1. Hơn 100 vị lãnh đạo tôn giáo thiểu số Bangladesh kêu gọi chống bạo lực tôn giáo
Hơn 100 vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo thiểu số tại Bangladesh lên án các hành vi bạo lực chống các nơi thờ phượng và các thành viên của các cộng đoàn này, đồng thời kêu gọi chính quyền thực thi công lý và bảo vệ an ninh cho các tín hữu.
Trong số 166 triệu dân tại Bangladesh, gần 89% là tín hữu Hồi giáo, tiếp đến có 9,3% theo Ấn giáo, 1% theo Phật giáo và Kitô hữu chỉ có 1%, trong số này có khoảng 400.000 người Công Giáo.
Theo tổ chức “Ain o Salish Kendra”, gọi tắt là ASK, chuyên trợ giúp pháp luật và bảo vệ nhân quyền, từ tháng Giêng năm 2013 đến tháng Chín năm 2021, có 3.679 vụ bạo lực chống các nhóm tôn giáo, chủng tộc và văn hóa thiểu số tại Bangladesh.
Theo hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo, truyền đi hôm 27 tháng Bảy vừa qua, Hội đồng Liên tôn Ấn giáo, Phật giáo và Kitô tại nước này, đã nhóm họp trong những ngày qua và ra thông cáo kêu gọi chính quyền bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số. Hội đồng nhắc lại rằng ngày 15 tháng Bảy mới đây, một nhóm Hồi giáo cực đoan, sau vụ gọi là xúc phạm đến Hồi giáo tìm thấy trên mạng Facebook, đã tấn công và đốt nhà, cửa tiệm, đền thờ Ấn giáo Narai, trong khi những người Hồi giáo cực đoan khác đã dùng chiêu bài tuyên truyền giả dối để tấn công các nhóm tôn giáo thiểu số. Một vụ khác xảy ra ngày 05 tháng Bảy mới đây, mục sư tin lành Timothy Baroi, nói về Chúa Giêsu Kitô với một thương gia Hồi giáo tên là Muhammad Morshard ở Gopalganj, trong khi đó có hai Imam Hồi giáo đi qua đó. Họ tụ tập một nhóm người và bắt đầu lăng mạ, đe dọa, đánh đập mục sư Basoi, cấm ông không được nói về Chúa Giêsu với một người Hồi giáo. Một loạt những vụ bạo hành cũng đã xảy ra tại một số nơi.
Ông Nirmol Rozario, người Công Giáo, Chủ tịch Hội đồng “Ấn giáo, Phật giáo và Kitô” nói với hãng tin Fides rằng mới đây đã xảy ra hàng chục vụ bạo hành chống các nhóm tôn giáo thiểu số và chúng tôi lên án những vụ này. Các nhân viên an ninh không canh chừng đủ, trong khi nhiệm vụ của họ là bảo vệ công lý và an ninh cho các nhóm thiểu số”.
Ông Rozario cũng nhắc lại rằng chính phủ đã cam kết ban hành những luật lệ để chống lại nạn kỳ thị và thành lập một Ủy ban chính phủ để theo dõi sự tôn trọng các quyền của các nhóm dân thiểu số.
2. Đức Hồng Y Sako kêu gọi Hồi giáo xin lỗi Công Giáo
Đức Hồng Y Raphael Louis Sako, Giáo chủ Công Giáo Canđê, ở Iraq, nhận định rằng theo gương Đức Giáo Hoàng, cả các vị lãnh đạo Hồi giáo cũng cần xin lỗi các tín hữu Kitô vì những đau khổ gây ra cho các tín hữu này.
Tuyên bố với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi ngày 27 tháng Bảy vừa qua, Đức Hồng Y Sako nhắc lại rằng tại Canada Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhân danh Giáo Hội Công Giáo xin lỗi các thổ dân vì những lạm dụng mà một số phần tử Công Giáo gây ra cho các thổ dân trong các trường nội trú do chính phủ thành lập, “tôi hy vọng rằng tấm gương này cũng có thể hữu ích cho các vị lãnh đạo Hồi giáo để hiểu và xin lỗi vì tất cả những đau khổ gây ra cho các tín hữu Kitô. Chúng ta hãy nghĩ đến lực lượng Nhà nước Hồi giáo ISIS đã giết hại bao nhiêu Kitô hữu và ép buộc họ phải theo Hồi giáo. Xin lỗi là một cử chỉ hữu ích để gây ý thức nơi các tín hữu của họ theo chiều hướng này”.
