Theo thông lệ tông du của ngài, nhân chuyến viếng thăm Canada với tập chú xin lỗi người bản địa về vai trò hợp tác của một số định chế Công Giáo vào chính sách bứng gốc văn hóa của họ, Đức Phanxicô, dù không gặp các nạn nhân của lạm dụng tình dục, vẫn đã gặp một số tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Tổng Giám Mục Québec. Cuộc gặp gỡ đã được chính Cha Sparado, tổng biên tập tạp chí Civiltà Cattolica, ghi lại và phổ biến.



Đó là ngày 29 tháng 7 năm 2022, ngày cuối cùng trong hành trình tông đồ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Canada. Thời gian của ngài ở Quebec sắp kết thúc và ngài chuẩn bị đến Iqaluit, ở phía Bắc, để gặp gỡ người Inuit. Cuộc trò chuyện với các tu sĩ Dòng Tên dự kiến diễn ra vào lúc 9 giờ sáng, nhưng Đức Giáo Hoàng bước vào hội trường trong Tòa Tổng Giám mục sớm hơn một phần tư giờ. Có 15 tu sĩ Dòng Tên thuộc tỉnh dòng Canada, bao gồm cả Haiti. Một đại hội cấp tỉnh dòng đã được lên kế hoạch từ lâu đang được tiến hành, điều này giải thích sự vắng mặt của cha giám tỉnh. Sau những lời nghinh đón tự phát khi Đức Giáo Hoàng tới, Cha Marc Rizzetto của cộng đồng Quebec thay mặt cho những người hiện diện và hơn 200 tu sĩ Dòng Tên của tỉnh dòng ngỏ với Đức Phanxicô lời chào thân ái. Đặc biệt, ngài đề cập đến 45 thành viên của cộng đoàn tỉnh dòng đang quy tụ ở Midland, và các tu sĩ Dòng Tên cao niên trong các bệnh xá Richelieu và Pickering của tỉnh dòng.

Ngài bắt đầu, “Tại đất nước này, là một trong những tỉnh dòng lớn nhất của Dòng Tên, chúng con làm việc với niềm vui và hy vọng, theo hình ảnh của Thánh Jean de Brébeuf và các bạn đồng hành, [1] Các Thánh Tử Đạo của Canada. Sống giữa những người mong manh, can đảm bất chấp sự mong manh của mình, ý thức được sự cao cả của mỗi người và luôn mong muốn chia sẻ những kho tàng thiêng liêng của mình, ngày nay chúng con được kêu gọi trở thành những người sống cho và với những người khác, những người hành hương.”

Ngài nói tiếp: “Chúng con ở cùng thuyền với Đức Thánh Cha, cùng chèo với Đức Thánh Cha, đánh giá cao hướng đi Đức Thánh Cha đã đem lại cho Giáo hội và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Cảm ơn Đức Thánh Cha đã đóng góp vào công cuộc hòa giải với các dân tộc bản địa ”.

Cuối cùng, Cha tặng Đức Giáo Hoàng một món quà: một bức ảnh về một con bướm, được Đức Giáo Hoàng rất ngưỡng mộ, thậm chí còn nói đùa: “Nhìn thấy bức ảnh đẹp này, tâm trí tôi bỗng có một sự nghi ngờ. Nó đẹp đến mức có thể là một cái bẫy của Dòng Tên. Tôi không biết đó là bướm hay dơi! " Tất cả những người có mặt đều phá lên cười. Sau vài lời cảm ơn, Đức Phanxicô nói tiếp tới các chuyến đi trước đây của ngài đến đất nước này.


