1. Lễ tuyên chân phước cho mười nữ tu Ba Lan

Thứ Bảy, ngày 11 tháng Sáu, mười nữ tu Ba Lan, thuộc dòng thánh Elizabeth, bị Hồng quân Liên Xô sát hại hồi cuối Thế chiến thứ II, sẽ được tuyên chân phước.

Trong thư mục vụ công bố hôm 29 tháng Năm vừa qua, Đức Cha Jozef Kupny, Tổng giám mục giáo phận Wroclaw, Ba Lan, nơi sẽ diễn ra lễ tuyên chân phước, nhắc lại rằng sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo được Đức Thánh Cha phê chuẩn hồi tháng Sáu năm ngoái. Việc tuyên chân phước cho các chị thực là một dấu chỉ ngôn sứ cho Ba Lan, Ukraine và cả thế giới. “Nơi khuôn mặt của các chị, chúng ta thấy những khuôn mặt của các phụ nữ và trẻ em nay là nạn nhân của những cuộc tấn công của binh sĩ Nga. Nhiều người nghĩ rằng những biến cố như các chị đã chịu sẽ không xảy ra nữa. Không ai tiên đoán rằng những anh chị em chúng ta ở Ukraine phải trải qua cùng số phận như vậy. Ngày nay, chúng ta phải đau lòng nhìn nhận chúng ta đã nghĩ sai. Sự ác vẫn còn và gây ra những hậu quả thê thảm. Thế giới dường như đã không học được bài học từ lịch sử”.

Đức Tổng Giám Mục cũng cho biết trong lễ tuyên chân phước, sẽ cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình tại Ukraine.

Dòng thánh Elizabeth được thành lập ở miền Silesia bên Ba Lan, để săn sóc các nạn nhân dịch tả và thương hàn. Trong vụ Hồng quân Liên Xô chiến thắng Đức Quốc xã và tràn vào Ba Lan hồi năm 1944-1945, các chị trở thành nạn nhân của sự tàn bạo do quân đội Liên Xô gây ra cho Ba Lan. Bấy giờ, nước này đã bị một phần năm dân số, trong sáu năm do Đức Quốc xã chiếm đóng.

Nữ tu cao niên nhất trong số mười nữ tu là chị Sapientia Heumann, 70 tuổi, trong thời chiến tranh đã săn sóc các nữ tu già ở Nysa, Ba Lan. Chị bị người lính Nga say rượu bắn chết trong lúc chị tìm cách bảo vệ các chị em nữ tu chống lại toan tính hãm hiếp của quân Nga.

Chị trẻ nhất trong số các nữ tu nạn nhân là chị Paschalis Jahn, gia nhập dòng thánh Elizabeth năm 1937. Chị được 29 tuổi, khi bị một người lính Nga bắt ngày 11 tháng Năm năm 1945, bốn ngày sau khi chiến tranh chính thức chấm dứt. Chị bị người lính này bắn vào tim khi chống lại mưu toan hãm hiếp của hắn.

Trong thư mục vụ, Đức Tổng Giám Mục Kupny nói rằng tiểu sử các nữ tu kể là những hành vi tàn ác kinh khủng và để lại những vết thương không thể xóa bỏ hoặc quên lãng.

Trong một sứ điệp gửi hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ CNS, ngày 01 tháng Sáu vừa qua, nữ tu Miriam Zajac, thỉnh nguyện viên án tuyên chân phước cho mười nữ tu cho biết, có ít nhất 100 nữ tu dòng thánh Elizabeth bị Hồng quân Liên Xô giết chết, một số chị khác bị mất tích. Chị cũng nói rằng hồ sơ về án phong cho mười nữ tu được tường thuật và chứa đựng những chứng tích do các chứng nhân tận mắt. Chị Miriam cũng nói rằng không có binh sĩ Nga nào bị trừng phạt vì tội bạo hành hoặc hãm hiếp, điều này được sử dụng như một yếu tố trong chiến lược quân sự.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ không cử hành Thánh lễ Corpus Christi công khai

Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ không cử hành thánh lễ công khai vào ngày lễ Mình Thánh Chúa, theo một thông báo của Vatican về các hoạt động của ngài vào tháng Sáu và tháng Bảy.

Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ cho Cuộc Họp Mặt Các Gia Đình Thế Giới lần thứ 10 vào ngày 25 tháng Sáu và Lễ Trọng Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ vào ngày 29 tháng Sáu. Trong tháng 7, Đức Thánh Cha sẽ tông du Congo và Nam Sudan từ 3 đến 7 tháng 7. Sau đó, ngài sẽ đến Canada từ 24 đến 30 tháng 7.

Trong thông báo của mình, Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã mô tả không chính xác Thánh lễ chiều Thứ Bảy ngày 25 tháng 6 của Đức Giáo Hoàng là Thánh lễ cho Chúa nhật thứ 8 Mùa Thường Niên; thánh lễ ấy thực sự là thánh lễ Chúa Nhật thứ 13 Mùa Thường Niên.

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể. Ngày chính lễ là ngày thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Cụ thể, trong năm nay là ngày thứ Năm 16 tháng Sáu. Tuy nhiên, từ năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục cho phép các Giám Mục bản quyền theo nhu cầu của từng địa phương lễ Corpus Christi có thể được mừng vào ngày Chúa Nhật tiếp theo.

Chính vì thế ở 28 quốc gia trên thế giới Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành vào ngày thứ Năm 16 tháng Sáu, trong khi tại Ý và các quốc gia khác lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành vào ngày Chúa Nhật tiếp theo.

Theo truyền thống, người Công Giáo tham gia vào một cuộc rước qua các đường phố của một khu phố dân cư gần giáo xứ của họ, vừa đi, vừa cầu nguyện và hát. Sau đám rước, họ trở về nhà thờ và chầu Thánh thể.

Năm 1982, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tái lập truyền thống rước Thánh Thể long trọng trên các đường phố của Rôma sau một thời gian bị gián đoạn khoảng 100 năm.

Ngày 18 tháng 5 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định dời lễ Mình Máu Thánh Chúa tại Rôma từ Thứ Năm sang ngày Chúa Nhật. Năm 2018, ngài quyết định hủy bỏ hoàn toàn truyền thống này. Thay vào đó, vào ngày Chúa Nhật 3 tháng Sáu, 2018, Đức Thánh Cha đã đến thành phố duyên hải Ostia, nơi ngài chủ sự thánh lễ và cuộc rước sau đó. Năm 2019, Ðức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô tại Casal Bertone, Rôma. Năm 2020, Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ này tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Do vẫn còn phải tuân giữ các biện pháp ngăn chặn đại dịch, nên chỉ có khoảng 50 tín hữu tham dự Thánh lễ đó.

Năm ngoái, lúc 5giờ 30 chiều Chúa nhật 6 tháng 6, bên trong Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô cùng với tất cả các Hồng Y trong giáo triều Rôma hay đang có mặt tại Rôma.

Thông thường, đặc biệt là dưới thời các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của Đức Phanxicô, thánh lễ này được cử hành tại trước tiền tình Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô và được tiếp nối với một cuộc rước kiệu Thánh Thể long trọng trên các đường phố Rôma từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô đến Đền Thờ Đức Bà Cả.
Source:Holy See Press Office

3. Giáo hội Úc công bố các khuyến nghị trước cuộc họp cuối cùng của Công đồng toàn thể

Hôm thứ Tư 8 tháng Sáu, Giáo hội Úc đã công bố các khuyến nghị trước cuộc họp cuối cùng của Công đồng toàn thể.

Tài liệu cho biết cuộc khủng hoảng trong Giáo hội Úc, “có nhiều khía cạnh”, từ việc giải quyết các tác động liên tục của “việc lạm dụng đầy tội phạm và tội lỗi đối với trẻ vị thành niên” đến việc giải quyết sự tin tưởng của công chúng vào việc quản trị và các thủ tục của định chế.

Diễn trình tham vấn cũng đề cập tới các khuyến nghị do Ủy ban Hoàng gia đưa ra về các đáp ứng định chế đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em, được chính phủ Úc thành lập cách đây một thập niên và đã công bố báo cáo cuối cùng vào năm 2017.

Tài liệu này thiết lập chương trình nghị sự cho phiên họp thứ hai và cuối cùng của Công đồng toàn thể lần thứ năm của Úc Đại Lợi, diễn ra từ mùng 2 đến 9 tháng Bảy.

