1. Tại Kazakhstan, Giáo hoàng sẽ đến thăm một Giáo Hội đang phát triển
Kazakhstan, trung tâm của Trung Á, là một bức tranh ghép của các dân tộc với các sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Những dấu vết đầu tiên của Kitô giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ ba, với các phong trào thương mại và văn hóa do Con đường tơ lụa mang lại. Khoảng 1.000 năm sau, các nhà truyền giáo Dòng Phanxicô và Đa Minh đã đến những vùng đất này, truyền bá Phúc Âm, và xây dựng các tu viện. Trong những năm này, các mối quan hệ ngoại giao đầu tiên đã được thiết lập giữa Tòa thánh, Thành Cát Tư Hãn, và các nhà cầm quyền khác của các quốc gia Trung Á.
Một số cấu trúc cổ điển nhất định cũng được tạo ra, vì vị giám mục đầu tiên được biết đến trong khu vực này là vào năm 1278. Sau đó, các Kitô hữu trong khu vực bị đàn áp cho đến thời Xô Viết, nhưng nghịch lý là Stalin đã gián tiếp cho phép Giáo hội địa phương được tái sinh, khi ông ta đưa những người Âu Châu bị trục xuất, thường là người Công Giáo như người Ba Lan, người Đức, người Ukraine, hoặc người Lithuania, đến các thảo nguyên hoang vắng. Nhiều người đã chết, nhưng những người khác đã định cư và biến Kazakhstan trở thành quê hương của họ.
Đất nước này giành được độc lập vào năm 1991 và thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh vào năm 1992. Giáo hội đã có thể phát triển cơ cấu và hiện có khoảng 182.000 người Công Giáo, chiếm khoảng 1% dân số. Ngoài nhiều người Công Giáo đến từ cộng đồng thiểu số, ngày càng có nhiều người Kazakhstan xin được rửa tội. Giáo Hội Công Giáo hiện là nhóm thiểu số Kitô giáo lớn thứ hai sau Giáo Hội Chính thống tại một quốc gia có đa số là người Hồi giáo.
Source:omnesmag.com
2. Ba bác sĩ buộc tội gây ra tử vong cho thai phụ ở Ba Lan
Các công tố viên ở miền nam Ba Lan cho biết hôm thứ Năm rằng họ đã buộc tội ba bác sĩ liên quan đến cái chết của một phụ nữ mang thai 30 tuổi vào năm ngoái.
Agnieszka Wichary, phát ngôn nhân của văn phòng công tố ở Katowice, cho biết các bác sĩ bị cáo buộc đã khiến bệnh nhân có nguy cơ mất mạng.
“Kết quả các hoạt động và không hoạt động của nhóm đã khiến bệnh nhân tử vong,” tuyên bố của Wichary cho biết.
Hai trong số các bác sĩ cũng bị buộc tội vô ý gây ra cái chết của bệnh nhân. Nếu bị kết tội, họ có thể phải đối mặt với 5 năm tù giam.
Cái chết vì nhiễm trùng huyết vào tháng 9 năm ngoái của người phụ nữ được biết đến với cái tên Iza tại bệnh viện ở Pszczyna khi mang thai đến tuần thứ 22. Người phụ nữ bỏ lại một người chồng và một đứa con gái.
Người ta không biết ngay lập tức khi nào một bản cáo trạng có thể được gửi đến tòa án.
Ba Lan, một quốc gia chủ yếu là Công Giáo, đã thông qua một luật nghiêm khắc vào năm 1993, cấm phá thai, ngoại trừ ba trường hợp: việc mang thai là do hiếp dâm hoặc loạn luân; hay tính mạng hoặc sức khỏe của người phụ nữ gặp rủi ro; hoặc nếu thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Nhưng Tòa án Hiến pháp, dưới ảnh hưởng của đảng cầm quyền bảo thủ của Ba Lan, đã ra phán quyết vào năm ngoái rằng phá thai vì dị tật bẩm sinh là không hợp hiến.
Source:AP
3. Câu chuyện đằng sau đền thánh Đức Mẹ mới của Luân Đôn, Mẹ của những Kitô hữu bị bách hại
Những gì có thể là ngôi đền đầu tiên ở Âu Châu dành riêng cho các Kitô hữu bị đàn áp đã được khánh thành hôm thứ Năm 8 tháng 9 ở trung tâm London, Vương quốc Anh.
Đền thờ Đức Maria, Mẹ của những Kitô hữu bị bách hại, đã được cung hiến vào lúc 6:30 chiều giờ địa phương vào Lễ Sinh Nhật của Đức Trinh Nữ Maria tại quận nổi tiếng Soho. Đền thánh Đức Mẹ này nằm bên trong nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và Thánh Grêgoriô, chứ không phải là một nhà thờ biệt lập.
