Sự buồn rầu xẩy đến ngay sau đó. Trong toàn bộ lịch sử, có thể không có quái vật nào khủng khiếp như Hêrốt; về ông ta, Flavius Josephus viết, “Hắn không phải là một vị vua, nhưng là tên bạo chúa tàn ác nhất đã ngự trên ngai vàng. Hắn cướp bóc dân của hắn, hành hạ cả những cộng đồng; gần như ngày nào cũng có một người bị xử tử, thậm chí trong vòng bạn bè của hắn, tư tế và gia đình của hắn, kể cả vợ và các con trai của hắn”. Nhưng dường như không có gì khiếp đảm hơn, trong cuộc đời khủng khiếp của hắn, việc sát hại mấy trăm trẻ sơ sinh, các Thánh Anh Hài, mọi trẻ nam dưới hai tuổi, tại và quanh Bêlem. Chúa Giêsu được cứu bởi hành động nhanh chóng của Thánh Giuse và đức vâng lời của ngài đối với lời lẽ thiên thần của Chúa, không đợi đến ánh sáng ban ngày; nhưng chuyến trốn đi Ai cập ấy ra sao đối với Đức Maria, để lại đàng sau cả một vụ thảm sát thê lương?
Cuộc hành trình dưới bóng kinh hoàng thật là dài, dài hơn nhiều từ Nadarét lên Giuđêa, hai trăm năm mươi dặm, con đường của đoàn lái buôn phía nam Hebron, tây Gaza và dọc theo duyên hải, phần lớn là sỏi đá và cát bụi, người ta nói, lừa thường chết dọc đường.
Bên kia biên giới và cách Bắc Cairo chừng vài dặm, là làng El Matariya, nay tọa lạc tại những cánh đồng trồng mía làm đường, đó là nơi nhiều người cho là Thánh Giuse đã đưa Đức Maria và Con Trẻ tới. Khách hành hương vẫn tới đó để viếng Nhà thờ Thánh Gia, cả cây rỗng xưa trong đó, người ta tin, Đức Maria đã ẩn mình với Chúa Giêsu khi bị lính tráng và kẻ cướp săn đuổi; một con nhện ở gần đã nhanh chóng dệt nên một cái màng rất tốt qua chỗ rỗng khiến không ai nhìn thấy bên trong được.
Khi Hêrốt chết, Thánh Giuse được thiên thần Chúa nói cho biết gia đình có thể trở về Palestine, ngài đã trở về Nadarét, nơi Chúa Giêsu lớn lên.
Trong câu truyện Kinh thánh, Lễ Giáng Sinh chấm dứt ở đây và điều lạ, khó hiểu đối với chúng ta ngày nay, là nó thực sự không được tưởng nhớ trong gần như bốn trăm năm. Nó bị gần như giấu ẩn, giống như phần lớn cuộc sống dương trần của Chúa Kitô bị giấu ẩn vậy; trong ba năm ngắn ngủi, Người giảng dậy và chữa bệnh, lay động lòng và tâm trí người ta, bị đóng đinh vì thế như một Mêxia giả và nguy hiểm, và được chôn cất. Các người theo Người chỉ là một nhóm đàn ông và đàn bà, phần lớn là những người tầm thường chưa bao giờ ra khỏi Palestine.
Ánh sáng của Người leo lét đến độ gần như tắt ngúm; thế nhưng sử gia Suetonius nói với chúng ta rằng chỉ 15 năm sau ngày Đóng Đinh, đã có một phái Kitô giáo ở La Mã rồi. Trong vòng 300 năm sau đó, chính Hoàng đế La Mã, Constatinô Đại đế, sẽ gắn Thập giá lên khiên thuẫn binh lính như dấu hiệu niềm tin của ông và trở thành người bảo vệ thế giới Kitô giáo. Giáo huấn của tiên tri Amos đã thành sự thật: Thiên Chúa không phải là độc quyền của người Do Thái.