Tài liệu cho biết, “Cần phải có hành động liên quan đến khả năng sinh tồn và bền vững của các giáo phận, giáo xứ, dòng tu và các thừa tác vụ do thay đổi nhân khẩu học, nhân sự và tài nguyên gây ra. Chúng ta cần tìm cách phát triển các đặc sủng của những người được thụ phong và của tất cả những người đã lãnh phép rửa trong Giáo Hội, trong các thừa tác vụ hiện có và mới có nhằm thúc đẩy sứ mệnh của Giáo hội ngày nay”.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, Công đồng lập luận rằng đây cũng là thời gian để hy vọng trong Giáo Hội địa phương, với “ý thức mạnh mẽ hơn về sự hiện diện của Chúa Giêsu và Thánh Thần ban sự sống của Người trong lòng các tín hữu, trong đời sống cộng đồng của Giáo Hội, trong tất cả các nền văn hóa nhân bản và các dân tộc, và trong toàn bộ công trình sáng tạo. Niềm hy vọng này khuyến khích chúng ta cùng làm việc với các Kitô hữu, các tôn giáo khác và những người chia sẻ các giá trị dựa trên Tin Mừng của chúng ta, tăng cường việc phục vụ, việc vận động và sự hiện diện tiên tri của Giáo Hội trong xã hội Úc.”

Tài liệu cũng bày tỏ “nỗi buồn sâu xa” đối với những người từng bị tổn thương sau một cuộc gặp gỡ với Giáo Hội, những người từng trải qua việc bị hắt hủi, “bao gồm người Thổ dân và Cư dân Eo biển Torres, phụ nữ, những người đã ly hôn, những người xác định là LGBTIQA + và những người từng bị lạm dụng dưới mọi hình thức.”

Giáo Hội Công Giáo ở Úc đã khởi trình Công đồng Toàn thể vào Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2018, trước khi “tính đồng nghị” trở thành một hạn từ được bàn tán sôi nổi trong triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô và rất lâu trước khi ngài kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trên toàn thế giới về chủ đề này.

Các giám mục đã quyết định kêu gọi giáo hội địa phương thực hiện hành trình Công đồng Toàn thể lần thứ năm vào năm 2016.

Các Công đồng toàn thể là các phiên họp của các giám mục một quốc gia và rất phổ biến vào thế kỷ 19. Tại Hoa Kỳ, Sách Giáo lý Baltimore nổi tiếng được sử dụng trong các giáo xứ trước Công đồng Vatican II được đặt tên cho Công đồng Toàn thể lần thứ Ba của Hoa Kỳ, diễn ra tại Baltimore vào năm 1884. Tuy nhiên, các Công đồng toàn thể trở nên ít phổ biến hơn vào thế kỷ 20, và Công đồng toàn thể gần đây nhất ở Úc diễn ra vào năm 1937.

Các nhà tổ chức của sự kiện mới nhất đã thực hiện một cuộc tham khảo trên toàn quốc nhằm kết tinh các chủ đề và vấn đề chính đang thách thức đời sống Giáo hội ở mọi bình diện. Khoảng 220,000 người đã trả lời câu hỏi: “Bạn nghĩ Thiên Chúa đang yêu cầu chúng ta điều gì ở Úc vào thời điểm này?”

Được dời lại do đại dịch COVID-19, phiên họp đầu tiên đã nhóm họp vào tháng 10 năm 2021.

Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe, chủ tịch Công đồng và là Tổng giám mục của Perth viết, “Ngay từ khi bắt đầu cuộc hành trình này, chúng ta đã tìm cách lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói, và tài liệu mà tôi hân hạnh được cung cấp cho các bạn bây giờ này, là thành quả của cả việc lắng nghe lẫn phân định về tất cả những gì chúng ta đã chia sẻ với nhau”.

Tài liệu dài 44 trang bao gồm 30 đề nghị mà các đại biểu sẽ biểu quyết để xác định xem Công đồng toàn thể có thông qua chúng hay không trong Phiên họp thứ hai, diễn ra tại Sydney.

Từ nay cho đến ngày 15 tháng 6, các thành viên của Công đồng toàn thể có thể đề xuất các sửa đổi đối với các đề nghị và cả các đề xuất này cũng như các đề nghị sẽ được biểu quyết trong Phiên họp lần thứ hai.

