Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Joseph Ratzinger, Doctor of the Church?”, nghĩa là “Joseph Ratzinger, Tiến Sĩ Hội Thánh?”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Sau khi ngài qua đời vào ngày 31 tháng 12, một số nhà bình luận đã bày tỏ hy vọng rằng Đức Joseph Ratzinger, sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và sau đó là Đức Giáo Hoàng Danh dự, cuối cùng sẽ được phong là Tiến Sĩ Hội Thánh. Dưới ánh sáng của những hy vọng đó, tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi xem lại cuộc trò chuyện giữa tôi với Đức Hồng Y Ratzinger, lúc bấy giờ là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, khi tôi đang chuẩn bị cho cuốn sách Chứng nhân Hy vọng, là tập đầu tiên của hai tác phẩm của tôi về tiểu sử của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.Đó là ngày 20 tháng 9 năm 1997, và chúng tôi nói chuyện, như thường lệ, trong văn phòng của Đức Hồng Y ở Palazzo Sant'Ufficio. Như mọi khi, Đức Hồng Y ăn mặc đơn giản trong chiếc áo chùng thâm màu đen không có thánh giá trước ngực. Sau khi thảo luận một số vấn đề khác, tôi hỏi ngài về quyết định gần đây của Đức Gioan Phaolô II phong Thánh Têrêsa thành Lisieux, Bông Hoa Nhỏ, là Tiến Sĩ Hội Thánh, sau khi đã nhận được đơn xin như vậy từ hơn hai ngàn giám mục, nếu tôi nhớ không nhầm, trong một chiến dịch do Đức Giám Mục Phụ Tá đã nghỉ hưu của New York, là Đức Cha Patrick Ahern, lãnh đạo. Quyết định này đã gây ra một số tranh cãi, vì danh hiệu hiếm hoi đó thường được trao cho các nhà thần học lỗi lạc.
Khi tôi hỏi thẳng Đức Hồng Y Ratzinger, “Tại sao Thánh Têrêsa thành Lisieux lại là Tiến Sĩ Hội Thánh,” vị Hồng Y cười (là điều mà ngài đã làm một cách dễ dàng, mặc dù có những xuyên tạc về tính cách của ngài, cho rằng ngài khó tính). Không bình luận gì về sự thẳng thừng, thậm chí là xấc xược trong câu hỏi của tôi, ngài nói và trình bày một cách hoàn chỉnh, như thói quen của ngài. Sau đây là bản chép lại trực tiếp câu trả lời của ngài, mà tôi nghĩ làm sáng tỏ quan niệm về sự thánh thiện của chính ngài và nhiều cách diễn đạt của sự thánh thiện:
Chúng ta đã có những hình thức Tiến Sĩ Hội Thánh khác nhau, thậm chí trước cả Thánh Antôn thành Padua. Một mặt, chúng ta có các Tiến sĩ kinh viện vĩ đại, như Thánh Bonaventura và Thánh Thomas Aquinas, là những giáo sư, viện sĩ và Tiến sĩ vĩ đại theo nghĩa khoa học; trong thời các giáo phụ, chúng ta có những nhà thuyết giảng vĩ đại, những người đã phát triển tín lý không phải trong cuộc thảo luận thần học mà là qua thuyết giảng, qua các bài giảng; chúng ta cũng có Ephraim, người đã phát triển thần học của mình về cơ bản là thánh ca và âm nhạc. Giờ đây, trong thời đại này, chúng ta có những hình thức Tiến sĩ mới và điều quan trọng là phải nâng cao sự phong phú của các phương tiện giảng dạy khác nhau trong Giáo hội. Chúng ta có Thánh Têrêsa thành Avila với những kinh nghiệm thần bí và những diễn giải của bà về sự hiện diện của Thiên Chúa trong kinh nghiệm thần bí. Chúng ta có Thánh Catêrina thành Siena với nền thần học kinh nghiệm. Và bây giờ chúng ta có Thánh Têrêsa thành Lisieux, người đã tạo ra theo một…cách khác một nền thần học về kinh nghiệm.
Điều quan trọng, trong xã hội có đầu óc khoa học của chúng ta, là có thông điệp về một kinh nghiệm đơn giản và sâu sắc về Thiên Chúa, và một giáo huấn về sự đơn giản trong việc trở thành một vị thánh: trong thời gian này, với cách tiếp cận cực kỳ định hướng hành động, trong đó dạy rằng để trở thành một vị thánh không nhất thiết phải là vấn đề của những hành động vĩ đại, mà là để Chúa hành động trong chúng ta.
