Theo tin Tòa Thánh, 200 Hồng Y trong tổng số 226 vị đã hội họp với Đức Phanxicô để thảo luận về Tông hiến Preadicate Evangelium trong hai ngày 29 và 30 tháng 8. Đây là số lượng Hồng Y kỷ lục tham dự mật nghị Hồng Y từ trước đến nay.
Cũng theo tin Tòa Thánh, các vị lưu ý tới hai điểm quan trọng là hiệp thông và truyền giáo. Cao điểm của phiên họp này là Thánh lễ đại trào lúc 5 giờ 30 chiều ngày 30 tháng 8 tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô do Đức Phanxicô chủ tọa. Trong thánh lễ này, ngài có bài giảng như sau, theo bản tiếng Anh của Tòa Thánh:
Các bài đọc của buổi cử hành này - trích từ Thánh lễ Ngoại lịch “Cầu cho Giáo hội” - đặt trước chúng ta hai điển hình về sự ngạc nhiên: sự ngạc nhiên của thánh Phaolô trước kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (x. Ep 1:3-14) và sự ngạc nhiên của các môn đệ, kể cả chính Mátthêu, khi gặp Chúa Giêsu Phục sinh, Đấng sau đó đã trao nhiệm vụ cho họ (x. Mt 28:16-20). Một điều kỳ diệu gấp hai lần. Chúng ta hãy đi sâu hơn vào hai “lãnh thổ” này, nơi có luồng gió của Chúa Thánh Thần thổi mạnh, để chúng ta có thể lên đường từ cuộc cử hành này, và cuộc tập hợp các Hồng Y này, luôn sẵn sàng hơn bao giờ hết để “công bố cho tất cả các dân tộc những điều kỳ diệu của Chúa” (xem Thánh vịnh Đáp ca).
Bài thánh ca mở đầu Thư gửi tín hữu Êphêsô phát sinh từ sự suy gẫm về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử. Chúng ta ngạc nhiên trước cảnh tượng của vũ trụ xung quanh chúng ta thế nào, thì chúng ta cũng đầy ngạc nhiên khi xem xét lịch sử của sự cứu rỗi như vậy. Và nếu, trong vũ trụ, mọi thứ chuyển động hoặc đứng yên theo lực hấp dẫn vô hình, thì, trong kế hoạch của Thiên Chúa, mọi thứ đều tìm thấy nguồn gốc, hiện hữu, cùng đích và mục tiêu của chúng trong Chúa Kitô.
Trong bài thánh ca của Thánh Phaolô, kiểu nói - “trong Chúa Kitô” hay “trong Người” - là nền tảng nâng đỡ mọi giai đoạn của lịch sử cứu rỗi. Trong Chúa Kitô, chúng ta đã được chúc phúc ngay trước khi thế giới được tạo ra; trong Người, chúng ta đã được kêu gọi và được cứu chuộc; nơi Người, mọi tạo vật được khôi phục cho sự hiệp nhất, và tất cả mọi người, gần và xa, trước hết, bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần, đều được định sẵn để ngợi khen sự vinh hiển của Thiên Chúa.
Khi chúng ta suy gẫm kế hoạch này, “phải ngợi khen” Thiên Chúa (Đáp ca, Kinh sáng, Thứ Hai Tuần IV): ngợi khen, chúc tụng, tôn thờ và cảm tạ thừa nhận tất cả những gì Thiên Chúa đã làm. Ngợi khen phát sinh từ điều kỳ diệu, ngợi khen sẽ không bao giờ trở thành thói quen, miễn là nó vẫn bắt nguồn từ sự kỳ diệu và được nuôi dưỡng bởi thái độ căn bản của trái tim và tinh thần. Tôi muốn hỏi mỗi người chúng ta, những người anh chị em thân mến Hồng Y, Giám mục, linh mục, những người thánh hiến, dân Chúa: điều kỳ diệu của anh chị em là thế nào? Có khi nào anh chị em cảm thấy ngạc nhiên không? Hay anh chị em đã quên nó có nghĩa gì rồi?
