1. Đọc gì trong cuốn sách 'Nói tất cả' của thư ký Đức Bênêđíctô XVI

Báo chí xoáy mạnh vào câu chuyện Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng cho Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong 20 năm, đã phàn nàn rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khiến ngài trở thành một “giám chức hữu danh vô thực”. Tuy nhiên, trong cuốn sách mới nhất của ngài có rất nhiều điều thú vị và tích cực.

Thật vậy, trong khi sự cường điệu xung quanh việc xuất bản tập trung vào tình huống cụ thể đó – tức là việc loại bỏ Đức Tổng Giám Mục Gänswein với tư cách là người đứng đầu Phủ Giáo hoàng - và đã mô tả đặc điểm của vị tổng giám mục là sẵn sàng gây căng thẳng, gần như đặt triều đại giáo hoàng này chống lại triều đại giáo hoàng kia, cuốn sách đưa ra nhiều hơn thế.

Trên thực tế, có lẽ nội dung quý giá nhất của nó là các đoạn trích bài giảng mà Đức Bênêđictô XVI đã giảng tại Tu viện Mẹ Giáo Hoàng, nơi ngài đã sống những năm cuối đời.

Những bài giảng đó có lẽ là yếu tố sáng tạo nhất của cuốn sách, mà Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã viết cùng với nhà báo Saverio Gaeta. Với tựa đề “Không có gì ngoài sự thật: Cuộc sống của tôi bên cạnh Đức Bênêđictô XVI”, cuốn sách đã được phát hành bằng tiếng Ý vào ngày 12 tháng Giêng.

Miễn là còn có thể nói được, Đức Bênêđictô XVI đã đích thân chuẩn bị các bài giảng, với những ghi chú được viết bằng bút chì trong một cuốn sổ để sau đó dùng làm kim chỉ nam cho những gì ngài sẽ nói. Đó là những bài giảng đơn sơ, chính xác, đi thẳng vào vấn đề mà bốn Memores Domini, tức là những nữ giáo dân thánh hiến của Hiệp Thông và Giải Phóng, những người phục vụ như gia đình của Đức Bênêđictô XVI, đã thu âm và chép lại.

Chỉ một số ít người có thể lắng nghe một số bài giảng đó vì Đức Bênêđictô hiếm khi tiếp công chúng, vì vậy tường trình về những bài giảng đó là một kho tàng vô giá.

Những gì khác có thể được tìm thấy trong cuốn sách? Đầu tiên, tất nhiên, có sự tức giận và ngạc nhiên công khai của Đức Tổng Giám Mục Gänswein khi bị Đức Thánh Cha Phanxicô đột ngột miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Phủ Giáo hoàng mà không có bất kỳ lời giải thích nào.

Cuốn sách cũng nói về sự cay đắng của Đức Bênêđíctô XVI khi biết về Tự Sắc Traditionis Custodes, là tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô mà theo đó ngài đã đảo ngược các quyết định của Đức Bênêđíctô trong việc mở rộng việc cử hành Thánh lễ Latinh truyền thống.

Những chi tiết này có thể “thú vị” đối với giới truyền thông, nhưng chúng chắc chắn không phải là yếu tố mới lạ nhất của cuốn sách.

Không nói theo ngôn ngữ ngoại giao, sử dụng ngôn ngữ đơn giản mà những người biết ngài đã quen nghe, Đức Tổng Giám Mục Gänswein phác thảo nhiều tình huống thú vị và một phần chưa được công bố. Chúng bao gồm: trường hợp cuốn sách của Đức Hồng Y Robert Sarah, mà Đức Bênêđictô XVI là đồng tác giả; những cuộc tiếp xúc với Hồng Y Jorge Bergoglio trước và sau khi ngài trở thành giáo hoàng; bức thư dài mà Đức Bênêđictô XVI viết cho Đức Thánh Cha Phanxicô để bình luận về cuộc phỏng vấn đầu tiên của ngài dành cho tờ La Civiltà Cattolica vào năm 2013; và những chi tiết mới về quyết định thoái vị của Đức Bênêđictô đã xảy ra như thế nào.