Đây là lần thứ ba tôi đến Canada. Lần đầu tiên là vào những năm 1970. Lúc ấy, tôi sắp sửa khấn lần thứ ba ở Tây Ban Nha, và vì tôi đã được bổ nhiệm làm trưởng nhà tập nên tôi đã đến thăm một số tập viện. Tôi đã đến Colombia và Mexico. Thực ra ở Canada không có tập sinh nào, nhưng Cha Bề Trên Cả yêu cầu tôi đến đây để thăm Cha Michel Ledrus. [2] Vì vậy, tôi đến gặp ngài ở Saint Jérôme. Cha Ledrus là một bậc thầy tâm linh thực sự vĩ đại. Đó là chuyến đi đầu tiên của tôi đến Canada. Lần thứ hai là vào tháng 6 năm 2008, dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Quebec. Tôi đã trình bầy bài suy gẫm về chủ đề “Bí tích Thánh Thể xây dựng Giáo hội, bí tích của sự cứu rỗi”. Như thế, đây là chuyến thăm thứ ba của tôi đến đất nước của anh em. Rất cám ơn sự chào đón của anh em!

Này Marc, tôi có ấn tượng về một chữ cha đã nói, "sự mong manh." Đã rất nhiều lần chúng ta nghe người ta nói rằng Dòng Tên là đội quân của Giáo hội, đội quân hùng mạnh… tất cả chỉ là tưởng tượng! Chúng ta không bao giờ nên nghĩ về sự tự mãn của mình. Tôi tin rằng sức mạnh thực sự của một tu sĩ Dòng Tên bắt đầu bằng việc tự ý thức được tính mong manh của chính mình. Chính Chúa là Đấng ban sức mạnh cho chúng ta.

Rồi, bây giờ cũng như trong bóng đá, chúng ta hãy đưa bóng ra giữa và chơi với các câu hỏi của anh em!

Thưa Đức Thánh Cha, chúng ta đang trong một quá trình hòa giải chưa kết thúc. Chúng ta đang trên đường. Niềm an ủi trong chuyến hành hương này của Đức Thánh Cha là gì?

Năm năm trước, tôi đã tiếp một chuyến viếng thăm của thủ tướng Canada, vẫn cùng một thủ tướng như anh em có hôm nay. Tại cuộc gặp gỡ đó, ông đã yêu cầu tôi làm điều gì đó về người bản địa và các trường nội trú. Các giám mục cũng đã nói chuyện với tôi về những vấn đề này. Phán đoán của mọi người là cần phải làm một điều gì đó, nhưng cũng phải được chuẩn bị tốt. Các giám mục đã chuẩn bị chu đáo, trong nhiều năm, một diễn trình đã đi rất xa để có thể thực hiện được chuyến viếng thăm này của tôi. Chúng ta đã vượt qua từ một giai đoạn trong đó, có vẻ như vấn đề chỉ liên quan tới các giám mục của các khu vực liên hệ, sang sự tham gia đầy đủ của hàng giám mục.

Anh em thấy đấy, điều quan trọng nhất chính là sự kiện này: các giám mục đã cùng đồng lòng, chấp nhận thách đố và tiến lên phía trước. Kinh nghiệm này của Canada là một điển hình về một hàng giám mục hợp nhất. Khi một hàng giám mục hợp nhất, thì nó có thể đối phó với những thách thức nảy sinh. Tôi là nhân chứng cho những gì tôi đã thấy. Như thế, tôi muốn nhấn mạnh điều này: nếu mọi sự diễn ra tốt đẹp, thì đó không phải là do chuyến viếng thăm của tôi. Tôi chỉ là chất kem trên chiếc bánh ngọt. Chính các giám mục đã làm mọi việc với sự hiệp nhất của họ.

Cũng nên nhớ một cách khiêm tốn rằng người bản địa thực sự rất có khả năng xử lý vấn đề và có thể cam kết.

Đấy là những phép lạ có thể xảy ra khi Giáo hội hiệp nhất. Ngoài ra, tôi đã thấy sự thân quen giữa các giám mục và người bản địa. Tất nhiên, không cần phải giấu giếm, có một số người làm việc chống lại sự hàn gắn và hòa giải, trong xã hội cũng như trong Giáo hội. Ngay cả đêm qua, tôi đã thấy một nhóm nhỏ duy truyền thống biểu tình phản đối, nói rằng Giáo Hội là một điều khác hẳn… Nhưng đó là cách mọi sự diễn ra.