Đây là bầu không khí ngạc nhiên mà với nó, giờ đây chúng ta có thể đi vào “lãnh thổ” của bài thánh ca của Thánh Phaolô.
Nếu chúng ta đi vào tường thuật ngắn gọn nhưng sâu sắc tìm thấy trong Tin Mừng, nếu cùng với các môn đệ, chúng ta đáp lại lời kêu gọi của Chúa và đi đến Galilê - và tất cả chúng ta đều có Galilê của riêng chúng ta trong lịch sử đặc thù của chúng ta, đó là Galilê nơi chúng ta cảm nhận được lời kêu gọi của Chúa, cái nhìn của Chúa, Đấng đã gọi chúng ta; hãy quay trở lại Galilê đó - nếu chúng ta quay trở lại Galilê trên ngọn núi mà Người đã chỉ cho, chúng ta sẽ trải nghiệm một điều kỳ diệu mới. Lần này, chúng ta sẽ ngạc nhiên không phải về chính kế hoạch cứu rỗi, mà còn ngạc nhiên hơn nữa là Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tham gia vào kế hoạch này. Ở đây chúng ta thấy sứ mệnh của các tông đồ với Chúa Kitô Phục sinh. Chúng ta khó có thể hình dung được cảm xúc mà vớii nó, “mười một môn đệ” đã nghe những lời đó của Chúa: “Hãy đi… làm cho muôn dân thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy dỗ họ vâng theo mọi điều Thầy đã truyền cho các con ”(Mt 28:19-20). Và rồi, lời hứa cuối cùng của Người truyền cảm hứng cho hy vọng và niềm an ủi – quả thực, hôm nay chúng ta đã nói tới hy vọng [trong cuộc họp sáng nay]: “Thầy luôn ở bên các con, cho đến ngày tận thế” (câu 20). Những lời này, được nói bởi Chúa Phục sinh, vẫn có sức mạnh, ngay cả sau hai ngàn năm, làm rung động trái tim chúng ta. Chúng ta tiếp tục ngạc nhiên trước quyết định không thể hiểu được của Thiên Chúa trong việc truyền giảng tin mừng cho toàn thế giới, bắt đầu từ nhóm môn đệ khố rách áo ôm đó, mà một số - như lời thánh sử kể lại - vẫn còn nghi ngờ (xem câu 17). Thế nhưng, nếu chúng ta nghĩ về điều đó, chúng ta sẽ ngạc nhiên không kém nếu chúng ta nhìn lại chính mình, đang tụ họp ở đây ngày hôm nay, những người mà Chúa đã nói cùng những lời đó, được trao cho cùng một nhiệm vụ! Mỗi chúng ta, với tư cách là một cộng đồng, một hợp đoàn.
Anh chị em thân mến, loại ngạc nhiên này là một cách để được cứu rỗi! Cầu xin Thiên Chúa giữ cho nó luôn sống động trong trái tim chúng ta, vì nó giúp chúng ta thoát cơn cám dỗ muốn nghĩ rằng chúng ta có thể “quản lý mọi việc”, rằng chúng ta “lỗi lạc nhất”. Hoặc từ sự an tâm sai lầm khi nghĩ rằng ngày nay đã phần nào ra khác rồi, không còn giống như thuở ban đầu nữa; ngày nay Giáo hội lớn mạnh, vững chắc và chúng ta chiếm giữ những vị trí nổi tiếng trong hệ thống phẩm trật của nó - thực sự người ta xưng chúng ta là “Thưa đức ngài nổi tiếng” [your eminence]… Có một số sự thật trong điều này, nhưng cũng có khá nhiều lừa dối, theo đó, Cha của sự Dối trá luôn tìm cách biến những kẻ theo chân Chúa Kitô trước hết thành người theo thế gian, sau đó là vô thưởng vô phạt. Điều này có thể dẫn anh chị em đến sự cám dỗ của tính thế gian, nó từng bước lấy đi sức lực của anh chị em, lấy mất hy vọng của anh chị em; nó ngăn cản anh chị em nhìn thấy ánh mắt của Chúa Giêsu, Đấng gọi chúng ta bằng tên và sai chúng ta ra đi. Đó là những mầm mống của tính thế gian thiêng liêng.