Cuốn sách cung cấp những hiểu biết sâu sắc về những câu chuyện này và những câu chuyện khác qua con mắt của một nhân chứng trực tiếp. Nên hiểu đây là bản hoài niệm chứ không phải bản cáo trạng. Nó cung cấp một bản tường trình trung thực về các tình huống và câu chuyện mà Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã trải qua.

Sự thoái vị của Đức Bênêđíctô

Trong một số trường hợp, các sự kiện mới được đưa ra và các tường thuật đã biết trước đó được trình bày dưới một khía cạnh khác. Một ví dụ là lời giải thích của Đức Tổng Giám Mục Gänswein về lý do tại sao Đức Bênêđictô XVI đặt dây pallium trên mộ của Thánh Celestinô Đệ Ngũ, vị giáo hoàng đã thoái vị vào năm 1294. Lăng mộ của ngài ở L'Aquila, miền trung nước Ý, nơi Đức Bênêđictô đã đến thăm vào năm 2009 khi đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi một trận động đất.

Cử chỉ này của Đức Bênêđíctô vẫn thường được hiểu là dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng thoái vị sẽ xảy ra vài năm sau đó.

Tuy nhiên, không phải như vậy, Đức Tổng Giám Mục Gänswein tiết lộ. Ngài giải thích rằng Đức Bênêđíctô muốn thực hiện một hành động tỏ lòng kính trọng với người tiền nhiệm của mình. Vì vậy, ngài đã đặt một dây pallium, mà Đức Tổng Giám Mục Piero Marini, vào thời điểm đó phụ trách việc cử hành phụng vụ cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã khâu. Chiếc pallium này không vừa với Đức Bênêđictô XVI. Vì thế, ngài đã tận dụng cơ hội này để bày tỏ lòng kính trọng và hiến tặng nó. Quyết định cũng nói lên nhiều điều về cách Đức Bênêđictô XVI giải quyết các vấn đề: Ngài tìm kiếm những giải pháp tao nhã mà không làm mất lòng ai trong khi cố gắng đoàn kết mọi người.

Tuy nhiên, chi tiết về quyết định thoái vị lại gay cấn hơn. Đức Tổng Giám Mục Gänswein giải thích việc Đức Bênêđictô XVI đã bắt đầu rút lui vào việc cầu nguyện sâu sắc hơn sau chuyến đi Cuba và Mễ Tây Cơ vào năm 2012. Có những dấu hiệu cho thấy ngài đang cân nhắc thoái vị, điều này đã gây ra một số câu hỏi cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, khi đó là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Nhưng một quyết định như vậy là không thể tưởng tượng được.

Khi Đức Bênêđictô XVI đi đến quyết định, không có cách nào để thay đổi ý định của ngài, Đức Tổng Giám Mục Gänswein báo cáo. Ngài và Đức Hồng Y Bertone chỉ thuyết phục được ngài đừng đưa ra thông báo trong lời chúc Giáng Sinh hàng năm của ngài tới Giáo triều vào ngày 21 tháng 12 năm 2012, mà hoãn lại một chút. Nếu thông báo được đưa ra vào ngày hôm đó, và triều đại giáo hoàng kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, thì lễ Giáng Sinh sẽ không được cử hành, Đức Tổng Giám Mục Gänswein viết.

Một người đàn ông có khiếu khôi hài

Trong câu chuyện của Đức Tổng Giám Mục Gänswein, Đức Bênêđictô XVI nổi lên như một người hài hước - uyên bác, có phương pháp và thông minh - nhưng trên hết là một người có đức tin. Bản chất là người hướng nội, Đức Bênêđictô XVI thu mình và im lặng khi có những vấn đề quan trọng. Và ngài đã cầu nguyện. Ngài cầu nguyện mãnh liệt hơn. Ngài cầu nguyện nhiệt thành. Ngài đã làm như vậy bởi một niềm tin không thể lay chuyển và nhu cầu sống và hiểu ý nghĩa của các sự kiện.

Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hấp hối, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger ngày càng suy tư. Cuối cùng, khi rõ ràng rằng ngài đang được cân nhắc để kế vị, ngài gần như rút lui. Nhưng rồi, sau khi cầu nguyện, sau khi đã có những quyết định chín chắn, Đức Hồng Y Ratzinger là một con người thanh thản, xác tín và cương quyết.