Những sứ giả chính của Chúa Kitô là các tông đồ. Tông đồ dịch chữ “apostolus” nghĩa là “người được sai đi”. Các ngài giảng dậy bằng lời và bằng thư từ, nhưng khi hết vị này tới vị nọ qua đời, một cách thê thảm, Phêrô và Giacôbê bị đóng đinh, Phaolô bị chặt đầu, Giacôbê Hậu bị ném từ đỉnh tháp Đền thờ rồi bị ném đá, Barnaba bị phanh thây, điều trở nên rõ ràng là nhu cầu khẩn thiết phải biến các giáo huấn của Chúa Kitô thành bản văn, thành “tin vui” như các sách Tin Mừng được gọi trước khi chúng bị bóp méo hay thất lạc. Những người phải làm chuyện này dĩ nhiên phải là những người từng biết Người và chia sẻ một phần đời sống Người.
Có người cho rằng đã có các hình thức Tin Mừng thô sơ bằng tiếng Aram rất sớm từ năm 50 CN, nhưng không như hình thức chúng ta biết hiện nay. Mátthêu, một người có học, dường như hoàn tất Tin Mừng của ngài vào khoảng 20 năm sau đó; ngài viết nhằm thuyết phục người Do Thái, đó là lý do tại sao ngài ưa nhắc lại các lời tiên tri trong Cựu Ước. Tin Mừng Máccô có thể đã được viết vào năm 64 CN. Gioan, người gần gũi nhất với Chúa Kitô, đã đọc chính tả cuốn sách của ngài tại Êphêsô, khoảng sau năm 70 CN.
Các sách Tin Mừng đều không đầy đủ, trục trặc, kể cùng các biến cố một cách khác nhau; thế nhưng Chúa Kitô sống động trong chúng tất cả, kể cả trong Tin Mừng hơi sống sượng của Máccô. Một cách mầu nhiệm, chỉ có một trong bốn Tin Mừng cho ta toàn bộ câu truyện sinh hạ của Người, đó là Tin Mừng Luca. Hẳn phải có nguyên do.
Vào thời Luca, các sử gia không nêu tên tác giả, đặc biệt nếu đây là một người đàn bà, nói chung, phụ nữ gần như bị người Do Thái coi thường. “Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, là Vua Vũ trụ, chúc tụng Ngài vì đã không dựng nên con là đàn bà”, đó là lời cầu nguyện của nam nhi Do Thái. Nhưng làm thế nào Luca có thể biết những chi tiết riêng tư về việc thụ thai và sinh hạ Chúa Kitô, về những lời lẽ của Êlisabét và Maria trong biến cố Thăm Viếng, khi không ai khác hiện diện, ngoại trừ chính Đức Maria đã kể cho ngài nghe? Giuse, Êlisabét và Dacaria đã qua đời từ lâu, và Luca, trong ấn bản King James, cho biết rõ những điều này là những điều bí mật: “Nhưng Maria giữ kín tất cả những điều này, và suy gẫm chúng trong lòng”. Luca là một thầy thuốc và do đó rất dễ nghi ngờ chuyện sinh hạ đồng trinh, ấy thế nhưng niềm tin của ngài chói sáng trong mỗi dòng viết của hai chương đầu tiên.
Các Giáo phụ biến lễ Phục sinh thành ngày thánh thiêng nhất của Giáo Hội, như nó vẫn còn đến nay, theo lẽ tự nhiên: đức tin Kitô giáo xây dựng trên sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Sau đó đến lễ Ngũ Tuần, một lần nữa, cũng theo lẽ tự nhiên vào thời đó; những lưỡi lửa ấy phải lan tỏa tới tận cùng thế giới, nói bằng mọi ngôn ngữ. Cuối cùng đến lễ Hiển Linh, một “tưởng niệm” ba mặt: việc các Chiêm Tinh Gia xuất hiện, phép lạ đầu tiên của Chúa Kitô tại Cana và việc Người chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả trong sông Giócđăng vốn được coi như việc Người sinh ra thực sự. Đây là một ngày lễ trọng đại, nhưng một điều gì đó quan trọng dường như vẫn còn thiếu. Chúa Kitô là thuần thần, là Thiên Chúa đích thực, nhưng Người cũng là con người thực sự; làm ngơ việc sinh hạ nhân bản của Người là tước đi của Người điều kỳ diệu kép của Người. Thế là dần dần nẩy sinh nơi các giáo phụ ý niệm nên có một ngày lễ riêng, lễ Giáng Sinh.
