Tối ngày 24 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa của Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, đã chủ sự thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại nơi cực thánh là hang Bêlem, nơi Con Thiên Chúa xuống thế làm người.
Đồng tế với Đức Thượng phụ có ba Giám Mục Phụ Tá và các cha dòng Phanxicô quản thủ Thánh Mộ và nhiều linh mục thuộc giáo phận địa phương. Hiện diện trong buổi lễ, cũng có Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine, Đại diện của Quốc vương Jordan, Abdallah II, và nhiều quan chức khác.
Trong bài giảng, Đức Thượng Phụ nói:
Kính thưa Ngài Tổng thống Mahmoud Abbas và các vị đại diện của Nhà nước Palestine,
Thưa Đại diện của Quốc vương Abdallah II của Jordan,
Thưa Quý vị, các Tổng Lãnh sự và các thành viên của ngoại giao đoàn,
Xin Chúa ban bình an cho quý vị và anh chị em!
“Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng.” (Is. 9: 1-2).
Một lần nữa chúng ta lại gặp nhau tại Bêlem, nơi Cực Thánh này, để cảm tạ, ngợi khen và mừng biến cố mầu nhiệm Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Một lần nữa, cùng với ngôn sứ Isaia, chúng ta loan báo cho toàn thế giới rằng một ánh sáng chói lọi đã hiện ra trước mắt chúng ta và lòng chúng ta tràn ngập niềm hân hoan, “vì Thiên Chúa đã xuất hiện, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tit 2: 11) là Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta.
Hôm nay, như mọi năm, chúng ta được mời cúi đầu trước mầu nhiệm cao cả này, cũng là một lời loan báo về ơn cứu độ và lòng thương xót. Trên thực tế, Giáng Sinh không chỉ là thời điểm, có lẽ hơi trẻ con, của niềm vui, của những lễ kỷ niệm và ánh sáng, hoặc thời điểm của những đứa trẻ hạnh phúc và những món quà được chia sẻ với những người gặp khó khăn. Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là lễ kỷ niệm sự mặc khải của Thiên Chúa trong lịch sử; đó là biểu hiện của ý định Thiên Chúa đối với nhân loại, đạt đến đỉnh điểm trong Lễ Giáng Sinh. Lễ Giáng Sinh là cái nhìn và sự phán xét của Thiên Chúa đối với thế giới. Và đó là sự phán xét cứu rỗi và thương xót, cảm thương chứ không kết án.
“Những người đi trong bóng tối…” (Is 9:1). Cuộc sống của thế giới được đánh dấu bởi tội lỗi. Như chúng ta biết, hồi đó thế giới bị xâu xé, chia rẽ và bạo lực – không thua gì ngày nay. Tuy nhiên, với Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô, một cái gì đó bắt đầu thay đổi. Thật vậy, sự chào đời của Hài Nhi Bêlem, cũng đánh dấu sự ra đời của một cơ hội mới cho các mối quan hệ giữa con người với nhau. Đúng là không có thay đổi đột ngột nào trong cuộc sống của thế giới bạo lực đó. Tuy nhiên, ý định của Thiên Chúa, ước muốn đầy lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, mà trong Lễ Giáng Sinh, đã trở nên xác phàm và được thể hiện rõ ràng trong một Hài nhi, bắt đầu, từng chút một, mở rộng từ nơi đó ra toàn thế giới. Biến cố đó mang lại một lối sống mới, dựa trên phẩm giá của mọi người nam nữ, trên một công lý không bao giờ tách rời lòng thương xót, trên ước muốn tất cả mọi người đều được cứu độ. Kể từ đó, ý định thiêng liêng đó tiếp tục tỏa sáng, mang lại ánh sáng cho những người sống trong vùng đất bóng tối.
Tuy nhiên, sự phán xét và cái nhìn thương xót và cứu độ đó cũng đang chờ đợi một sự đáp trả: đó là một lời mời gọi gửi đến mọi người nam nữ bước vào lối sống mới, dựa trên chính ước muốn của Thiên Chúa. Đó là một lời kêu gọi mạnh mẽ và trang trọng hãy sống trong ánh sáng mới. “Ở nơi Người có sự sống, và sự sống đó là ánh sáng muôn loài” (Ga 1:4-5). Như vậy, mừng Lễ Giáng Sinh cũng liên quan đến một quyết định. Thật vậy, người ta có thể chọn không đáp lại lời mời gọi đó: “Người đã đến xứ sở của Người, mà dân tộc Người không đón nhận Người” (Ga 1:11).
Từ đó cho đến nay, cái nhìn và sự phán xét của Thiên Chúa được hiện diện trên thế giới qua Giáo hội. Vì Kitô giáo trước hết là lối sống của những ai đã quyết định đón nhận lời mời trở nên những chứng nhân khả tín về chương trình cứu độ mà Thiên Chúa dành cho mọi người. Trở thành Kitô Hữu có nghĩa là cụ thể hóa ước muốn thiêng liêng về lòng thương xót, một ước muốn mà Lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô đã làm cho có thể và hữu hình. Cộng đồng Kitô hữu được mời gọi để làm cho Trái tim từ bi của Thiên Chúa sống động và hiện diện trong thế giới này của chúng ta, và nhìn nhân loại bằng đôi mắt được chiếu sáng bởi ánh sáng rạng ngời của Ngài. Người ta có được cái nhìn chân thực hơn về các sự kiện thế giới nếu người ta cũng nhìn bằng trái tim chứ không chỉ bằng mắt.
Và chúng ta thấy gì hôm nay, ở đây trong thế giới này của chúng ta? Giáo Hội Giêrusalem của chúng ta đang dự tính điều gì? Ánh sáng của Thiên Chúa mang đến điều gì cho tâm trí và trái tim của chúng ta, tại Thánh Địa này?
