V. M. Traverso trên Aleteia (https://aleteia.org/2018/10/19/the-9-oldest-images-of-mary) cho rằng Cựu ước và Tân ước cung cấp nhiều mô tả về lời nói và hành động của Chúa Giêsu nhưng không mô tả về ngoại hình của Người. Đó là lý do tại sao các họa sĩ và người làm ảnh tượng chủ yếu dựa vào quy luật nghệ thuật, hơn là tính hiện thực, khi họ phải khắc họa Đấng Mêxia trong các ảnh tượng hoặc bích họa. Nguyên tắc tương tự cũng xảy ra đối với Đức Maria, vì thánh thư cũng không cung cấp nhiều chi tiết về ngoại hình của ngài.
Nhưng bằng cách nhìn vào các mô tả sớm nhất về Đức Mẹ, chúng ta có thể suy ra rất nhiều về các đặc điểm chính mà các nghệ sĩ muốn nhấn mạnh — từ sự nuôi dưỡng và tình mẫu tử đến sự vâng lời Thiên Chúa — và về các phong cách nghệ thuật khác nhau được khai triển bởi các cộng đồng Kitô hữu trong chín thế kỷ đầu của Kitô giáo.
Ta hãy xem 9 hình ảnh ban đầu của Đức Mẹ:
1. Nhà thờ Dura-Europos, Syria, thế kỷ thứ 2
Được phát hiện vào thập niên 1920 bởi một nhóm các nhà khảo cổ học từ Yale, Nhà thờ Dura-Europos ở Syria ngày nay được coi là nhà thờ Kitô giáo sớm nhất mà chúng ta biết đến. Nhóm nghiên cứu đã có thể khôi phục các tác phẩm nghệ thuật cổ xưa có niên đại từ thế kỷ thứ 2 và thứ 3, bao gồm cả bức mô tả một người phụ nữ nghiêng mình trên giếng, trong một thời gian dài được coi là trình bầy người phụ nữ Samaritanô nói chuyện với Chúa Giêsu bên giếng Giacóp như được thuật lại trong Tin Mừng Gioan (4: 1-42). Nhưng một giả thuyết gần đây được đề xuất bởi Michael Peppard, một Phó Giáo sư Thần học tại Đại học Fordham, đã bác bỏ cách giải thích này, cho rằng bức tranh thực sự là một mô tả về Lễ Truyền tin, khi thiên thần Gabriel thông báo với Đức Maria rằng ngài sẽ thụ thai và sinh ra Chúa Giêsu. Peppard nhấn mạnh rằng trong các mô tả bằng văn bản việc Truyền tin được tìm thấy trong các tiểu sử của Đức Maria thế kỷ thứ 2, Gabriel đến với ngài khi ngài đang lấy nước bằng một cái bình, giống như hình ảnh Dura-Europos cho thấy và phù hợp với hình ảnh thời Byzantine về cảnh này. Nghiên cứu sâu hơn về hình ảnh cũng cho thấy những chi tiết không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chẳng hạn như hai đường thẳng chạm đến thân mình của người phụ nữ, gợi ý mô tả một việc nhập thể. Dựa trên những bằng chứng đó, bức tranh Dura-Europos có thể được coi là bức chân dung Thánh Mẫu đầu tiên.
2. Đức Bà Hang Toại Đạo, Rome, thế kỷ thứ 3
Hình ảnh này được vẽ trên các bức tường của Hang Toại Đạo Priscilla, nằm bên dưới Via Salaria của Rome, nơi từng là một mỏ đá, cho thấy Đức Maria khi ngài đang chăm dưỡng Chúa Giêsu Hài Đồng ngồi trên đùi ngài và nhìn vào người xem. Tác phẩm nghệ thuật này có niên đại từ thế kỷ thứ 3, khi Kitô giáo vẫn còn là một hoạt động bất hợp pháp ở Đế quốc Rôma. Các Kitô hữu thời sơ khai thường gặp nhau tại Hang Toại Đạo để chôn cất người chết và cầu nguyện tại mộ của các vị tử đạo, đó là lý do tại sao các tác phẩm nghệ thuật từ thời này cho chúng ta biết rất nhiều về các lý tưởng và giá trị của những cộng đồng Kitô giáo đầu tiên. Trong bức bích họa này, Đức Maria được miêu tả khi ngài chăm sóc Chúa Hài đồng, một biểu tượng của bản chất nuôi dưỡng của ngài.
3. Đức Bà với Ba Vua, Rome, Thế kỷ thứ Ba
Các sách Tin Mừng thiếu các mô tả về hình dạng Chúa Giêsu và Đức Maria, nhưng mô tả rất nhiều về hành động của hai Mẹ Con. Một trong những hành động được mô tả trong thời kỳ đầu của Kitô giáo là việc Ba Vua tới sau khi Chúa Giêsu sinh ra. Hình này, có từ thế kỷ thứ ba, vẽ Ba Vua thờ lạy Chúa Hài Đồng, đang được Đức Mẹ bồng trên tay. Nó được dùng để trang trí quan tài bằng đá, nay được trưng bày tại Bảo Tàng Viện Vatican ở Rome..
