LM Nguyễn Trung Tây
Kỳ Thị Chủng Tộc - Luke 9:51-62


Thánh Gandi của người Ấn Độ đã từng tuyên bố, tôi tin Đức Giêsu nhưng không tin những người đi theo Ngài. Bởi thế người tín hữu không ngạc nhiên khi nhận ra những người môn đệ ruột thịt của Đức Giêsu đã đi theo Ngài cả một quãng đường dài 3 năm. Nhưng hỷ nộ ái ố vẫn còn nằm sâu trong máu. Và khi cơ hội tới, những nét trần tục xuất hiện ngay trên đầu môi.
Theo như bài Tin Mừng Luke 9:51-62, Chúa Nhật 13 Mùa Thường Niên, năm C, trên con đường thiên lý từ Bắc Galilê dẫn về thành đô Jerusalem, Đức Giêsu và những người môn đệ đi tới một ngôi làng người Samaria. Bởi những căng thẳng trong quá khứ giữa hai dân tộc, người Do Thái không giao tiếp với người Samaria. Chưa hết, người Do Thái trong đời sống thường nhật đối xử và coi người Samaria như công dân hạng hai trong xã hội. Bởi thế, khi bị dân làng Samaria từ chối, không tiếp đón, anh em ông Giacôbê và Gioan nổi giận. Cả hai mở miệng đề nghị với Đức Giêsu gửi lửa trời xuống, đốt thiêu ngôi làng Samaria.
Cũng chính hai vị tông đồ này, Giacôbê và Gioan, đã từng nói nhỏ vào tai Đức Giêsu, “Mai này trong vương quốc của Ngài, xin cho chúng con một người bên tả một người bên hữu” (Mark 10:35-37). Qua câu nói này, cả hai anh em tông đồ Giacôbê và Gioan đều xác nhận với độc giả Kinh Thánh phần nào lý do thật sự đã khiến họ bỏ lại sau lưng thuyền đánh cá để đi theo Đức Giêsu. Đó là, họ mong đợi một tương lai rạng ngời tiền bạc và vinh quang quyền lực vào vị vua trần thế Giêsu. Không lạ chi, khi Đức Giêsu bị bắt trong Vườn Cây Dầu, cả hai anh em và những người môn đệ khác đã bỏ chạy, mặc cho Đức Giêsu một thân cô thế giữa giáo mác và gươm đao của lính La Mã.
Không lạ chi hai anh em Giacôbê và Gioan có những hành xử khá khắc nghiệt với người dân Samaria.
Chuyện kỳ thị chủng tộc vẫn còn xảy ra với nhiều Kitô hữu trong ngày hôm nay. Vết thương gây ra bởi tệ nạn màu da vẫn còn mưng mủ, chưa chịu lên da non.
Có những em thanh niên đã từng nói với tôi bố mẹ em không cho em yêu Mỹ đen hoặc Mễ. Mẹ em nói, nếu em đám cưới với người Mỹ đen, mẹ em sẽ bỏ, không tham dự thánh lễ cưới và tiệc cưới.
Mới đây thôi, thời Covid-19 còn tung hoành, bởi nguồn gốc của virus chết người xuất hiện từ Vũ Hán, Trung Hoa, nhiều người Mỹ gốc Á Châu bị hành hung ngay trên đường phố.
Năm 1999, tôi dậy học tại một trường trung học ở thành phố Indianapolis. Học sinh ở đó 99 phần trăm là Mỹ gốc Phi Châu. Bữa đó, tôi hỏi các em lớp 8 câu hỏi, “Lớn lên, các em muốn làm gì?” Phần lớn các em nam đều nói em muốn trở thành cầu thủ bóng rổ tương tự như Michael Jordan, hay ca sĩ như Michael Jackson, riêng các em nữ đều nhắc đến nữ danh ca Whitney Houston. Tôi sau cùng nói một câu, “Tại sao các em không mơ trở thành tổng thống?” Tự nhiên cả lớp đều yên lặng. Sau cùng, có một em trai giơ tay, em nói, “Nhưng, em là người da đen/But, I am black”. Lời nhận xét của em phản ảnh một phần nào đó vết thương tâm hồn gây ra bởi kỳ thị chủng tộc vẫn còn đậm sâu trong tâm hồn nhiều người.
Một trong những lý do cản trở dân ngoại đến với và tin vào Đức Giêsu và Tin Mừng là bởi chính đời sống của người Kitô hữu. Tương tự như hai vị tông đồ Giacôbê và Gioan, tôi coi thường những anh chị em không chia sẻ chung một màu da cùng một nền văn hóa với tôi. Khi cơ hội tới, tôi hành xử rất chiếu trên, tôi thản nhiên buông những lời nói thương tổn nặng nề anh chị em của những nền văn hóa khác và những tôn giáo bạn. Bởi cá nhân tôi hành sử rất phản Tin Mừng như thế, tôi chẳng rao giảng Tin Mừng tới ai. Không trách chi con số Kitô hữu tại Việt Nam vẫn chỉ là 7 phần trăm, một con số nhỏ bé và dậm chân tại chỗ sau gần 500 năm Tin Mừng tại Việt Nam.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn như Đức Giêsu, một can đảm lên tiếng nói như Đức Giêsu những khi đối diện những hành xử thiếu tôn trọng tha nhân trong đời sống hằng ngày!□
(Trích Suy Niệm Người Ra Nương Đồng sẽ xuất bản)