Như mọi người đã biết, Tòa Thánh, cuối tuần qua, đã thông báo thỏa thuận tạm thời giữa mình và Trung Hoa đã được gia hạn thêm hai năm nữa và ca ngợi “nhiều thành tựu nho nhỏ” đã được thực hiện. Tuy nhiên, Ed Condon của The Pillar tỏ vẻ hoài nghi khi đặt câu hỏi: Phải chăng “tiến bộ” về Trung Hoa của Tòa Thánh đi giật lùi?



Hôm thứ Bảy, Tòa Thánh đã thông báo về việc gia hạn hai năm thỏa thuận "tạm thời" với chính phủ Trung Quốc, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2018, và được gia hạn một lần vào hai năm trước đây.

Thỏa thuận nhằm bình thường hóa việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc và bảo đảm sự thống nhất của Giáo Hội Công Giáo - với khoảng từ 6 đến 12 triệu thành viên - ở nước này.

Về phần mình, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hôm thứ Bảy lập luận rằng thỏa thuận này là “thiết yếu đối với đời sống hàng ngày của Giáo hội” ở Trung Quốc - một chủ đề thường xuyên được lặp lại khi ngài bênh vực thỏa thuận song phương.

Nhưng trong khi vị Hồng Y khẳng định thỏa thuận này là một điều thiết yếu thực dụng, thì những câu hỏi về tính hiệu quả của nó vẫn đang chồng chất lên nhau. Và những người ủng hộ nhân quyền cho rằng sự can dự với Đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm mất uy tín tinh thần của Tòa thánh.

Việc gia hạn thỏa thuận vào thứ Bảy - trong bối cảnh có một số biến cố chính trị thú vị tại Đại hội Đảng Cộng sản - có thể sẽ dẫn đến một loạt chỉ trích từ những nhà phê bình gay gắt nhất đối với thỏa thuận.

Thỏa thuận song phương năm 2018 giữa Tòa thánh và Trung Quốc trao cho cả chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc một vai trò trong việc bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận đại lục, và nhằm đưa các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc - bộ máy Công Giáo được nhà nước bảo trợ ở Trung Quốc - vào hiệp thông với Rôma.

Thỏa thuận cũng nhằm cho phép các giám mục và linh mục của Giáo hội hầm trú Trung Quốc ra công khai và tự do thừa tác.

Phát biểu qua phương tiện truyền thông chính thức của Vatican ngày 22 tháng 10, Đức Hồng Y Parolin nói rằng thỏa thuận này tiếp cận vấn đề “tế nhị và quan trọng” trong việc bổ nhiệm các giám mục cho Trung Quốc dựa trên “những đặc điểm cụ thể của lịch sử và xã hội Trung Quốc”.

Đức Hồng Y Parolin ca ngợi "ba kết quả chính" từ thỏa thuận cho đến nay.

Ngài nói, điều đầu tiên là thành tựu của sự thống nhất chính thức rất đẹp đẽ của Giáo hội ở Trung Quốc, và sự hiệp thông của nó với Rôma.

Đức Hồng Y nói, “Đối với các tín hữu bình thường, có thể nhìn thấy điều này hàng ngày trong Thánh lễ do bất cứ linh mục Trung Quốc nào cử hành”. Ngài nói thêm rằng ngày nay ở Trung Quốc, “Đức Giáo Hoàng được nhắc đến một cách rõ ràng trong lời cầu nguyện Thánh Thể, một điều mà nhiều năm trước đây không thể tưởng tượng được [vì những hạn chế của chính phủ]”.

Tất nhiên, quyền tự do của các linh mục trong việc công khai cử hành Thánh lễ là một dấu hiệu hữu hình của sự hiệp thông giữa các giáo sĩ địa phương, Đức Thánh Cha Phanxicô và phần còn lại của Giáo hội trên toàn thế giới.

Nhưng nó không diễn ra mà không phải trả giá cho “cuộc sống hàng ngày” của Giáo hội địa phương.

Các hạn chế của khu vực cấm các vị thành niên - những người dưới 18 tuổi - tham dự các buổi lễ tôn giáo, khiến việc rửa tội cho trẻ sơ sinh ở nhiều nơi thực tế trở thành một tội ác.

Đức Hồng Y Parolin cũng cho biết các điều khoản của thỏa thuận có nghĩa là “sáu giám mục ‘hầm trú’ cũng đã thành công trong việc đăng ký, và do đó đã làm chức vụ của họ trở thành chính thức, được các định chế công công nhận là giám mục.”