Tôi chỉ biết rằng một trong những kẻ thù tồi tệ nhất chống lại sự hiệp nhất của Giáo hội và của các giám mục là ý thức hệ. Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục diễn trình này ở trên đường. Tôi thích phương châm của cuộc hành trình, vì nó nói rõ điều đó: Cùng nhau bước đi. Bước đi, nhưng cùng nhau. Anh em hẳn biết câu nói: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình; thay vào đó nếu bạn muốn đi chắc chắn, hãy đi cùng nhau. "

Đức Thánh Cha nói về cuộc hành hương, hòa giải và lắng nghe. Tất cả những điều này có định hình viễn kiến đồng nghị của Đức Thánh Cha về Giáo hội không? Đây có phải là những gì Đức Thánh Cha đang nói về?

Nghe này, tôi thấy phiền khi tính từ “đồng nghị” được sử dụng như thể đó là cách sửa chữa cấp tốc mới nhất cho Giáo hội. Khi người ta nói “Giáo hội đồng nghị” thì kiểu diễn đạt này là thừa thãi: Giáo hội hoặc là đồng nghị hoặc không phải là Giáo hội. Đó là lý do tại sao chúng ta đã đi đến một thượng hội đồng về tính đồng nghị, để nhắc lại điều này. Chắc chắn, chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội ở Phương Tây đã đánh mất truyền thống đồng nghị của mình. Giáo Hội Phương Đông đã bảo tồn nó. Chắc chắn là người ta có thể thảo luận về những cách sống đồng nghị. Đức Phaolô VI đã thành lập Văn Phòng Thượng Hội đồng Giám mục vì ngài có ý định đi trước về vấn đề này. Hết thượng hội đồng này tới thượng hội đồng nọ đã đi trước, một cách dò dẫm, cải tiến, hiểu rõ hơn, trưởng thành.

Năm 2001, tôi là tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục. Tôi thay thế cho Đức Hồng Y Egan, người đã phải trở về giáo phận New York của mình, vì thảm kịch Tháp Đôi. Tôi nhớ các ý kiến đã được thu thập và gửi đến văn phòng tổng thư ký. Sau đó, tôi thu thập tài liệu và chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu. Thư ký Thượng hội đồng đến gặp tôi, đọc tài liệu và bảo tôi bỏ chi tiết này hay chi tiết kia. Có những thứ ngài không cho là phù hợp và ngài đã kiểm duyệt chúng. Tóm lại, đã có sự lựa chọn sẵn tư liệu. Người ta hiểu khá sai về thượng hội đồng. Vào cuối thượng hội đồng vừa qua, trong cuộc thăm dò về các chủ đề sẽ được thảo luận trong phiên họp kế tiếp, hai chủ đề đầu tiên là chức tư tế và tính đồng nghị. Tôi hiểu rằng cần phải suy ngẫm về nền thần học đồng nghị để thực hiện một bước quyết định về phía trước.

Đối với tôi, dường như điều cơ bản để tôi phải nhắc lại, như tôi thường làm, là thượng hội đồng không phải là một cuộc họp chính trị cũng không phải là một ủy ban cho các quyết định của quốc hội. Đó là sự phát biểu của Giáo hội mà nhân vật chính là Chúa Thánh Thần. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì không có Thượng hội đồng. Có thể có dân chủ, quốc hội, tranh luận, nhưng không có “thượng hội đồng”. Nếu anh em muốn đọc cuốn sách thần học hay nhất về Thượng Hội Đồng, thì hãy đọc lại Tông đồ Công Vụ. Ở đó anh em có thể thấy rõ rằng nhân vật chính là Chúa Thánh Thần. Hành động của Chúa Thánh Thần được cảm nghiệm trong Thượng hội đồng. Động lực biện phân diễn ra. Thí dụ, người ta cảm nghiệm rằng đôi khi một ý tưởng được lưu hành nhanh chóng, mọi người tranh cãi nhưng sau đó một điều gì đó xảy ra khiến mọi sự ăn khớp với nhau, hài hòa với nhau một cách đầy sáng tạo. Đó là lý do tại sao tôi muốn nói rõ rằng Thượng hội đồng không tập trung vào một cuộc bỏ phiếu, cũng không phải là một cuộc đối đầu biện chứng giữa đa số và thiểu số. Rủi ro cũng là việc mất đi bức tranh tổng thể, cảm thức mọi điều.

