1. Giám Mục Trung Quốc đe dọa treo chén tất cả các linh mục không gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết tại Giáo phận Hà Bắc, vị giám mục chính thức đã công bố một lá thư mục vụ tuyên bố rằng trong vài tháng qua, ngài đã đồng tế với 30 linh mục cho đến nay thuộc Giáo hội thầm lặng. Sử dụng các hướng dẫn mục vụ do Vatican ban hành vào năm 2019, ngài đang cố gắng kêu gọi người Công Giáo gia nhập Hiệp hội Yêu nước. Một nguồn tin địa phương cảnh báo rằng hàng giáo sĩ đã phải chịu áp lực chưa từng có. Giáo hội địa phương đã chống lại việc gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước cho đến nay, nhưng bây giờ đang có sự lầm lạc lan rộng.
Vào ngày 15 tháng 7, Giám Mục Phanxicô An Thục Tâm (An Shuxin, 安淑心) giám mục chính thức của Bảo Định (Baodinh, 保定), đã công bố một lá thư mục vụ về việc ghi danh gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước của các giáo sĩ tại Giáo phận Bảo Định.
Cán bộ Giám Mục viết rằng tuân theo Thỏa thuận Trung Quốc -Vatican năm 2018, hướng dẫn mục vụ do Tòa thánh ban hành liên quan đến việc ghi danh hộ tịch của các giáo sĩ ở Trung Quốc vào tháng 6 năm 2019, cũng như các tuyên bố khác của Đức Giáo Hoàng khuyến khích giáo sĩ ghi danh chính thức để tạo thuận lợi cho sự hợp nhất của Giáo phận.
Cán bộ Giám Mục viết rằng bất cứ ai không chấp nhận tình trạng này sẽ bị rút lại các năng quyền cử hành thánh lễ và ban các phép bí tích, và bị từ chối mọi đặc quyền được Tòa thánh ban cho vào tháng 6 năm 1978.
Một nhà quan sát ở Trung Quốc viết: “Ngoài việc hạn chế hoàn toàn quyền tự do cá nhân của các giáo sĩ thầm lặng và cho phép chính quyền Trung Quốc lạm dụng thông qua các áp lực thể chất và tinh thần, các hướng dẫn mục vụ của Tòa thánh đã được sử dụng như một mối đe dọa nhằm cưỡng bức việc gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước”.
Khó khăn lớn nhất là Tòa Thánh chưa bao giờ công bố nội dung của Thỏa thuận Trung Quốc -Vatican. Điều này đặt trong tay bọn cầm quyền Trung Quốc cơ hội giải thích ý chí của họ như là ý muốn của Tòa Thánh.
“Vì lý do này, một số người nói rằng các hướng dẫn mục vụ thực sự là một vũ khí lợi hại trong tay chính phủ. Nhiều linh mục chưa từng xem các hướng dẫn trước đây và khi chính quyền đọc cho họ nghe, họ đã ký tên và chấp nhận các điều kiện. Họ cho rằng đây thực sự là ý muốn của Tòa thánh. Nhưng điều này không làm giảm bớt sự hoang mang hoặc nghi ngờ của họ.”
“Sau khi ký tên, một số linh mục bị suy nhược thần kinh, trong khi những người khác hối hận về những gì họ đã làm và phản ứng với nỗi buồn lớn. Trong một số trường hợp, các linh mục đã gia nhập Giáo hội chính thức bị giáo dân từ chối và phải về nhà và tự cô lập. Hệ quả là Giáo phận Bảo Định hiện đang ở trong tình trạng hỗn loạn chưa từng có”.
Source:Asia News
2. Pelosi đến Đài Loan, Trung Quốc phẫn nộ
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã đến Đài Loan vào cuối ngày thứ Ba trong một chuyến đi mà bà nói cho thấy cam kết vững chắc của Mỹ đối với hòn đảo tự trị do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Trung Quốc lên án chuyến thăm cấp cao nhất trong 25 năm qua của Hoa Kỳ là một mối đe dọa đối với hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan.