Đức Hồng Y Ratzinger cũng trung thành, gần gũi với các cộng tác viên của mình, cẩn thận không làm hại bất kỳ người bạn nào của mình. Bênêđictô XVI đã tìm kiếm sự hài hòa - một thực tế nổi lên rõ ràng từ lời tường thuật của Đức Tổng Giám Mục Gänswein.

Trường hợp của Đức Hồng Y Sarah

Việc tìm kiếm sự hài hòa cũng có thể được nhìn thấy trong trường hợp của Đức Hồng Y Sarah. Vấn đề được đề cập đến là cuốn sách của Đức Hồng Y Sarah, “From the Depths of Our Hearts” hay “Từ Thẳm Sâu Tâm Hồn Chúng Ta”, cuốn sách cũng bao gồm một bài tiểu luận của Đức Bênêđictô XVI. Bài tiểu luận được dành riêng cho vấn đề về sự độc thân của linh mục, và người ta tin rằng nó sẽ ra mắt sau khi công bố tông huấn hậu thượng hội đồng Querida Amazonia vào tháng 2 năm 2020.

Tuy nhiên, nó đã ra mắt sớm hơn, vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020, bởi vì Đức Thánh Cha Phanxicô hoãn việc phê duyệt văn bản mà lẽ ra đã diễn ra vào ngày 27 tháng 12 năm 2019, tạo ra ấn tượng rằng cuốn sách nhằm tác động đến những suy tư của Đức Giáo Hoàng về Thượng hội đồng Amazon.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein viết rằng một động cơ như vậy là không đúng sự thật. Cũng không đúng là Đức Bênêđictô XVI đã được thông báo rằng ngài sẽ xuất hiện với tư cách là đồng tác giả.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein giải thích tình hình, nhắc lại rằng Đức Hồng Y Sarah đã yêu cầu Đức Bênêđictô XVI ký một thông cáo báo chí để bảo vệ hoạt động này. Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã chống lại điều đó; Đức Bênêđíctô XVI đã dành thời gian để suy nghĩ và sau đó đưa ra một tuyên bố dành quyền quyết định cho Đức Phanxicô. Và Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng tốt hơn là không nên xuất bản.

Vào thời điểm đó, các dòng tweet đến từ tài khoản của Hồng Y Sarah, tuyên bố rằng Đức Bênêđictô XVI đã đọc và chấp thuận các bản thảo. Cũng có một cuộc đối đầu đầy kịch tính giữa Đức Tổng Giám Mục Gänswein và vị Hồng Y người Phi Châu về vai trò của Nicolas Diat, nhà báo đã viết một số cuốn sách với Đức Hồng Y Sarah và người được mô tả là “giám đốc công việc”.

Lời tường thuật của Đức Tổng Giám Mục Gänswein bộc lộ nhiều bất bình về hoàn cảnh này. Nhưng nó cũng bao gồm một bức thư dài mà chính Đức Bênêđíctô gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô, được xuất bản gần như toàn bộ, giải thích quan điểm và vai trò của ngài và để làm sáng tỏ bất kỳ ý tưởng nào có thể xảy ra về sự đối lập giữa Đức Phanxicô và vị giáo hoàng danh dự.

Đức Bênêđictô, La Civiltà Cattolica và Dòng Tên

Bức thư của Đức Bênêđictô XVI gửi cho Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là tác phẩm duy nhất chưa được xuất bản của vị giáo hoàng danh dự được đưa vào cuốn sách. Vào năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với tạp chí Dòng Tên La Civiltà Cattolica và gửi cuốn sổ ghi chép được sử dụng trong cuộc phỏng vấn tới Đức Bênêđictô XVI, để xin ngài cho ý kiến. Đức Bênêđictô XVI đã làm như vậy bằng cách viết một lá thư dài cho Đức Giáo Hoàng, đề ngày 27 tháng 9 năm 2013. Trong đó, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến hai khía cạnh: đó là cần phải chiến đấu chống lại “sự phủ nhận cụ thể và thực tế đối với Thiên Chúa hằng sống,” được thực hiện qua phá thai và trợ tử, và phải nhận thức được sự thao túng của ý thức hệ giới.