Điều này đã xảy ra với việc giảm bớt các chủ đề của Thượng hội đồng để chỉ còn một vấn đề đặc thù. Chẳng hạn như Thượng hội đồng về Gia đình. Người ta nói rằng nó được tổ chức để cho những người ly hôn tái hôn được phép rước lễ. Nhưng trong tông huấn hậu thượng hội đồng về chủ đề này chỉ có một chú thích, còn tất cả các phần còn lại đều là những suy nghĩ về chủ đề gia đình, chẳng hạn như chủ đề về thời kỳ dự tòng gia đình (family catechumate). Có rất nhiều sự phong phú. Người ta không thể nhét mọi sự vào cái phiễu duy nhất của một vấn đề. Tôi nhắc lại, nếu Giáo hội là Giáo hội, thì nó là đồng nghị. Nó đã như vậy ngay từ đầu.

Các nhận xét của các nhà báo về chuyến đi và bài phát biểu của Đức Thánh Cha đối với con hầu hết là rất tích cực. Tuy nhiên, một câu hỏi mà các nhà báo đã đặt ra là: Tại sao Đức Giáo Hoàng xin lỗi thay mặt cho các Kitô hữu mà không thay mặt Giáo hội như một định chế? chúng ta có thể trả lời như thế nào?

Có, tôi có nghe. Tôi thực sự không hiểu sự khó khăn này. Tôi không nói cho bản thân hay cho một ý thức hệ hay một đảng phái nào. Tôi là một giám mục và tôi nói nhân danh Giáo hội, không nhân danh chính mình. Tôi nói nhân danh Giáo hội ngay cả khi tôi không minh nhiên nói rõ như thế. Thật vậy, tôi không cần phải làm cho nó thành minh nhiên vì rõ ràng là tôi làm như vậy. Ngược lại, có lẽ tôi phải nói, tôi phải làm cho nó minh nhiên rằng đó là suy nghĩ cá nhân của tôi khi tôi không nhân danh Giáo hội. Do đó, đúng, tôi phải nói như vậy.

Con làm việc trong lĩnh vực truyền thông của Giáo hội. Trong lĩnh vực này, điều quan trọng là cộng tác và nối mạng, bao gồm cả với các giám mục?

Chắc chắn! Điều quan trọng hơn hết là cuộc đối thoại phải được mở rộng. Đối thoại không bao giờ là dư thừa giữa các chuyên gia truyền thông và chắc chắn với các giám mục. Trao đổi, đối đầu và đối thoại là nền tảng cho truyền thông.

Nhắc đến các phương tiện truyền thông, người ta nghĩ ngay đến một điều. Tôi thấy rằng một số người đã thắc mắc tại sao tôi không có một cuộc gặp cụ thể nào trong chuyến đi này với những người từng là nạn nhân của lạm dụng tình dục. Trên thực tế, tôi đã nhận được một số lá thư về vấn đề này trước chuyến đi. Tôi đã trả lời những bức thư này và giải thích rằng có hai vấn đề. Điều đầu tiên là thời gian, lịch trình. Điều quan trọng thứ hai đối với tôi, là tôi muốn đưa ra một chủ đề mạnh mẽ trong chuyến đi này, đó là liên quan đến người dân bản địa, sao cho nó sẽ rất rõ ràng. Nhiều người trả lời tôi nói rằng họ hiểu rằng đây không phải là một sự loại trừ nào cả. Trong các bối cảnh khác, chẳng hạn như chuyến thăm Ireland, các cuộc gặp như vậy có thể diễn ra và chủ đề đã xuất hiện rõ ràng.