Bằng mắt thường, chúng ta thấy bạo lực dường như đã trở thành ngôn ngữ chính, cách giao tiếp chính của chúng ta. Bạo lực ngày càng gia tăng, trước hết là trong ngôn ngữ chính trị. Chúng tôi đã bày tỏ mối quan ngại của mình về xu hướng chính trị đang được thực hiện ở Israel, nơi có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng vốn đã mong manh giữa các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc khác nhau tạo nên xã hội của chúng ta. Chính trị có nhiệm vụ phục vụ đất nước và cư dân của nó, làm việc để đạt được sự hài hòa giữa các cộng đồng xã hội và tôn giáo khác nhau của đất nước, biến công việc này thành những hành động cụ thể và tích cực, chứ không kích động chia rẽ hoặc tệ hơn cỗ vũ cho hận thù và phân biệt đối xử.
Năm nay chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng bạo lực khủng khiếp trên đường phố Palestine, với số người chết đẩy chúng ta lùi lại hàng thập kỷ. Đó là một dấu hiệu của sự gia tăng đáng lo ngại trong căng thẳng chính trị và sự bất an ngày càng tăng, đặc biệt là trong giới trẻ của chúng ta, khiến cho việc giải quyết cuộc xung đột đang diễn ra ngày càng xa vời. Thật không may, vấn đề Palestine dường như không còn là tâm điểm chú ý của thế giới nữa. Đây cũng là một hình thức bạo lực làm tổn thương lương tâm của hàng triệu người Palestine, những người ngày càng bị bỏ rơi và những người, trong quá nhiều thế hệ, đã chờ đợi câu trả lời cho mong muốn chính đáng của họ về nhân phẩm và tự do.
Thật không may, bạo lực không chỉ có trong chính trị. Chúng ta thấy nó trong các mối quan hệ xã hội, trên các phương tiện truyền thông, trong các trò chơi, trong trường học, trong gia đình và đôi khi ngay cả trong chính cộng đồng của chúng ta. Tất cả bắt nguồn từ sự thiếu tin tưởng sâu sắc đánh dấu thời đại của chúng ta. Chúng ta không tin rằng có thể thay đổi; chúng ta không còn tin tưởng nhau nữa. Và vì vậy bạo lực trở thành cách duy nhất để nói chuyện với nhau. Thiếu lòng tin là gốc rễ của mọi cuộc xung đột ở Thánh Địa, hay ở Ukraine và ở rất nhiều nơi khác trên thế giới.
Vì vậy, trong những bối cảnh bị giằng xé và tổn thương như vậy, ơn gọi đầu tiên và quan trọng nhất của Giáo hội chúng ta là giúp mọi người nhìn thế giới bằng cả trái tim, và nhớ rằng cuộc sống chỉ có ý nghĩa nếu nó mở ra cho tình yêu. Mừng Chúa Giáng Sinh đối với chúng ta, là cộng đoàn các tín hữu trong Chúa Kitô, có nghĩa là tạo ra, cổ vũ và là dịp của lòng thương xót, lòng trắc ẩn, sự tha thứ. Nó có nghĩa là mang vào cuộc sống thực tại bị tổn thương sâu sắc của chúng ta khát khao tràn đầy lòng trắc ẩn mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho chúng ta qua sự giáng thế làm người của Chúa Giêsu. Nó có nghĩa là có can đảm để thực hiện những cử chỉ xây dựng lòng tin này. Thật vậy, niềm tin vào Thiên Chúa phải duy trì niềm tin của chúng ta vào nhân loại, tạo nền tảng cho niềm hy vọng của chúng ta và chuyển thành những cử chỉ yêu thương tự do và chân thành.
Hòa bình, điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn, không đến từ chính nó. Nó chờ đợi những người nam nữ biết biến đường lối của Thiên Chúa thành những hành động cụ thể và hữu hình, trong những việc lớn nhỏ mỗi ngày. Con Thiên Chúa đã không ngại nhập thể vào cuộc sống của thế gian, và bằng những cử chỉ yêu thương nhưng không, đánh thức khát vọng hướng thiện đang ngự trị trong tâm hồn mỗi người, vốn chỉ chờ đợi để được giải thoát khỏi những ràng buộc của ích kỷ. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế được sinh ra ở Bêlem, đã nói: Phúc cho những người kiến tạo hòa bình; Chính Ngài đã hy sinh mạng sống của Ngài trên thập tự giá, và với tình yêu của Ngài đã chiến thắng sự chết, dạy chúng ta rằng tình yêu mạnh hơn sự chết.
Nó không phải là không thể. Chứng từ của rất nhiều người nam nữ ở đây, tại Thánh Địa của chúng ta và ở rất nhiều nơi khác trên thế giới, cho chúng ta biết rằng lối sống đó, cách cử hành Lễ Giáng Sinh đó, vẫn có thể thực hiện được cho đến ngày nay, bất chấp mọi thứ.
Ước mong của tôi là Chúa Giêsu Hài Đồng một lần nữa cũng sẽ đánh thức trong chúng ta ước muốn điều tốt lành cho mỗi người, củng cố niềm tin của chúng ta vào tất cả mọi người, và nâng đỡ hành động của chúng ta vì hòa bình, lòng thương xót và công lý ở Thánh Địa và trên toàn thế giới.
Chúc Giáng Sinh vui vẻ!
Bêlem, ngày 24 tháng 12 năm 2022
†Pierbattista Pizzaballa
Source:Latin Patriarchate of Jerusalem