Cha Benedict Kiely, người ủng hộ các Kitô hữu bị đàn áp trên khắp thế giới trong nhiều năm qua, nói với Hãng thông tấn Công Giáo trong một cuộc trao đổi qua email vào ngày 6 tháng 9 rằng đền thờ “chắc chắn là đền thờ đầu tiên ở Âu Châu dành riêng cho Đức Maria, Mẹ của các Kitô hữu bị bách hại, và sẽ là nơi cầu nguyện thực sự cho các Giáo hội bị đàn áp.”
Cha Kiely, người đã dàn dựng việc thành lập ngôi đền, cho biết: “Tôi hy vọng ngôi đền sẽ trở thành tâm điểm cầu nguyện ở trung tâm London - rất gần Piccadilly Circus - cho tất cả những ai đến từ nơi mà Giáo Hội bị đàn áp, đến và cầu nguyện - người Nigeria, người Syria, người Ấn Độ, người Iraq - và nhiều người khác nữa”.
“Ngoài ra, tôi hy vọng chúng tôi, những người ở phương Tây sẽ đến và cầu nguyện thường xuyên cho anh em của chúng tôi có được lòng can đảm và sức mạnh cho chứng tá Kitô của chính chúng tôi và cho bất kỳ thử thách nào mà chúng tôi có thể gặp phải trong tư cách là những người tín hữu. Tôi thực sự tin rằng ngôi đền này là rất cần thiết bởi vì cuộc đàn áp Giáo Hội hầu như không được đề cập đến trên các phương tiện truyền thông chính thống và phải nói rằng nó không thường được ưu tiên nhiều ngay cả trong chính Giáo hội”.
Đền thờ có một biểu tượng của Đức Mẹ với dòng chữ “Mẹ của những người bị bách hại” được viết bằng tiếng Aramaic, là ngôn ngữ của Chúa Giêsu, vẫn còn được nói ở các vùng của Syria và Iraq. Biểu tượng được vẽ bởi Sơ Souraya, một nữ tu Melkite người Li Băng.
Cha Kiely nói với CNA rằng lời kêu gọi nâng cao nhận thức của ngài về hoàn cảnh của các tín hữu Kitô bị đàn áp đã bùng lên vào năm 2014.
“Tôi là một linh mục quản xứ ở Stowe, Vermont. Tôi thật đau lòng khi tôi nghe nói rằng vì ISIS, sẽ không có thánh lễ nào ở Mosul, Iraq, lần đầu tiên sau gần 2.000 năm. Mosul trong vùng bình nguyên Nineveh, nơi có ngôi mộ của tiên tri Jonah - ISIS đã cho nổ tung ngôi mộ ấy. Tôi cảm thấy bị thôi thúc phải làm điều gì đó. Bắt đầu với việc sản xuất các mặt hàng có chữ “N” hoặc “Nun” trong tiếng Ả Rập, mà ISIS - và Hồi giáo - đã dùng để đánh dấu nhà các Kitô hữu trong nhiều thế kỷ, sau đó tôi đến Iraq lần đầu tiên vào đầu năm 2015 và ngày càng cảm thấy được kêu gọi cống hiến chức vụ linh mục của mình và cuộc sống để hỗ trợ và vận động cho các Giáo hội bị đàn áp.”
Theo Kiely, có ba điều chính mà người Công Giáo có thể làm để hỗ trợ những anh chị em bị bắt bớ của họ trong Chúa Kitô trên toàn thế giới. Ngài nói với CNA: “Đầu tiên rõ ràng là cầu nguyện - do đó có đền thờ này. Nhưng lời cầu nguyện dẫn đến hành động - vì vậy sau đó là trợ giúp và biện hộ. Viện trợ - giúp đỡ các tổ chức bác ái và các tổ chức đang làm việc tốt để giúp đỡ những người bị bách hại - và vận động, lên tiếng với các chính trị gia, v.v., để bênh vực cho các tín hữu Kitô.”
Đền thờ đầu tiên dành cho các tín hữu Kitô bị bách hại đã được thành lập tại Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở thành phố New York, và Kiely nói với CNA rằng cùng với sự bổ sung mới nhất ở London: “Tôi quyết tâm có nhiều đền thờ - nhưng luôn được sự chúc lành của các giám mục địa phương, lý tưởng nhất là trong nhà thờ lớn hoặc nhà thờ được chỉ định của mình.”
Source:Catholic News Agency