Pelosi và phái đoàn của bà đã đáp máy bay vận tải của Không quân Mỹ đến sân bay Tùng Sơn ở trung tâm thành phố Đài Bắc sau khi hạ cánh vào ban đêm trên chuyến bay từ Malaysia để bắt đầu chuyến thăm có nguy cơ đẩy quan hệ Mỹ-Trung xuống mức thấp mới. Họ đã được chào đón bởi ngoại trưởng Đài Loan, Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu, 吳釗燮) và Sandra Oudkirk, đại diện hàng đầu của Hoa Kỳ tại Đài Loan.
Sự xuất hiện của bà đã gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc vào thời điểm căng thẳng quốc tế gia tăng do cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và chưa bao giờ từ bỏ ý địng sử dụng vũ lực để thôn tính Đài Loan. Hoa Kỳ đã cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng chuyến thăm này như một cái cớ để thực hiện các hành động quân sự chống lại Đài Loan.
“Chuyến thăm của phái đoàn quốc hội của chúng tôi tới Đài Loan tôn vinh cam kết kiên định của Mỹ trong việc hỗ trợ nền dân chủ sôi nổi của Đài Loan,” Pelosi nói trong một tuyên bố ngay sau khi hạ cánh. “ Sự đoàn kết của Hoa Kỳ với 23 triệu dân Đài Loan ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết, khi thế giới phải đối mặt với sự lựa chọn giữa chế độ chuyên quyền và dân chủ”.
Pelosi, người đứng thứ hai trong danh sách kế vị tổng thống Mỹ, là một nhà phê bình lâu năm đối với Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã gặp Pelosi vào sáng thứ Tư và sau đó ăn trưa cùng nhau, văn phòng tổng thống cho biết. Pelosi, đi cùng sáu nhà lập pháp Mỹ khác, đã trở thành nhà lãnh đạo chính trị cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ năm 1997.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đã phản đối mạnh mẽ với Hoa Kỳ, nói rằng chuyến thăm của Pelosi gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, “có tác động nghiêm trọng đến nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ, và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.”
Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã rầm rộ bay ở khu vực đường phân chia eo biển Đài Loan trước khi bà Nancy Pelosi đến. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết quân đội Trung Quốc đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẽ tiến hành “các hoạt động quân sự có mục tiêu” để đáp lại chuyến thăm của Pelosi.
Quân đội Trung Quốc đã công bố các cuộc tập trận chung trên không và trên biển gần Đài Loan bắt đầu từ đêm thứ Ba và phóng thử hỏa tiễn thông thường ở vùng biển phía đông Đài Loan, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã mô tả các cuộc tập trận bắn đạn thật và các cuộc tập trận khác xung quanh Đài Loan diễn ra từ thứ Năm đến Chúa Nhật.
Pelosi đang có chuyến thăm các quốc gia Á Châu bao gồm các chuyến thăm đã được công bố đến Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chuyến thăm Đài Loan của bà không được báo trước nhưng được nhiều người mong đợi.
Trong một bài báo đăng trên tờ Washington Post sau khi hạ cánh, Pelosi giải thích chuyến thăm của mình, ca ngợi cam kết của Đài Loan đối với chính phủ dân chủ trong khi chỉ trích Trung Quốc đã làm gia tăng đáng kể căng thẳng với Đài Loan trong những năm gần đây.
“Chúng tôi không thể đứng nhìn khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành đe dọa Đài Loan - và chính nền dân chủ,” Pelosi nói.
Pelosi cũng trích dẫn “cuộc đàn áp tàn bạo” của Trung Quốc đối với những nhóm bất đồng chính kiến ở Hương Cảng và cách đối xử của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo và các dân tộc thiểu số khác, mà Hoa Kỳ đã coi là hành vi diệt chủng.
