1. Ngày than khóc đền thờ Hagia Sofia

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là buổi lễ Hồi Giáo đầu tiên được cử hành tại Hagia Sofia vào hôm 24 tháng 7, 2020 sau khi đền thờ này, vốn là đền thờ Công Giáo Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo.

Trong khi buổi lễ này diễn ra, Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp cùng tham gia vào ngày than khóc Hagia Sofia. Từ đó trở đi, ngày 24 tháng 7 hàng năm được gọi là ngày than khóc Hagia Sofia và được cử hành ở nhiều quốc gia Kitô Giáo.

Cha Rytel-Andrianik, phát ngôn viên Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho biết các Giám Mục nước này cũng hiệp cùng với Giáo Hội Chính Thống tham gia trong các hình thức tưởng nhớ ngôi đền thờ đã từng là đền thờ Kitô Giáo lớn nhất thế giới trong 9 thế kỷ bằng các hình thức cầu nguyện cho hòa bình thế giới, công lý và sự chung sống hòa bình với người Hồi Giáo.

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ cùng với các Giáo hội Chính thống tại Mỹ, cũng tham gia “Ngày thương khóc Hagia Sophia”.

Trong sứ điệp ngắn, được công bố hôm 21 tháng 7, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cho biết sẽ hiệp với Tổng giáo phận Chính thống Hy Lạp tại Mỹ, vào ngày 24 tháng 7 để cầu nguyện cho việc tái lập Hagia Sophia thành nơi cầu nguyện và suy tư cho tất cả mọi người.

Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, và Đức Cha Joseph C. Bambera Giám Mục giáo phận Scranton, Chủ tịch Ủy ban Các Vấn Đề Liên Tôn Và Đại Kết của USCCB, đã tham gia cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và các nhà lãnh đạo khác trong việc bày tỏ sự bất mãn trước quyết định của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Các ngài nhận định rằng: Trong lịch sử 1, 500 năm của mình, Hagia Sophia, nghĩa là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ở Istanbul đã là một đền thờ Công Giáo trước khi bị biến thành một đền thờ Hồi Giáo. Trong 84 năm qua, nhận thức được sự bất công này, Kamal Ataturk, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, người được gọi là cha già dân tộc, đã có can đảm biến tòa nhà thành một bảo tàng viện, như một biểu tượng của thiện chí và sự cùng tồn tại hòa bình giữa các cộng đồng Kitô giáo và Hồi giáo. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quyết định lật ngược chính sách này và biến tòa nhà trở thành một đền thờ Hồi Giáo lần thứ hai.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez có đoạn:

Hiệp cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và các anh chị em Chính thống giáo của chúng ta, chúng tôi bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sắc lệnh của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ biến Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi Giáo.

Kể từ khi được xây dựng như một nhà thờ Công Giáo vào năm 537, Hagia Sophia đã trở thành một trong những kho báu nghệ thuật và tâm linh vĩ đại trên thế giới. Trong nhiều năm qua, địa điểm đẹp và được ưu ái này đã là một bảo tàng nơi mọi người thuộc mọi tín ngưỡng có thể đến để trải nghiệm sự hiện diện tuyệt vời của Thiên Chúa. Nó cũng được coi là một dấu chỉ thiện chí và sự chung sống hòa bình giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo và là một biểu hiện cho khao khát của loài người muốn được hiệp nhất và yêu thương.

Thay mặt các giám mục anh em của chúng tôi tại Hoa Kỳ, chúng tôi kêu gọi Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đảo ngược quyết định không cần thiết và đau đớn này và khôi phục Hagia Sophia như một nơi cầu nguyện và suy tư cho tất cả mọi người.

Khi xảy ra biến cố đau lòng này, tổng thống Hy Lạp, bà Katerina Sakellaropoulou đã điện thoại cho Đức Thánh Cha để xin ngài tạo sức ép trên Thổ Nhĩ Kỳ về vụ đền thờ Hagia Sophia. Bà nói: “Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là điều “làm thương tổn trầm trọng cho những người coi biểu tượng cao cả này của Kitô giáo thuộc về nhân loại và gia sản văn hóa của thế giới”.

Bà tổng thống Hy Lạp nói rằng: “Việc làm của Thổ Nhĩ Kỳ phải bị cộng đồng quốc tế lên án một cách minh bạch và rõ ràng” và bà xin Ðức Giáo hoàng Phanxicô giúp liên kết sự hỗ trợ của quốc tế để giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ rút lại quyết định và tái lập quy chế của đền thờ Hagia Sophia như một đền đài được bảo vệ”.

Theo thông cáo của Phủ tổng thống Hy Lạp, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận có những động lực chính trị trong quyết định của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, quyết định mà bà tổng thống Sakellaropoulou gọi là “điều đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi những giá trị của một nhà nước đời và các nguyên tắc bao dung và đa nguyên.”

Trong cuộc nói chuyện, Đức Thánh Cha cũng cám ơn những cố gắng của Hy Lạp trong việc đón nhận những người di dân và tị nạn, và ngài hy vọng có những điều kiện, để ngài có thể nhận lời mời của Hy Lạp đến viếng thăm nước này vào năm 2021.

2. Quân khủng bố tại Syria pháo kích nhà thờ trong lễ khánh thành đền thờ Hagia Sofia của Syria

Quân khủng bố Hayat Tahrir al-Sham ở tỉnh Hama, miền trung Syria, đã pháo kích vào nhà thờ thánh Sofia của Chính thống giáo, trong lễ khánh thành nhà thờ, hôm Chúa nhật 24 tháng Bảy vừa qua, làm cho hai người chết và mười hai người khác bị thương.