Vào những thời điểm được đánh dấu bằng “việc quá độ của xã hội Úc từ một dân số phần lớn theo Kitô giáo sang một xã hội đa tôn giáo, đa văn hóa và không thống thuộc tôn giáo nào, cùng với việc công chúng chấp nhận các hình thức đa dạng của đời sống hôn nhân và gia đình, khuynh hướng tình dục và xác định phái tính,” và xem xét các tác động của đại dịch trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, Công đồng đã chấp nhận “nhu cầu cấp thiết” phải phát triển một “hệ sinh thái toàn diện của sự sống” đòi hỏi điều mà các vị giáo hoàng gần đây gọi là “hoán cải sinh thái”.

Các đề nghị được chia thành tám nhóm phụ từ “Hòa giải: Chữa lành các vết thương, Tiếp nhận Các Ơn phúc”, đề cập đến tác phong của Giáo hội Úc liên quan đến dân số Bản địa của đất nước; đến “Lựa chọn ăn năn - Tìm kiếm sự chữa lành”, tập trung vào cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ ở Úc.

Các chủ đề khác là việc làm môn đệ truyền giáo, làm nhân chứng cho phẩm giá bình đẳng của phụ nữ và nam giới, việc đào tạo và lãnh đạo, quản trị và chăm sóc sáng thế của Thiên Chúa.

Về thổ dân và những người dân Eo Biển Torres, tài liệu thừa nhận rằng Giáo Hội ở Úc “đã bị cuốn hút vào lịch sử tước đoạt này, Các thế hệ bị đánh cắp, sự phá hoại ngôn ngữ và văn hóa, và phân biệt chủng tộc.” Mặc dù các giáo phận và dòng tu đã thực hiện “nhiều nỗ lực chân thành để chia sẻ đức tin, giáo dục và các dịch vụ mục vụ” với những người này, “nhiều đau khổ đã gây ra bởi những nỗ lực sai lầm của những người không biết đến sự phong phú về văn hóa của các dân tộc này”.

Trong tương lai, họ nói, “chúng ta sẽ không hoàn toàn là Giáo Hội mà Chúa Giêsu muốn” cho đến khi những dân tộc này đóng góp vào đời sống của Giáo Hội, và cho đến khi nó được những người khác “vui vẻ đón nhận”.

Tương tự, khi nói đến những tội ác có tính chất tình dục do các nhân viên Giáo Hội, các giáo sĩ và giáo dân gây ra, Giáo Hội phải xin lỗi những nạn nhânvà gia đình của họ; cam kết đáp ứng bằng công lý và lòng cảm thương cho những người đau khổ; thực hiện các biện pháp bảo vệ và mời tất cả các thành viên của Giáo Hội bảo đảm các môi trường an toàn và đầy tôn trọng bên trong định chế.

Nếu các đề nghị trong phần nói về việc làm môn đệ truyền giáo được thông qua, Công đồng Toàn thể sẽ cam kết để Giáo Hội ở Úc trở thành Giáo Hội “tập trung vào Chúa Kitô” và cổ vũ lòng hiếu khách, gặp gỡ, đối thoại và lòng thương xót. Nó cũng kêu gọi đối thoại với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và phát triển một kế hoạch dài hạn để truyền giáo cho các tín hữu “về sự thánh thiện của cuộc sống, bản chất con người, tình dục, hôn nhân và gia đình; hỗ trợ mọi người có cuộc sống hôn nhân và tình dục lành mạnh; và loan báo Tin Mừng thông qua sự tham gia của người Công Giáo vào lãnh vực công cộng và đóng góp vào cuộc tranh luận công khai về các vấn đề liên quan đến hôn nhân và tình dục.”

Về sự bình đẳng giữa nam và nữ, họ kêu gọi “nâng cao vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội”, bao gồm cuộc đàm đạo nhiều hơn - cả ở địa phương lẫn với Vatican - về khả năng phong phụ nữ làm phó tế, nhiều nhìn nhận công cộng hơn đối với phụ nữ, và nếu cần, “trả tiền công thích đáng hơn” cho các phụ nữ đang lãnh đạo và phục vụ trong Giáo Hội.

Công đồng cũng có thể chấp thuận việc thiết lập các quy định để giáo dân thuyết giảng.
Source:Crux