Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Sứ thần Tòa thánh và là Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại cuộc thảo luận chuyên đề về Vũ khí hạt nhân trong kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã có bài phát biểu sau.

New York, ngày 18 tháng 10 năm 2022

Thưa Ngài Chủ tịch,

Phái đoàn này vui mừng tham gia cuộc thảo luận về nhu cầu cấp thiết thúc đẩy tiến độ giải trừ hạt nhân vào thời điểm mà nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang ở mức cao nhất trong nhiều thế hệ.

Thật đáng tiếc, chúng ta đã đi sai hướng. Các hiệp ước giải trừ quân bị và minh bạch hóa quan trọng đã bị loại bỏ và bộ máy giải trừ quân bị vẫn bế tắc, không có tiến triển nào đối với hiệp ước cấm sản xuất vật liệu phân hạch. Ngoài ra, Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện, gọi tắt là CTBT, đang ở trong tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý mặc dù đã được phê chuẩn thêm. Nguy hiểm hơn hết, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang mở rộng và hiện đại hóa các kho vũ khí, tiêu tốn các nguồn lực có thể giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu đói trên thế giới, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người.

Tòa thánh lên án bất kỳ luận điệu nào thể hiện sự leo thang hạt nhân một cách vô trách nhiệm có thể gây ra những tác động tàn phá cho toàn nhân loại chứ không chỉ các quốc gia trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Để tránh chiến tranh hạt nhân, Tòa thánh kêu gọi tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thực hiện các bước ngay lập tức để giảm mức độ sẵn sàng hoạt động của lực lượng hạt nhân của họ, áp dụng các chính sách không sử dụng lần đầu và các chính sách dài hạn nhằm thiết lập mức tối đa toàn cầu về kho dự trữ hạt nhân, từ đó có thể giảm bớt.

Thưa ngài Chủ tịch,

Trước những phát triển gần đây, không có gì ngạc nhiên, mặc dù đáng tiếc là Hội nghị rà soát lần thứ 10 của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, gọi tắt là NPT, đã không đạt được sự đồng thuận. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy một số quốc gia dường như “mất liên kết với an ninh tập thể và hòa bình của những quốc gia khác.” Để bảo đảm một nền hòa bình công chính và lâu dài, tất cả chúng ta phải nhận ra bản chất không thể chia cắt giữa an ninh của một quốc gia và an ninh chung toàn cầu.

Đồng thời, việc Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, gọi tắt là TPNW, có hiệu lực là một tiến bộ đáng hoan nghênh về mặt này. Trong đó, các quốc gia thành viên, trong khi cam kết cấm sở hữu vũ khí hạt nhân, thừa nhận rằng vũ khí hạt nhân không phải là vật bảo đảm an ninh, mà là công cụ phục vụ “tâm lý sợ hãi” với khả năng gây hại một cách bừa bãi, cho dù được kích nổ có chủ đích hay một cách vô tình.

Ý thức được điều này, Tòa thánh lặp lại mối quan tâm của mình về “các tác động thảm khốc về mặt nhân đạo và môi trường” của vũ khí hạt nhân. Những hiệu ứng như vậy không trừu tượng hoặc lý thuyết. Các vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, cùng với hơn 2,000 cuộc thử nghiệm được tiến hành trên toàn thế giới, đã cho chúng ta thấy những tác hại rất thực sự mà vũ khí hạt nhân gây ra, bao gồm: tử vong, bệnh tật phóng xạ, dị tật bẩm sinh và ung thư, đồng thời khiến một số môi trường không thể ở được. Thật vậy, nỗ lực hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân cũng có nghĩa là những người chịu trách nhiệm phải giải quyết những tác hại này.

Về vấn đề này, TPNW đưa ra một lộ trình khắc phục thông qua các điều khoản về hỗ trợ nạn nhân và cải thiện môi trường. Trên thực tế, Kế hoạch Hành động Vienna, được thông qua trong Cuộc họp đầu tiên của các Quốc gia thành viên TPNW, kêu gọi các Quốc gia thảo luận về “tính khả thi và đề xuất các hướng dẫn khả thi để thiết lập một quỹ tín thác quốc tế cho các Quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng hoặc thử nghiệm vũ khí hạt nhân.” Nếu một quỹ như vậy được thành lập, điều quan trọng là các Quốc gia — kể cả những quốc gia không tham gia TPNW — phải được mời đóng góp quỹ, chia sẻ kiến thức chuyên môn và trao đổi thông tin về việc cung cấp hỗ trợ của họ cho những người bị ảnh hưởng bởi vũ khí hạt nhân. Sự tham gia rộng rãi nhất có thể giúp xây dựng cầu nối giữa các Quốc gia ủng hộ TPNW và những quốc gia chưa tham gia, đồng thời tạo điều kiện cho nguồn lực lớn nhất có thể để thực hiện các nghĩa vụ tích cực của hiệp ước.

Thưa ngài Chủ tịch,

Vào thời điểm căng thẳng gia tăng như hiện nay, chúng ta bắt buộc phải củng cố kiến trúc giải trừ hạt nhân toàn cầu và không phổ biến vũ khí hạt nhân, hướng tới việc tháo dỡ tất cả các đầu đạn hạt nhân đã được xác minh, đó là điều không thể đảo ngược. Tòa thánh khen ngợi những nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác xác minh giải trừ vũ khí hạt nhân, điều này sẽ không chỉ tạo ra một nền văn hóa tin cậy, mà còn cung cấp cho chúng ta hy vọng rất cần thiết rằng một thế giới không có vũ khí hạt nhân là có thể. Thật vậy, một thế giới như vậy không chỉ khả thi mà còn cần thiết để bảo vệ tương lai của nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta.

Xin cảm ơn ngài Chủ tịch.
Source:Sismografo