Câu hỏi đầu tiên là nên tổ chức ngày lễ này khi nào? Bất chấp các cách đọc và lý luận về ngôi sao và phong tục của các người chăn chiên, không ai biết Chúa Giêsu sinh ra vào tháng nào, nhưng dường như người ta có cảm tưởng lễ Giáng Sinh nên vào Mùa Đông, trong mọi tôn giáo được con người biết đến, luôn có một ngày lẽ vào Mùa Đông.
Chẳng hạn, người Sumer cổ thời có ngày lễ mùa đông gọi là Zagmuk, nhằm thuyết phục vị thần đã tạo ra thế giới ngự xuống và đánh tan Hỗn Mang ở hạ giới để trái đất nở rộ cho một chu kỳ các mùa nữa. Đó là ngày để cầu nguyện và dâng hy lễ; hy lễ chính là hy lễ của nhà vua đang cai trị, người sẵn sàng chết để đền tội lỗi của dân ông. Ở đây, ta thấy có mầm mống của ý niệm Kitô giáo, ngoại trừ việc vua đích thực không chết; một tội nhân, mặc y phục hoàng gia, bị hy sinh thế cho ông.
Lễ Yule, ngày lễ của Na Uy, diễn ra trong tháng 12, tháng tối nhất, lúc chỉ còn 3 hay 4 giờ ánh sáng ban ngày. Yule kéo dài 12 ngày, và lửa củi được giữ cho cháy suốt thời gian này để làm sống lại mặt trời đang dần khuất dạng.
Các vị tiên khởi cai quản Giáo Hội tinh khôn đủ để biết rằng, hoặc có lẽ học được cách vất vả, rằng thay vì đánh phá các phong tục ngoại giáo, tốt hơn nên chấp nhận chúng và tinh tế biến cải chúng, nhất là các ngày lễ.
Lễ Phục Sinh là việc tôn vinh Lễ Vượt Qua của người Do Thái, Lễ Ngũ Tuần tôn vinh Lễ Tuần, tổ chức để tưởng niệm việc Môsê được ban cho hai bảng Lề luật trên núi Sinai. Một ngày lễ vĩ đại nữa của người Do Thái, Lễ Lều, nhưng nó rơi vào mùa thu, xem ra không thích hợp. Giáo Hội muốn có một ngày lễ vào cuối năm hay gần như thế. Trong tháng 12, có lễ Chanukkah, Lễ Nến; tên nào tốt hơn cho lễ Giáng Sinh? Thế nhưng các giáo phụ do dự; đến thế kỷ thứ tư, Giáo Hội Kitô giáo đã tiến khá xa, khá xa khỏi người Do Thái; thực ra, thù nghịch hơn: đã có những vụ dấy loạn, đánh nhau.
Rome cũng có Ngày Lễ Ánh Sáng, Natalis Invicti; tại Rome, mặt trời, trong đông chí của nó, yếu nhất vào ngày 25 tháng 12, và cần được làm sống lại bằng sự giúp đỡ của lửa mừng, đèn đuốc, rước xách và cầu nguyện.
Điều xem ra thích đáng là ngày sinh của mặt trời nên trở thành ngày sinh của “Mặt Trời Phục Sinh” và người ta ước đoán đó là việc hoà lẫn ngoại giáo – Kitô giáo trong đầu các giáo phụ khi các ngài chấp nhận ngày 25 tháng 12 như ngày của Lễ Giáng Sinh, nhưng có cặp ngày lễ Rôma khác, nổi tiếng hơn ngày Natalis Invicti: ngày lễ Saturnalia, kéo dài từ ngày 17 tới ngày 23 tháng 12 và ngày lễ Kalends trong tháng Giêng, 3 ngày đầu tiên của năm mới.
Ngày Lễ Saturnalia từng khởi đầu như một ngày lễ phá tan, trong một ít ngày, mọi rào cản giai cấp và tác phong, một ký ức về thời hoàng kim khi Saturn công chính và nhân hậu đang cai trị làm vua, và mọi người được hạnh phúc và tốt lành; nô lệ có thể chọc ghẹo và nhại các chủ nhân của họ, còn đàn bà, nếu chịu đeo mặt nạ, có thể tán tỉnh bất cứ ai họ muốn. Ngày lễ Kalends có tính báo gở hơn, đầy những lời đoán gở, nhưng nhà cửa được trang trí với đèn đuốc và cây lá trường xuân, và mọi người tặng quà cho nhau và mời mọc nhau.