4. Đấng phù hộ Dân Rôma, Rome, thế kỷ thứ 5
Một trong những bức ảnh truyền thống của Byzantine xuất hiện vào thế kỷ thứ 5, khi Kitô giáo trở thành tôn giáo chính thức của Đế quốc Rôma, mô tả Đức Mẹ như Salus Populi Romani, tiếng Latinh có nghĩa là "Đấng Cứu chữa dân Rôma." Bứa ảnh này, được vẽ trên một tấm gỗ tuyết tùng, mô tả Đức Mẹ Maria với chiếc áo choàng màu xanh đậm được trang trí bằng vàng trên chiếc áo dài màu tím, trang phục điển hình của các nhân vật quyền lực ở Rome thế kỷ thứ 5. Ngài đang ôm Chúa Hài Đồng, người được trình bầy với một cuốn sách trên tay trái, có lẽ là Tin Mừng. Không giống như những bức ảnh tương tự ở thế kỷ thứ 3, chúng ta thấy Đức Maria, chứ không phải Chúa Giêsu, đang nhìn thẳng vào người xem. Các nhà sử học nghệ thuật từ lâu đã tranh cãi về niên đại chính xác của bức ảnh này, và họ nhất trí cho rằng nó là một bức ảnh Hậu Cổ Đại được tạo ra vào thế kỷ thứ 5 đã được vẽ lên trên trong thế kỷ 13. Nó hiện được lưu giữ trong Nhà nguyện Pauline của Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rome.
5. Đức Bà và Chúa Hài Đồng trên ngai giữa các thiên thần và các thánh, núi Sinai, thế kỷ thứ 6
Tu viện Thánh Catherine được xây dựng vào hậu bán thế kỷ thứ 6 gần Núi Sinai và hiện là tu viện lâu đời nhất có người ở trên thế giới. Trong bộ sưu tập các bản thảo và tác phẩm nghệ thuật cổ thời gây ấn tượng của nó có bức ảnh Đức Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng bao quanh bởi Thánh Theodore thành Amasea, Thánh George và hai thiên thần. Trong bức ảnh này, Đức Maria đang ngồi trên ngai, một biểu tượng của quyền lực, và hai thiên thần nhìn vào một cái đầu thần linh dường như nhô ra từ các tầng trời ngay trên đỉnh đầu của ngài. Bức ảnh này được tạo ra thông qua kỹ thuật vẽ sáp màu [encaustic] - sử dụng màu thực vật được đốt bằng sáp nóng và trải trên bề mặt gỗ - điển hình của việc tạo ảnh tượng ở thế kỷ thứ 6.
6.Giáng sinh, Đan viện Thánh Catherine, Núi Sinai, Thế kỷ thứ 6
Cũng tại Đan viện Thánh Catherine còn có ảnh Giáng sinh vẽ theo lối vẽ sáp mầu tả Đức Mẹ đang chăm sóc Chúa Hài Đồng. Chúa Giêsu nằm ở giữa bức ảnh có con bò và con lừa ở bên cạnh. Từ bên phải có Ba Vua trong khi các thiên thần chầu hoặc bay lượn phía trên. Bên dưới cảnh chính là các họa tiết mô tả thiên thần báo mộng cho Thánh Giuse (bên trái) và các cô đỡ đang tắm cho Chúa Hài Đồng.
7. Agiosoritissa (Mẹ Thiên Chúa), Constantinople, thế kỷ thứ 7
Bức ảnh “Panaghia Agiosoritissa,” còn được gọi là “Đức Bà Bào Chữa”, là một trong số ít các bức ảnh không trình bầy Đức Maria như mẹ. Ở đây, Đức Mẹ Đồng trinh được trình bày như một “trung gian” giữa con người và Thiên Chúa, có khả năng cầu bầu. Bức ảnh này, hiện được lưu giữ tại Nhà thờ Santa Maria del Rosario, Monte Mario, Rome, được vẽ tại Constantinople trong thế kỷ thứ 7.
8. Bìa bản sao các sách Tin Mừng, Đức, thế kỷ 8/9
Trước khi phát minh ra máy in (1439), Sách Thánh đã được sao chép bằng tay sử dụng giấy cói, sáp, giấy da và được bọc bằng bìa gỗ hoặc kim loại. Bìa ngà voi này của một bản sao của Codex Aureus of Lorsch, một Sách Tin Mừng được tô mầu rực rỡ và được tạo ra ở Tu viện Lorsch, Đức, trong khoảng thời gian từ năm 778 đến năm 820, cho thấy một Đức Trinh nữ Maria ngự trên ngai đang nhìn thẳng vào người xem trong khi ôm Chúa Hài đồng trên đùi. Hiện nó được bảo quản tại Thư viện Vatican ở Rome.
9. Bức ảnh Đức Bà và Hài Nhi, thế kỷ thứ 9
Bức ảnh này, mô tả Đức Mẹ và Chúa Hài đồng khi cả hai cùng nhìn vào người xem, được tạo ra vào thế kỷ thứ 9 ở Tsilkani, Georgia. Trong nhiều thế kỷ, nó là một hình ảnh tôn kính đối với các tín hữu ở quốc gia Đông Âu này, thu hút nhiều khách hành hương đến vị trí ban đầu của nó. Ngày nay nó là một phần của bộ sưu tập vĩnh viễn của Bảo tàng Nghệ thuật Georgia ở thủ đô Tbilisi.