Vào đầu triều đại giáo hoàng của Bênêđictô, một số tình huống của Dòng Tên đã được thảo luận và thậm chí việc bổ nhiệm một ủy viên đã được xem xét. Đức Hồng Y Bergoglio lập luận rằng không cần phải bổ nhiệm một ủy viên như thế, và đã nhận được lời hứa rằng việc bổ nhiệm đó sẽ không bao giờ diễn ra.

Một vị Tổng giám mục thẳng thắn

Nhìn chung, trong cuốn sách của mình, Đức Tổng Giám Mục Gänswein thẳng thắn nói về những tình huống quan yếu. Ngài không ngại thừa nhận rằng ngài đã sai trong một số trường hợp, nhưng ngài cũng không ngần ngại tố cáo những tái dựng sai lầm về Đức Bênêđíctô và những người cộng tác với ngài.

Từ lời kể của cuốn sách, tất cả đều ở ngôi thứ nhất, xuất hiện một thư ký riêng vẫn đang làm việc cho cấp trên của ngài. Mọi tình huống được báo chí coi là gây tranh cãi hoặc đánh giá sai đều được giải thích lại rất chi tiết.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nhìn Đức Bênêđíctô XVI như một người cha, với lòng nhân từ đối với những gì có vẻ ngây thơ; và bày tỏ sự ngưỡng mộ của một người biết rằng Đức Bênêđictô hoàn toàn có khả năng đảm đương công việc của mình vì ngài đã biết, đã nghiên cứu và dấn thân.

Vai trò của ngài là “thủy tinh” — nghĩa là minh bạch, trong sạch và trung thực — nhưng cũng là người gác cổng cho những ai muốn đến gần Đức Giáo Hoàng hơn. Đây là điều ông đã luôn làm và cố gắng thực hiện trong cuốn sách này.

Người ta có thể thảo luận rất chi tiết về việc có nên thận trọng xuất bản cuốn sách ngay sau khi vị giáo hoàng danh dự qua đời hay không. Tuy nhiên, thông điệp mà Đức Tổng Giám Mục Gänswein muốn gửi đi không phải là điều gây tranh cãi. Đức Tổng Giám Mục kể lại những năm tháng của ngài với Đức Bênêđictô XVI, thậm chí còn lấy một vài viên sỏi ra khỏi giày của mình, nhưng không có giọng điệu luận chiến với bất kỳ ai.

Việc xuất bản có thể đã gây hại cho Đức Tổng Giám Mục Gänswein vào lúc này vì nó đã tạo điều kiện cho một chiến dịch chống lại ngài và do đó, chống lại triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI.

Chưa hết, những trang viết của thư ký riêng của cố giáo hoàng danh dự có vẻ chân thành, đầy những tác phẩm chưa được xuất bản và những câu chuyện chưa được biết đến. Chúng là những trang viết của một người giúp việc trung thành và của một người lớn lên trong trường học của Đức Bênêđictô XVI; nghĩa là đã quen lấy Thiên Chúa làm trung tâm của mọi sự.
Source:National Catholic Register

2. Bắc Kinh phô trương thành tích 'Trung Quốc hóa' Công Giáo

Mỗi khi chính quyền Trung Quốc nói về vai trò của các tôn giáo trong nước, họ đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “Trung Quốc hóa”.

Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba của ông, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định cam kết “Trung Quốc hóa tôn giáo, hướng dẫn tôn giáo và xã hội xã hội chủ nghĩa thích ứng với bối cảnh Trung Quốc”. Nhưng Trung Quốc hóa cụ thể nghĩa là gì?

Một ví dụ về cách các cơ quan chính quyền muốn chính sách này được hiểu có thể thấy từ một cuộc triển lãm khai mạc gần đây tại Tòa Tổng Giám mục ở Bắc Kinh đánh dấu kỷ niệm 15 năm bổ nhiệm Đức Cha Giuse Lý Sơn làm Tổng Giám mục thủ đô vào năm 2007 với sự đồng ý của Tòa thánh ngay cả trước khi ký Thỏa thuận tạm thời 2018.