Hôm nay, thực sự, lời Chúa đánh thức trong chúng ta sự ngạc nhiên về việc được ở trong Giáo hội, được là Giáo hội! Chúng ta hãy quay trở lại với điều kỳ diệu ban đầu của chúng ta về phép rửa. Đó là điều làm cho cộng đồng tín hữu trở nên hấp dẫn, trước tiên là với chính họ và sau đó là những người khác: mầu nhiệm hai mặt của việc chúng ta được chúc phúc trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô đi vào thế giới. Sự kỳ diệu này không giảm đi theo năm tháng; nó không suy yếu với trách nhiệm ngày càng tăng của chúng ta trong Giáo hội. Không, cảm ơn Chúa. Nó phát triển mạnh hơn và sâu hơn. Tôi chắc chắn rằng đây cũng là trường hợp của anh em, những người anh em thân mến, những người nay đã trở thành thành viên của Hồng Y đoàn.
Chúng ta cũng vui mừng vì cảm thức biết ơn này được chia sẻ bởi tất cả chúng ta, tất cả những người đã được rửa tội. Chúng ta nên hết sức biết ơn Thánh Phaolô VI, người đã truyền lại cho chúng ta tình yêu này đối với Giáo hội, một tình yêu vốn là lòng biết ơn trước hết và trên hết, sự ngạc nhiên biết ơn về mầu nhiệm của Giáo Hội và về hồng phúc chúng ta không những là chi thể của Giáo hội, mà còn tham gia vào cuộc sống của Giáo Hội, chia sẻ và thực sự, cùng chịu trách nhiệm đối với Giáo Hội. Ở đầu thông điệp lên chương trình Ecclesiam Suam của ngài, được viết trong lúc có Công đồng, ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu Đức Giáo Hoàng là “Giáo hội cần trau dồi nhận thức sâu sắc hơn về bản sắc của mình… nguồn gốc và sứ mệnh của mình”. Về phương diện này, ngài đã minh nhiên trích dẫn Thư gửi tín hữu Êphêsô, đến “kế hoạch quan phòng của mầu nhiệm đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa... để, nhờ Giáo Hội, người ta biết đến điều đó” (Ep 3:9-10).
Anh chị em thân mến, đây là điều phải làm để trở thành một thừa tác viên của Giáo Hội. Một người cảm thấy ngạc nhiên trước kế hoạch của Thiên Chúa và với tinh thần đó, yêu mến Giáo hội một cách nồng nàn và luôn sẵn sàng phục vụ sứ mệnh của mình ở bất cứ nơi đâu và theo cách nào mà Chúa Thánh Thần có thể chọn lựa. Đây là trường hợp của Thánh Tông đồ Phaolô, như chúng ta thấy qua các lá thư của ngài. Lòng nhiệt thành tông đồ và sự quan tâm đến cộng đồng của ngài luôn được đi kèm, thực ra đi trước, với những lời chúc tụng đầy ngạc nhiên và biết ơn: “Chúc tụng Thiên Chúa…”, và đầy ngạc nhiên. Đây có lẽ là thước đo, là nhiệt kế của đời sống thiêng liêng của chúng ta. Tôi xin lặp lại câu hỏi, thưa em trai, em gái thân yêu, tất cả những ai ở đây với nhau: khả năng ngạc nhiên của anh chị em như thế nào? Hay anh chị em đã quen, đã quen với nó đến nỗi anh chị em đã đánh mất nó? Anh chị em có thể một lần nữa ngạc nhiên hay không?
Có thể điều đó đúng với chúng ta! Có thể đúng cho mỗi người trong số anh em, thưa các Hồng Y anh em thân mến! Cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria - Đấng đã thấy và giữ mọi sự trong lòng với sự ngạc nhiên - xin Mẹ của Giáo hội nhận được ân sủng này cho mỗi người chúng ta. Amen!