Nói về lạm dụng, con là một luật sư giáo luật. Đức Thánh Cha đã thực hiện rất nhiều thay đổi. Một số người gọi Đức Thánh Cha là giáo hoàng của những thay đổi. Đức Thánh Cha cũng đã thực hiện các thay đổi ở bình diện hình sự, liên quan đến hành vi lạm dụng, và điều này có lợi cho Giáo hội. Con muốn biết Đức Thánh Cha thấy mọi thứ tiến triển như thế nào cho đến nay và liệu Đức Thánh Cha có thấy trước được những thay đổi tiếp theo trong tương lai hay không.

Có, đúng là như vậy. Các thay đổi cần được thực hiện và chúng đã được thực hiện. Luật không thể được giữ trong tủ lạnh. Luật đồng hành cùng cuộc sống và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Giống như luân lý, nó đang được hoàn thiện. Trước đây, chế độ nô lệ là hợp pháp, bây giờ nó không còn hợp pháp nữa. Ngày nay Giáo hội đã nói rằng ngay cả việc sở hữu vũ khí nguyên tử cũng là trái đạo đức, không chỉ việc sử dụng nó. Điều này đã không được nói trước đây. Đời sống luân lý đang tiến triển theo cùng một dòng. Đó là lời dạy của Thánh Vinh Sơn thành Lérins: ita étiam christiánae religiónis dogma sequátur has decet proféctuum leges, ut annis scílicet consolidétur, dilatétur témpore, sublimétur aetáte ("Tín điều của Kitô giáo phải tuân theo những luật này. Nó tiến triển, củng cố qua năm tháng, phát triển theo thời gian, sâu sắc hơn theo tuổi tác”). Thánh Vinh Sơn thành Lérins so sánh sự phát triển sinh học của con người với sự lưu truyền từ thời này sang thời nọ depositum fidei [kho tàng đức tin], một kho luôn lớn mạnh và củng cố theo thời gian. Sự hiểu biết của con người thay đổi theo thời gian, và ý thức con người ngày càng sâu sắc hơn.

Tầm nhìn coi tín lý của Giáo hội như một nguyên khối, phải được bảo vệ không cần sắc thái là sai lầm. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải tôn trọng truyền thống, truyền thống đích thực. Ai đó đã từng nói rằng truyền thống là ký ức sống động của các tín hữu. Chủ nghĩa duy truyền thống, thay vào đó, là sự sống đã chết của các tín hữu chúng ta. Truyền thống là lẽ sống của những người đi trước chúng ta và những người đi sau. Chủ nghĩa duy truyền thống là ký ức chết về họ. Tóm lại, từ gốc đến quả, đó là con đường của chúng ta. Chúng ta phải lấy nguồn gốc làm quy chiếu, chứ không phải lấy một kinh nghiệm lịch sử đặc thù làm mô hình vĩnh viễn, như thể chúng ta phải dừng lại ở đó. "Hôm qua nó đã được thực hiện như thế này" trở thành "nó luôn luôn được thực hiện như thế này." Nhưng đây là một tư tưởng tà giáo! Những gì tôi đã nói cũng áp dụng cho các vấn đề pháp lý, luật pháp.

Con là một tu sĩ Dòng Tên Haiti. Chúng ta đang trải qua một quá trình hòa giải toàn quốc, nhưng hy vọng đang mất dần. Xem xét những gì chúng ta đang trải qua ở Canada, chúng ta có thể nói gì với Giáo Hội Haiti để có hy vọng? Là các tu sĩ Dòng Tên, chúng ta có thể làm gì?

