muốn Giáo hội có thái độ chào đón hơn đối với người đồng tính luyến ái, là chính xác. Điều không chính xác là cách đề cập tới vấn đề của chính Đức Giáo Hoàng.
Đổ tội lạm dụng cho người khác
Bị chất vấn về lạm dụng tình dục, Đức Phanxicô thú nhận rằng ngài đã phải trải qua một cuộc “hoán cải” về vấn đề này, xảy ra sau khi “quả bom phát nổ” trong chuyến đi Chile năm 2018, và ngài buộc phải thừa nhận rằng mình đã sai khi bác đơn khiếu nại. Đây là một sự thừa nhận gây sửng sốt: một sự thừa nhận rằng trong nửa triều đại giáo hoàng của mình cho đến nay, ngài đã sẵn sàng chấp nhận những phát hiện của các giám mục đã bảo vệ những kẻ săn mồi. Chỉ đến năm 2018, Đức Giáo Hoàng mới nói—năm năm sau khi ngài lên ngai của Thánh Phêrô và hứa sẽ quy trách nhiệm cho các vị giáo phẩm—rằng “tôi đã thấy sự thối nát của nhiều vị giám mục trong việc này.”
Chẳng hạn, một người phỏng vấn năng nổ hơn có thể đã thúc ép Đức Giáo Hoàng về chính hồ sơ theo dõi của chính ngài, đặt những câu hỏi khó chịu về việc ngài bảo vệ Giám mục khét tiếng Zanchetta. Nhưng cuộc phỏng vấn của AP tập trung vào một trường hợp đáng xấu hổ khác: đó là Cha Marko Ivan Rupnik. Ở đây cũng vậy, câu trả lời của Đức Giáo Hoàng đối với các câu hỏi hoàn toàn mơ hồ lẫn lộn.
Cha Rupnik đã được mời giảng Tĩnh Tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma vào năm 2020, sau khi ngài bị các bề trên Dòng Tên áp dụng kỷ luật và sau khi Bộ Giáo lý Đức tin (CDF) mở một thủ tục ra hình phạt mà cuối cùng dẫn đến việc ngài bị vạ tuyệt thông. Việc rút phép thông công đã được dỡ bỏ chưa đầy một tháng sau khi nó được ban hành. Thật khó hiểu làm thế nào mà linh mục Dòng Tên lại có thể được mời đến giảng tại Vatican, hoặc làm thế nào mà vạ tuyệt thông của ông lại có thể được dỡ bỏ nhanh chóng như vậy mà không có sự chấp thuận của Giám Mục Rôma. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài “không liên quan gì đến” trường hợp kỷ luật này.
Hay ngài có liên quan? Khi đọc kỹ hơn cuộc phỏng vấn của AP, có vẻ như Đức Giáo Hoàng đang nói rằng ngài không liên quan đến quyết định sau đó của Bộ Giáo Lý Đức Tin là không theo đuổi một vụ kiện khác chống lại Cha Rupnik, vì thời hiệu đã hết. Nhưng khi cuộc phỏng vấn tiếp tục, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nói rằng “ngài ‘luôn luôn’ miễn trừ thời hiệu đối với các trường hợp liên quan đến trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương, nhưng có xu hướng nhấn mạnh vào việc duy trì các bảo đảm pháp lý truyền thống với các trường hợp liên quan đến những người khác”. Vậy phải chăng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã quyết định không miễn trừ thời hiệu trong vụ Rupnik? Hay thánh bộ đó tuân theo chính sách của Đức Giáo Hoàng?
Và nhân tiện, vụ án Bộ Giáo Lý Đức Tin ban đầu chống lại Rupnik không chỉ liên quan đến lạm dụng tình dục mà còn liên quan đến việc lạm dụng tòa giải tội. Đó là tội ác thứ hai mà ngài đã bị vạ tuyệt thông. Nếu khiếu nại mới cũng tương tự, sự giải thích của Giáo hoàng về việc viện dẫn thời hiệu sẽ không ăn uống gì.
Thông điệp lẫn lộn về Con đường Đồng nghị
Về câu hỏi tế nhị liên quan tới Con đường Đồng nghị của các giám mục Đức, và nguy cơ ly giáo hoàn toàn nó có thể gây ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tỏ ra thận trọng, khi nói rằng “kinh nghiệm của Đức không giúp ích được gì”. Ngài cảnh cáo nguy cơ “một điều gì đó rất, rất ý thức hệ đang nhỏ giọt vào.” Tuy nhiên, thay vì đối đầu trực tiếp với vấn đề, và chỉ ra những vấn đề mà các giám mục Đức đang kêu gọi thay đổi căn bản trong giáo huấn của Giáo hội, Đức Giáo Hoàng đã xem nhẹ các vấn đề về tín lý. Thay vào đó, ngài truyền đạt một ấn tượng cho rằng hàng giáo phẩm Đức chỉ đơn giản là di chuyển quá nhanh.
Ngài nói, “Chúng ta phải kiên nhẫn, đối thoại và đồng hành với những người này trên con đường đồng nghị thực sự”. Ngài giải thích, cách tiếp cận này là câu trả lời tốt nhất cho sáng kiến của các giám mục Đức, “để nó không kết thúc một cách tồi tệ theo một cách nào đó, nhưng cũng được hội nhập vào Giáo hội”. Nếu các ý tưởng cấp tiến của các giám mục Đức có thể được “tích hợp vào Giáo hội” với tốc độ vừa phải hơn, thì không có gì trong cuộc phỏng vấn của AP cho thấy rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ phản đối.