Điều này cũng thú vị cho cuộc đối thoại đại kết. Học thuyết về sự công chính hóa của Luther đã được khơi dậy bởi sự khó hiểu của ông trong việc hiểu chính mình làm thế nào để được công chính hóa và cứu chuộc thông qua các cấu trúc phức tạp của Giáo hội thời trung cổ. Ân sủng đã không đến với tâm hồn ông ấy và chúng ta phải hiểu sự bùng nổ của 'sola fide', hay ‘công chính hóa chỉ nhờ đức tin’, trong bối cảnh này: rằng cuối cùng ông khám phá ra rằng ông chỉ cần trao phó niềm tin, tín thác cho Chúa, phó mình trong tay Chúa. —và được cứu chuộc. Tôi nghĩ theo một cách rất Công Giáo, điều này đã trở lại nơi Thánh Têrêsa thành Lisieux: Bạn không cần phải làm những điều vĩ đại. Tôi nghèo về tinh thần và vật chất; và phó mình trong tay Chúa Giêsu là đủ. Đây là một cách giải thích thực sự về ý nghĩa của việc được cứu chuộc; chúng ta không cần phải làm những điều vĩ đại, chúng ta phải tín thác, và trong tự do của sự tín thác ấy, chúng ta có thể theo Chúa Giêsu và thực hiện một đời sống Kitô hữu. Đây không chỉ là một đóng góp quan trọng cho cuộc đối thoại đại kết mà còn cho câu hỏi chung của chúng ta – làm thế nào tôi có thể được cứu chuộc, làm thế nào tôi được công chính hóa? “Con đường nhỏ” của Thánh Têrêsa là một tái khám phá rất sâu sắc về trung tâm của đời sống Kitô hữu.
Một khái niệm khác là từ một dòng kín, cách xa thế giới, người ta có thể làm được nhiều điều cho thế giới. Hiệp thông với Chúa Kitô là hiện diện với các Kitô hữu trên toàn thế giới. Mọi người đều có thể có “hiệu quả” cho Giáo hội hoàn vũ trong thời đại ngày nay. Đây cũng là một định nghĩa mới về “tính hiệu quả” trong Giáo hội. Chúng ta có rất nhiều hành động, và chúng ta phải khám phá ra rằng “hiệu quả” bắt đầu bằng sự hiệp thông với Chúa. Ý tưởng này, rằng trái tim của Giáo hội hiện diện trong tất cả các bộ phận của cơ thể, là một sự điều chỉnh tốt đối với một Giáo hội đơn thuần thực dụng, một Giáo hội “hiệu quả” theo nghĩa bên ngoài. Đó là sự tái khám phá cội nguồn của mọi hành động Kitô giáo.
Thánh Têrêsa cũng có một ý tưởng mới về thiên đường, về mối quan hệ giữa vĩnh cửu và thời gian. Có mặt trên trái đất và làm điều thiện trên trái đất này là thiên đường của tôi. Chúng ta có một mối quan hệ mới giữa vĩnh cửu và thời gian: thiên đàng không vắng mặt trên trái đất, nhưng là một sự hiện diện mới và mạnh mẽ hơn. Sự vĩnh cửu hiện diện trong thời gian, và sống cho sự vĩnh cửu là sống trong và cho thời điểm hiện tại. Bằng cách sống đời sống Kitô hữu, chúng ta hiện diện nhiều hơn trên trái đất, chúng ta đang thay đổi trái đất; chúng ta có thể nói về một cánh chung luận mới ở đây, đó là một học thuyết quan trọng.
Phép biện chứng của sự hiện diện và sự vắng mặt này là một học thuyết rất vĩ đại. Sự tinh tế của Têrêsa cũng thật tuyệt vời khi giải quyết một số đòi hỏi đối với các tín điều mới về Đức Mẹ. Thánh nữ viết, “Đừng luôn nói về những đặc ân của Đức Maria, hãy nói về Đức Mẹ như một hữu thể như chúng ta.” Có một số văn bản tuyệt vời theo đường hướng này và đây là những sửa đổi rất hữu ích chống lại những khuynh hướng siêu Thánh Mẫu Học [hyper-Marian].
Đó là Đức Joseph Ratzinger, hai mươi lăm năm trước, về ơn gọi nên thánh và nhiều hình thức và phương thức nên thánh trong Giáo hội; về thời gian và vĩnh cửu; về sự phó thác chính mình cho Chúa; về tính qui hướng về Chúa Kitô không thể giản lược của đời sống Kitô hữu. Khi nhớ lại cuộc trò chuyện cách đây một phần tư thế kỷ, tôi không thể không nghĩ rằng Đức Ratzinger đang cho tôi thoáng nhìn vào cuộc sống nội tâm sâu thẳm của chính ngài: cuộc đời của một người được Đức Hồng Y Joachim Meisner mô tả một cách khéo léo là có “tâm trí của mười hai giáo sư” và có lòng đạo đức rõ ràng của một đứa trẻ rước lễ lần đầu.
Source:First Things