Trong khi hàng chục giáo phận đại lục vẫn chưa có giám mục, Đức Hồng Y thừa nhận sáu trường hợp đó có thể được một số người coi là “thành tựu nhỏ”, nhưng ngài nói, “đối với những người xem xét lịch sử bằng con mắt đức tin, chúng là những bước quan trọng”.

Mặc dù việc nhà cầm quyền Cộng sản chấp nhận sáu giám mục trước đây vốn hầm trú có lẽ là một tiến bộ, nhưng nhận xét của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh không tính đến những giám mục Công Giáo từ chối gia nhập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, vốn đòi hỏi các ngài phải tuyên thệ chấp nhận tính tối thượng của lý thuyết và thẩm quyền của Đảng Cộng sản trên giáo huấn và phẩm trật của Giáo hội.

Nhiều giám mục trong số đó đã bị đuổi khỏi nhà, bị bắt hoặc phải ẩn trốn. Và ở một số vùng của đất nước, các thẩm quyền của Đảng Cộng sản địa phương tiếp tục ra lệnh san ủi các tòa nhà và đền thờ Công Giáo.

Vị Hồng Y cũng tuyên bố rằng “không có thêm vụ tấn phong giám mục bất hợp pháp nào nữa” kể từ khi thỏa thuận được ký kết vào năm 2018.

Đức Hồng Y Parolin giải thích, cơ chế bổ nhiệm các giám mục mới của thỏa thuận đã “để dành cho Đức Giáo Hoàng tiếng nói cuối cùng và quyết định” trong các cuộc bổ nhiệm giám mục.

Đó là điểm đáng lưu ý. Sự chấp thuận cuối cùng của Đức Giáo Hoàng đối với các ứng viên giám mục là một điểm quan trọng của thỏa thuận đối với Tòa thánh, vì ý nghĩa thần học của việc bổ nhiệm các giám mục. Nhưng những sự kiện trong những năm gần đây cho thấy chính phủ Trung Quốc đã hành xử với một cách hiểu khác hẳn.

Trước thỏa thuận năm 2018, Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc thường xuyên bổ nhiệm và lo việc thánh hiến các giám mục cho các giáo phận của “Giáo hội bù nhìn” Cộng sản ly giáo - chấm dứt thông lệ đó là mối quan tâm hàng đầu đối với Vatican vào năm 2018.

Tuyên bố của Đức Hồng Y Parolin rằng không có cuộc thánh hiến bất hợp pháp mới nào là đúng, vì Rôma đã công nhận tất cả các bổ nhiệm mới kể từ năm 2018. Nhưng tuyên bố này là chính xác, và không hoàn toàn y hệt như việc nói rằng tất cả các bổ nhiệm giám mục gần đây đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn trước.

Trong khi Đức Hồng Y trích dẫn việc nhậm chức của sáu giám mục theo các tiêu chuẩn của thỏa thuận, hai trong số các giám mục gần đây nhất dường như đã diễn ra mà Vatican không hề hay biết về họ.

Năm 2020 và 2021, Giám mục Thomas Chen Tianhao và Giám mục Francis Cui Qingqi đã nhậm chức trong các giáo phận tương ứng của họ, với sự sắp xếp và công bố của chính quyền Trung Quốc, mà không có bất cứ thông báo nào rằng họ đã được lựa chọn và phê duyệt bởi Tòa thánh, và các cuộc cử nhiệm họ không xuất hiện trong bản tin hàng ngày về các cuộc bổ nhiệm do văn phòng báo chí Vatican phát hành.

Thay vào đó, trong cả hai trường hợp, Vatican đã chỉ xác nhận các cuộc cử nhiệm vài ngày sau đó, sau khi giới truyền thông lên tiếng hỏi, đồng thời nhấn mạnh rằng cả hai trường hợp đều đã có thông báo và sự chấp thuận trước.

Vào thời điểm đó, các viên chức cao cấp của Vatican gần gũi với diễn trình đã nói khác với trình thuật chính thức về vụ việc.

Một người nói với The Pillar rằng "Rôma không thông báo các cuộc cử nhiệm trước vì không ai biết" chúng sắp diễn ra.

Để làm cho vấn đề rõ ràng hơn, Bắc Kinh đã trực tiếp nói về ý nghĩa của quy trình đối với họ: Các Quy định do chính phủ Trung Quốc ban hành năm ngoái đã vạch ra một diễn trình bổ nhiệm các giám mục trong đó Vatican hoàn toàn không được nhắc đến.