“Mọi nơi đều có chè chén say sưa và những chiếc bàn đầy ứ; sự dưa thừa xa xỉ được nhìn thấy nơi các nhà giầu, nhưng nơi các gia đình nghèo, thức ăn ngon hơn thường cũng được dọn lên bàn. Thúc bách tiêu pha chiếm hữu mọi người...Hàng dẫy quà cáp chẩy đi khắp phía... Các xa lộ và đường hẻm đầy những cuộc rước của người và vật... Có thể nói một cách chính đáng đây là thời điểm đẹp nhất trong năm... Ngày lễ Kalends loại bỏ mọi điều liên quan đến lao nhọc, và cho phép mọi người tự dành cho mình một sự vui hưởng không bị quấy rầy”.
Đó quả là những ngày lễ lạt, không ai mô tả chúng là “những ngày thánh thiện”, nhưng chính Chúa Kitô đã đi tham dự các ngày lễ lạt, đi lại với những con người bình thường. Các giáo phụ nghĩ rằng, nếu Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị, na ná như Mùa Chay, và Vọng Giáng Sinh là thời gian canh thức, như vẫn còn đến nay cho những người muốn đi lễ nửa đêm, thì các ngày lễ này có thể được biến cải.
Cho cả ngày sinh nhật của Con Trẻ, các giáo phụ cũng nghĩ phải dành vài giờ để ca ngợi và cầu nguyện, một ngày lễ như ngày lễ Agape khởi đầu rất đạm bạc, tức “ngày lễ yêu thương” của Giáo Hội thời các Tông đồ, khi nhóm gặp nhau, mỗi người mang đến bất cứ thực phẩm hay rượu nho nào họ có thể, người giầu cung cấp cho người nghèo. Đàn ông và đàn bà ngồi ở các bàn khác nhau và, sau hoặc trước khi ăn, một ổ bánh được làm phép và bẻ ra, một ly rượu nho, chén chúc lành, được chuyền tay nhau. Buổi tối kết thúc với lời cầu nguyện, và lễ Giáng Sinh này, lễ Giáng sinh đầu tiên và thử nghiệm đã được phép cử hành, gần như chắc chắn tại Rome. Trải qua nhiều thế kỷ, người ta đã thay đổi ra sao lễ Giáng Sinh của các giáo phụ đều được biểu lộ trong các bài ca hát của họ.
Ngay từ những năm sớm sủa 130 đến 135 CN, đã có lệnh truyền “trong đêm thánh Chúa Sinh Ra, người ta nên long trọng hát bài thánh ca của các thiên thần” tức những lời thiên thần nói với các người chăn chiên; nhưng ngay khi lễ Giáng Sinh bắt đầu trở thành một ngày lễ, các linh mục và đan sĩ đã bắt đầu soạn các bài thánh ca của riêng họ. Nhiều bài thánh ca này vẫn đang được hát trong các nhà thờ chính tòa và đan viện, nhất là trong mùa Vọng, các bài bình ca của họ làm tinh thần dâng cao.
Đấng tạo dựng các sao đêm,
ánh sáng muôn đời cho dân Ngài,
Lạy Chúa Giêsu cứu chuộc, xin cứu chúng con hết thẩy,
Và lắng nghe tôi tớ Ngài khi họ kêu van...
Chúa đã đến, chàng rể của nàng dâu,
Khi thế giới lui dần vào buổi chiều tà,
Xuất thân từ đền Trinh Nữ,
Của lễ vẹn toàn tràn đầy thần linh.
Nhưng chúng được viết bằng tiếng Latinh cổ cho các ca đoàn, ít người bình dân có thể hát được, và không điều gì trong lời lẽ của chúng gợi nhớ đến Thánh gia hay Bêlem cho tới khi các thi sĩ dám liều phá rào. Thi sĩ đầu tiên dám phá rào là các người Ý; họ đã sáng tác các bài thánh ca của họ bằng ngôn ngữ bình dân. Các thi sĩ tinh quái như Jacopone da Todi, người bị các giáo sĩ coi như bất kính, ấy thế nhưng chẳng bao lâu sau đó có biệt danh là “người hát rong của Chúa”.
