1. Những lời cuối cùng của nữ tu truyền giáo người Ý bị khủng bố Hồi Giáo sát hại ở Mozambique
Sơ Maria De Coppi, một nữ tu truyền giáo dòng Comboni, đã bị những kẻ khủng bố Hồi giáo sát hại hôm thứ Ba tại Mozambique, nơi sơ đã phục vụ như một nhà truyền giáo trong gần 60 năm.
Sơ Maria de Coppi, 83 tuổi, đã bị bắn chết trong vụ tấn công vào đêm 6 tháng 9 ở Chipene.
Trong cuộc tấn công vào nhà dòng kéo dài năm giờ, những kẻ khủng bố đã lục soát và đốt phá nhà thờ, trường học, trung tâm y tế, nhà ở, thư viện và xe cộ của nhà dòng.
“Họ đã phá hủy mọi thứ,” Đức Cha Alberto Vera của Nacala nói với tổ chức bác ái Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.
“Những kẻ tấn công đã phá nhà tạm và phá hoại một phần của cung thánh, tìm kiếm bất cứ thứ gì chúng có thể tìm thấy - có thể là tiền”.
Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi cho biết, “Vào ngày 6 tháng 9, do hậu quả của các cuộc tấn công khủng bố, sáu công dân bị chặt đầu, ba người bị bắt cóc, sáu kẻ khủng bố bị bắt và hàng chục ngôi nhà bị đốt cháy ở các huyện Erati và Memba, tỉnh Nampula.”
Những kẻ khủng bố đang chạy trốn trước cuộc lùng bắt của các binh sĩ từ Mozambique, Rwanda và Cộng đồng Phát triển Nam Phi.
Cứ điểm truyền giáo Chipene bao gồm hai linh mục truyền giáo người Ý, là Cha Lorenzo Barro và Loris Vignadel, và ít nhất ba nữ tu người nước ngoài: hai người Ý và một người Tây Ban Nha. Tất cả, trừ Sơ Maria, đều sống sót sau cuộc tấn công.
Theo tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, trường nội trú của giáo điểm đã di tản toàn bộ 35 học sinh nam và 45 học sinh nữ.
Tổ chức bác ái của giáo hoàng báo cáo, “Theo báo cáo của các nhân chứng… những kẻ khủng bố đã đến tu viện của các nữ tu và buộc họ phải ra đi. Các nữ tu khác đã chạy trốn cùng với các học sinh, nhưng Sơ Maria, đang chuẩn bị ra khỏi nhà, chợt nghĩ đến những em nhỏ có thể vẫn còn ở trong nhà và quay trở lại. Đó là lúc họ bắn sơ ấy”.
Theo Corriere del Veneto, Sơ Maria đã để lại một tin nhắn cho cháu gái của mình, Gabriella Bottani, không lâu trước khi sơ qua đời.
Trong tin nhắn, nữ tu giải thích với cháu gái rằng tình hình trở nên phức tạp vì “nhóm mà họ gọi là al-Shabaab, quân nổi dậy, đang đến rất gần”.
“Vào thứ Sáu, họ đã tấn công một địa điểm trong giáo xứ của dì, và có vẻ như hôm qua một nhóm đã vào đây, và họ đang ở rất gần. Có vẻ như họ được trang bị vũ khí; họ đã bắt cóc một vài người rồi; họ đã giết người. Bất cứ nơi nào chúng đi qua, chúng đều thực hiện các vụ thảm sát”, nữ tu Maria giải thích.
Sau đó sơ ấy nói rằng “tất cả những người ở đây đang chạy trốn. Hôm nay, một Cha đã nói với dì rằng các cô gái từ trường nội trú nên trở về nhà và bốn người có nguyện vọng gia nhập dòng các nữ tu Comboni cũng nên quay trở lại Nampula vì quá nguy hiểm. “
“Tình hình thật đáng buồn, rất đáng buồn,” nhà truyền giáo nói tiếp tục. “Tất cả mọi người ngủ ngoài trời trong rừng, giữa những cây cỏ; có những người đã đến các thị trấn Alua, Mazua và các trung tâm nơi họ được bảo vệ nhiều hơn một chút. Nhưng nhiều người vẫn đang ngủ bên ngoài, trong rừng. Thật đáng buồn,” sơ than thở.
Sơ Maria lặp đi lặp lại nhiều lần rằng đó là “một tình huống rất đáng buồn” và “mọi người đều đang muốn trốn thoát: y tá, linh mục, tất cả mọi người”.