Haiti hiện đang trong tình trạng khủng hoảng. Nó đang trải qua một thử thách, như thể nó không thể tìm thấy con đường thích hợp về phía trước. Đối với tôi, dường như các tổ chức quốc tế không hiểu phải làm gì. Tôi cảm thấy rất thân thiết với Haiti, đặc biệt là vì tôi được một số linh mục bạn bè của tôi cập nhật tình hình liên tục. Tôi sợ rằng nó đang rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Làm thế nào chúng ta có thể giúp Haiti phát triển trong hy vọng? Nếu có một điều mà chúng ta có thể làm với tư cách là Giáo hội, đó chắc chắn là cầu nguyện, sám hối… Nhưng chúng ta phải tự hỏi mình làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ. Người dân Haiti là một dân tộc cao quý. Ở đó, tôi chỉ đơn giản nói với cha rằng tôi nhận thức được những gì đang xảy ra.

Con muốn hỏi Đức Thánh Cha một câu hỏi về phụng vụ và sự hiệp nhất của Giáo hội. Con là một sinh viên Phụng vụ và con muốn biết rằng môn học này quan trọng như thế nào trong việc đào tạo. Con cũng đang đề cập đến cam kết mục vụ của chúng ta với tư cách là các tu sĩ Dòng Tên.

Khi có xung đột, phụng vụ luôn bị xử lý sai lầm. Ở Châu Mỹ Latinh cách đây ba mươi năm đã có những biến dạng kinh dị về phụng vụ. Sau đó, họ chuyển sang phía đối lập bằng một sự mê say nhìn thụt lùi [indetrista] lạc hậu với thời cũ. Một sự chia rẽ được thiết lập trong Giáo hội. Hành động của tôi trong lĩnh vực này nhằm đi theo đường lối của Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, những vị đã cho phép nghi thức cổ xưa và đã yêu cầu phải xác minh sau đó. Cuộc xác minh gần đây nhất đã làm rõ ràng rằng cần phải qui định việc thực hành, và trên hết tránh để nó trở thành một vấn đề “thời trang”, chẳng hạn, và thay vào đó là một vấn đề mục vụ. Tôi mong đợi các nghiên cứu sẽ tinh chỉnh sự suy nghĩ về chủ đề quan trọng này: phụng vụ là sự ngợi khen Thiên Chúa công khai!

***

Đến đây, một giờ trò chuyện đã trôi qua và người phụ trách tổ chức cuộc tông du kín đáo cho biết đã đến lúc Đức Giáo Hoàng phải ra đi. Đức Giáo Hoàng cảm ơn mọi người về cuộc gặp gỡ, về món quà nhận được và về sự gần gũi mà ngài cảm nhận được từ các tu sĩ Dòng Tên. Sau đó, ngài mời mọi người cùng nhau đọc kinh Kính Mừng, cuối cùng ngài ban phép lành và gợi ý một bức ảnh nhóm.

________________________________________

Nguồn: DOI: La Civiltà Cattolica, En. Ed. Tập 6, số 8 bài 8, 0822: 10.32009 / 22072446.0822.8

[1] Jean de Brébeuf (1593 -1649) là một linh mục Dòng Tên người Pháp, một trong tám vị tử đạo người Mỹ gốc Canada được Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên phong hiển thánh vào năm 1930. Năm 1625, ngài đến Canada cùng với các nhà truyền giáo khác của Dòng Tên. Năm sau, ngài dừng chân tại lãnh thổ của người Hurons, dân mà ngài đã sống chung một thời gian dài. Ngài bị giết bởi các thành viên của một bộ lạc Iroquois vào năm 1649.

[2] Michel Ledrus (Gossellies, Bỉ, 1899 - Rome, 1983) dạy Truyền giáo học tại Louvain và Triết học Ấn Độ tại Giáo Hoàng Đại học Gregorian. Tại Calcutta, ngài đã xuất bản một tạp chí hàng tháng, The New Review. Năm 1939, ngài trở lại Rôma và dạy Thần học Truyền giáo và Thần học Tâm linh tại Gregorian. Đức Hồng Y Carlo Maria Martini mô tả ngài như “một người thầy ưu tú về tín lý và cuộc sống”.