Quét lò sửa và sàn nhà
Mọi nơi chứa đồ trên thuyền của bạn
Phải bóng loáng và sạch sẽ
Rồng mang vị khách tí hon
Và dành cho Ngài,
Thịt và đồ uống tốt nhất.
Nhưng không chỉ có thịt của bạn
Phải đặt một món quà
dưới chân Vua bạn. Tôi muốn nói,
Một trái tim, đầy tràn
Yêu thương, và tất ca dành cho Người
Và sạch hết mọi ganh tị”
Đó là “tinh thần bài hát mừng”, mặc dù bài hát mừng (carol) vốn là bài vũ, chỉ được chấp nhận trong các nhà thờ một trăm năm sau.
Các ngày lễ Saturnalia và Kalends, cùng tổ chức với nhau, có thể là hai tuần gần như náo loạn, say sỉn, ồn ào và cuộc chơi, những anh nô lệ cởi truồng ca hát, người ăn mặc giống thú vật và cư xử kém lịch thiệp, đầy “sex”, đôi khi tồi bại; và mặc dầu các giáo phụ và giám mục rất đỗi kiên nhẫn, nhưng sau cùng một bài giảng nghiêm khắc cũng phải được giảng, đầy những ngăn cấm. Vào dịp Lễ Giáng Sinh, đàn ông và đàn bà không được, không được nhắc lại, không được ăn mặc hóa trang hay nhái lại; không được xem điềm mà bói, như các trò mê tín về lửa; nhà cửa không được trang trí, không được tặng quà, không bày biện thức ăn đầy bàn, và phải nghiêm nhặt về chuyện say sưa. Hơn một ngàn năm sau, Oliver Cromwell cố gắng ngăn cấm cùng những điều như thế, lần này bằng lệnh của chính phủ.
Điều mà những nhà ra giới luật này quên là không trẻ em nào thấy điều gì sai trong những điều bị ngăn cấm, và khi tới các ngày lễ, phần lớn chúng ta trở thành như con trẻ, không hẳn trẻ nít, vốn là điều khác hẳn, nhưng như con trẻ, muốn được tự nhiên, dù điều này có nghĩa ầm ĩ và háu ăn đôi chút; có những bất ngờ, bí mật, một chút hài hước, có lẽ hy vọng có được một chút ma thuật nào đó. Không ai có thể điếc như con trẻ vốn không muốn nghe và như thể các giám mục và thống đốc chưa bao giờ lên tiếng, người ta đã nhóm lửa lễ Giáng Sinh y hệt như họ muốn.
Nhóm lửa là chữ thích hợp, trong bất cứ loại mùa đông nào, đêm tối của khí hậu nào, hay của linh hồn nào, một ngày lễ cũng cần có hơi ấm sống động.
Gió và lửa vốn là biểu tượng của năng lượng và một trong những điều đáng buồn của Lễ Giáng Sinh hiện nay là ít căn nhà nào của chúng ta còn được nghe tiếng lửa reo vang trong ống khói, khúc củi Yule trở lại, ánh sáng chập chờn của nó làm căn phòng vui hẳn lên, và mùi khói gỗ biến căn nhà thành hương xông.
Trò chơi lửa vốn là những trò bạt mạng, đàn ông tung các cô gái lên cao khỏi đống lửa mừng khi họ khiêu vũ quanh nó ở chỗ khoảng khoát; chúng ta vẫn cố gắng bắt kịp sự phấn khích của trò chơi lửa, bằng cách hơ lửa bánh pútđinh mận, và trong các buổi tiệc vui, chúng ta vẫn có thể chơi trò rồng táp (snapdragon), thách nhau giựt nho khô từ một chiếc đĩa có rượu mạnh đang bốc cháy. Nếu ngón tay chắc chắn và lanh lẹ, chúng sẽ không bị phỏng, hay ai đó muốn bị phỏng, một chút chơi? Trò chơi hay nhất luôn có mùi nguy hiểm.
