Như chúng tôi đã tường trình, lúc 9h30 sáng thứ Năm, theo giờ địa phương Rôma, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ phi trường quốc tế Fiumicino của Rôma để bay đến phi trường quốc tế Sakhir ở thủ đô Awali của Bahrain.
Sinh hoạt nổi bật trong ngày thứ ba của chuyến tông du Bahrain là Thánh Lễ lúc 8 giờ sáng tại sân vận động túc cầu quốc gia Bahrain.
Chiều ngày 05 tháng Mười Một năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ hơn 800 người trẻ tại trường Trung học Công Giáo Thánh Tâm ở Manama, thủ đô vương quốc Bahrain và ngài nhắn họ thực hành văn hóa chăm sóc, gieo vãi tình huynh đệ và thực hiện những chọn lựa trong cuộc sống.
Trường Trung học Công Giáo Thánh Tâm ở thủ đô Manama, cách nhà khách thuộc khu vực hoàng cung Bahrain bảy cây số, và ban đầu được thành lập cạnh nhà thờ Thánh Tâm, hồi thập niên 1940 và được Đức Giám Mục bản quyền giao cho các nữ tu thừa sai thánh Comboni đảm trách từ năm 1953. Sau đó, trường di chuyển đến trụ sở mới. Đến năm 2003, Đức Cha Bernard Gremoli giao trường này cho các nữ tu Cát Minh Tông Đồ đảm trách. Trường được coi là rất có uy tín và các học sinh thường phải chờ đợi mới có thể đăng ký theo học.
Đến nơi vào lúc 5 giờ chiều, giờ địa phương, Đức Thánh Cha đã được nữ tu giám đốc và hai giáo chức cùng với vài học sinh tặng hoa và đến Hội trường để gặp gỡ các học sinh. Họ đón tiếp ngài với bài ca và điệu vũ truyền thống, trong bầu không khí rất nồng nhiệt và hân hoan.
Nữ tu hiệu trưởng Rosalyn Thomas, người Ấn Độ, trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, đã kể rằng trường Thánh Tâm như một biểu tượng thu nhỏ của sự sống chung hòa bình và chăm sóc văn hóa, với các nhân viên và học sinh thuộc 29 quốc tịch, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Tất cả đều tăng trưởng dưới áo choàng từ nhân của Thánh Tâm. Năm nay là kỷ niệm 74 năm trường hoạt động từ khi được thành lập và Đức Thánh Cha là vị khách quý giá và đáng kính nhất.
Tiếp lời nữ tu hiệu trưởng, một nhóm nữ sinh người Ấn Độ đã trình diễn một vũ điệu đặc sắc, rồi ba chứng từ lần lượt được trình bày với Đức Thánh Cha và mọi người.
Trước tiên là trung úy Abdulla Attilya, trong áo chùng trắng, một tín hữu Hồi giáo, cựu học sinh của trường và hiện phục vụ trong đoàn vệ binh hoàng gia Bahrain. Anh đã thành đạt trong nhiều bộ môn thể thao. Anh kể lại bầu không khí đa tôn giáo hòa hợp đã trải qua tại trường học, các học sinh các tôn giáo chấp nhận lẫn nhau, và cũng tham dự các lễ của tôn giáo bạn, từ Hồi giáo, đến Kitô, Ấn giáo, đạo Shik, Phật giáo và Do thái giáo. Anh ca ngợi nhà vua Hamad là người liên kết mọi tôn giáo và quốc tộc tại nước này.
Tiếp lời trung úy Abdulla, anh Nevin Varhese Fernandez, 31 tuổi, người Công Giáo, trình bày chứng từ trong tư cách là người trẻ. Anh nhận xét rằng là một người trẻ Công Giáo đòi hỏi nhiều cầu nguyện và hy sinh, trước những cám dỗ của xã hội và cuộc sống. Những thách đố của đời sống hằng ngày thường đụng với các giá trị Tin mừng. Vì thế, điều quan trọng là kiến tạo những tương quan tốt và lành mạnh, để lắng nghe người khác và đáp lại một cách tốt đẹp, để có thể làm chứng về một Giáo hội cởi mở đối với mọi người.
Cô Merina Joseph Motha, một nữ sinh xuất thân từ một gia đình Công Giáo nhiệt thành, tham gia các hoạt động của giáo xứ, đọc sách tại nhà thờ, thành viên ca đoàn. Cô trải qua những băn khoăn và các vấn đề của tuổi trẻ với những chiến đấu, nhưng đã cố gắng vượt thắng nhờ niềm tin. Cô hỏi Đức Thánh Cha về cách thức hiệp thông với Thiên Chúa trong kinh nguyện thầm lặng, và làm sao để xác tín tôn giáo vững mạnh đủ để giúp giải quyết các vấn đề xã hội, lo âu, căng thẳng, và áp lực.