Đức Hồng Y Sako nói thêm rằng “Điều tối quan trọng là nuôi dưỡng con cháu chúng ta trong nền văn hóa xin lỗi, đào luyện tính tình và giáo dục họ sửa chữa những sai lầm khi xảy ra”. Đức Hồng Y nhắc đến văn kiện tựa đề “Những suy tư về nền văn hóa xin lỗi, do Tòa Thượng phụ Công Giáo Canđê mới công bố, và nói rằng “rất tiếc là trong các tổ chức chính trị người ta không thấy nền văn hóa xin lỗi. Trong xã hội Trung Đông chúng ta, dựa trên quyền bính thể hiện nơi giới lãnh đạo và vị giáo trưởng Hồi giáo, nền văn hóa xin lỗi hoàn toàn vắng bóng. Người ta coi sự xin lỗi là điều trái ngược với phẩm giá, vận mệnh và sự hãnh diện của mình. Trái lại, nhận lỗi và xin tha thứ không phải là một sự yếu đuối, nhưng là một sức mạnh can đảm, một nhân đức, gia tăng sự tôn trọng đối với con người. Xin lỗi loại bỏ căng thẳng, biểu lộ sự tự giác và can đảm và mở đường cho tình thân hữu và tín nhiệm. Xin lỗi là nghệ thuật sống chung hòa bình, hạnh phúc và quân bình. Xin lỗi biểu lộ ước muốn sửa chữa những sai lầm của chúng ta”.
3. Tại sao Công Giáo vẫn tồn tại mạnh mẽ ở Canada
Dù Công Giáo suy yếu ở nhiều nước phương Tây, tại Canada, Giáo Hội Công Giáo vẫn giữ vững vị trí là tôn giáo lớn nhất. Trọng tâm trong chuyến hành trình của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada trong tuần này là thông điệp lịch sử của ngài về lời xin lỗi vào thứ Hai tới người dân bản địa của đất nước vì vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong các các trường nội trú dành cho người bản địa. Hệ thống trường học này đã cố gắng xóa bỏ nền văn hóa của họ.
Đức Phanxicô tiếp tục chuyến đi khắp đất nước - từ Alberta, nơi ngài gửi lời xin lỗi, đến Quebec và Nunavut ở Bắc Cực - những điểm dừng chân của ngài cũng kể câu chuyện về vị trí ổn định bất thường của nhà thờ ở Canada.
Một số lượng lớn người nhập cư từ Việt Nam, Nam Sudan, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc và các nơi khác đã nổi bật trong đám đông tại Sân vận động Commonwealth ở Edmonton, Alberta, vào hôm thứ Ba, giống như họ đang ở trong các nhà thờ Công Giáo của đất nước mình. Khi đám đông tràn ra Sân vận động Commonwealth ở Edmonton vào thứ Ba, một biển khuôn mặt đa dạng xuất hiện. Đây là một sản phẩm của chính sách nhập cư hào phóng của Canada, nơi đón nhận những người nhập cư và chính thức thúc đẩy chủ nghĩa đa văn hóa.
Trong khi Giáo Hội Công Giáo đang suy giảm ở nhiều nước phương Tây, Giáo Hội Công Giáo vẫn là định chế tôn giáo lớn nhất ở Canada, chiếm khoảng 38% đến 44% dân số. Đặc biệt tại Quebec, một tỉnh nói tiếng Pháp, ít nhất 41 phần trăm người Canada ở đây cho biết họ là người Công Giáo.
Lý do cho sự ổn định của nhà thờ, hầu hết các nhà phân tích đồng ý, là các chính sách nhập cư tương đối cởi mở của Canada, có nghĩa là người nhập cư chiếm tỷ lệ dân số Canada lớn hơn nhiều so với Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.
Một nghiên cứu của cơ quan điều tra dân số của Canada được công bố vào cuối năm ngoái cho thấy rằng Công Giáo đại diện cho đức tin lớn nhất trong số những người mới đến đất nước này. Quan trọng hơn, cuộc khảo sát cũng xác định rằng hầu hết những người nhập cư đó là những người tham gia tích cực vào đời sống Giáo Hội.
Source:Sismografo