“Họ đang bắn ở đây. Chúng ta sẽ gặp nhau trên thiên đường. Họ đang đốt nhà. Nếu cháu không còn tin tức từ dì nữa, dì sẽ nhân cơ hội này để xin lỗi về những thiếu sót của mình và nói với cháu rằng dì yêu cháu rất nhiều. Hãy nhớ đến dì trong lời cầu nguyện,” Sơ Maria nói.
“Dì đã tha thứ cho những kẻ sẽ giết dì,” dì nói. “Cháu hãy làm tương tự như thế. Một cái ôm từ dì”.
Source:National Catholic Register
2. Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ kỷ niệm 60 năm khai mạc Công Đồng Vatican II
Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày 11 tháng 10 để đánh dấu 60 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II.
Ngày này cũng đánh dấu ngày lễ của Thánh Gioan XXIII, vị giáo hoàng đã khai mạc Công đồng năm 1962, và là người được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng.
Đức Thánh Cha Phanxicô là người ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện những thay đổi được kêu gọi trong Công đồng Vatican II, phù hợp với tầm nhìn của ngài về một Giáo hội gần gũi với người dân.
Một trong những đóng góp chính của Công đồng Vatican II chính là cố gắng vượt qua sự phân cách giữa thần học và mục vụ, giữa đức tin và sự sống.
Cũng trong lịch làm việc của Đức Giáo Hoàng từ tháng 9 đến tháng 11, có Thánh lễ tuyên thánh cho hai vị chân phước, và Thánh lễ tưởng niệm các Hồng Y và giám mục đã qua đời trong năm qua.
Trong những năm trước, Đức Giáo Hoàng thường cử hành Lễ các đẳng linh hồn tại một nghĩa trang. Đó là một tập tục mà ngài sẽ không tiếp tục trong năm nay. Tòa thánh Vatican chưa nêu rõ lý do thay đổi, vì Đức Thánh Cha Phanxicô đang cố gắng thu hẹp các nghĩa vụ công cộng của mình do chứng đau đầu gối tái phát.
Source:Rome Report
3. Đài Loan tiếp xúc với Vatican giữa tin đồn Đức Giáo Hoàng và Tập Cận Bình có thể gặp nhau tại Kazakhstan
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ đang duy trì liên hệ chặt chẽ với Tòa Thánh, trong bối cảnh có tin đồn về một cuộc gặp có thể xảy ra giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Kazakhstan.
Đã có suy đoán rằng ông Tập và Đức Thánh Cha Phanxicô, cả hai sẽ đến thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan vào ngày 14 tháng 9, có thể tổ chức các cuộc đàm phán có thể mở đường cho việc thiết lập quan hệ chính thức giữa Bắc Kinh và Vatican.
Khi được yêu cầu bình luận, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đài Loan Âu Giang An (Joanne Ou, 歐江安) nói với các phóng viên rằng Bộ đang giữ một “kênh liên lạc thông suốt với Vatican.”
Cô nói thêm rằng Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của Đài Loan, đã duy trì hợp tác chặt chẽ với Tòa Thánh kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1942.
“Đài Loan luôn chú ý đến bất kỳ cuộc gặp có thể xảy ra nào giữa các nhà lãnh đạo của các đồng minh ngoại giao và các quan chức cấp cao của Trung Quốc,” Cô Âu nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Kazakhstan trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ở nước này từ ngày 13 đến 15 tháng 9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh liên tôn thế giới.
Cả Bắc Kinh và Vatican đều không bình luận gì về cuộc gặp gỡ đang được đồn đoán.
Tòa Thánh là một trong 14 thực thể có chủ quyền duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan, nhưng quan hệ của Vatican với Bắc Kinh đã ấm dần lên dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Năm 2018, Bắc Kinh và Vatican đã đạt được một thỏa thuận liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc, dự kiến sẽ được gia hạn lần thứ hai vào tháng tới.
Chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh đòi buộc Vatican phải cắt đứt quan hệ với Đài Bắc là điều kiện tiên quyết để thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tuy nhiên, Cô Âu cho biết mối quan hệ của Đài Loan với Vatican vẫn bền chặt và ổn định, lưu ý rằng Cựu Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân (Chen Chien-jen, 陳建仁) đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào Chúa Nhật tại một thánh lễ ở quảng trường Thánh Phêrô.
Cựu Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân hiện đang ở Thành phố Vatican sau khi tham dự lễ phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I với tư cách là đại diện của Tổng thống Thái Anh Văn.
Source:The Standard