Huấn từ của Đức Thánh Cha
Về phần Đức Thánh Cha, lên tiếng trong dịp này, ngài bày tỏ hài lòng vì thấy “Bahrain này là một nơi gặp gỡ và đối thoại giữa các nền văn hóa và tín ngưỡng khác nhau. Và bây giờ - ngài nói - “khi nhìn các con, là những người không cùng một tôn giáo, nhưng không sợ đứng chung với nhau, cha nghĩ rằng nếu không có các con, thì sự sống chung giữa những khác biệt này không thể diễn ra và sẽ không có tương lai! Trong thùng bột thế giới này, các con là men tốt giúp làm tăng trưởng, vượt thắng bao nhiêu hàng rào xã hội và văn hóa, thăng tiến những mầm mống tình huynh đệ và sự mới mẻ. Các con là những người trẻ, giống như những người du hành băn khoăn cởi mở đối với những gì mới lạ, không sợ gặp gỡ trao đổi, đối thoại, làm vang dội và hợp chung với những người khác, trở thành nền tảng của một xã hội thân hữu và liên đới. Đây là điều quan trọng trong những bối cảnh phức tạp và đa nguyên chúng ta đang sống: phá đổ một số hàng rào để bắt đầu một thế giới xứng với con người hơn, huynh đệ hơn, cho dù điều này có nghĩa là phải đương đầu với nhiều thách đố.
Sau những nhận xét trên đây, Đức Thánh Cha gửi đến những người trẻ ba lời mời gọi nho nhỏ, đó là đón nhận nền văn hóa chăm sóc, gieo vãi tình huynh đệ, thực hiện những chọn lựa trong cuộc sống.
Trước tiên, đón nhận văn hóa chăm sóc có nghĩa là phát triển một thái độ nội tâm thiện cảm, một cái nhìn quan tâm đưa chúng ta ra khỏi chính mình, một sự hiện diện tử tế, chiến thắng thái độ dửng dưng và thúc đẩy chúng ta chú ý đến những người khác. Đây là phương dược chống lại một thế giới khép kín ích kỷ, cầm hãm trong sầu muộn và cô đơn.
Thứ hai là gieo rắc tình huynh đệ. Đức Thánh Cha nhận xét rằng tất cả những phương tiện kỹ thuật tân tiến ngày nay không đủ để làm cho thế giới được an bình và huynh đệ. Những luồng gió chiến tranh không suy giảm với tiến bộ kỹ thuật... Căng thẳng, đe dọa gia tăng tại nhiều miền. Điều này xảy ra khi người ta không để ý tới con tim, để cho sự xa cách đối với tha nhân trở nên rộng lớn hơn, do đó những khác biệt về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo và những thứ khác trở thành vấn đề và tạo nên sợ hãi làm cô lập thay vì là cơ hội cùng nhau tăng trưởng.
Và Đức Thánh Cha nói: “Về phần các con, hãy trở thành những người gieo vãi tình huynh đệ, vì thế giới chỉ có tương lai trong tình huynh đệ. Sống như anh chị em là ơn gọi đại đồng được gửi đến mọi thụ tạo. Đứng trước xu hướng dửng dưng thịnh hành, các con được kêu gọi phản ứng với một giấc mơ mới về tình huynh đệ và tình bạn xã hội, không giới hạn vào lời nói” (Fratelli tutti, 6). Lời nói không đủ, cần có nhưng cử chỉ cụ thể trong đời sống thường nhật”.
Thứ ba là thực hiện những chọn lựa trong cuộc sống. Đức Thánh Cha nói: “Các con biết rõ do kinh nghiệm hằng ngày: không có một cuộc sống nào mà không có những thách đố phải đương đầu. Và đứng trước một thách đố, một ngã ba, ta cần phải chọn lựa, cần phải liều, quyết định. Nhưng điều này đòi phải có kế hoạch, không thể đột xuất, chỉ sống theo bản năng hoặc nhất thời! Để được vậy, cần có chuẩn bị và tập luyện, có tinh thần sáng tạo và can đảm, kiên trì, cần tinh luyện cái nhìn nội tâm, phán đoán về tình thế. Hãy tiến bước không sợ hãi, không bao giờ lẻ loi, Thiên Chúa không để các con lẻ loi, nhưng trợ giúp các con, Chúa đợi các con cầu xin Ngài. Chúa đồng hành và hướng dẫn các con, không phải bằng những phép lạ, nhưng Chúa nói trực tiếp và tế nhị qua những tư tưởng và tình cảm của chúng ta”.
Nhưng, Đức Thánh Cha nói, “cần học cách phân định tiếng Chúa, qua kinh nguyện âm thầm, đối thoại thân tình với Chúa, giữ trong tâm hồn điều làm cho chúng ta an bình. Ánh sáng ấy của Chúa soi sáng những mê cung của tư tưởng, cảm xúc và tình cảm mà chúng ta thường gặp phải. Chúa muốn soi sáng trí tuệ, những tư tưởng sâu thẳm nhất của các con, những khát vọng các con mang trong tâm hồn, những phán đoán đang chín mùi trong các con.”
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng cuộc phiêu lưu chọn lựa không nên thực hiện lẻ loi một mình, nhưng hãy tìm kiếm những lời khuyên và gợi ý qua Internet, với những người cố vấn tốt trong cuộc sống, những người khôn ngoan và đáng tin cậy: cha mẹ, ông bà và một người đồng hành thiêng liêng giỏi. Mỗi người chúng ta cần được đồng hành trong đường đời!”
Sau huấn từ của Đức Thánh Cha, có phần đọc những sứ điệp hòa bình. Các học sinh đọc những sứ điệp hoặc kinh nguyện ngắn cầu xin hòa bình và mang gắn vào cây nhỏ trên sân khấu.
Tiếp đó là kinh Lạy Cha và phép lành kết thúc của Đức Thánh Cha.