“Cha rất đáng kính và hiền huynh giám mục London đáng tôn thờ...” (The ryghte reverende fader and worshypfull lorde my broder Bysshopp of London...) nhưng tiếng nói từ tòa giảng không phải là tiếng nói của một giáo phẩm. Đó là giọng kim rõ ràng của một nam sinh mà chiếc cằm, trên cổ áo choàng cậu mặc trong dịp này, chưa đụng tới mép tòa giảng. Má cậu hồng lên vì phấn khích bởi vì cậu là Cậu Trai Giám Mục (Boy Bishop), được đề cử trong các nhà thờ chính toà và cao đẳng Anh trong dịp Lễ Giáng Sinh và cậu có quyền giảng lễ trong dịp Lễ Các Thánh Anh Hài.
Những cậu trai giám mục như thế được phép nói bất cứ điều gì cậu muốn, nhưng nếu các cậu quá hỗn xược, như cậu này chẳng hạn dám gọi Giám Mục London là hiền huynh!, các cậu có thể bị quất roi vào ngày hôm sau. Dù sao, vào một ngày như thế này, các cậu có thể biến các giáo sĩ đĩnh đạc và cao niên thành những người mang nến hay mang bình hương, có quyền đòi ăn tối từ vị trưởng nhà thờ chính tòa và giữ tiền quyên trong buổi lễ.
Những trò đùa ở nhà thờ như thế vốn là và vẫn là những trò vui tươi và thường khôn khéo; các linh mục có tài dí dỏm tự cười vào mình và bị người ta nhạo cười, nhưng ngay các linh mục cũng có thể đi quá xa; như trong Ngày Lễ Đánh Lừa [feast of fools] thời trung cổ khi “các linh mục và các tu sĩ đeo mặt nạ, nhẩy múa trong các ca đoàn và làm những trò cười”. Có lần, ở Beauvais, Pháp, một con lừa đã thực sự được mang lên bàn thờ; việc hát kinh nhập lễ, kinh thương xót, Sáng danh, cả kinh tin kính nữa, nghĩa là các bài thánh ca linh thiêng nhất của phụng vụ, kết thúc bằng tiếng “bray” của con lừa!
Các vở kịch Giáng Sinh thẩy đều có tính tôn giáo nhưng các vở khiến người ta xúc động nhất vẫn mang bộ mặt trần thế nhân bản. Có một bài hát trong Black Nativity của các ca sĩ Da Đen Mỹ trong đó các phụ nữ Nadarét đếm các tháng mang thai của Đức Maria, hệt như những lời ngồi lê đôi mách với bất cứ cô gái gặp rắc rối nào, làm nó thành hiện thực một cách sống động.
Các vở kịch trên, trong nhà thờ, luôn lôi kéo được các tác phong tương đối tốt từ cộng đoàn; nhưng có một điều gì đó trong phần lớn chúng ta, lúc đó cũng như bây gờ, thích đánh lừa, nên các trò đùa và mặt nạ đã được du nhập vào các gia đình.
Tại triều đình Tudor và các đại gia hồi đó, Ngài Luật Bậy (Lord of Misrule) được chọn để ban hành mọi lệnh lạc liên quan đến ngày lễ, áp dụng cho cả vua, hoàng hậu và cận thần. Ngài Luật Bậy ăn vận rất cầu kỳ và mang một bong bóng đã thổi hơi đầy cột vào đầu một cây gậy; anh dùng bong bóng này để đánh hoặc đẩy một cách vô hại, và anh được đánh hay đẩy ai tùy ý, các bong bóng của chúng ta hiện nay là hậu duệ của chiếc bong bóng này.
Chuyện đó dành cho triều đình, giới quí tộc, còn đối với thường dân, họ cũng chơi trò đeo mặt nạ, nhưng người được đoán là một em nhỏ làm việc ở nông trại, một người học nghề, có thể là ông thợ rèn của làng hay cô gái vắt sữ e thẹn. Chính họ trở thành người trình diễn kịch câm, đi từ nhà này qua nhà nọ, phần nào giống các trẻ em trong ngày Halloween với trò đòi kẹo hay bị nghịch phá; chỉ có điều trò đòi kẹo hay bị nghịch phá dữ dội hơn nhất là khi những người diễn trò câm này được cho uống.
Còn tiếp