Trong một cuộc họp báo vào tháng 8, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng thỏa thuận đang tiến triển tốt đẹp: “Đó là một diễn trình chậm chạp, nhưng các bước tiến về phía trước luôn được thực hiện”.

Nhưng nếu việc các giám mục Trung Quốc được bổ nhiệm đơn phương trong nhiệm kỳ thứ ba của thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc trở thành một thực hành tiêu chuẩn, thì hầu hết các nhà quan sát sẽ kết luận rằng thay vì thực hiện các bước về phía trước, thỏa thuận đã đi thụt lùi - với việc Trung Quốc thực thi cùng mức độ kiểm soát đối với các cuộc bổ nhiệm như họ đã làm trước đây - khi Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc bị Vatican coi là ly giáo - nhưng nay được Rôma công khai chấp nhận.

Những người bênh vực thỏa thuận, và việc Vatican tiếp tục bắt tay nhiều hơn với Trung Quốc, có thể cho thấy sự nhấn mạnh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài cho rằng đối thoại với chính quyền Cộng sản là điều cần thiết để cải thiện tình trạng của người Công Giáo Trung Quốc trong dài hạn và để tạo không gian cho việc truyền giảng Tin Mừng ở Trung Quốc.

Ngài nói vào tháng 8 rằng quan điểm của Trung Quốc là “phong phú” nhưng đòi hỏi “sự kiên nhẫn vô tận”.

Đức Phanxicô cũng đẩy lùi những lời chỉ trích đối với chính phủ Trung Quốc, cho rằng việc gọi Bắc Kinh là phi dân chủ là điều không công bằng: Ngài nói, “Xếp loại Trung Quốc là phi dân chủ, tôi không đồng tình với điều đó, bởi vì đó là một quốc gia phức tạp”.

Quả thực, dù Trung Quốc có thể phức tạp, nhưng thực tại dường như nó đang trở nên kém dân chủ hơn trong lúc Vatican tiếp tục cuộc đối thoại của mình.

Tuần trước, viên chức điều hành mới của Hồng Kông, John Lee, đã hứa sẽ có những cuộc đàn áp mới đối với quyền tự do dân sự trong lãnh thổ, nơi giám mục cũ của nó, Đức Hồng Y Joseph Zen vẫn đang bị xét xử.

Và vào thứ Bảy, cùng ngày Vatican thông báo về việc gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc, Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 đang đi đến kết thúc chính thức - với việc Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba được nhiều người coi là sẽ củng cố nhiệm kỳ tổng thống của ông suốt đời.

Ngay sau khi máy quay phim được phép vào hội trường, người tiền nhiệm của ông Tập, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đã bị kéo ra khỏi ghế bên cạnh ông Tập tại bàn hàng đầu của ban điều hành đảng và trước báo giới, được nhẹ nhàng dẫn ra khỏi hội trường, bất chấp sự phản đối của ông.

Cảnh tượng đã gây xôn xao khắp thế giới.

Nhiều giả thuyết khác nhau đã được gợi ý về lý do tại sao ông Hồ bị dẫn ra khỏi hội trường – đi từ một loại lo ngại về y tế, cho đến những gợi ý cho rằng ông có thể đã công khai phản đối nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập trong chức vụ, hoặc thậm chí khả thể ông Tập loại bỏ người tiền nhiệm của mình trong tầm nhìn trọn vẹn của cả thế giới để siết chặt vòng tay của ông đối với đảng.

Với việc biên đạo chặt chẽ các sự kiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các nhà phân tích đồng thuận rằng ông Hồ đã bị loại bỏ công khai theo chỉ thị trước của ông Tập, với ý định để việc này được nhìn thấy.

Dù lý do gì khiến ông Hồ bị dẫn ra khỏi hội trường vào hôm thứ Bảy, thì sự đồng thuận vẫn là một minh chứng có tính toán về việc nắm toàn quyền của ông Tập. Đối với hầu hết các nhà phân tích, đặt trong bối cảnh đó, việc Vatican nhấn mạnh rằng các giao dịch của họ với chế độ là một bước đi chầm chậm để đạt được tiến độ, dường như đã đi ngược lại với sự kiện trên thực tế.

Đây là một khởi đầu có điềm không tốt cho nhiệm kỳ thứ ba của thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc.