1. Thượng Phụ Kirill không đến dự cuộc gặp gỡ các tôn giáo thế giới nhưng đã dùng diễn đàn này để biện minh cho cuộc xâm lược của Putin
Trong bài diễn văn do Tổng Giám Mục Anthony, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga, đọc tại cuộc gặp gỡ các tôn giáo thế giới ở Kazakhstan, Thượng Phụ Kirill cho rằng nỗ lực xây dựng trật tự thế giới mà không dựa trên các giá trị đạo đức dẫn đến cuộc đối đầu khốc liệt.
Những thách thức thời hiện đại và những nỗ lực nhằm xây dựng trật tự thế giới mà không dựa trên các giá trị đạo đức làm trụ cột đã dẫn đến việc đánh mất khái niệm công bằng trong quan hệ quốc tế, không những thế còn dẫn đến tình trạng nghiêm trọng đối đầu và xung đột quân sự, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga đã đưa ra lập trường trên như một cách thế khéo léo để biện minh cho cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine.
“Các vấn đề về lương thực, năng lượng và kinh tế xuất phát từ những nỗ lực xây dựng trật tự thế giới mà không dựa trên các giá trị đạo đức đã thêm vào những thách thức do đại dịch nhiễm coronavirus gây ra. Trong hai thập kỷ qua, những nỗ lực này không chỉ dẫn đến việc đánh mất khái niệm công bằng trong quan hệ quốc tế mà còn dẫn đến đối đầu gay gắt, xung đột quân sự và sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở các khu vực khác nhau trên thế giới,” Thượng phụ Kirill đã đưa ra nhận xét trên trong lời chào mừng đến những người tham gia Đại hội các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống và thế giới lần thứ 7 tại thủ đô Kazakhstan.
Nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga cho biết: “Ngày nay, việc tìm đường giữa dòng chảy thông tin, chống lại sự thôi miên ý thức hệ và giữ một tâm trí tỉnh táo và bình an nội tâm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.”
“Khả năng tổ chức đối thoại trong hoàn cảnh đầy thách thức ngày nay là một nguồn lực khá quý giá. Đó là một bước quan trọng để giải quyết các vấn đề hiện có. Tôi tin tưởng rằng cuộc đối thoại vì hòa bình của các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng với ảnh hưởng của họ đối với tâm trí và trái tim của mọi người có thể và cần thiết để giúp vượt qua những thách thức hiện nay, hài hòa các mối quan hệ quốc tế và thiết lập một trật tự thế giới công bằng.”
Vấn đề mà nhiều người đặt ra đối với Thượng Phụ Kirill là đạo đức mà ông nói là đạo đức nào. Hiếp dâm, thảm sát, chôn sống hàng loạt thường dân vô tội ở Bucha và Izium có thể gọi là đạo đức không?
Source:Interfax
2. Lính Miến Điện dùng nhà thờ làm bếp, đặt mìn
Các binh lính ở Miến Điện đã sử dụng một nhà thờ Công Giáo làm bếp và đặt mìn xung quanh tòa nhà, các nguồn tin của Giáo hội nói với ucanews.com.
Một đoạn video do lực lượng phòng vệ địa phương đăng tải cho thấy sàn nhà và băng ghế bẩn thỉu phủ đầy bụi cùng với nồi nấu ăn và quân phục bên trong Nhà thờ Mẹ Thiên Chúa ở Mobye, bang Shan.
Ucanews.com đưa tin lực lượng phòng vệ địa phương kêu gọi giáo dân không đến gần nhà thờ vì quân đội đã đặt mìn gần đó.
Quân đội đã chiếm đóng thị trấn trong vài ngày trước khi rút lui khỏi nhà thờ vào giữa tháng 9 sau khi chịu thương vong trong cuộc giao tranh ác liệt với lực lượng phòng vệ địa phương. Mobye, nơi đa số người dân theo đạo Công Giáo, là một phần của Giáo phận Pekhon.
Theo ucanews.com, quân đội Miến Điện đã tiếp tục tấn công vào các nhà thờ và cơ sở Công Giáo ở đất nước bị xung đột, nơi người thiểu số tôn giáo phải gánh chịu gánh nặng của cuộc xung đột do cuộc đảo chính vào tháng 2 năm 2021.
Giao tranh ác liệt nổ ra giữa quân đội và lực lượng phòng thủ địa phương xung quanh thị trấn Mobye vào đầu tháng 9, khi quân đội sử dụng các cuộc không kích và vũ khí hạng nặng sau khi hàng chục binh sĩ thiệt mạng.
Các báo cáo cho biết hơn 5.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh, trong đó hơn 100 ngôi nhà đã bị phá hủy bởi các cuộc không kích của quân đội.
Các nguồn tin địa phương cho biết quân đội đã chiếm đóng nhà thờ để ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng phòng vệ địa phương.
“Thiệt hại đối với nhà thờ, nơi linh thiêng của Chúa, là kết quả của việc bị ma quỷ tấn công”, một linh mục Miến Điện lưu vong nói trên Facebook.
Một nữ giáo dân Công Giáo nói: “Thật là buồn khi phải chứng kiến cảnh này và điều đó như đang phá hủy trái tim của chúng tôi.”
Giáo phận Pekhon là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi giao tranh, cùng với Giáo phận Loikaw ở bang Kayah lân cận.
Các nguồn tin Giáo Hội nói với ucanews.com rằng ít nhất sáu giáo xứ trong Giáo phận Pekhon đã bị bỏ hoang, trong khi các nhà thờ, bao gồm cả Nhà thờ Thánh Tâm, liên tục bị tấn công và hư hại do xung đột đang diễn ra.
Hơn 150.000 thường dân, bao gồm đông đảo người Công Giáo ở các bang Kayah và Shan, đã buộc phải tìm nơi ẩn náu trong các nhà thờ, trại tạm cư và trong rừng rậm trong khi quân đội nhắm vào các linh mục và mục sư, đánh bom và phá hoại các nhà thờ trong các vùng chủ yếu người Kitô giáo như Kayah, Chin và Kachin.
Tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 12 tháng 9, Nicholas Koumjian, người đứng đầu Cơ chế Điều tra Độc lập cho Miến Điện, cho biết: “Kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm ngoái, ngày càng có nhiều bằng chứng về tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh, bao gồm cả giết người, tra tấn, trục xuất và cưỡng bức chuyển giao, bắt bớ, bỏ tù và nhằm vào dân thường.
Ông nói: “Những kẻ thủ phạm những tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất đã xảy ra ở Miến Điện phải biết rằng chúng ta đoàn kết trong nỗ lực bảo đảm rằng những kẻ chịu trách nhiệm cho những tội ác đó sẽ phải đối mặt với công lý.
Source:Sunday Visitor
4. Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan. Giáo Hội tại Đức
Rudolf Gehrig EWTN: “Thưa Đức Thánh Cha, nhiều Giáo hội ở Âu Châu, chẳng hạn như Giáo hội ở Đức, đang bị tổn thất nặng nề về số tín hữu, những người trẻ tuổi dường như không còn muốn đi lễ nữa. Đức Thánh Cha quan tâm đến xu hướng này như thế nào, và muốn làm gì với nó?”
Đúng một phần, tương đối một phần. Đúng là tinh thần thế tục hóa, tinh thần tương đối, đang thách thức những điều này; đúng như thế. Điều bạn phải làm, trước hết là kiên định với đức tin của mình. Ta hãy xét xem: nếu bạn là một giám mục hoặc một linh mục không kiên định, những người trẻ tuổi sẽ bắt chước xu hướng ấy - và thế là tạm biệt! Khi một Giáo hội, dù là gì, ở một quốc gia hay trong một lĩnh vực nào đó, nghĩ nhiều hơn về tiền bạc, về phát triển, về kế hoạch mục vụ chứ không phải chăm sóc mục vụ, và bạn đi theo hướng đó, điều đó không thu hút được ai.
Khi tôi viết lá thư cho người dân Đức cách đây hai năm, có những mục tử đã công bố và phổ biến nó, đích thân. Khi mục tử gần gũi với người dân, ngài nói, người dân nên biết những gì Đức Giáo Hoàng nghĩ. Tôi nghĩ rằng các vị chăn chiên phải tiến lên, nhưng nếu họ đánh mất mùi của chiên và chiên đã mất mùi của những người chăn, thì bạn không tiến về phía trước được. Đôi khi - tôi đang nói về tất cả mọi người, nói chung, không chỉ về nước Đức - có suy nghĩ về cách đổi mới, cách làm cho việc chăm sóc mục vụ trở nên hiện đại hơn: điều đó tốt, nhưng luôn luôn nó phải nằm trong tay của một người chăn chiên.
Nếu việc chăm sóc mục vụ nằm trong tay các “nhà khoa học” về mục vụ, là những người ra ý kiến ở đây và nói những gì nên làm ở đó... thì [bạn không tiến lên phía trước, chú thích của ban biên tập.] Chúa Giêsu tạo nên Giáo hội với các mục tử, không phải các nhà lãnh đạo chính trị. Ngài đã tạo ra Hội Thánh với những người dốt nát, trong số Mười Hai, người này dốt nát hơn người kia, và Hội Thánh vẫn tiếp tục. Tại sao? Nhờ cảm thức mùi bầy chiên của người chăn và cảm thức mùi người chăn của của bầy chiên.
Đây là mối liên hệ lớn nhất mà tôi thấy khi xảy ra khủng hoảng ở một nơi, ở một lãnh vực… Tôi tự hỏi mình, người chăn chiên có tiếp xúc, có gần gũi với đàn chiên không? Đàn này có người chăn không? Vấn đề là những người chăn chiên. Về điều này, tôi đề nghị bạn đọc bài bình luận của Thánh Augustinô về những người chăn chiên; nó được đọc trong một giờ nhưng đó là một trong những điều khôn ngoan nhất được viết cho những người chăn chiên và với điều đó bạn có thể xếp hạng cho người chăn chiên này hoặc người chăn chiên kia. Đó không phải là hiện đại hóa: tất nhiên, chúng ta phải cập nhật các phương pháp, điều đó đúng, nhưng nếu thiếu tấm lòng của mục tử, thì không có thừa tác mục vụ nào hoạt động được. Không hề.