Thánh đường mang tên Sofia, để thay thế cho Đền thờ Sofia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ bị chính phủ nước này biến thành Đền thờ Hồi giáo.

Hãng tin Asia News, truyền đi ngày 25 tháng Bảy vừa qua, cho biết thánh đường ở thành phố Suqaylabiyah bị pháo kích bằng một máy bay không người lái, trong khi diễn ra lễ khánh thành với sự hiện diện của chính quyền và các tín hữu. Thủ phạm vụ này là nhóm Tahrit al-Sham, từ mười một năm nay vẫn chống chính phủ của Tổng thống Al Assad. Đây là lực lượng thân với nhóm khủng bố Al-Qaeda, nhưng được sự ủng hộ mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng này vẫn còn kiểm soát nhiều khu vực ở tỉnh Aleppo, Hama và Latalia. Trong những ngày qua, các máy bay chiến đấu của Nga, vốn ủng hộ Tổng thống Al Assad, đã tấn công nhóm này làm cho bảy người trong những vùng phiến quân kiểm soát.

Hồi tháng Ba năm 2020, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chiến với nhau tại vùng Idlib, và những khu vực phụ cận, nhưng hiệp định đình chiến này bị hai bên vi phạm. Trong tuần trước đây, một trong những đề tài được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh giữa các vị tổng thống Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nhóm tại Astana bên Kazakhstan về vấn đề hạ cường độ các cuộc xung đột tại Syria.

Trong tuần qua, Vladimir Putin đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh lớn đầu tiên của mình bên ngoài nước Nga kể từ khi xâm lược Ukraine với sự tán thành từ phía Iran về phản ứng của nước này với NATO, cuộc đụng độ với Thổ Nhĩ Kỳ về Syria, và những dấu hiệu tiến triển trong việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa ngũ cốc của Nga đối với Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, có khả năng khai thác những phiền nhiễu của Putin ở Ukraine, đã chuẩn bị một cuộc tấn công quân sự mới vào miền bắc Syria trong nỗ lực xây dựng một vùng đệm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria 30 km về phía nam.

Ông tuyên bố vùng đệm sẽ che chắn cho Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các cuộc tấn công của người Kurd ở Syria do lực lượng dân quân YPG do Mỹ hậu thuẫn, cũng như cung cấp không gian cho khoảng 1 triệu người tị nạn Syria từ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Sự trở lại của những người tị nạn sẽ giúp Erdoğan hiện đang mất sự ủng hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội tái đắc cử vào năm tới.

Các quan sát viên lo rằng người Kurd và cả người Syria đang bị bán đứng vì những lợi ích chồng chéo của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

3. Nhận định của Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh tại Canada

Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovic, Sứ thần Tòa Thánh tại Canada, nhận định rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến nước này mang lại sự an ủi cho các thổ dân và dân chúng.

Đức Tổng Giám Mục Jurkovic 70 tuổi, người Slovenia, nguyên là Đại diện Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, và từ tháng Sáu năm ngoái là Sứ thần Tòa Thánh tại Canada.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Tổng Giám Mục nói rằng Đức Thánh Cha biết có nhiều bất công các thổ dân bản xứ ở Canada đã phải chịu. Ngài cũng biết rằng mặc dù con đường hòa giải còn dài, nhưng Giáo hội muốn góp phần giải quyết.

Đức Tổng Giám Mục Jurkovic cho biết từ khi nhận nhiệm vụ ở Canada này, rất nhiều điều đã được nói về những mong đợi nơi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha. Qua nhiều cuộc gặp gỡ với đại diện thổ dân, ngài nhiều lần nghe nói rằng sự hiện diện và chứng tá của Đức Giáo Hoàng có thể là một khởi đầu mới trong tương quan giữa Giáo hội và các thổ dân tại Canada này. “Trong thực tế, Đức Giáo Hoàng là người duy nhất có thể giúp đỡ trong vấn đề này. Đây thực là một hành trình đặc biệt với một trách nhiệm lớn. Dĩ nhiên, sẽ có buổi cử hành đầy vui mừng trong mỗi buổi cầu nguyện do Đức Thánh Cha cử hành. Đàng khác, có một trách nhiệm lớn đối với dư luận quần chúng, dựa trên những phỏng đoán sai lầm... Dĩ nhiên có một bầu không khí khó khăn trong tương quan của các thổ dân đối với Giáo hội, kể cả kết quả do thái độ quá giản lược hóa của một số cơ quan truyền thông, nhưng đàng khác, đây là một trách nhiệm thực sự, đã được tích lũy qua dòng lịch sử. Có một niềm vui lớn vì sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Mặc dù những giới hạn về sức khỏe, nhưng ngài vẫn quyết định thực chuyến viếng thăm khó khăn này. Người ta cũng mong rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể mang lại an ủi cho những thổ dân đã chịu đau khổ... Giáo hội sẽ tiếp tục làm việc để thăng tiến các thổ dân và sẽ không tránh né trách nhiệm của mình, vốn là thành phần của một trách nhiệm chung của xã hội”.

Ngoài ra, Đức Sứ thần Tòa Thánh cho biết trong cuộc viếng thăm tại Canada, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ luôn tiếp xúc với thảm trạng chiến tranh ở Ukraine, vì Canada có sự hiện diện đông đảo của những người Ukraine di cư sang nước này trong một thế kỷ vừa qua. “Đức Thánh Cha đến như một người cổ võ hoà bình hoàn vũ, chứ không phải chỉ nhắm tới sự hòa giải quốc gia mà thôi. Ngài rất quan tâm đến hòa bình thế giới, hòa bình đang bị đe dọa thê thảm hiện nay”.

BRK4L