Vài tháng trước, Đức Cha Lý Sơn đã trở thành chủ tịch của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, cơ quan chính phủ chính thức kiểm soát đời sống của Giáo hội ở Trung Quốc. Có lẽ đây cũng là lý do tại sao người ta quyết định đánh dấu lễ kỷ niệm bằng một cái gì đó đề cập rõ ràng đến chỉ thị mà Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Với tựa đề “Vinh danh trời thương quê hương. Lịch sử Trung Quốc hóa Công Giáo ở Bắc Kinh”, triển lãm bao gồm 41 phòng với hơn 600 hình ảnh.

Theo một tuyên bố từ giáo phận Bắc Kinh, phải mất 16 tháng làm việc và năm vòng thảo luận giữa các chuyên gia, với nhiều bản thảo viết đi viết lại, để sắp xếp một cách có hệ thống và tóm tắt một cách thấu đáo quá trình lịch sử Trung Quốc hóa đạo Công Giáo ở Bắc Kinh.

Ban giới thiệu giải thích rằng mục đích của sáng kiến này là thúc đẩy hơn nữa quá trình Trung Quốc hóa Công Giáo, để hiểu rõ hơn về tuyên bố quan trọng của Tổng bí thư Tập Cận Bình về tôn giáo, quảng bá nền văn hóa Trung Quốc xuất sắc, củng cố niềm tin văn hóa và khám phá các nguồn tài nguyên văn hóa Công Giáo phong phú của Bắc Kinh.

Từ những hình ảnh được chụp từ cuộc triển lãm và được đăng trên tài khoản WeChat của giáo phận Bắc Kinh, rõ ràng lòng yêu nước được thể hiện nổi bật hơn đức tin Công Giáo. Hình ảnh của linh mục Dòng Tên vĩ đại Matteo Ricci và một số ví dụ về những nỗ lực quan trọng đầu tiên trong việc hội nhập văn hóa xuất hiện trong phần về nguồn gốc lịch sử của quá trình Trung Quốc hóa.

Nhìn chung, lịch sử của các thực thể yêu nước được nhấn mạnh nhiều hơn với Giám mục Phó Thiết Sơn (Fu Tieshan) sinh năm 1931 và qua đời năm 2007. Ông ta là nhân vật chủ chốt ở Bắc Kinh bảo vệ ý tưởng về một Giáo hội “tự trị” độc lập hoàn toàn khỏi Rôma.


Source:Asia News

3. Ủy Ban thường trực Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình kêu gọi chuẩn bị kỷ niệm 10 năm triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ủy Ban thường trực Hội Đồng Giám Mục Á Căn Đình mời gọi các tín hữu Công Giáo toàn quốc “vui mừng và nồng nhiệt” mừng kỷ niệm 10 năm Đức Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng.

Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, bấy giờ là Tổng giám mục Giáo phận thủ đô Buenos Aires, đã được bầu làm Giáo hoàng ngày 13 tháng Ba năm 2013, trong ngày thứ hai của mật nghị Hồng Y, sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI thoái vị. Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên người Mỹ châu Latinh và là người kế vị thứ 266 của thánh Phêrô Tông đồ.

Trong một thư, Đức Cha Óscar Ojea, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á Căn Đình, khuyến khích các giáo phận tại nước này, tham gia chương trình mừng kỷ niệm, từ ngày 11 đến ngày 19 tháng Ba tới đây, để tái bày tỏ lòng quý mến của dân Chúa đối với Đức Thánh Cha.”

Đức Cha Ojea nhận xét rằng “lòng quý mến sâu xa này không những được các tín hữu Công Giáo chia sẻ, nhưng rất nhiều người, tín hữu cũng như không tín hữu, quí chuộng sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây thực là cơ hội để chúng ta bày tỏ sự gắn bó và lòng biết ơn đối với giáo huấn của Đức Giám Mục Roma, là vị chủ trì Giáo hội trong tình bác ái”.

Các giám mục Á Căn Đình mời gọi các giáo xứ, các nhà thờ chính tòa và các Đền thánh Đức Mẹ cử hành một thánh lễ tạ ơn, và nhấn mạnh rằng đây là cơ hội để nhân dân Á Căn Đình tái bày tỏ niềm vui mừng vì sứ vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như cầu nguyện cho các hoạt động mục vụ của Ngài”.

Sau cùng, Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Á Căn Đình cũng khuyến khích, nếu có thể, thì tổ chức một buổi lễ ở cấp giáo phận hoặc miền, để biểu lộ niềm vui trong tình hiệp thông”.