Khi đoàn xe của Pelosi đến gần khách sạn của bà, được hộ tống bởi những chiếc xe cảnh sát với đèn xanh và đỏ nhấp nháy, rất nhiều người ủng hộ đã hò reo và chạy về phía những chiếc xe màu đen với cánh tay dang rộng và máy quay điện thoại. Đoàn xe chạy thẳng vào bãi đậu xe của khách sạn.
Vào đêm thứ Ba, tòa nhà cao nhất Đài Loan, Đài Bắc 101, bừng sáng với những thông điệp bao gồm: “Chào mừng đến với Đài Loan”, “Chủ tịch Hạ Viện Pelosi” và “Đài Loan trong trái tim Hoa Kỳ”.
3. Phản ứng của Tòa Bạch Ốc trước những hăm dọa của Trung Quốc
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết sau khi bà Pelosi đến Đài Loan rằng Hoa Kỳ “sẽ không bị đe dọa” bởi những lời hăm he hoặc những lời lẽ ngụy biện của Trung Quốc và không có lý do gì chuyến thăm của bà Pelosi lại gây ra một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan, bảo vệ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở và tìm cách duy trì liên lạc với Bắc Kinh”, Kirby nói trong một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ “sẽ không tham gia vào các cuộc tấn công phá hoại.”
Kirby cho biết Trung Quốc có thể tham gia vào “hành động ép buộc kinh tế” đối với Đài Loan, đồng thời nói thêm rằng tác động đối với quan hệ Mỹ-Trung sẽ phụ thuộc vào hành động của Bắc Kinh trong những ngày và tuần tới.
Pelosi, 82 tuổi, là đồng minh thân cận của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cả hai đều là thành viên của Đảng Dân chủ và đã giúp định hướng chương trình lập pháp của ông thông qua Quốc hội.
Bốn nguồn tin cho biết Pelosi cũng được lên lịch vào thứ Tư để gặp các nhà hoạt động thẳng thắn về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.
Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng bị luật pháp Hoa Kỳ ràng buộc phải cung cấp cho nước này các phương tiện để tự vệ. Trung Quốc coi các chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới Đài Loan là một tín hiệu khích lệ cho phe ủng hộ độc lập trên hòn đảo này. Đài Loan bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nói rằng chỉ có người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của hòn đảo.
Một số máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay gần đường phân cách giữa eo biển Đài Loan vào sáng thứ Ba trước khi rời đi vào cuối ngày, một nguồn tin nói với Reuters. Nguồn tin cho biết, một số tàu chiến của Trung Quốc cũng đã đi gần đường phân chia không chính thức kể từ hôm thứ Hai và vẫn ở đó.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 21 máy bay Trung Quốc đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của nước này hôm thứ Ba, và rằng Trung Quốc đang cố gắng đe dọa các cảng và thành phố quan trọng bằng các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo. Lực lượng vũ trang của Đài Loan đã “củng cố” mức độ cảnh giác của họ, nó nói thêm.
Taylor Fravel, một chuyên gia của Viện Công nghệ Massachusetts về quân sự của Trung Quốc, cho biết các cuộc tập trận theo kế hoạch của Trung Quốc có vẻ như có quy mô lớn hơn so với cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1995 và 1996.
“Đài Loan sẽ phải đối mặt với các cuộc tập trận quân sự và thử hỏa tiễn từ phía bắc, nam, đông và tây của mình. Đây là điều chưa từng có, “Fravel nói.
Bốn tàu chiến của Mỹ, bao gồm cả hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, đã được bố trí ở vùng biển phía đông Đài Loan theo cách mà Hải quân Mỹ gọi là các cuộc triển khai thường lệ.
Nga, đối đầu với phương Tây về cuộc xâm lược Ukraine, đã lên án chuyến thăm của Pelosi. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova gọi Hoa Kỳ là “kẻ khiêu khích cấp nhà nước”.